Chia sẻ

Tre Làng

ĐẠO TIN LÀNH Ở VIỆT NAM VÀ MỘT SỐ VẤN ĐỀ CẦN LƯU TÂM

Là một tôn giáo lớn trên thế giới, đạo Tin lành đã có mặt ở Việt Nam hơn 100 năm. Trong quá trình tồn tại và phát triển ở Việt Nam, Tin lành đã chọn lựa các hình thức hoạt động mềm dẻo, giáo lí và lễ nghi được đơn giản hoá, quần chúng hoá.
Ở nhiều nơi đạo Tin lành đã thích nghi dễ dàng với phong tục tập quán của người địa phương, số lượng tín đồ đạo Tin lành ngày càng gia tăng. Tuy nhiên, những ảnh hưởng của nó tới đời sống chính trị xã hội, tâm lý lối sống, phong tục tập quán... đang đặt ra nhiều vấn đề khá phức tạp và nhạy cảm. 
Dưới đây là bài viết khái quát một số đặc điểm lịch sử về đạo Tin lành ở Việt Nam và những vấn đề đặt ra hiện nay. 

1. Sự hình thành đạo Tin lành và một số đặc điểm nhận biết

1.1 Sự hình thành đạo Tin lành

Nếu so sánh với các tôn giáo lớn trên thế giới như Phật giáo, Công giáo hay Hồi giáo thì Đạo Tin lành ra đời muộn hơn cả. Tuy nhiên, kể từ khi ra đời cho đến nay, đạo Tin lành đã phát triển rất mạnh, trở thành một tôn giáo quốc tế với khoảng 550 triệu tín đồ, gần 300 hệ phái tổ chức khác nhau và có mặt trên nhiều quốc gia.

Vào khoảng đầu thế kỷ XVI ở Châu Âu diễn ra sự phân biệt trong đạo Ki tô, dẫn tới việc ra đời của đạo Tin lành. Thực chất đó là cuộc cải cách tôn giáo và chính trị xã hội sâu sắc. Đạo Tin lành là kết quả của sự khủng hoảng đến mức trầm trọng về uy tín của Công giáo do những tham vọng quyền lực trần thế, sự sa sút về đạo đức của hàng giáo phẩm; là kết quả của sự lúng túng, bế tắc của nền thần học kinh viện thời trung cổ; là kết quả đầu tiên mà giai cấp tư sản mới ra đời giành được trong cuộc đấu tranh chống  lại giai cấp phong kiến mà chỗ dựa tư tưởng của giai cấp này là đạo công giáo.

Phong trào cải cách tôn giáo nổ ra đầu tiên ở Đức. Người khởi xướng và trở thành lãnh tụ nổi tiếng của phong trào này là Matin Luther. Ông là người đã bỏ dở chương trình Đại học Luật Erfurt để quyết định “dâng mình cho Chúa” rồi tu tại dòng Oguxtino. Sau đó Luther trở thành giáo sư, tiến sĩ thần học của truờng Đại học tổng hợp Wittenberg. Khi có dịp sang Rôma, Luther đã hoàn toàn thất vọng vì tận mắt chứng kiến đời sống xa hoa trần tục của số đông giáo sỹ. Với sự kiện này ông đã nhen nhóm những ý tưởng cải cách tôn giáo. Sau đó Luther đã công bố 95 luận đề với nội dung phê phán kịch liệt việc lợi dụng danh thánh để bóc lột dân chúng, lên án chức vụ giáo hoàng và giáo quyền Rôma...

Những quan điểm của Luther đã được đông đảo các tầng lớp nhân dân Đức ủng hộ, nhất là các công hầu quý tộc. Đến năm 1532, trước sự lớn mạnh của phong trào này, hoàng đế Đức đã phải thừa nhận sự tự do hoạt  động của đạo Tin lành.

