Chia sẻ

Tre Làng

THÍCH...NGHÈO

Cần “trị bệnh” thích... nghèo

TT - Ngày 23-11, đoàn giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật về giảm nghèo giai đoạn 2005-2012 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã làm việc với các bộ ngành. Nội dung chủ yếu là hỗ trợ giảm nghèo sao cho có hiệu quả.
Cán bộ y tế Bệnh viện 103 - Học viện Quân y (Bộ Quốc phòng) khám bệnh, tư vấn sức khỏe, cấp thuốc cho đồng bào dân tộc vùng sâu, đặc biệt khó khăn tại xã Làng Chếu, huyện Bắc Yên, tỉnh Sơn La - Ảnh: Dương Ngọc
Theo bà Trương Thị Mai - ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội, trưởng đoàn giám sát, đây là lần đầu tiên Chính phủ báo cáo với đoàn giám sát về nội dung giảm nghèo. Sau buổi làm việc này, đoàn giám sát sẽ tiếp tục đi các địa phương.


Gạo có 1, rượu có 10

Tại buổi giám sát, đại biểu Nguyễn Thị Khá (Trà Vinh) lo lắng kể: “Đi giám sát, tới nhà trưởng thôn chúng tôi đi lục ché gạo thì chỉ có chừng một ký gạo, nhưng rượu trong nhà thì có tới mười mấy bình. Bước vô nhà nồng nặc mùi rượu. Bà con tới họp ở nhà trưởng thôn cũng trong không khí nồng mùi rượu. Có thôn tôi đến không có em nào đi học cấp III. Có xã chỉ có chục em học cấp III ở trường dân tộc nội trú. Nghèo nhưng nhà nào cũng từ 7-8 con, thậm chí tới hơn chục đứa”.

Từ thực tế đó, bà Khá đặt ra hàng loạt câu hỏi: “Một số địa phương tôi đến, ông trưởng thôn nói tiếng Kinh còn chưa sõi thì làm sao họ tiếp thu khoa học kỹ thuật được? Ta cứ nói cho họ cái “cần câu”, không cho họ “con cá”, nhưng trình độ mặt bằng như vậy thì câu ở đâu? Câu bằng cách nào? Cho bao nhiêu tiền, đầu tư bao nhiêu đi nữa mà cách nghĩ cách làm của bà con vẫn như thế thì chừng nào mới thoát nghèo bền vững?”.

Phó chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội Bùi Sĩ Lợi cho rằng giảm nghèo là một chương trình lớn của đất nước suốt hai thập kỷ qua, sau 20 năm phải có những bài học rút ra. “Đó không chỉ là bài học thắng lợi, mà là cả những bài học thất bại từ chương trình” - ông Lợi nói.

Ông phân tích: “Chính phủ nói quá nhiều chính sách do bộ ngành đề ra. Tôi nói thêm là các chính sách này có thể tạo cơ hội lãng phí về nguồn lực”. Chính sách giảm nghèo của ta được đánh giá là có hiệu quả, nhưng ông Lợi cho là đang tạo ra một sự bất bình đẳng về cơ hội và sự dàn trải có thể gây hại cũng như cản trở sự phát triển đất nước. “Bởi vì sao? Vì ta cấp và cho không rất nhiều nên dẫn đến chuyện cào bằng. Các bộ ngành phải suy nghĩ làm thế nào để tránh tâm lý ỷ lại trong đồng bào hiện nay” - ông Lợi đặt vấn đề.

Đại biểu Tôn Thị Ngọc Hạnh (Đắk Nông) băn khoăn khi phản ánh thực tế có nhiều hộ muốn tìm cách “phấn đấu” để được công nhận là hộ nghèo. Đại biểu Trần Ngọc Tăng (Hà Tĩnh) có cùng tâm trạng đó khi đặt vấn đề: “Hiện một số hộ dân không muốn thoát nghèo, chỉ muốn trông chờ ỷ lại. Nếu không giải phóng được tư tưởng này thì không bao giờ thoát nghèo bền vững được”.

Hãy nói thật về hiệu quả các chương trình

Đại biểu Tôn Thị Ngọc Hạnh thẳng thắn nhận xét về đề án 1956 - chương trình đào tạo nghề cho lao động nông thôn: “Ở đó tôi nhìn thấy sự lãng phí rất lớn. Thực tế có bao nhiêu người thật sự hưởng lợi được từ chính sách này? Đề nghị phải thống kê đánh giá thật nghiêm túc, khách quan”.

