Chia sẻ

Tre Làng

NỘP PHÍ ÔNG THĂNG ĐỂ ĐƯỢC TỰ HÀO

Cả huyện người sử dụng ô tô phải chấp nhận tình trạng phí chồng phí, thuế chồng thuế còn chưa cũ thì Bộ GTVT lại đề xuất thêm mấy khoản phí khủng, khiến dư luận một phen "dậy sóng".

Rất may là khoản phí đến vài chục triệu đồng một năm tạm thời chưa áp dụng vì không nhận được sự đồng tình của người dân. Tuy nhiên, việc Bộ trưởng Thăng tuyên bố "600.000 người có ô tô sẽ tự hào vì mình đóng góp cho đất nước" lại tiếp tục gây tranh cãi ồn ào...

Vì sao đề xuất thu phí "khủng" bị phản đối?

Tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 3 ngày 1-4, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải (GTVT) Đinh La Thăng cho biết: "Hiện vẫn chưa quyết thời điểm thu phí hạn chế phương tiện vận tải cá nhân và phí lưu hành ô tô vào trung tâm TP giờ cao điểm vì cần thời gian chuẩn bị và vì nền kinh tế đang khó khăn nên cần chậm lại. Thời điểm nào sẽ thu phí chưa thể khẳng định nhưng chắc chắn không thể trong năm 2012". Bộ trưởng Thăng cũng khẳng định: "Xây dựng Đề án thu phí là một trong những giải pháp hạn chế tai nạn và ùn tắc giao thông". Điều đó có thể hiểu là sớm muộn gì thì những người đi ô tô sẽ phải đóng khoản phí "khủng" từ 20 triệu đồng - 50 triệu đồng/năm. Cách giải thích của Bộ trưởng Thăng làm không ít người băn khoăn: Liệu có phải vì năm 2011 nền kinh tế gặp nhiều khó khăn nên người dân không ủng hộ đề xuất của Bộ GTVT hay vì sự vô lý của đề xuất này? Luật sư Vũ Lợi, Giám đốc Cty Luật Hòa Lợi cho rằng: "Ông Thăng nhận định như vậy chưa "trúng" bản chất vấn đề. Chuyện người dân không ủng hộ đề xuất thu phí của Bộ GTVT không phải chỉ vì nền kinh tế đang khó khăn. Vấn đề chính là do sự bất hợp lý của đề xuất này. Ông Thăng chưa tính đến việc ngành công nghiệp ô tô Việt Nam sẽ điêu đứng thế nào; Nhà nước sẽ không thu được những khoản thuế từ việc nhập khẩu ô tô ra sao; hàng trăm ngàn chiếc xe ô tô cũ sẽ "đi về đâu"… Hơn nữa, việc so sánh mức phí sử dụng ô tô ở Việt Nam với mức phí của một số nước như Singapore, Nhật Bản là khập khiễng vì giao thông công cộng của chúng ta không thể so với họ, thu nhập bình quân của ta cũng thấp hơn họ quá nhiều. Chính vì thế, nếu không điều chỉnh mức thu phí hợp lý và giải quyết tình trạng phí chồng phí thì đề xuất thu phí hạn chế phương tiện vận tải cá nhân của Bộ GTVT dù có đề xuất ở thời điểm hoàng kim của nền kinh tế cũng khó nhận được sự đồng thuận của người dân".

Hiện, người sử dụng ô tô tại Việt Nam phải "gánh" gần 10 khoản phí khác nhau. Đó là các khoản: Lệ phí trước bạ, lệ phí đăng ký cấp biển số, phí xăng dầu, phí bình ổn giá xăng dầu, phí đăng kiểm, phí bảo hiểm, phí đỗ xe, phí gửi xe… Và nếu phí bảo trì đường bộ, phí lưu hành phương tiện, phí quyền được sử dụng ô tô, xe máy được áp dụng thì quả là "ác mộng" đối với những người đang sử dụng ô tô. Cần phải khẳng định rằng, những người sử dụng ô tô đã đóng góp những khoản tiền không nhỏ để xây dựng đất nước qua các khoản thuế và phí. Tuy nhiên, bất cứ đề xuất hay giải pháp nào cũng phải tính đến sự hợp lý, tính đến quyền lợi chính đáng của người dân. Lý do Bộ trưởng Thăng đưa ra để làm căn cứ đề xuất áp hai khoản phí đang tạm dừng lại là "giảm ùn tắc và lấy tiền đầu tư hạ tầng giao thông" chưa hợp lý vì: Ô tô không phải là nguyên nhân chính gây tắc đường; nguồn tiền thu từ các khoản phí này không bù đắp được các khoản thuế bị sụt giảm vì lượng ô tô mới giảm mạnh…

Người dân đã đồng thuận?

Tại buổi họp báo thường kỳ tháng 3 ngày 3-4 của Bộ GTVT, Bộ trưởng Đinh La Thăng phát biểu: "Tôi nghĩ rằng 600.000 người đang sử dụng ô tô sẽ ủng hộ và tự hào vì được đóng góp…". Trong các cuộc kháng chiến giữ nước thần thánh của dân tộc, hàng triệu người Việt Nam đã tự nguyện hiến nhà, hiến xe, hiến tiền vàng, tính mạng cho cách mạng và tất cả họ đều tự hào về điều đó. Tuy nhiên, việc Bộ trưởng Thăng cho rằng "600.000 người đang sử dụng ô tô sẽ ủng hộ và tự hào" vì được đóng các khoản phí mà Bộ GTVT vừa đề xuất thì đã có sự nhầm lẫn. Sự nhầm lẫn thể hiện ở các vấn đề sau: Thứ nhất, đã có hàng ngàn ý kiến của những người sử dụng ô tô phản đối đề xuất thu hai khoản phí mới của Bộ GTVT trong thời gian qua. Thứ hai, người dân chỉ tự hào vì được đóng các khoản thuế và phí hợp lý chứ không tự hào về những khoản phí bất hợp lý. 

Nói về "thì tương lai" của phí hạn chế phương tiện vận tải cá nhân, ông Lâm Tăng Bình, GĐ Cty Nguyên Việt, một Cty chuyên về sửa chữa, mua bán ô tô trên đường Lê Văn Lương kéo dài nhận định: Nếu Bộ GTVT không điều chỉnh mức phí xuống thấp thì rất khó nhận được sự đồng tình của người dân. Thời gian qua, thị trường ô tô điêu đứng vì thông tin phải nộp phí "khủng". Hầu hết người sử dụng ô tô mà người viết bài này biết đều khẳng định, nếu được hỏi ý kiến sẽ phản đối mức phí do Bộ GTVT vừa đề xuất. Nhiều người cho rằng, chỉ khi Bộ trưởng Thăng cơ bản giải quyết được tình trạng nhà lấn đường, thiếu ý thức khi tham gia giao thông, cải thiện giao thông công cộng… thì mới nên đề xuất thu phí hạn chế phương tiện giao thông cá nhân. Lúc đó, lòng dân đã thuận thì “việc gì cũng xong".

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Tìm kiếm mở rộng

Google TreLang

Tre Làng

Thông kê truy cập

Lưu trữ Blog