Thụy Sĩ cũng là trung tâm lớn thứ hai của cuộc cải cách tôn giáo gắn với tên tuổi của Jean Calvin. Ông là người Pháp, đã từng theo học thần học và luật học  bằng học bổng của giáo hội Công giáo nhưng do hưởng ứng phong trào cải cách của Luther nên bị trục xuất khỏi Pháp và sinh sống ở Thuỵ Sĩ. Calvin đã nghiên cứu và hình thành một giáo thuyết riêng đồng thời cải cách về lễ nghi, giáo hội làm chuẩn mực cho phần lớn các hệ phái Tin lành đi theo...

Từ trung tâm Đức và Thuỵ Sĩ, phong trào cải cách tôn giáo phát triển nhanh chóng sang Pháp, Scotlen, Ireland, Hà lan, Anh , Nauy, Đan mạch... Đến cuối thế kỷ XVI đã hình thành một tôn giáo mới tách hẳn khỏi đạo Công giáo. Trong quá trình phát triển của mình, đạo Tin lành đã hình thành rất nhiều hệ phái khác nhau như Trưởng lão, Menhônai, Moóc Mông, Ngũ tuần, Giám lý, Thanh giáo và Giáo hội cộng đồng, Cơ đốc Phục lâm, Giáo hội thống nhất, Môn đệ đấng Chrits, Hội  Liên hiệp Phúc âm truyền giáo...

1.2. Đặc điểm nhận biết của đạo Tin lành

Đạo Tin lành có nhiều tổ chức hệ phái mặc dù có những dị biệt về giáo thuyết, nghi thức hành đạo và cách tổ chức giáo hội nhưng nhìn chung đều thống nhất ở những nội dung, nguyên tắc chính. Có thể khái quát và so sánh với đạo Công giáo:

Trước hết về thần học: Đạo Tin lành là một nhánh của Kitô giáo nên cũng lấy kinh thánh Cựu ước và Tân ước làm nền tảng giáo lý. Khác với Công giáo, Tin lành đề cao vị trí kinh thánh, coi đó là chuẩn mực căn bản duy nhất của đức tin và sự hành đạo, nhưng không coi kinh thánh là cuốn sách của riêng giáo sĩ mà tất cả các tín đồ, giáo sĩ đạo Tin lành đều đọc, sử dụng, nói và làm theo kinh thánh.

Đạo Tin lành cũng thờ Thiên chúa và thừa nhận chúa 3 ngôi: Cha, Con, Thánh thần; tin muôn vật đều do thiên chúa tạo dựng. Nhưng trong tín điều về Đức Bà hoài thai chúa GiêSu một cách mầu nhiệm, đạo Tin lành cho rằng Chúa chỉ mượn lòng bà Maria làm nơi sinh thành chứ Maria không thể là mẹ của Chúa dù theo bất cứ nghĩa nào, thậm chí sau khi sinh ra GiêSu, Maria không còn đồng trinh nữa và còn sinh rất nhiều con cái: Giacôp, Giôdep, Ximôn, Gruđa... Chính vì thế họ phản đối mọi sự thờ phụng bà Maria.

Là một tôn giáo đặc biệt đề cao lý trí trong đức tin. Do đó, luật lệ, lễ nghi, cách thức hành đạo của Tin lành đơn giản, không cầu kỳ rườm rà. Đạo Tin lành không thờ các tranh ảnh, hiện tượng cũng như dị vật phản đối việc hành hương đến các thánh địa. Trong 7 phép bí tích của đạo Công giáo, đạo Tin lành chỉ thừa nhận và thực hiện phép rửa tội và phép thánh thể. Nếu tín đồ đạo Công giáo xưng tội trong toà kín với linh mục là hình thức chủ yếu nhất thì tín đồ đạo Tin lành khi xưng tội và cầu nguyện có thể đứng giữa nhà thờ, đám đông để sám hối hoặc nói lên ý nguyện  của mình một cách công khai. Thánh đường của đạo Tin lành thường có kiến trúc hiện đại, đơn giản. Trong thánh đường chỉ có duy nhất cây thập giá, biểu tượng của Chúa GiêSu bị nạn.

