Chia sẻ

Tre Làng

ĐÔI MẮT ẤY ĐÃ NHÌN ANH...


Bây giờ thì gã đã là một phế nhân rồi. Thật sự là một phế nhân với đúng nghĩa đen, thậm chí cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng đều đúng cả.

Gã bị tai nạn xe máy rồi hôn mê đâu gần tháng trời mới tỉnh. Khi tỉnh dậy, gã ngơ ngác đến tận bây giờ, nghĩa là sau cả gần chục năm, gã vẫn không tỉnh táo lại được như cũ. Và có lẽ rồi gã cũng sẽ không bao giờ trở lại được như cũ.

Và thế nào là cũ nhỉ. Như trước khi tai nạn hay là như cách đây gần bốn chục năm á? Từ cái dạo gã và thị còn yêu nhau a? Từ cái dạo cả hai đứa đều chưa đến hai mươi ư?

Lần đầu gặp gã, thị chẳng có ấn tượng gì ngoài việc cứ tưởng gã có gốc gác Khờ Me vì gã đen trũi lại tóc xoăn, môi quăn, lông mi cong veo. Gã gầy nhom và cao lênh khênh. Nhưng gã lại là thằng Hà Nội chính cống và duy nhất cuả cả năm khoá học. Đó chính là lý do vì sao thị „chấm“ gã.

Còn lý do vì sao gã chấm thị (hay những gã khác đã từng chấm thị) thì chịu, không sao giải thích được. Vì cứ theo những chuẩn mực thiên hạ đề ra, như kiểu „Công dung ngôn hạnh“ thì dù truyền thống hay cả hiện đại thị cũng đều không đạt điểm nào cả hoặc là điểm thuộc loại yếu kém.

Ngày ấy còn trẻ, yêu là yêu thôi, không tính toán gì và cũng chẳng vì sao cả. Chứ đâu được khôn như các em, các cháu sau này đâu. Thị chọn gã có thể là vì gã là một thằng Hà Nội, lại cùng lứa nên có nhiều kỷ niệm chung, cùng nhiều kỷ niệm về Hà Nội xa xôi. Mà ngày ấy xa xôi, cách trở thật đấy, vì làm gì có khả năng điện thoại hay chát chiếc, meo miếc như bây giờ. Thư từ thì hàng tháng giời mới đến nơi…

Gã sang năm trước và học trên thị một lớp. Lần đầu để ý thật sự đến gã là cái đêm lửa trại trên đảo. „ Ở một nơi nào đó trong thành phố, đôi mắt ấy đã nhìn anh… Anh chờ đợi biết bao để một lần nào đó anh được gặp lại đôi mắt ấy trong thành phố rộng lớn này“. Ngày ấy, bài đó là hit. Gã đã hát với mong muốn được thị để mắt đến vì bởi từ sau ngày đó chưa bao giờ thị thấy gã hát cả. Giọng gã không vĩ đại gì dù gã là một thằng rất có nhạc cảm. Thế mới biết vì tình yêu người ta dám liều mạng lắm.

Viết đến đây thị lại nhớ đến chuyện thằng em thị khi tán con bé là vợ nó bây giờ cũng na ná. Mùa Giáng sinh năm trước, thằng này xách máy ảnh, kamera trông rất hầm hố đến cửa hàng con bé này rủ em đi „sáng tác“ ảnh với anh vì cảnh mùa đông rất đẹp em ạ, vì anh thích chụp ảnh, anh thích chụp em làm kỷ niệm để ghi nhớ những thời khắc này v.v… Thằng này „hót“ thế để con bé này xiêu lòng đi chụp với nó rồi nghe nó đường mật mà trở thành vợ nó lúc nào không biết. Mùa đông năm sau, nghĩ là chồng mình lãng mạn và có tâm hồn cuả một nhiếp ảnh gia, thích sáng tác… nên vợ bảo chồng đi chụp ảnh đi anh, trời đẹp quá. Thằng này chắc đã quên phéng chuyện năm ngoái rồi nên trợn mắt lên bảo „Điên à mà đi trời này“ làm con bé tưng hửng. Thương quá, cả nhà cười mãi vụ này…

Tính gã vui vẻ, nồng nhiệt, hăng hái, ham đít cô đít cậu lắm, nhảy nhót rất đẹp và rất thích thể thao. Bóng bàn, bóng đá, bóng rổ, bóng chuyền, cầu lông cầu lá, tennit ten niếc… là gã rất thích và tham gia hàng ngày sau giờ học. Những hoạt động ấy thì thị cả đời chẳng bao giờ tham gia. Còn gã thì văn chương, thơ phú hình như không thích, không quan tâm và cũng chẳng biết gì. Cái mà thị kinh nhất là hình như chưa bao giờ thấy gã cầm đến cuốn sách nào để đọc thì phải, đúng là ghét của nào trời trao của ấy thật. Nghĩa là cái thị thích thì gã không thích và ngược lại.

