Chia sẻ

Tre Làng

HỒ SƠ CUỘC CHIẾN CHỐNG FULRO # 11


Chuyến xe chở đoàn của ông K’Cháp là chuyến đông nhất trong 8 chuyến đón Fulro mà “hội Caritas” thực hiện, nhưng đã xảy ra sự cố. Thế nhưng, đó cũng chỉ là một tổn thất nhỏ và ban chuyên án đã kịp thời “vá lưới”. Chuyến thứ 7, ta không thể ngờ âm mưu đen tối của những kẻ điên cuồng. Chúng đã chuẩn bị “chờ đón” các chiến sĩ dũng cảm bằng một kế hoạch rất tàn độc, khiến các anh Lâm Văn Thạnh và Nguyễn Ngọc Diêu đã hy sinh…

Kỳ 11: TRỐN THOÁT VẪN CÙNG ĐƯỜNG
Vẫn như thông lệ của những chuyến xe trước, chiếc Peugeot 404 chở đoàn của ông K,Cháp chạy phía trước, hai chiếc xe chở Phó giám đốc Vũ Linh và đội trinh sát đặc nhiệm chạy phía sau. Thế nhưng, bất ngờ chiếc xe của đội đặc nhiệm bị trục trặc giữa đường, buộc phải dừng lại sửa chữa. Khi xảy ra sự cố, các anh đã đến chậm ít phút nên không xử lý kịp thời tình huống bất ngờ. Về phía đại tá Vũ Linh, do khi thấy việc “giải quyết” số Fulro trên chiếc xe Peugeot đã an toàn, ông thúc hối lái xe của mình chạy thật nhanh về Đà Lạt để vừa kiểm tra nơi “đón tiếp” đoàn của ông K,Cháp, vừa điện thoại phối hợp và chỉ đạo với đồng chí Nguyễn Văn Độ, các trinh sát an ninh nghiệp vụ, Cục an ninh Bộ CA và Ty CA Đà Nẵng chuẩn bị “đón” toán của ông Ha Pút, để họ thấy thật yên tâm về mọi khâu, nhằm đạt được những kết quả như mong đợi. Về đến Đà Lạt cả gần một tiếng đồng hồ, đồng chí Vũ Linh vẫn chưa nghe báo gì về đoàn xe chở ông K,Cháp. Nghi có chuyện chẳng lành, ông vội kêu tài xế chạy ngược đường xem sự thể ra sao. Đến Cầu Đất - Xuân Trường, nhìn cảnh tượng người và xe cộ, ông hiểu ra cớ sự. Rất tinh nhạy, ông vội điện báo cáo đồng chí giám đốc rồi chỉ đạo lãnh đạo các phòng nghiệp vụ trinh sát “ở nhà” xử lý. Ông cũng vội cấp báo tin xấu với các thành viên ban chuyên án đang ở Đà Nẵng và yêu cầu “cầm chân” Ha Pút cùng số Fulro theo ông ta để bàn phương án “vá lưới”. Ngay sau đó, ông vội lên xe riêng, “chỉ đạo” tài xế chạy xe với vận tốc trên 100 km/giờ để kịp đến Đà Nẵng càng sớm càng tốt, ngay trong đêm. 