Còn theo đại biểu Đặng Thuần Phong (Bến Tre), Chính phủ phải đánh giá rõ sau thời gian triển khai thì có chính sách nào lạc hậu cần loại bỏ? Cơ chế hướng dẫn địa phương lồng ghép chính sách chừng nào có? Phó chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội Nguyễn Văn Tiên yêu cầu sắp tới chương trình nào thật sự “tâm đắc nhất - hiệu quả nhất mới tiếp tục làm. Cần đánh giá theo từng nhóm chính sách và trong từng nhóm thì chính sách nào là chủ chốt”.

Cách đặt vấn đề của các đại biểu được bà Trương Thị Mai đồng tình. Bà Mai cho biết trong 16 năm, có khoảng 100 văn bản được ban hành với trên 70 chính sách khác nhau. Với hàng loạt chính sách như thế không tránh khỏi sự chồng chéo, trùng lắp và tính hiệu quả dàn trải. Bà Mai đề nghị Bộ trưởng Bộ Lao động - thương binh và xã hội Phạm Thị Hải Chuyền công bố ra Quốc hội hiệu quả thật sự của từng chính sách.


“Nhóm chính sách nào thành công, nhóm chính sách nào hiệu quả còn phải xem xét, chính sách nào hiện nay còn lựng khựng nên rõ ra. Và chắc chắn những chính sách đó sẽ rơi vào từng bộ ngành cụ thể chứ không rơi chung chung vào Bộ Lao động - thương binh và xã hội được” - bà Mai nói. Bà Mai cũng khẳng định: “Giảm nghèo phải đảm bảo ba mục tiêu chính: công bằng, hợp lý và hiệu quả, bên cạnh đó phải có giải pháp để cộng đồng và người nghèo tham gia mạnh mẽ hơn”.

MAI HƯƠNG

Công thức 1+1+1
Thông tin của Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam giải đáp được phần nào băn khoăn của các đại biểu. Ông Nam nói: “Để hạn chế sự ỷ lại của người dân, chúng tôi thực hiện chính sách giải quyết nhà ở theo công thức 1+1+1, nghĩa là Nhà nước, cộng đồng và người dân cùng đóng góp nguồn lực. Và khi có đủ nguồn lực rồi, người dân sẽ tự chọn ngày giờ, hướng nhà và tự xây nhà của chính mình, Nhà nước chỉ giúp về thiết kế. Như vậy, ta khơi dậy được sự hỗ trợ của cộng đồng, họ hàng và nguồn lực xã hội để giúp dân, đồng thời tăng tính trách nhiệm của từng người dân”.

12 nhận xét:

  1. Nặc danh12:12 24/11/13

    Nhiều người dân hiện nay cũng đang quan niệm sai lầm về việc hộ nghèo, họ nghĩ rằng họ sẽ được trợ cấp và được hưởng nhiều chính sách hỗ trợ hơn như về vay vốn, bảo hiểm y tế, việc làm...chính vì thế mà nhiều người nhất quyết không chịu nhường cái danh hiệu "nghèo" cho người khác.. Họ nghĩ rằng nếu không còn nằm trong diện hộ nghèo thì sẽ phải đóng thuế, và không được hưởng nhiều chính sách như trước.Nên dù có nhiều hộ điều kiện gia đình tôt hơn rất nhiều, thậm chỉ khá giả nhưng vẫn cứ khư khư cái sổ hộ nghèo.

    Trả lờiXóa
  2. Nhiều nơi các hộ dân trước được công nhận là diện nghèo, sao 1 thời gian làm ăn kinh tế đã khá giả hơn nhưng vẫn không muốn trả lại sổ hộ nghèo. Bởi, mỗi hộ nghèo được cấp cho một cuốn sổ, rồi nhận đủ thứ tiền hỗ trợ, được khuyến khích học nghề (được hỗ trợ tiền học nghề), được hướng dẫn cách làm ăn, có chỗ cho mượn tiền không tính lãi… Rồi vào mấy dịp lễ, tết, ngành này, ban nọ đến thăm và tặng quà… Vậy thì, ai lại chẳng muốn là hộ nghèo, ai dại gì trả sổ?

    Trả lờiXóa
  3. Nặc danh13:57 24/11/13

    Chính quyền thường nói rất rõ các chính sách ưu đãi hộ nghèo mà “quên” đề cập mục đích của việc hỗ trợ nhằm giúp dân thoát nghèo và khi đời sống của họ đã khá hơn, các chính sách này sẽ chuyển sang cho những hộ nghèo khác. Vì không giải thích cặn kẽ nên người dân thường chỉ thấy cái lợi trước mắt mà quên đi việc cần chia sẻ với những đối tượng khó khăn hơn, hay nói cách khác nhiều hộ dân chỉ nghĩ cho gia đình mình nhưng không nghĩ tới những người xung quanh còn có thể đang gặp nhiều khó khăn hơn.