Nghĩ đi nghĩ lại thấy hai đứa cũng chẳng có gì chung cả. Ấy thế mà lại thích nhau mới lạ chứ. Rồi sau đó yêu nhau. Hơn hai năm trời.

Nhớ về gã là thị lại nhớ đến một gã thanh niên cao, gầy và rất mốt. Gã chuyên mặc quần jean loe toé (cái mốt ngày ấy nó thế mà), thêu ở gấu quần (chính tay thị „đì dzai“ và thêu cho gã), áo sơ mi nhung đen, đội mũ phớt đen… Trông gã hơi „trụy“, thấy các em bảo nhau vậy. Một tay chơi ngày ấy của mấy khoá học và của Hà Nội. Bây giờ có tuổi rồi, ngồi nhìn lại những điều đã qua mới thấy là hình như những gã mà thị có cảm tình, có quan hệ đều sao đó không đạt những chuẩn mực mà thiên hạ đề ra… Cấm được người nào tử tế. Ngay từ thời học phổ thông cô giáo đã phân công kèm cặp một thằng ba trợn của lớp và nhất nhì của trường rồi còn gì. Thế mà rồi mê mẩn đến tận giờ này vẫn chưa dứt, kể cả khi sự nghiệp gã này lên đến một trong những tên tuổi trong làng“ kỳ bẽo“ và cá độ của HN. Rồi thì, rồi thì… Thật là nghiệp chướng, nghiệp chướng. Thiện tai thiện tai.

Lạ lùng thay yêu nhau bao lâu như vậy nhưng thị và gã không hề cái ảnh chung nào. Cũng chẳng còn giữ cái ảnh nào của gã. Nhưng gã biết và thị cũng biết rằng vật có đổi, sao có dời thì cuộc tình ấy mãi mãi ở lại trong trí nhớ của thị và của gã.

Tình tan đã lâu, mọi sự đã là dĩ vãng … vậy mà nhiều khi thị vẫn thảng thốt mỗi khi trên đường bất chợt nghe lại một câu hát cũ, mỗi khi thoáng trong không gian một ngọn gió phớt qua mang hơi nồng ấm của biển đêm năm nào thị và gã ngồi chờ bình minh lên, lòng thị vẫn xao động mỗi khi đi qua những nơi năm xưa thị và gã đã cùng nhau hò hẹn … Vẳng đâu đó trong thị vẫn luôn vang lên lời bài hát kia mỗi khi nhớ đến gã „Đôi mắt ấy đã nhìn anh…“, vẫn bập bùng cái ánh lửa trại năm nào trên đảo với ánh mắt rụt rè dọ hỏi của gã, vẫn dào dạt cái gió biển hè với những tháng ngày thong dong vô tư lự của tuổi trẻ…

Nói vậy không có nghĩa là cuộc tình của gã và thị không có sóng gió.. Không những chỉ sóng gió mà thậm chí còn bão tố, sóng thần… nữa ấy chứ. Khóc lóc, bỏ ăn uống… vì gã này không phải là không có. Nhưng ngày ấy trẻ, vết thương nó cũng mau lành hơn.

Nhưng chủ yếu lỗi là do những sự oái ăm của thị. Chuyện gã này hàng tuần đều xuống là lượt, sắp xếp lại tủ quần áo cho thị… là „chuyện thường ngày ở huyện“ và rất bình thường đối với ký túc xá. Thị rất bừa bộn, lại hay đi chơi. Mà đi chơi về là thị cởi và vứt ngay quần áo ra bất cứ chỗ nào tiện tay. Cảnh gã chân nhún nhảy, miệng huýt sáo trông rất yêu đời vừa vuốt ve quần áo thị trong khi ủi đồ là một trong những hình ảnh thị nhớ mãi về gã.

Gã là con một, nói đúng ra là con trai duy nhất của ba mẹ gã. Nhưng không hiểu sao khi về nước thị chỉ thấy hai mẹ con gã ở với nhau. Thị chưa gặp ba gã bao giờ nhưng thị cũng chẳng khi nào hỏi cả vì thị biết trong mỗi gia đình thường có những uẩn khúc nào đó mà mình không nên khơi đến. Chắc ở đây là sự chồng Nam vợ Bắc, hệ quả cuả cuộc chia cắt Việt Nam mà không phải chỉ mỗi gia đình gã chịu sau khi đất nước thống nhất.