Về nhân sự, đạo Tin lành cũng có giáo sĩ như công giáo. Giáo sĩ đạo Tin lành có hai chức: mục sư và giảng sư, không áp dụng luật độc thân như giáo sĩ đạo Công giáo. Và có một điều đặc biệt là giáo sĩ Tin lành có nhiều người là nữ. Các giáo sĩ tuy cũng được coi là người chăm sóc linh hồn cho tín đồ nhưng không có quyền thay mặt Chúa để ban phúc hay tha tội cho con chiên.

Về phương diện tổ chức, đạo Tin lành không lập ra tổ chức giáo hội mang tính chất phổ quát cho toàn đạo mà đi theo hướng xây dựng các giáo hội riêng rẽ, độc lập với những hình thức khác nhau theo từng hệ phái, từng quốc gia. Trong tổ chức giáo hội, các hệ phái Tin lành chủ trương giao quyền tự trị cho các giáo hội cơ sở, chi hội, các cấp giáo hội bên trên hình thành phù hợp với điều kiện hoàn cảnh cho phép. Giáo hội Tin lành không cấu thành bởi các vị giáo sĩ một cách cố định như Công giáo mà cả tín đồ, giáo sĩ tham gia thông qua bầu cử một cách dân chủ...

 Nhìn chung, có thể thấy sự cải cách của Tin lành về cách thức hành đạo cũng như tổ chức giáo hội chịu ảnh hưởng đậm nét của tư tưởng dân chủ và khuynh hướng tự do cá nhân, giảm thiểu và bớt đi sự linh thiêng về luật lệ, lễ nghi, cơ cấu tổ chức của đạo Công giáo. Sinh hoạt tôn giáo không lệ thuộc nhiều vào việc lễ bái, nơi thờ tự, chức sắc... Người ta khó có thể đánh giá mức độ và nhu cầu tín ngưỡng của tín đồ Tin lành qua việc họ có đến nhà thờ tham dự các sinh hoạt tôn giáo hay không. Đối với tín đồ Tin lành, nếu có đức tin thì ở tại gia đình với quyển kinh thánh, họ có thể chu toàn bổn phận của một tín đồ. 

Với lối sống đạo nhẹ nhàng đơn giản, không rườm rà và ràng buộc khắt khe như đạo Công giáo, lại đề cao tinh thần dân chủ trong các hoạt động về tổ chức nên đạo Tin lành là một tôn giáo có màu sắc mới mẻ, thích hợp với lối sống của giai cấp tư sản, tiểu tư sản, công chức thị dân nói chung trong xã hội công nghiệp. Ngày nay, người ta dễ dàng nhận thấy những nước có nền công nghiệp tiên tiến là những nước có đông người theo đạo Tin lành như Thụy Điển, Nauy, Đan Mạch, Đức, Anh, Hà Lan, Mỹ…

Bên cạnh đó, cũng có thể  nhận thấy rằng  Tin lành ra đời khi các tôn giáo lớn đã tạo được nhiều hình ảnh ở những địa bàn nhất định. Ví dụ như Phật giáo ở Châu Á, Công giáo ở Châu Âu, Hồi giáo ở Trung cận đông... Trước thực tế đó, Tin lành một mặt nỗ lực lôi kéo Công giáo ở Châu Âu, mặt khác tìm đến vùng xa xôi hẻo lánh để phát triển đạo. Ở những vùng này, đạo Tin lành không chỉ khai thác lợi thế là một tôn giáo có lối sống đạo đơn giản, đề cao dân chủ và vai trò cá nhân mà còn nghiên cứu rất kỹ đặc điểm văn hoá tâm lý, lối sống của từng dân tộc ở những vùng này để có phương thức phù hợp. Đặc biệt những nơi có phong tục tập quán lạc hậu, Tin lành xuất hiện với những điều mới lạ và tiến bộ lôi kéo người tin theo và trong những trường hợp đó đạo Tin lành phát triển rất nhanh. Vậy đối tượng tín đồ của Đạo Tin lành ngoài tầng lớp trí thức thị dân còn là dân tộc thiểu số.