Việc bắt Ha Pút lúc này là “hạ sách” và không hề có trong kế hoạch, bởi chuyến đi của Pút nhiều chỉ huy “TW Fulro” biết. Nhưng để Pút hoặc một thành viên nào trong đoàn cùng đi với Pút trở về rừng lúc này cũng là không ổn. 7 tên Fulro tháo chạy sẽ có cách buộc số người này khai ra những gì họ đã tận mắt thấy ở Đà Nẵng. Và như vậy, “hội Caritas” sẽ lập tức bị Fulro nghi ngờ. Để kế hoạch câu nhử vẫn có thể tiếp tục, chỉ có cách tạo một cuộc gặp gỡ, “làm việc” y như thật giữa đại diện của “tổ chức Caritas” và những người có thể tạm gọi là “phái đoàn cấp cao của Fulro” mà Ha Pút luôn tự cầm chắc có tên mình trong số đó. Phải mất nhiều giờ bàn bạc, trao đổi, cuối cùng thì các ông Ya Đuk, Lơ Mu Yem cũng chấp nhận “diễn kịch” với yêu cầu cao hơn. Đồng chí Hàn Thái - người vào vai “Tổng thư ký của hội Caritas” “nhập vai” khá đạt. Ông giả bộ đùng đùng nổi giận, bất bình về việc 7 tên Fulro chạy trốn sẽ gây nhiều khó khăn cho sự “hợp tác” của hai phía. Nghe vậy, nhóm Ha Pút tỏ ra rất giận Ha Póh đã âm mưu - một lần nữa làm phản, gây khó khăn cho Fulro, nên đề nghị phía “chỉ huy Fulro” cùng tìm phương án giải quyết. Quyết định truy bắt 6 tên Fulro chạy trốn cùng Ha Póh được ông Ya Đuk ban ra. Theo đó, bọn Ha Póh chính là những kẻ âm mưu làm phản, mọi lời nói của họ không thể nghe theo. Các liên lạc viên của Ha Pút nhanh chóng nhận lệnh lên đường theo anh Ba Bình chuyển các quyết định này khắp các căn cứ Fulro. Bảy tên Fulro kia cũng chẳng hiểu mình đã chạy thoát khỏi “hội Caritas” nghĩa là hội gì. Nhưng khi họ vừa bén mảng trở về thì bị bắt và đe dọa chờ Ha Pút về xử lý. Quá tức tối vì chẳng ai nghe, ai tin, lại bị xua đuổi, hết đường trú ẩn, một số Fulro này đã bỏ rừng, bỏ hàng ngũ Fulro trở về với gia đình. Số còn lại liên lạc với các “chim mồi” của ta để đi gặp ông Ya Đuk tạ tội. Sau nhiều ngày tổ chức cho các ông Ya Đuk, Ha Pút... đi chơi xứ biển Đà Nẵng để giúp họ lãng quên đi những ngày cực khổ ở rừng, cuối cùng, ban chuyên án cũng cho ông Ha Pút biết, “hội Caritas” chính là CA.
Thời điểm này, thông tin về số Fulro tìm đường “xuất ngoại” theo ông Ya Đuk đã lan rộng. Do không cùng “cánh” với ông Ya Đuk, sợ bị mất “quân”, Paul Yưh và số chỉ huy TW Fulro người Ê Đê lập tức liên lạc với số chỉ huy Fulro đang đóng quân ở bên kia biên giới “nại” ra một cái lệnh của thủ tướng Fulro để có cớ trừng trị số Fulro người K,Ho. Từ “TW Fulro”, liên tục có các chỉ thị, chỉ đạo, yêu cầu số Fulro có cấp bậc “tá, úy” phải có mặt để họp và phải chịu trách nhiệm về việc để mất quân số. Mặt khác Fulro tiến hành “tổng động viên” (lôi kéo thanh niên vào rừng theo Fulro). Nếu ai không nghe sẽ bị trừng trị. Do rất sợ những Fulro người Ê Đê nên những người theo Fulro thuộc các dân tộc khác như Mạ, M,Nông, K,Ho, Ba Na... tỏ ra hoang mang cực độ. Một số Fulro cốt cán như “trung tá” K,Ty, “thiếu tá” Tonéh Tông vội vã tìm cách liên lạc với anh Bình, anh Phi và các thành viên của “hội Caritas” nhằm được đi theo ông Ya Đuk. 

Vào các ngày 14-11 và 11-12-1980, ta tiếp tục “đón” thêm hai chuyến nữa, nâng tổng cộng 98 Fulro trở về. Tất cả họ đều được giáo dục, làm công tác tư tưởng và đều tỏ ra phục thiện. CA các tỉnh Trà Vinh, Đà Nẵng, Vũng Tàu giúp ta quản lý những người này chờ kết thúc chuyên án. 
“KẾ HOẠCH PHƯỢNG HOÀNG” - MỘT ÂM MƯU THÂM ĐỘC
Trước đó, ngày 10-12-1980, theo quy định, anh Ba Bình đến liên lạc với “trung úy” Sa Mol ở khu vực chân núi Voi. Sa Mol dẫn anh Bình đến gặp một tên Fulro xưng là “thiếu tá”. Vừa nhìn thấy hắn, anh Thạnh cũng phải rùng mình khi chạm phải cặp mắt sắc lẻm, dữ dằn và gian tà. Cạnh hắn có bốn tên lính cầm súng chĩa bốn phía. Vừa thấy anh “Bình”, tên “thiếu tá” này vội đứng dậy khỏi tảng đá hắn ngồi rồi ra lệnh cho bốn tên lính vây quanh anh Thạnh. Hắn giữ một khoảng cách với anh, cười xã giao rồi đưa cho một tên lính khác bản danh sách 19 tên Fulro xin đi trong chuyến tới, ra hiệu đưa cho anh Thạnh. Danh sach này gồm bốn Fulro cao cấp là các “trung tá” Lơ Mu Chông, Cil Be, Ênuôl MBột và “thiếu tá” Tou Néh Đen - “tỉnh trưởng tỉnh Phan Rang” cùng một số Fulro cấp “úy”. Hắn nói rằng những người này đã có mặt trên núi Voi, rất mong được đi sớm. Ngày 20-12-1980, số liên lạc của Fulro ở địa bàn xã Tân Hội (Đức Trọng) báo với anh Bình có một toán Fulro khác ở hướng này do Chaghiđin cầm đầu cũng muốn đi. Có hai “thiếu tá” xin đi gặp Ya Đuk. 

