Chia sẻ

Tre Làng

GIẤC MƠ THIÊN NGA ĐEN VÀ TIẾNG GAI HÓT TRONG BỤI MẬN CHIM

Bài sưu tầm

Mọi lần khi tỉnh giấc mình chỉ lơ mơ nhớ rằng có mơ một giấc mơ nào đó, chứ không thể nhớ chính xác mơ những gì. Đêm qua lại khác, mình mơ một giấc mơ lạ, một giấc mà mà bình thường mình sẽ không bao giờ nghĩ tới. Vậy mà có ai từng bảo chúng ta thường năm mơ về những gì mà khi thức chúng ta nghĩ tới nhiều nhất.

Tuy giấc mơ chẳng có gì liên quan, nhưng vì nó khó hiểu đến kì quái nên khi thức dậy ý nghĩ đầu tiên lóe lên trong minh là sự kị dị của Nina trong Black swan. Black swan – Thiên nga đen, bộ phim được đề cử giải Oscar dịp tháng 2 vừa rồi. Tuy chỉ thu về những giải phụ và không thể vượt qua The King’s speech để đoạt giải film hay nhất, nhưng Black swan đúng là một tác phẩm mà cả mình và chồng đều nhận định “quá khó hiểu”.

Ngay sau khi xem xong Black swan mình nói với chồng: “Thề với anh là từ sau em không bao giờ xem những bộ film tương tự như Black swan nữa. Buồn nôn!”. Chồng mình cũng tán thành điều đó và nói “hẳn nào mà nó không thắng nổi The King’s speech”. Không biết những người đã từng xem Black swan có cùng cảm tưởng giống vc mình không?

Ngày xưa còn đi học, mình đã từng mượn một chị khóa trên cuốn “Tiếng chim hót trong bụi mậm gai”vì chị nói chị mê tác phẩm này lắm. Chị đã đọc đi đọc lại không biết bao nhiêu lần… Tiếc rằng có thể khi đó do mình còn ít tuổi hay do mình còn quáấu trĩ và nông cạn nên mình cảm thấy “nóng bừng” khi đọc tới đoạn miêu tả cái khát khao làm tình của nhân vật nữ chính Meggie Cleary… Mình thậm chí nghĩ là thật ghê tởm khi thấy tác giả lột tả những cảm xúc rất “đàn bà” của M.C như vậy. Cũng dễ hiểu vì khi đó mình là một con bé mới mười mấy tuổi đầu, đến cái cảm giác đỏ mặt khi bị một bạn khác giới nhìn mình còn chưa biết. Khi đó mình đánh đồng bọn con trai trong lớp là “đàn em”, mỗi lần muốn toàn lớp trật tự mình lại giơ cao cái thước kẻ và đập xuống bàn như thể ngoài giáo viên chủ nhiệm ra , thì một đứa lớp trưởng là mình là đứa có quyền uy nhất.

Giờ đây khi đã lập gia đình, mình tuy không còn đọc lại tiểu thuyết này, tuy không còn nhớ chính xác những lột tả ấy, nhưng mình biết rằng tác phẩm xứng đáng với sự yêu mến của hàng triệu độc giả trên toàn thế giới. Đã có những bình luận về “Tiếng chim hót trong bụi mận gai” kinh điển như thế này:

Có một truyền thuyết về con chim chỉ hót một lần trong đời, nhưng hót hay nhất thế gian. Có lần nó rời tổ bay đi tìm bụi mận gai và tìm cho bằng được mới thôi. Giữa đám cành gai góc, nó cất tiếng hát bài ca của mình và lao ngực vào chiếc gai dài nhất, nhọn nhất. Vượt lên trên nỗi đau khổ khôn tả, nó vừa hót vừa lịm dần đi, và tiếng ca hân hoan ấy đáng cho cả sơn ca và họa mi phải ghen tị. Bài ca duy nhất có một không hai, bài ca phải đổi bằng tính mạng mới có được. Nhưng cả thế gian lặng đi lắng nghe, và chính thượng đế trên Thiên đình cũng mỉm cười. Bởi vì tất cả những gì tốt đẹp nhất chỉ có thể có được khi ta chịu trả giá bằng nỗi đau khổ vĩ đại… Ít ra là truyền thuyết nói như vậy”.

… Có một truyền thuyết về người con gái chỉ yêu một lần duy nhất trong đời, nhưng nàng yêu bằng một tình yêu mãnh liệt nhất thế gian. Có lần nàng quyết bỏ đi tìm tình yêu đích thực của đời mình, qua bao cạm bẫy và ngang trái của đời thường, người con gái vẫn quyết lao vào ngọn lửa tình yêu mặc dù biết có thể mình sẽ bị thiêu trụi trong đó. Vượt lên trên mọi nỗi đau khổ khôn tả, nàng đã chiến thắng cả đức Chúa Trời để giành lại người mình yêu. Một tình yêu duy nhất nhưng cả thế gian phải lặng đi để chiêm ngưỡng, và chính thượng đế trên thiên đình cũng phải ghen tị BỞI VÌ TẤT CẢ NHỮNG GÌ TỐT ĐẸP NHẤT CHỈ CÓ THỂ CÓ ĐƯỢC KHI TA CHỊU TRẢ GIÁ BẰNG NỖI ĐAU KHỔ VĨ ĐẠI… Người con gái đó chính là Meggie, nhân vật nữ chính trong tiểu thuyết Tiếng chim hót trong bụi mận gai, dám đoạt tình yêu vĩ đại từ tay Chúa. Và ngày nay có bao nhiêu người con gái dám yêu hết mình, dám đi đến cùng của thử thách để giành lại cho mình một tình yêu đích thực…?! 