Mặc dù được đánh giá là một tôn giáo “tiến bộ”, “năng động” và dễ thích nghi nhưng vì đạo Tin lành đề cao vai trò của kinh thánh, thậm chí có một số hệ phái Tin lành tỏ ra rất bảo thủ, không chấp nhận những điều gì trái với kinh thánh nên dẫn đến sự phản ứng đối kháng với văn hoá tín ngưỡng truyền thống của các tín đồ ở những nơi đạo Tin lành truyền bá.

2. Đạo Tin lành ở Việt Nam

2.1. Đặc điểm lịch sử

Với những đặc điểm riêng về địa lý, lịch sử, văn hoá, dân cư... Việt Nam là một quốc gia có nhiều tôn giáo và loại hình tín ngưỡng. Trước khi đạo Tin lành được truyền vào, Việt Nam đã có các tôn giáo lớn như Phật giáo, Lão giáo, Công giáo. Đạo Tin lành có mặt ở  Việt Nam vào những năm cuối thế kỷ XIX do tổ chức Tin lành Liên hiệp phúc âm và truyền giáo Mỹ (CMA) truyền vào. Tổ chức này đã cử nhiều mục sư sang Việt Nam để tìm hiểu và thăm dò: Mục sư Tiến sĩ A.B Sumpsm (1887); D.Leclacher (1893); C.H Reves (1897); R.A Jaffray (1899); S.Dayan (1901)... Đến năm 1911, CMA đã cử R.A.Jaffray, Paul.M.Husel, G.LoyHugher đến Đà Nẵng lập Hội thánh đầu tiên. Đây là sự kiện đánh dấu mốc cho sự truyền bá đạo Tin lành vào Việt Nam. Từ cơ sở ở Đà Nẵng, các giáo sĩ hội truyền giáo mở thêm một số cơ sở khác ở những vùng lân cận như: Hội An, Tam kỳ, Đại Lộc... và cử người dân đi truyền đạo ở Bắc kỳ và Nam kỳ với các hoạt động chủ yếu là: dịch kinh thánh, lập nhà in và mở trường đào tạo mục sư truyền đạo.

Tuy nhiên, chính quyền Pháp ở Việt Nam không ưa đạo Tin lành, họ lo ngại ảnh hưởng của Mỹ thông qua việc phát triển đạo Tin lành. Do đó đạo Tin lành trong thời kỳ này hoạt động rất khó khăn. Khi chiến tranh thế giới thứ nhất xảy ra, thực dân Pháp cho rằng các giáo sĩ Tin lành làm gián điệp cho Đức nên đã ra lệnh đóng cửa nhà thờ Tin lành và cấm các giáo sĩ Tin lành hoạt động. Ngoài ra người Pháp còn dựa vào Hoà ước 6/6/1884 chỉ cho phép Thiên chúa giáo được truyền bá vào Việt Nam. Toàn quyền Đông dương đã cho đóng cửa nhà thờ, trục xuất giáo sỹ truyền giáo CMA. Phải tới năm 1927, khi phong trào dân chủ Pháp lên cao thì những lệnh cấm này mới được huỷ bỏ. Thế nhưng trong sự cấm đoán đó, đạo Tin lành vẫn tìm mọi cách để phát triển. Tới năm 1918, CMA đã lập được 5 chi hội ở Bắc kỳ, 6 chi hội ở Trung kỳ và 5 chi hội ở Nam kỳ. Tất cả các chi hội Tin lành lúc đó đều được giấy phép hoạt động cả của khâm sứ 3 kỳ và đều lấy tên là : “Hội thánh Tin lành Đông Pháp” (MEI).          