    Trả lờiXóa
  4. bài toán xóa đói giảm nghèo vẫn còn là bài toán khó giải dành cho Đảng và Nhà nước ta , không phải cứ cấp kinh phí xóa đói giảm nghèo xuống là được , mà còn phải quan tâm sâu sắc , hướng dẫn nhân dân tìm cách thoát khỏi đói nghèo , không phải cứ rót trợ cấp xuống trong khi không hiểu được tình hình của nhân dân thì sẽ là 1 sự lãng phí

    Trả lờiXóa
  5. Câu chuyện cả xã ăn mừng vì xã được công nhận xã nghèo hay dân kêu ca vì ị đưa ra khỏi hộ cận nghèo là chuyện bình thường. Vì rằng hộ nghèo có nhiều ưu ái lắm, nên có nhiều nơi nghèo cũng phải chạy để được đó.

    Trả lờiXóa
  6. Thật vậy, những chính sách dành cho người nghèo phải đi đôi với công bằng và dân chủ. Không thể để những hộ gia đình đó ỷ lại, trông chờ quá nhiều vào các cơ quan chức năng mà quên đi nhiệm vụ chính của bản thân mình được. Đầu tư cho những người nghèo thực sự chứ không phải đầu tư một cách tràn lan đó mới chính là những việc làm thiết thực nhất.

    Trả lờiXóa
  7. Mục đích của việc hỗ trợ cho người nghèo chính là cấp vốn để họ làm ăn nhằm thoát ra khỏi tình trạng nghèo đói. Nhưng có những kẻ chỉ biết dựa dẫm vào những đồng vốn từ chính phủ để mà ỷ lại. Chính vì vậy, thiết nghĩ chúng ta cần có những luật lệ nhất định trong việc bình xét hộ nghèo để tránh tình trạng lãng phí.

    Trả lờiXóa
  8. Điều đáng buồn là những hộ dù đã thoát khỏi cái danh "hộ nghèo" từ lâu rồi mà còn không buông cái danh ấy để dành cho những người khác cần đến nó hơn. Tình trạng đó xảy ra cũng bởi lẽ được công nhận hộ nghèo cũng đồng nghĩa với việc gia đình họ được biết bao những ưu ái từ nhà nước như: bảo hiểm y tế, giảm học phí, hộ trợ tiền xây nhà... Thiết nghĩ cơ quan chức năng nên rà soát, quy định và kiểm tra nghiêm ngặt hơn để tiền được đến với những người nghèo thực sự.

    Trả lờiXóa
  9. Hộ trợ cho người nghèo là một việc làm rất cao đẹp của nhà nước ta. Nhưng có những kẻ chỉ dựa vào mục đích xóa đói giảm nghèo của nhà nước mà ỷ lại, thiếu trách nhiệm. Thiết nghĩ chúng ta nên hỗ trợ một phần nhỏ và nên khích lệ sự cố gắng từ chính các hộ gia đình.

    Trả lờiXóa
  10. Nặc danh20:14 24/11/13

    Nhận xét này đã bị tác giả xóa.

    Trả lờiXóa
  11. Câu truyện cái cần câu và con cá có lẽ là chuyện đầu tiên khi các chính sách xóa đói giảm nghèo được đề ra nhưng nó chưa thực sự đi vào thực tiễn tại nhiều vùng miền việc nhà nước tổ chức các lớp day nghề cho người dân và cho rằng đó là đã cho họ cái cần nhưng thực sự thì thế là chưa đủ vì rất nhiều nới sau khi học xong nghề và làm ra sản phẩm bán một thời gian thì lai không biết tiêu thụ ở đâu và mọi người lai bỏ nghề và họ vẫn là người nghèo không có gì thay đổi

    Trả lờiXóa
  12. Câu chuyện thích nghèo này thật đau lòng. Tại sao lại có những câu chuyện ngược đời như vậy? Đọc rồi mới hiểu được tại sao người ta lại vui mừng khi được công nhân hộ nghèo và cận nghèo. Cười ra nước mắt.

    Trả lờiXóa

Tìm kiếm mở rộng

Google TreLang

Tre Làng

Thông kê truy cập

Lưu trữ Blog