Chia sẻ

Tre Làng

TRUNG QUỐC MUỐN GÌ Ở THÁI LAN?


Chỉ ít ngày sau khi Tổng thống Barack Obama công du Thái Lan với nỗ lực tăng cường quan hệ đồng minh cũ, hôm 21-11 Thái Lan đã đón tiếp nồng hậu Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo.

Báo Wall Street Journal (Mỹ) nhận định chuyến thăm Thái Lan của Thủ tướng Ôn Gia Bảo ngay sau hội nghị cấp cao ASEAN đã mang đến cho Thái Lan một kế hoạch chi tiêu to lớn.

Thủ tướng Thái Lan Yingluck Shinawatra thông báo đã đề nghị Trung Quốc đầu tư 50 tỉ USD vào khu công nghiệp cảng biển sâu Thái Lan đang xây dựng ở miền Nam Myanmar cùng các dự án ngăn lũ và đường sắt. Bà cũng cho biết Trung Quốc đã ký hợp đồng mua số lượng lớn gạo dự trữ Thái Lan và việc này sẽ mang lại hàng tỉ USD giúp Thái Lan phát triển kinh tế nông thôn.

Đằng sau vấn đề kinh tế, các nhà phân tích ghi nhận đây là chiến lược của Trung Quốc nhằm ngăn chặn các nước ASEAN có tiếng nói chung về vấn đề biển Đông. Trong phát biểu với báo giới tại Bangkok, Thủ tướng Ôn Gia Bảo không hề nêu vấn đề tranh chấp lãnh thổ, tuy nhiên ông khẳng định một khi tình hình khu vực trở nên phức tạp, Trung Quốc sẵn sàng hợp tác với Thái Lan để phát triển và thắt chặt hợp tác ở cấp khu vực.

Theo báo Wall Street Journal, Campuchia đã giúp Trung Quốc khi khẳng định quan điểm không quốc tế hóa vấn đề biển Đông. Kết quả là trong ASEAN đã hình thành hai nhóm. Nhóm thứ nhất gồm các nước Philippines, Indonesia, Malaysia, Singapore, 
Việt nam và Brunei ủng hộ mở rộng thảo luận vấn đề biển Đông. Và nhóm thứ hai gồm Campuchia, Lào, Myanmar và Thái Lan đã cản trở ASEAN đưa ra tiếng nói mạnh mẽ trong đàm phán với Trung Quốc.

Song song theo đó, Bộ Ngoại giao Trung Quốc tuyên bố sẵn sàng giải ngân viện trợ cho các nước ASEAN với lý do thu hẹp khoảng cách kinh tế giữa các nước giàu có như Singapore, Malaysia và các nước nghèo như Lào, Myanmar và đặc biệt là Campuchia.

Chuyên gia Ernest Bower (Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế ở Mỹ) nhận định Trung Quốc đang chứng minh ý định vẫn duy trì áp lực vừa thụ động vừa gây hấn nhằm làm suy yếu vị thế của ASEAN về vấn đề biển Đông.

Nhà phân tích cấp cao Sarah McDowall (Công ty phân tích thị trường IHS ở Anh) nhận định ASEAN khó tìm được tiếng nói chung. Hiện tại các hiệp định thương mại xung quanh khối ASEAN mở rộng có vẻ như chú trọng Hiệp định Đối tác toàn diện khu vực do Trung Quốc dẫn đầu hơn Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương do Mỹ chủ xướng.

Chuyên gia Ian Storey ở Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (Singapore) dự báo sau khi Brunei đảm nhận vị trí nước chủ tịch ASEAN vào năm sau thay cho Campuchia, nhiều khả năng vấn đề tranh chấp lãnh thổ sẽ thu hút được nhiều quan tâm hơn.

DUY KHANG

2 nhận xét:

Tìm kiếm mở rộng

Google TreLang

Tre Làng

Thông kê truy cập

Lưu trữ Blog