Từ năm 1924 đến năm 1927, đã có 4 Đại hội đồng của Đạo Tin lành được tổ chức. Đại hội đồng lần thứ IV ở Đà Nẵng đã bầu ra Ban Trị sự Tổng liên Hội thánh Tin lành Việt Nam do mục sư Hoàng Trọng Thừa làm Hội trưởng đầu tiên.

Trong thời kỳ chiến tranh Thế giới thứ 2, phát xít Nhật vào Đông Dương, tình hình chính trị xã hội phức tạp, Uỷ ban truyền giáo của CMA New York đã có lệnh triệu hồi tất cả các giáo sĩ rời Đông Dương. Hội thánh Tin lành Việt Nam rơi vào tình trạng suy thoái, các sinh hoạt tín ngưỡng của tín đồ cũng bị xáo trộn. Chiến tranh kết thúc, các giáo sĩ trở lại Việt Nam và các sinh hoạt của đạo Tin lành ở cả 3 miền được phục hồi.

Trải qua một quá trình truyền bá và phát triển, đến năm 1954, đạo Tin lành có khoảng 60.000 tín đồ với gần 100 mục sư truyền đạo. Trụ sở chung của giáo hội Tin lành Việt Nam được đặt tại Hà nội.

Sau Hiệp định Giơnevơ (1954), đạo Tin lành ở hai miền Nam - Bắc có sự khác nhau. Ở Miền Bắc số đông tín đồ giáo sĩ bị đế quốc Mỹ và các thế lực thù địch kích động nên đã di cư vào Nam. Những người ở lại miền Bắc đã lập tổ chức giáo hội riêng lấy tên gọi là Hội thánh Tin lành Việt Nam thường gọi là Tổng hội Tin lành miền Bắc với những hoạt động bình thường, phạm vi ảnh hưởng không lớn, số lượng tín đồ cũng tăng một cách không đáng kể. Ở miền Nam, những năm 1954 – 1975, lợi dụng cuộc chiến tranh xâm lược, đế quốc Mỹ, CMA đã lập ra Tổng liên hội thánh Tin lành Việt Nam thường gọi là Hội thánh Tin lành Việt Nam.

Giai đoạn này, đạo Tin lành ở miền Nam phát triển mạnh mẽ. Tin lành ra sức củng cố, mở rộng hệ thống tổ chức cơ sở tôn giáo, các cơ sở kinh tế văn hoá xã hội, mở rộng phạm vi truyền đạo ra nhiều địa bàn, nhất là ở Tây Nguyên. Hội thánh Tin lành miền Nam đã cho tách riêng hai “hạt” vùng dân tộc ít người ra khỏi người Kinh và lập ra “cơ quan truyền giáo người Thượng” dưới sự chỉ đạo trực tiếp của các giáo sĩ Tin lành Mỹ, đồng thời, mở cửa cho các hệ phái Tin lành, các tổ chức xã hội văn hoá, nhân đạo, từ thiện của Mỹ vào truyền đạo và xây dựng cơ sở khắp miền Nam. Hội thánh Tin lành miền Nam rất chú trọng đào tạo mục sư và truyền đạo, nâng “Trường kinh thánh” thành “Viện kinh thánh thần học” toàn miền Nam, đầu tư mở hai trường kinh thánh trung cấp cho Tây nguyên. Hội thánh Tin lành còn đưa nhiều mục sư và truyền đạo ra nước ngoài đào tạo. Giáo hội Tin lành đã thành lập hệ thống tuyên uý trong quân đội nguỵ từ Bộ Tổng tham mưu đến quân đoàn, quân khu và những đơn vị đặc biệt. Họ đã tuyển chọn và đưa gần 100 mục sư và truyền đạo vào ngụy quân.