Vẫn như mọi lần, anh Ba Bình chẳng hề tỏ ra nghi ngờ điều gì hay có nghi ngờ anh cũng giấu kín trong lòng vì không muốn làm nhụt ý chí đồng đội. Mặt khác, anh cũng lo ngại rằng, nếu không “đón” tiếp hai chuyến này sẽ làm mất cơ hội, nên khi lãnh đạo ban chuyên án hỏi đến, anh vẫn quyết định “lên đường”. Thế nhưng, anh đâu thể ngờ, tấm lòng anh hoàn toàn trong sáng và trái tim nhân hậu của anh chỉ nghĩ rằng, những chuyến xe anh đi “đón” những người theo Fulro là giúp kéo họ trở về với cuộc sống bình thường, với gia đình, buôn làng của họ; nhưng một số tên Fulro đã trở thành những kẻ ích kỷ, độc ác mất rồi. Bọn chúng “đón” anh bằng “lưỡi hái tử thần” mà anh chẳng hề cảnh giác, chẳng hề hay biết!

Một buổi chiều đầu tháng 7-2010, Đà Lạt bất ngờ đổ cơn mưa thật buồn, thật lâu. Anh Trần Hữu Phi, một trong hai anh may mắn sống sót trong trận bị bọn Fulro tập kích đã nhận lời mời của chúng tôi đến quán cà phê trên phố Nguyễn Chí Thanh - Đà Lạt và kể cho chúng tôi nghe câu chuyện các anh bị Fulro sát hại 30 năm trước. Hai anh Lâm Văn Thạnh, Nguyễn Ngọc Diêu đã anh dũng hy sinh...

Đúng 4 giờ ngày 23-12-1980, các anh Lâm Văn Thạnh, Nguyễn Ngọc Diêu, Trần Hữu Phi và Nguyễn Tư Cho lên đường trên hai chiếc ôtô quen thuộc để đi đón hai toán Fulro như đã hẹn. Do cả hai địa điểm cùng nằm trên đường Quốc lộ 20 nên các anh cùng xuất phát và dự định đón toán Fulro tại điểm hẹn thuộc xã Định An, huyện Đức Trọng (đoạn đặt trạm thu phí trên đường cao tốc hiện nay), sau đó sẽ cùng đến xã Tân Hội. Khi vừa tới, các anh đã nhìn thấy một vật cản bên đường của Fulro. Nhận ra “ám hiệu”, các anh nhá đèn pha ba lần theo quy ước. Từ bụi cây ven đường, hai tên Fulro bước ra và nói các anh chạy xe vào khoảng 50m. Các “chỉ huy Fulro” của chúng sợ việc đi bị lộ nên năn nỉ các anh dời điểm hẹn. Tuy nhiên, khi các anh chỉ đồng ý chạy một xe vào sâu hơn, còn một xe đứng ngoài đường đợi thì bọn Fulro không chịu. Chúng năn nỉ các anh cho hai xe cùng vào tận nơi số Fulro đang ẩn nấp, bởi việc ra đi của chúng sợ có kẻ khác theo dõi, trả thù. Xe chạy được 50m, chúng lại “xin thêm” hơn 50m nữa. Trước tình huống này, cả 4 trinh sát đưa mắt hội ý và cùng chấp thuận. Xe vừa vào sâu trong cửa rừng, bất ngờ, gần 20 tên Fulro lao vào khống chế, bẻ quặt tay các anh ra phía sau rồi dùng hai sợi dây dù trói các anh lại, đánh đập thỏa sức như để trút cơn tức tối. Gần chục tên lăm lăm súng ống gí vào người các anh, vừa chửi vừa cười man rợ. Một tên ngăn lại nói: “Thôi, đưa chúng về cho thiếu tá xử lý”. Sợ dây trói không đủ chặt, chúng bứt cây mắc cỡ (cây xấu hổ) quấn thêm mấy vòng trói các anh. Cây mắc cỡ có gai mọc dày. Bàn tay thô ráp, chai sần của chúng bẻ cây dễ dàng, nhưng khi chúng trói các anh, hàng ngàn cái gai nhọn đâm vào tay và gãy trong đó khiến rướm máu, buốt đau. Nhưng cảm giác đó cũng nhanh chóng biến mất mà thay vào là những suy nghĩ, băn khoăn: liệu đây có phải là cái trò đánh phủ đầu của bọn Fulro như thỉnh thoảng chúng vẫn làm với các anh trong mấy chuyến trước để buộc các anh thấy sợ hãi mà khai ra, các anh chính là CA đi bắt chúng! Thế nhưng, các anh đâu biết đã bị lọt vào một cái bẫy mà chúng gọi là “kế hoạch phượng hoàng”...

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Tìm kiếm mở rộng

Google TreLang

Tre Làng

Thông kê truy cập

Lưu trữ Blog