Chia sẻ

Tre Làng

Sao cứ phải xúm vào nói xấu Ngọc Trinh?

Tôi vốn không ham đọc tin về giới showbiz, đơn giản là vì giới đó ở Việt Nam chưa làm được nhiều điều lớn lao đáng khen ngợi đến độ cả xã hội phải trầm trồ. Nhưng một phần cũng vì những thứ đáng được khen thì lại ít người để ý hơn là những thứ gây “phẫn uất”. Gần đây, Ngọc Trinh gây chú ý, chỉ vì một bài phỏng vấn, xã hội đã chia thành hai phe chính, ủng hộ và phản đối; ngoài ra, còn một vài phe nhỏ nữa như không thèm để ý hoặc xem thiên hạ chửi nhau như là một cái thú

Tôi thấy Ngọc Trinh gây chú ý là vì những lời cô ấy nói ra đụng chạm đến quan điểm về lối sống nên mọi người mới xôn xao đến thế. Nhưng vì cô ấy rất đẹp và thuộc giới showbiz, chứ nếu cô ấy cũng như tôi, bạn bè của tôi, nhan sắc tầm tầm hoặc xấu xí, học hành trung bình, kiếm tiền trung bình, chả phải là người nổi tiếng thì chắc xã hội cũng chả rùm beng đến thế.

Thấy hai bạn Hồ Thu và Vũ tranh luận sắc bén quá, chứng tỏ các bạn đều rất nghiêm túc trong chuyện đấu tranh cho cái đẹp chứ không phải thừa hơi buôn dưa lê nên tôi thực sự cảm kích, cũng vì thế mà muốn có đôi lời.

Ngọc Trinh đại diện cho ai để ta phải noi theo?

Tôi là đàn bà, con gái, hồi xưa tự ti với nhan sắc của mình, bây giờ thì thấy nó cũng bình thường, chả sợ mình xấu, cũng không bảo mình đẹp, là vì tôi cũng có nhiều mối quan tâm khác. Nhưng nói thật, tôi thấy con gái xinh cũng còn muốn nhìn, cũng ước ao giá mình được thế, nữa là các bạn là đàn ông, thấy gái đẹp thì khen, còn yêu hay không là chuyện khác, chọn làm vợ hay không càng là chuyện khác nữa. Tôi thì thấy Ngọc Trinh rất đẹp, nuột nà không tì vết (ít nhất là trên ảnh), cô ấy cũng chả đao to búa lớn, không chỉ trích ai, chưa từng phải gửi thư lên Hội Phụ nữ than khóc là bị xã hội ném đá như mẹ con em Quỳnh Anh VN got’s Talent. Hơn nữa, bài phỏng vấn hoàn toàn mang tính cá nhân, cô ấy cũng như phóng viên, không đại diện cho bất cứ tổ chức hay giai cấp, ngành nghề nào cả. Giá phóng viên hỏi “Với tư cách là một hoa hậu, chị muốn truyền tải thông điệp gì?” thì lại là chuyện khác. Cô ấy cũng không là Giám đốc dự án phát triển kinh tế cho phụ nữ nông thôn khi có những phát ngôn như thế. Chuyện noi theo hay không noi theo lối sống của cô ấy là chuyện của mỗi cá nhân. Nếu có bản lĩnh tốt, chả việc gì phải sợ đạo đức suy đồi.

Cái đẹp nhiều khi không có quy chuẩn, nó phụ thuộc vào cảm giác, thế mới sinh ra nghệ thuật. Tôi thì nhìn ảnh Ngọc Trinh thấy xinh, thấy cảm giác thoải mái như khi ngắm một bông hoa đẹp, vì tôi cũng không trông chờ các trách nhiệm xã hội của cô ấy. Cô ấy xác định rất rõ giá trị của mình, con đường của mình nên tôi ngạc nhiên vì các bạn gái cứ phải gay gắt khen chê. Các bạn chọn con đường của các bạn vì các bạn hiểu con người mình, khả năng của mình, giá trị của mình, cũng như cô ấy vậy.

Nếu nói rằng vì Ngọc Trinh là người của công chúng nên phải gánh trách nhiệm về đạo đức của giới trẻ là không đúng. Nếu bạn không đồng tình, lo ngại vì tác động xấu của cô ấy, nếu bạn muốn con mình không như thế thì trách nhiệm trước hết thuộc về gia đình bạn. Cách giáo dục của từng gia đình sẽ quyết định phần lớn đạo đức của con cái. Nếu nói tại xã hội là đã tự công nhận sự thất bại của gia đình mình trong việc tạo dựng tư cách, bản lĩnh sống cho con cái.