Ngày thị cưới, gã đi cùng cô vợ chưa cưới của gã lên nhà thị dự. Lòng thị dửng dưng và không giấu nổi một cảm xúc khinh bỉ với thị này dù rất lịch sự. Thị biết, gã biết điều đó. Bởi thị vợ này là một con cave như lời bạn bè thị và gã nói (bây giờ già đời hơn, từng trải hơn, thị mới thấy thương cho thị này, thực ra là một cô bán quán cà phê mà thôi). Gã quen thị vợ khi gã vào công tác ở một thành phố miền Trung. Thị này thậm chí còn mang vào cuộc hôn nhân với gã một đứa con cũng đã lớn, khi mối quan hệ đến mức không thể dứt ra được thì gã mới biết…

Gã đã khóc với riêng thị khi biết tin thị sẽ cưới trong mấy hôm nữa. Thị vẫn nhớ tối hôm đó, trong bóng tối nhập nhoạng ở hành lang nhà thị, cái ánh mắt lấp loáng nước của gã… làm lòng thị nhức nhối mãi. Nhưng biết làm sao khi tất cả đã muộn. Thị đã yêu người khác. Thậm chí vài người khác, sau cuộc tình với gã và trước cuộc hôn nhân này.

„Ngày vui ngắn chẳng tày gang“, những ngày ngắn ngủi ở Hà Nội…Gã gò lưng ra chở thị trên cái xe đạp tối thiểu cuả gã. Thị thì béo quay, gã thì gầy đến mức không thể gầy hơn được nữa… Ngày ấy quả là một „hiện tượng“ của Hà Nội.

Cái đêm giao thừa năm nào thị nhớ mãi lần thị phóng xe về giữa tiếng pháo nổ và sự cô đơn đến cùng cực. Ngày ấy gã đã yêu một người khác. Và thị cũng đã yêu người khác. Nhưng thị vẫn đến thăm gã giao thừa như một thói quen khó bỏ.

Lòng thị khi ấy ngổn ngang bao nỗi, rồi cuộc tình kéo dài cũng chẳng lâu được, y như tiên đoán của bố mẹ thị, là những người chưa bao giờ đồng ý về cuộc kết hợp này. Nhưng vì tôn trọng con gái nên chỉ phân tích thôi. Tất nhiên có những lần phân tích cũng nảy lửa lắm ấy chứ nhưng không cấm đoán hay phải cần đến gậy gộc gì. Nhà thị rất văn minh. Dù là gốc gác Nho nhe nhưng bố mẹ thị đều là dân Tây học cả. Lúc chưa mất, mẹ thị khi nghe về gia cảnh gã này đã khuyên thị rằng con sẽ lớn lên, con sẽ gặp gỡ, tiếp xúc trong đời nhiều người hơn nữa, con sẽ thấy sự khác biệt mà khi yêu và trẻ tuổi người ta không nhận ra được. Mẹ thị đã có lý.

Cũng chẳng cần lâu lắm, thị cũng đã nhận ra … nhưng mà thị vẫn yêu gã như một cái sự chẳng thể khác được

Ngày thị về đến ga Hàng Cỏ, gã ra đón. Khi ấy thị không biết chuyện cô cave kia. Những ngày sau đấy gã không hề đề cập đến chuyện này và dĩ nhiên thị cũng không trình bày gì những mối quan hệ cuả riêng thị. Sau đó thị đi họp trong ấy và đã đến tận nơi gã công tác đó để thăm nhưng không hề biết cô cave đó chính là chủ quán cà phê bên cạnh cơ quan gã. Dĩ nhiên là gã không kể cũng như thị không kể tình yêu thị đã dành cho một người đàn ông khác.

Nhớ đến gã là thị nhớ đến cái sự rượu của gã. Gã nát rượu hơi sớm. Nghĩa là hình như sau khi hai đứa thôi nhau không bao lâu. Chắc chả dính dáng gì đến sự thất bại của cuộc tình này. Thị nghĩ vậy. Bởi sau đấy gã lấy cô cave kia làm vợ, cuộc sống bế tắc. Thị không tìm hiểu vì nhiều lý do.

Cái sự tai nạn của gã có gì khác hơn là do rượu. Từ khi còn trẻ gã đã nát rượu. Thấy bảo say rượu nên gã đâm vào ô tô hay là ô tô đâm vào gã gì đó. Tóm lại là khi tỉnh lại thì hình như đã gần tháng trời trong bệnh viện do hôn mê. Gã sống được cũng là do một sự tình cờ của Thượng đế thôi. Có thể hôm ấy cả thiên đường lẫn địa ngục đều chật chội cả chẳng hạn.