Bên cạnh CMA, ở miền Nam còn có hệ phái Tin lành cũng từ Mỹ du nhập vào từ những năm 30 của thế kỷ XX, phát triển chủ yếu sau những năm 50, đó là phái Cơ đốc Phục lâm. Đây là phái lớn thứ hai sau CMA, có hệ thống giáo hội với hơn 10.000 tín đồ, gần 40 mục sư, 34 nhà thờ và một số cơ sở tôn giáo xã hội khác. Hội thánh cơ đốc Phục lâm còn có hơn 20 hệ phái vào truyền giáo và xây dựng cơ sở ở miền Nam như: Baptism, Pentecostim (Ngũ tuần), (Nhân chứng Giêhôva), Jehovah’s Witnesses...

Sau 1975, đất nước được hoà bình thống nhất, giáo sĩ người nước ngoài rút khỏi Việt Nam, một số giáo sỹ người Việt di tản, phạm vi và mức độ hoạt động của đạo Tin lành ở miền Nam thu hẹp lại. Hội thánh Tin lành Miền Nam còn khoảng 450 giáo sĩ, 487 nhà thờ. Các hoạt động của đạo Tin lành ở hai miền Nam Bắc vẫn tiếp tục phát triển tới năm 1990 đã có 300.000 người theo đạo Tin lành.

Những thập kỷ gần đây, các giáo phái Tin lành đã đẩy mạnh hoạt động như phục hồi các hình thức tôn giáo, phát triển tín đồ, củng cố giáo hội... Nhiều hoạt động như vận động lập lại các tổ chức cũ, quan hệ với bên ngoài... Cơ quan cứu trợ và phát triển Cơ đốc Phục lâm gần đây có thực hiện một số dự án viện trợ  nhân đạo trong lĩnh vực y tế, giáo dục, thuỷ lợi, ngư nghiệp...

Điểm lại diễn biến 100 năm đạo Tin lành vào Việt Nam, chúng ta có thể ghi nhận rằng quá trình này chịu sự tác động quá lớn của các sự kiện chính trị xã hội, nhất là khi đất nước bị chia cắt. Hội thánh Tin lành Việt Nam ngay từ đầu là một tổ chức chung nhưng sau đó lại bị chia rẽ  bởi hai tổ chức giáo hội ở hai miền với những tính chất chính trị và quy mô khác nhau. Tuy vậy, đạo Tin lành đã có cơ sở trong quần chúng ở nhiều vùng trên đất nước ta, thực tế hiện nay đã có khoảng hơn 1,2 triệu tín đồ. Đặc biệt là khoảng 10 năm trở lại đây, đạo Tin lành phát triển đột biến ở Tây Nguyên, Tây Bắc và một số vùng dân tộc thiểu số khác đang đặt ra một số vấn đề nhạy cảm, phức tạp cần được giải quyết, tháo gỡ.

2.2. Một số vấn đề đặt ra hiện nay

Có thể thấy đạo Tin lành là vấn đề nổi trội đột xuất trong các vấn đề tôn giáo ở Việt Nam.Sự hiện diện của cộng đồng Tin lành ở Việt Nam gần đây đã trở nên những điểm nóng khá phức tạp, nhạy cảm.

Trước hết đó là sự va chạm, xung đột với các tập tục gia đình, xã hội, tín ngưỡng cổ truyền và các tôn giáo khác ở Việt Nam. Đối với mỗi người Việt Nam, thờ cúng ông bà, tổ tiên, thành hoàng và những người có công với làng, nước... là sự thiêng liêng, thậm chí đã thành tiêu chí hàng đầu về đạo đức của mỗi thành viên trong gia đình, họ tộc, làng xóm. Những tập tục xuất phát từ trong  nghi lễ chịu ảnh hưởng của Nho giáo, thể hiện lòng hiếu thảo của con cái đối với ông bà, cha mẹ như giỗ chạp, ma chay, cưới xin đã góp phần vào nết đẹp văn hoá mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc.

Trong khi đó, đạo Tin lành là một tôn giáo độc thần, chỉ thờ phụng một đức Chúa Trời duy nhất. Tin lành vốn chủ trương triệt để phản đối việc thờ tranh ảnh, tượng thánh và nâng lên một bước nữa là chống lại việc thờ hình tượng. Điều kiện để trở thành tín đồ chính thức của đạo Tin lành là: không dự vào việc hương hoả, cúng cấp cùng các sự dị đoan, không nên dùng hoặc buôn bán các vật không hợp với tôn chỉ của đạo Tin lành như: thuốc phiện, rượu, các vật phẩm thờ cúng hình tượng.