Em sẽ là Meggie bé bỏng
Bằng con tim với niềm ước vọng
Giành lại anh từ tay đức chúa trời
Có một loài chim như thế anh ơi!
Không chịu sống một cuộc đời tẻ nhạt
Mà phải sống với niềm khao khát
Dù phải lao mình vào bụi mận gai…

Bài viết cũng không quên lưu ý rằng: “Con chim xanh lãng mạn không có lỗi khi sống và chết ở trong trang sách. Nhưng nó làm cho nhiều người lầm lẫn cả tin, làm cho nhiều người đau khổ và thất vọng. Và bài ca ấy, đã bị ma quỷ phổ lời vào.”

Không đơn giản và không ca ngợi khát khao được yêu và sống vì tình yêu như “Tiếng chim hót trong bụi mận gai”, “Thiên ngađen” lại là một mê cung huyền ảo đầy bí ẩn như chính sự phức tạp trong tính cách cũng như nội tâm của cô nàng vũ công Nina. Có lẽ phải sau một tháng từ khi xem Black swan mình mới dám xem lại lần hai. Lúc này mình không dám nói từ “thích” với bộfilm, dù gì mình và chồng đều thích The king’s speech hơn, bởi sự nhẹ nhàng, gần gũi đầy nhân văn của nó. Nhưng lần xem thứhai đó cũng đủ để giúp mình không còn “ghê sợ” và phần nào cảm nhận được sự hấp dẫn riêng của nàng thiên nga đen điên dại. Ai ngờ được một Nina trong sáng thanh thiện như một thiên nga trắng muốt lại hiện hình là một thiên nga đen gian xảo. Những cảnh quay tuyệt đẹp, những động tác ba lê đầy quyến rũ cũng cách dựng phim hết sức phức tạp, sự xuất thần trong diễn xuất của Natalie Portman càng làm cho tính cách nhân vật Nina trở nên vô cùng hấp dẫn dẫu cũng cực kì kì quái. Sự giành xé nội tâm Nina được đẩy lên hết cao trào này đến cao trào khác. Mình thậm chí nhiều lúc nín thở khi xem những bước ngoặt tâm lý của cô, nhạc nền mà đạo diễn lựa chọn cũng không thể phù hợp hơn được nữa.

Thiên nga đen – trắng vốn chỉ là hai mặt của mỗi con người. Nhưng khi khát khao giành chiến thắng và sự bất chấp mọi thứ đểđạt tới mục tiêu của mình thì con người sẽ biến màu trong chốc lát, phần đen tối trong mỗi con người sẽ hiện hình nhanh chóng đến chính bản thân chúng ta cũng không ngờ được. Hành trình đạt mục đích là được diễn cả hai vai thiên nga đen và trắng của Nina, khiến cho cô nàng vũ công Nina ít nói hiền lành vốn chỉ được cho là chỉ phù hợp với vai thiên nga trắng phải lao vào “chiến dịch phơi bày sự xấu xa” của mình. Nina làm tất cả chỉ hi vọng được sự thừa nhận của đạo diễn rằng cô cũng đủ giảo quyệt, răng cô là người hoàn toàn đủ năng lực diễn cùng lúc hai vai đen và trắng. Cô có lúc tự huyễn hoặc những giành xé nội tâm của mình lên bất kỳ ai xung quanh. Cô hiểu sai dụng ý của đạo diễn khi liên tục đi tìm sự “khát dục” sâu kín trong mình. Từ đó hành trình khám phá mặt đen tối của cô được phơi bày. Đó cũng có thể hiểu là cuộc đấu tranh giành xé giữa thiện và ác trong con người cô.

Dẫu bản thân mỗi con người luôn chứa đựng hai mặt trắng đen, sự đấu tranh dù bên nào chiến thắng cũng không bao giờ có hồi kết. Nhưng như Nina thì quả thật quá kì lạ, khiến những khan giả như mình không hiểu vì sao cô phải điên dại đến mức thái quá như vậy. Có lẽ, đấy là ý đồ của đạo diễn muốn tạo điểm nhấn cho tác phẩm, hay giống như chúng ta luôn thích từ ngữ mạnh khi muốn người khác chú ý tới mình. Dù gì đi nữa thì khi Black swan đã được rất nhiều chuyên gia phê bình điện ảnh bỏ phiếu thuận. Không ai khi xem xong Black swan lại không bị ám ảnh bởi ánh mắt đầy thèm khát và ma quái ấy. Natalie thực sự xứngđáng với giải Nữ diễn viên xuất sắc nhất của giải Oscar 2011.

Mình thích cái kết của film va đặc biệt xúc động trước cảnh quay kết: trong tiếng vỗ tay không ngớt của khán giả khi vở kịch Hồ thiên nga kết thúc, toàn tấm thân nàng thiên nga trắng Nina đổ xuống, giữa bụng nàng dòng máu đỏ do chính thiên nga đen Nina dùng mảnh gương vỡ đâm vào, ứa ra thấm đưỡm bộ váy trắng muốt. Tuy sẽ hơi khập khiễng nhưng mình thấy sự liên kết nào đó giữa nàng thiên nga Nina xinh đẹp trên vũ đài khát vọng và con chim xanh nhỏ bé Meggie lao mình vào bụi mận gai để được cất lên tiếng hát tình yêu, ”BỞI VÌ TẤT CẢ NHỮNG GÌ TỐT ĐẸP NHẤT CHỈ CÓ THỂ CÓ ĐƯỢC KHI TA CHỊU TRẢ GIÁ BẰNG NỖIĐAU KHỔ VĨ ĐẠI”, ít ra là hai tác phẩm này đều nói như vậy.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Tìm kiếm mở rộng

Google TreLang

Tre Làng

Thông kê truy cập

Lưu trữ Blog