Chia sẻ

Tre Làng

HÔ KHẨU HIỆU

LâmTrực@

Trước đây, khi khẩu hiệu "Tiên học lễ, hậu học văn" chưa xuất hiện trong nhà trường phổ thông, thì các nhà trường phổ thông đã có khá nhiều khẩu hiệu. Nếu liệt kê, e chừng khuôn khổ của một bài báo khó chứa hết.

Vì đã có nhiều bài viết bàn về chữ và nghĩa của LỄ và VĂN nên người viết bài xin thôi không bàn nữa. Cũng không bàn chuyện về một số bài viết trên Tuanviet đề xuất thay LẾ với VĂN bằng một số chữ khác...cho hợp thời hòa nhập(?).

Chỉ xin bàn về chuyện này:

Khẩu hiệu để làm gì?

Câu hỏi hơi ngớ ngẩn vì câu trả lời đã có trong nó. Tuy nhiên, nếu cần trả lời, có thể đưa ra cả chùm ...câu trả lời. Vấn đề ở chỗ khẩu hiệu (dòng chữ to) có tác dụng đến đâu đối với người biết đọc? Ảnh hưởng của nó có to như người ta tưởng, hoặc chí ít, to như kích cỡ của khẩu hiệu? Hay là chỉ như một vật trang trí mang tính hô hào nhưng lại rất ít tác dụng?

Đâu chỉ trong nhà trường phổ thông mà ta có thể thấy ngay trên đường phố nhan nhản chỗ nào cũng có khẩu hiệu. Không cần phải tốn tiền đi một vòng thế giới, chỉ cần qua vài nước láng giềng, thử xem họ có những khẩu hiệu gì, hay là không có. Thế mà cái gì của họ cũng hơn mình.

Một ví dụ: Trên khắp mọi nẻo đường đến tất cả các công sở, nhà máy, trường học, đâu đâu cũng đập vào mắt chúng ta: "SỐNG VÀ LÀM VIỆC THEO PHÁP LUẬT", "SỐNG, HỌC TẬP THEO ĐẠO ĐỨC HỒ CHÍ MINH"...nhưng có bao nhiêu phần trăm dân chúng, công chức, viên chức thực thi đúng pháp luật? Bao nhiêu phần trăm cán bộ, đảng viên theo gương Bác Hồ?

Phải chăng lâu nay, khẩu hiệu cũng như phong trào nọ, phong trào kia, phải có, chủ yếu để báo cáo thành tích, để bổ sung thành tích cho các cấp quản lí, hoặc để... tiêu tiền?

Từ sau Đại hội Đảng lần thứ XI, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhiều lần kêu gọi "Hãy làm thực chất", nghĩa là đừng nói suông nữa, đừng hô hào suông nữa. Và chính ông đã chỉ thị xóa bỏ khẩu hiệu quen thuộc lâu nay hầu như ngày nào cũng xuất hiện trên các phương tiện thông tin đại chúng "Nhiệt liệt chào mừng đồng chí Bộ trưởng Nguyễn Văn X về thăm và làm việc..."(không rõ ai, cấp nào, từ khi nào đẻ ra khẩu hiệu này) mỗi khi có cán bộ từ cấp Bộ trưởng trở lên về địa phương.

Theo "gương" đó, các huyện, xã, phường cũng trưng khẩu hiệu tương tự khi có cán bộ cấp tỉnh... vi hành.

Không cần khẩu hiệu, cần làm việc hiệu quả

Không còn khẩu hiệu nữa thì phương hướng hành động thế nào? Phương hướng hành động, mục tiêu cần đạt cho từng giai đoạn hay từng năm học đối với nhà trường đã được bàn thảo, chà xát trong các hội nghị hàng tháng, hàng năm. Biểu quyết rồi, cứ thế mà làm theo chức trách, bổn phận của mỗi người.

Khẩu hiệu ư? Hiệu quả đâu không thấy, chỉ thấy cách làm đó, dẫn đến một cụm từ người ta mỉa mai sự không thực chất, bề nổi, hời hợt: "Chỉ được cái ...hô khẩu hiệu"!

Nhật Bản không có khẩu hiệu. Mỗi công dân Nhật luôn tâm niệm "người Nhật phải được sử dụng những sản phẩm tốt nhất thế giới". Vì thế họ đã cho ra đời những Sony, Toyota...và hơn thế nữa.

Nhà trường chỉ cần dạy tốt, học tốt

"Dạy tốt, học tốt" - 4 chữ Bác Hồ "ra lệnh" cho thầy và trò. Bốn chữ này đâu cần trưng lên làm khẩu hiệu. Lệnh rồi, phải làm. Chưa kể, lệnh ấy mãi mãi đúng.

Đạo đức của người thầy là dạy tốt. Đạo đức của người học là học tốt. Rất hiếm thấy thầy (cô) dạy tốt mà đạo đức kém. Để dạy tốt đòi hỏi ở ông thầy nhiều phẩm chất. Những phẩm chất ấy tạo nên NGƯỜI THẦY được yêu quí, kính trọng. Khẩu hiệu gì gì với những thầy (cô) giáo như thế đều... vô nghĩa.

Phải chăng lâu nay, khẩu hiệu cũng như phong trào nọ, phong trào kia, phải có, chủ yếu để báo cáo thành tích, để bổ sung thành tích cho các cấp quản lí, hoặc để... tiêu tiền? 

Tương tự, rất ít thấy một học trò học tốt mà hư hỏng. Ngược lại, trò giỏi thường là con ngoan, công dân tốt, biết kính trọng ông bà, cha mẹ, thầy cô giáo, yêu gia đình, quê hương, Tổ quốc...

Hơn một lần, GS Hoàng Tụy đã đề cập việc tìm cho ra, xác định cho đúng triết lí giáo dục, gốc của mọi vấn đề cho giáo dục nước nhà. Đơn giản hơn là: Dạy cái gì? Dạy như thế nào? Dạy bằng cách nào?

Chúng ta cần trút bỏ những gì mà thực tế đã kiểm nghiệm cho thấy kém hiệu quả, phản giáo dục. Mạnh dạn tiếp thu những tiến bộ, những thành công của giáo dục tại các quốc gia phát triển. Làm sao nhà trường phải là môi trường tự do phát triển trí tuệ, phát triển tư duy...

Nhà trường phải là trung tâm văn hóa như bản chất của nó, là trung tâm nghiên cứu khoa học như sứ mạng của nó, là nơi đào tạo, cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho đất nước như chức năng của nó.

Chỉ cần có trong từng khối óc, con tim của thầy, của trò và của mọi công dân: Làm gì để "sánh vai với cường quốc năm châu"?

ĐINH VIỆT BÌNH (TUẦN VIỆT NAM)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Tìm kiếm mở rộng

Google TreLang

Tre Làng

Thông kê truy cập

Lưu trữ Blog