Ngọc Trinh có lao động không?

Tôi cũng con nhà gia giáo, học hành tử tế, sống tử tế, không trộm cắp, nhưng không phải vì thế mà tôi cho rằng tất cả những ai không học hành cũng như không được học hành là xấu xa. Dốt hay không dốt cũng không quan trọng bằng có chấp nhận con người thật của mình không. Dốt thì rõ ràng không tốt bằng không dốt, nhưng nếu nhận rằng tôi không thông minh vẫn tốt hơn là đã dốt lại còn bảo tôi không dốt. Chê cô ấy là não ngắn hay gì gì gì đó trên mặt báo cũng là không hay, ít nhất là ở mức độ con người với nhau. Phần lớn những lời chê bai là cô ấy không làm gì cho xã hội mà vẫn giàu, rằng thế là lười lao động, rằng tự hào với những thứ không phải mình làm ra là xấu xa, rồi những lời nói đó ảnh hưởng đến giới trẻ…

Nếu bảo lao động là có đóng góp cho xã hội, làm giàu cho xã hội chỉ khi làm ra của cải vật chất, thì nói thật chỉ có nông dân, ngư dân, thợ thủ công… mới xứng đáng là con người; còn giới giải trí, nghệ thuật, dân văn phòng, các thương nhân, chính khách…là hạng vô dụng hết vì không chịu lao động tạo ra của cải vật chất. Xã hội đã phân chia lao động mới là xã hội phát triển. Vậy nên mỗi người đóng góp cho xã hội bằng giá trị riêng của mình, thế là công bằng. Ngọc Trinh đẹp cho người ta ngắm, như đi xem triển lãm mỹ thuật (hoặc bình dân hơn là mua hoa về cắm), trả lời phỏng vấn vì nhiều người muốn biết thêm về cô ấy, thỏa mãn trí tò mò của mọi người, ai quan tâm thì đọc. Cớ sao đọc rồi lại xúm vào miệt thị cô ấy?

Ai cũng có giá trị trong cuộc đời này và có đóng góp cho xã hội. Ví như, bạn rất bình thường, nhưng cuộc sống của bạn là niềm hạnh phúc của bố mẹ bạn, bạn chăm sóc chồng con mình cũng là phục vụ cho xã hội vì bố mẹ của con trẻ thấy hạnh phúc, lao động vì con trẻ, đóng góp cho xã hội, như thế ai cũng có đóng góp trực tiếp hay gián tiếp cho xã hội, rất khó để định giá các đóng góp của mỗi cá nhân. Không thể nói người ta nằm ngửa ăn tiền được. Tôi không dạy con gái tôi làm gái gọi, nhưng tôi cũng không dạy con gái tôi khinh rẻ tất cả cave hay những người được cho là não ngắn. Nếu thấy khiếm khuyết về nhan sắc là bình thường thì cũng phải cho chuyện không thông minh là bình thường. Mỗi sự khiếm khuyết chỉ đáng trách khi nó bị đặt không đúng chỗ. Ví dụ như học dốt mà đòi làm tiến sĩ thì đáng ăn chửi, múa đẹp mà lại làm chuyên gia huấn luyện khỉ, hay trí tuệ có thừa, nhưng sức mỏng lại cứ đòi đi bê đất đóng gạch đơn thuần thì có phải là phí không. Chân ngắn, người béo lại đòi làm người mẫu thì kệch cỡm, nhưng có mặt xinh xắn, chụp cái ảnh chỉ có đôi mắt lấp lánh thì lại là hay. Tôi thấy Ngọc Trinh hình thể đẹp, cân đối, ưa nhìn, làm người mẫu đồ lót là hợp lý, có người yêu bao bọc vì muốn thấy vẻ xinh tươi của cô ấy, thấy vui vẻ khi chu cấp cho cô ấy cũng là hợp lý. Cô ấy không đòi làm giảng viên đại học, cũng có đòi mở lớp dạy “kỹ nghệ lấy Tây” đâu mà các bạn đã chê bai phải cay nghiệt thế.