Nhiều khi thị cứ hỏi mình rằng những ngày xế tà cô đơn nằm bẹp, những chiều hoang hoải khốn khó khi

„Bừng tỉnh mưa còn mau

Đời tàn trong ngõ hẹp“

liệu gã hay những kẻ như gã có bao giờ tự hỏi „Ta đã làm chi đời ta xưa, ta đã dùng chi đời ta chưa?“ không.

Thị vẫn về thăm gã, kể cả những khi gã chưa tỉnh. Có những lần gã không hề biết vì thị chỉ gặp mẹ gã, người đàn bà đóng góp rất nhiều cho sự thất bại của cuộc tình thị và gã, dù có khi bà cũng chẳng biết sự thực này. Xưa kia, cũng chẳng định lấy nhau nhưng mà thị có uất ức bà. Sau mới nghĩ ra là cả bà với bố mẹ thị chả quá nhất trí với nhau về cuộc tình cuả thị và gã là gì. Nên thôi. Thậm chí thị còn ngờ là chính thị cũng rất nhất trí với việc này có điều không tự nhận thấy thôi hoặc là không muốn nhận thấy mà thôi.

Có lần thị về thăm gã, vừa đến chân cầu thang nhà gã thị gần như té ngửa khi gặp thằng con trai gã. Nó giống gã kinh khủng và cũng bằng đúng tuổi gã ngày yêu thị. Chỉ có điều nó có vẻ rụt rè và ngoan hơn, không du côn như gã ngày trẻ.

Thế mà thị lại chết vì cái vẻ du côn ấy chứ. Cái giống đàn bà thật là „nan hóa“. Đường quang không đi lại đâm vào bụi rậm. Người như vậy thì đừng hòng mà hạnh phúc yên ổn

nó bén mảng đến cổng nhà nhá. Thị rất biết điều đó. „Đã mang lấy nghiệp vào thân…“

Trong những giấc mơ, thị vẫn gặp gã trẻ trung và tay chơi như ngày nào. Những gắn bó ấy thị chẳng bao giờ quên được. Thị chẳng bao giờ hoàn toàn quên được gã (thị chẳng bao giờ hoàn toàn quên được bất kỳ ai đã từng một lần đi qua đời thị, cho dù chỉ là những cảm tình rất nhạt nhòa. Khổ thế cơ chứ. Trí nhớ quá tốt cũng không hẳn là một điều hay tí nào cả).

Mỗi khi đi qua những góc phố của những năm tháng thanh xuân, gặp lại những người quen cũ, nhìn lại kỷ niệm cũ, như những vết khắc trên cây năm nào trước buổi chia tay gã về nước… Nhìn tuổi tác trôi qua theo thời gian thị luôn tiếc và thị luôn tự hỏi liệu mình có lỗi phần nào trong sự nghiệp „rượu“ cuả gã? … để gã thành một phế nhân cả tâm hồn lẫn thể xác như ngày nay…. Có hay không nhỉ.

Thị đã từng yêu gã biết bao nhiêu, thị cũng đã từng khổ sở vì gã biết bao nhiêu.. Nhưng lạ thay thị chưa từng hy vọng hay thất vọng về gã điều gì. Vì có lẽ từ khi còn là một con bé, trực giác thị đã rất tốt. Thị biết gã là người không nên đòi hỏi điều gì. Gã là chính gã, vậy thôi.

Mà xét cho cùng thị cũng chưa từng hy vọng về ai nên cũng chẳng thất vọng lắm về ai cả. Thắng lợi, thất bại trên tình trường có đủ cả, nhưng thị chưa thất vọng về ai bao giờ. Thị trân trọng và hạnh phúc với mỗi cuộc tình đi qua đời thị. Thị trân trọng cả những kỷ niệm buồn, cả niềm vui dù rất bé. Thị hạnh phúc cả với khổ đau, hạnh phúc cả với những điều nhỏ nhặt nhất mang đến cho thị hạnh phúc… Có ai cho thị đi lại quãng đường đã qua chắc thị cũng sẽ mãi mãi như vậy mà thôi. Đã bảo rồi, „…Cởi ra rồi lại mặc vào như không …“ mà lại.

Biết cả đấy

Nhưng ở đời nào đã mấy ai làm khác được với chính con người mình cơ chứ. Thế mới hay

„Bắt phong trần phải phong trần

Cho thanh cao mới được phần thanh cao“.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Tìm kiếm mở rộng

Google TreLang

Tre Làng

Thông kê truy cập

Lưu trữ Blog