Đạo Tin lành còn có những lí lẽ biện giải để chống đối với các tập tục gia đinh, tín ngưỡng cổ truyền như: Các ông thờ lạy tổ tiên được mấy đời? Thờ trong nhà chẳng qua được hai, ba, đời; thờ trong họ chẳng qua được đôi mươi đời, trước đôi mươi đời há không phải tổ tông xa nữa sao? Cho nên chúng tôi chỉ thờ một mình đức chúa Trời là tổ tông của chúng ta. Khi Tin lành du nhập vào Việt Nam, các nhà truyền giáo đã ra sức bài bác, tuyên chiến với hệ thống tín ngưỡng của người Việt như: xem địa lí,chọn ngày, thờ thổ công, thờ bà chúa Liễu Hạnh...

Vậy, cùng với sự phát triển của đạo Tin lành là sự thay đổi lối sống, tâm lý, tình cảm, sự phân giới về xã hội, văn hoá, tín ngưỡng  dân tộc.  Nó cũng tạo nên sự chia rẽ trong nội bộ gia đình, dòng họ, lưu tồn định kiến hoài nghi cộng sản, làm giảm sút lòng tin của nhân dân vào Đảng, Nhà nước và  nghiêm trọng hơn là các tín đồ Tin lành dễ bị các phần tử xấu lôi kéo chống đối chính quyền, nổi loạn....Đây quả thật là những thách đố đối với chúng ta.

Hơn nữa, hiện nay các thế lực thù địch và lực lượng chống đối muốn thông qua đạo Tin lành để thực hành chủ nghĩa li khai, giải lãnh thổ. Ở Việt Nam, điều này đã trở thành hiện thực khi người ta thấy Tin lành lan toả một cách nhanh chóng ở những vùng đất “phên dậu” của tổ quốc: miền núi phía Bắc, Tây Nguyên..

Đặc biệt, sự phát triển của đạo Tin lành trong các đồng bào dân tộc thiểu ở Tây Nguyên vừa là hệ quả vừa là tác nhân của những diễn biến chính trị phức tạp trên địa bàn này thời gian gần đây. Đạo Tin lành có mặt ở Tây nguyên từ những thập kỷ 20 của thế kỷ trước, kể từ đó, nó đã kiên trì, bền bỉ chiếm cả không gian, xã hội cao nguyên, xâm thực vào buôn làng, văn hoá truyền thống và thâm nhập vào các nhóm xã hội mới xuất hiện theo đà chuyển đổi của nền kinh tế theo hướng thị trường hoá. Thí dụ: nhà thờ Tin lành thay thế cho nhà Rông trong việc đáp ứng nhu cầu sinh hoạt cộng đồng của con người Tây nguyên. Lễ Noen, Phục sinh thay thế cho lễ Cơm mới, lễ Năm mới cổ truyền...

Số lượng tín đồ của đạo Tin lành ở vùng đất đỏ ba gian này ngày càng gia tăng và luôn chiếm ½ số tín đồ Tin lành cả nước. Các thế lực thù địch trên cơ sở này luôn ra sức kích thích, nuôi dưỡng chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi, biệt lập li khai trong một bộ phận tầng lớp trên của các dân tộc Tây Nguyên, đồng thời lôi kéo các lực lượng này vào các phong trào bạo loạn nhằm khuynh đảo thể chế chính trị ở nước ta.