Đúng là thời nay tôi thấy con gái, đàn bà Lý Thông nhiều lắm, mà còn thêm cái mác có học hay con nhà tử tế thì còn đáng dị ứng hơn. Tôi mà là đàn ông thì thích chọn cái cô nhân hậu, biết điều (kể cả có đanh đá một tí để khỏi bị bắt nạt), hoặc ngốc một tí nhưng ngoan, hiền lành, không xấc xược để làm vợ; còn việc ngắm hay trầm trồ gái đẹp thì cũng là tất yếu. Người đẹp như thế, chọn sự nghiệp là làm cảnh, làm giải trí, tức là thành công trong sự nghiệp rồi. Khi nào đàn ông thi nhau rước một cô bồ đẹp như Ngọc Trinh, rồi về chê bai vợ đã không đáp ứng được nhu cầu thị giác hay xúc giác của mình, rồi cô bồ đó lại được thể lấn lướt, dạy đạo đức cho các bà vợ, mà lại được xã hội cổ vũ, cho vào làm gương tốt trong sách giáo khoa nữa thì mới thật là đạo đức suy đồi. Còn hiện tại cô ấy chẳng phải là Đại sứ Văn hóa hay Đại sứ du lịch, cũng không phải mang danh Thanh niên tiên tiến hay Phụ nữ ba đảm đang. Nếu cô ấy được thế nhờ những phát ngôn trần trụi kia thì tôi sẽ lên tiếng phản đối.

Vì sao Ngọc Trinh không chê ta xấu, mà ta cứ chê cô ấy dốt?

Tôi học hành (cũng phải chật vật cố gắng chứ chẳng dễ dàng gì), đọc sách, nghe nhạc và dạy con mình những thứ đó vì nó mang lại hạnh phúc, khoái cảm về tinh thần, chứ không phải vì như thế thì mới được coi là có đạo đức, văn hóa trong xã hội. Tôi không tham vọng nhiều, sống bình yên với hạnh phúc nhỏ của mình, hài lòng với cuộc sống của mình nên tôi nghĩ Ngọc Trinh thấy may mắn, biết ơn bạn trai, thấy hạnh phúc cũng là bình thường. Hơn nữa biết nói lời tri ân với người giúp đỡ mình không phải là điều ai cũng làm được. Cô ấy đâu có nói khinh rẻ người nghèo, cô ấy chỉ nói sợ cái nghèo lắm, mà ai chẳng sợ nghèo nên mới phải cố gắng làm việc. Tôi thấy cô ấy mà khinh rẻ người nghèo thì đã từ bỏ họ hàng, gia đình, chôn vùi cái quá khứ “nhục do nghèo” mới là có lý.

Tôi không quan tâm ngoài đời Ngọc Trinh là con người thật thà hay dối trá, cách sống tốt hay không tốt, nhưng tôi cho rằng ít ra với những gì cô ấy phát ngôn trên báo không đáng bị chửi bới miệt thị như thế, nhất là những người tự cho mình là đầu có chữ, có nếp nhăn rồi chê bai này nọ tôi cũng cho rằng thế là đủ xấu rồi. Người đẹp là người không chê cái xấu của người khác, không ghen tị với những thứ người khác có mà chỉ góp ý chân thành thôi. Có nhan sắc rồi coi thường người xấu, giàu khinh nghèo, có đủ tay chân khinh người tàn tật thì là vô văn hóa, vậy có chữ hoặc thông minh mà khinh người ít chữ hoặc tiếp thu chậm thì là tốt à?

Cuối cùng…

Gương xấu thời nay đúng là nhiều lắm, nhưng ai mượn chúng ta không thích đọc gương tốt nên mới thấy xã hội loạn. Nói thật lòng có phải vì thị hiếu các chúng ta cũng tầm thường không? Giá các công trình khoa học, các tác phẩm cũng được mổ xẻ, bàn tán, các dự án quy mô cũng được xăm soi hay các gương tốt được quảng bá rầm rầm, chen vào từng chén trà đá, thấm đẫm từng hạt hướng dương thì chúng ta đã yên tâm rằng xã hội không đảo điên vì tiền, vì gái. Nhưng chẳng lẽ phải thế mới dám yên tâm mà làm người tử tế đặng lao động đóng góp cho xã hội, hạnh phúc vì lẽ công bằng đang ngự trị?

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Tìm kiếm mở rộng

Google TreLang

Tre Làng

Thông kê truy cập

Lưu trữ Blog