Chia sẻ

Tre Làng

Ngành xăng dầu còn độc quyền ngày nào, dân còn khổ ngày đấy


Cứ mỗi lần doanh nghiệp đề xuất tăng giá xăng là một số đại lý bán lẻ lại đóng cửa... chờ tăng giá. Ngành xăng dầu ca mãi điệp khúc “tăng nhanh, giảm nhỏ giọt” khiến dư luận bức xúc.

Vấn đề này được cử tri, đại biểu Quốc hội đặt câu hỏi, chất vấn gay gắt về cơ chế điều hành, những bất hợp lý của nghị định 84 về kinh doanh xăng dầu. Thế nhưng đến nay, những thay đổi về điều hành mặt hàng này đang được giới chuyên gia nhận định là đi... thụt lùi.
Như gần đây nhất, ngày 20-7, ngay sau khi Bộ Tài chính cho phép doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu được tự quyết giá, các đơn vị đã đồng loạt tăng giá 400 đồng/lít xăng A92. 10 ngày sau đó, ngày 1-8, giá xăng tiếp tục được đẩy lên thêm 900 đồng/lít, nay lại tăng thêm 1.100 đồng/lít.
Không thể phủ nhận giá xăng dầu thế giới thời gian qua cũng tăng, nhưng mức tăng đó chỉ đột biến trong 6-7 ngày gần đây. Vì vậy, nếu tính mức giá cơ sở bình quân 15-20 ngày như các chuyên gia đề xuất lâu nay không thể có mức “khủng” cả ngàn đồng/lít và tần suất tăng dày đặc, ba lần trong một tháng. Điều khiến dư luận bức xúc hơn là quyết định cho phép doanh nghiệp tự quyết điều chỉnh giá diễn ra trong bối cảnh thị trường xăng dầu VN vẫn bị các “ông lớn” thống lĩnh. Chỉ riêng Tập đoàn Xăng dầu VN (Petrolimex), Tổng công ty Dầu VN (PVOil) và Tổng công ty Thương mại kỹ thuật và đầu tư (Petec) đã chiếm hơn 90% thị phần. Trong đó, riêng Petrolimex chiếm khoảng 60% thị phần.
Nêu ra như vậy để thấy rằng hoàn toàn có thể xảy ra việc Petrolimex sẽ nâng hoặc giảm giá xăng dầu có lợi cho họ. Các doanh nghiệp còn lại đương nhiên phải nhìn vào “ông lớn” này để điều chỉnh giá. Trong khi “ông lớn” có quyền duy trì thị trường lớn như vậy thì lại thiếu một cơ chế giám sát chặt chẽ từ cơ quan quản lý nhà nước, đặc biệt là cơ quan quản lý cạnh tranh. Điều này lý giải vì sao thời gian gần đây liên tục xảy ra hiện tượng xăng dầu “tăng nhanh, giảm nhỏ giọt”.
Theo các chuyên gia, để giải quyết áp lực xăng dầu trong bối cảnh giá xăng dầu thế giới có xu hướng tăng cao như hiện nay, trước mắt cần giảm ngay thuế nhập khẩu, phí... mà mỗi lít xăng đang “cõng” gần 6.000 đồng như hiện nay. Đại diện Bộ Tài chính và Bộ Công thương mỗi lần đề cập giá xăng dầu luôn khẳng định đảm bảo quyền lợi nhà nước, doanh nghiệp và người tiêu dùng. Thế nhưng, với những gì diễn biến trong một tháng qua đã cho thấy người tiêu dùng đang bị “bỏ rơi”, bởi thuế vẫn giữ nguyên trong khi giá lẻ tăng ào ào.
Bên cạnh đó, cần tăng cường vai trò giám sát của cơ quan nhà nước đối với hoạt động kinh doanh xăng dầu, đặc biệt là cơ chế giá, không thể buông ngay như đã làm. Ở nhiều nước, bất kỳ một nhóm mặt hàng nào còn độc quyền, nhà nước đều có một cơ chế giám sát đặc biệt và chỉ khi thị trường có sự cạnh tranh thật sự, việc quyết định giá mới được trao về cho doanh nghiệp.
Về lâu dài, rõ ràng việc phá thế độc quyền lâu nay của ngành xăng dầu là hết sức cần thiết, nên đa dạng hóa các thành phần cũng như hình thức phân phối và kinh doanh xăng dầu. Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh từng đề xuất “chia” nhỏ Petrolimex ra ba khâu: nhập khẩu, bán buôn và bán lẻ, đồng thời tạo điều kiện để các thành phần kinh tế cùng tham gia thị trường này. Rõ ràng chỉ có những đột phá mới có thể chấm dứt được những điệp khúc để người tiêu dùng không còn bị thiệt như: nghỉ bán, hết hàng; tăng giá nhanh giảm nhỏ giọt; đồng loạt tăng theo “ông lớn”...

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Tìm kiếm mở rộng

Google TreLang

Tre Làng

Thông kê truy cập

Lưu trữ Blog