Hiện nay hùa theo chiến dịch: nhân quyền và tự do tôn giáo của chính giới Mỹ, Ksorkơk và các phần tử chính trị phản động gốc Tây Nguyên lưu vong ở Mỹ cho ra đời cái gọi là “Hội thánh Tin lành Đềga”, đòi lập nhà nước Đềga  của người Thượng. Đây là một chiêu thức lưu manh chính trị nguy hiểm lôi kéo một số tín đồ không nhỏ của Hội thánh Tin lành miền Nam, tạo nên một vụ áp phe chính trị đội lốt tôn giáo vào đầu năm 2001 và năm 2004.

Vấn đề đạo Tin lành hiện nay vẫn còn là một chủ đề “chứa chất nhiều tiềm năng” đối với các thế lực thù địch Việt Nam và các phần tử cơ hội chủ nghĩa trong chính giới Mỹ để họ khai thác trong các chiến dịch nhân quyền và tự do tôn giáo.

Với tinh thần đảm bảo và tôn trọng quyền phát triển tự do tín ngưỡng tôn giáo của công dân, nhà nước Việt Nam đã có nhiều nỗ lực trong việc giải quyết các vấn đề tôn giáo, đặc biệt là đối với đạo Tin lành. Nhà nước Việt Nam đã công nhận tư cách pháp nhân của Tổng Hội thánh Tin lành Việt Nam (miền Bắc) từ năm 1958 và Tổng Liên hội Hội thánh Tin lành Việt Nam (miền Nam) từ đầu năm 2001. Vậy có nghĩa là chúng ta thừa nhận sự tồn tại khách quan của đạo Tin lành ở Việt Nam, từng bước đưa đạo Tin lành vào thể chế luật pháp tôn giáo để khai thác những mặt tích cực, nhưng kiên quyết ngăn chặn chống lại bất cứ một nhóm người nào lợi dụng đạo Tin lành để phá hoại sự nghiệp đoàn kết toàn dân làm hại đến nền văn hoá lành mạnh của dân tộc.

Là một tôn giáo lớn trên thế giới, đạo Tin lành đã có mặt  ở Việt Nam hơn 100 năm. Trong quá trình tồn tại và phát triển ở Việt Nam, Tin lành đã chọn lựa các hình thức hoạt động mềm dẻo, giáo lí và lễ nghi được đơn giản hoá, quần chúng hoá, ở nhiều nơi đã thích nghi dễ dàng với phong tục tập quán của người địa phương, số lượng tín đồ đạo Tin lành ngày càng gia tăng. Điều cốt yếu là tín đồ đạo Tin lành không tách rời với điều kiện lịch sử mới, tìm được nhiều phương sách đúng đắn để hoà nhập trong cộng đồng dân tộc, không đi ngược lại lợi ích của dân tộc. Chúng ta có quyền hy vọng vào một cộng đồng Tin lành ở Việt Nam “kính chúa, yêu nước” “sống phúc âm...” như đường hướng hoạt động của Hội thánh Tin lành miền Bắc và miền Nam đề ra.

_____________________________

Tài liệu tham khảo

1. Nguyễn Xuân Hùng, Về nguồn gốc và sự xuất hiện tên gọi đạo Tin lành tại Việt Nam, Tạp chí Nghiên cứu tôn giáo, Số 3, 2001.

 2. Nguyễn Xuân Hùng, Tìm hiểu những hệ quả của việc truyền giáo Tin lành đối với văn hoá truyền thống và tín ngưỡng tôn giáo Việt Nam, Tạp chí Nghiên cứu tôn giáo, Số 1, 2001.

3. Phạm Đăng Hiển, Góp một góc nhìn về vấn đề đạo Tin lành ở Tây nguyên, Tạp chí Dân tộc học, Số 5, 2003.

4. Nguyễn Thanh Xuân, Bước đầu tìm hiểu đạo Tin lành trên thế giới và ở Việt Nam, NXB Tôn giáo, Hà Nội, 2002.

5. Nguyễn Văn Trung, Một số hiểu biết về tôn giáo ở Việt Nam, NXB Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1993.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Tìm kiếm mở rộng

Google TreLang

Tre Làng

Thông kê truy cập

Lưu trữ Blog