Chia sẻ

Tre Làng

Vụ Hàn Đức Long: VUI VÀ BUỒN

LâmTrực@

Chúng ta có quyền vui mừng vì ít nhất ông Chấn cũng đã phần nào được minh oan và sẽ được minh oan. Và từ vụ ông Chấn, nhiều người bị oan sai cũng sẽ được để mắt tới, công lý vì thế mà nhúc nhắc được thực thi. Chúng ta cũng sẽ buồn vì phải chứng kiến thói làm ăn tắc trách của các cơ quan tư pháp địa phương, dẫn đến làm oan người vô tội và bỏ lọt tội phạm. 

Dưới đây là vụ Hàn Đức Long.

Tiếp theo vụ ông Chấn làm chấn động dư luận, vụ án Hàn Đức Long cũng bị đặt dấu hỏi với nhiều tình tiết đáng ngờ - một trong số đó là việc 49 bút lục đã bị bỏ ra ngoài hồ sơ vụ án.

Đơn tự thú của Hàn Đức Long.

Hàn Đức Long bị kết án tử hình với 2 tội danh “Giết người” và “hiếp dâm trẻ em” trong một vụ án xảy ra vào giữa năm 2005. Điều đáng nói là ngay từ lúc đầu, Hàn Đức Long không bị nghi ngờ và cũng không bị bắt giữ về tội này. Long bị bắt giữ trong một vụ án hiếp dâm khác mà chứng cứ buộc tội không rõ ràng, sau đó, Long được tòa án tuyên là không phạm tội trong vụ án đó. Tuy nhiên, trong thời gian bị giam giữ ở công an Bắc Giang, Long lại bất ngờ nhận tội trong vụ án tày đình hơn “hiếp dâm trẻ em” và “giết người”.

Căn cứ buộc tội của các cơ quan tố tụng tỉnh Bắc Giang với Hàn Đức Long chủ yếu là dựa vào lời khai của bị cáo, trong khi chứng cứ vụ án rất lỏng lẻo. Cũng vì kiểu kết tội “Trọng cung hơn trọng chứng” (mà trước tòa bị cáo lại phản cung và tố điều tra viên bức cung) nên dư luận lại càng hồ nghi hơn về bản án dành cho tử tù này.

Còn nhớ, trong vụ án này, đơn vị điều tra là Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội Công an tỉnh Bắc Giang (PC 45). Khi đó ông Dương Khương Duy là Trưởng phòng, Phó thủ trưởng cơ quan cảnh sát điều tra công an tỉnh và là người trực tiếp chỉ đạo vụ án. Trong thời gian thụ lý vụ án, ông Dương Khương Duy bị đột tử tại phòng làm việc. Công an tỉnh Bắc Giang đã kiểm tra tủ hồ sơ lưu tại phòng của ông Duy và phát hiện có 49 bút lục liên quan đến vụ án Hàn Đức Long.

Theo công bố của Công an Bắc Giang, 49 bút lục này có thể hiện việc Hàn Đức Long đã từng khai nhận về hành vi hiếp, giết cháu Yến từ ngày 29/10/2005 nhưng chưa đầy đủ, chi tiết, cụ thể về hành vi phạm tội. Cũng trong số các bút lục này có sơ đồ hiện trường gây án được xem là của Hàn Đức Long “tự vẽ”. Tuy nhiên, Hàn Đức Long sau đó đã phủ nhận và cho rằng không phải do mình tự viết, vẽ ra.

Đáng chú ý là trong số 49 bút lục này, có một số bản viết tay không hoàn chỉnh đơn xin đầu thú của Hàn Đức Long. Vì sao lại có những đơn viết tay đầu thú mà lại không hoàn chỉnh như vậy, và Long bị bắt từ ngày 19/10, sao mãi đến 29/10, tức là sau 10 ngày mới có đơn đầu thú?

Luật sư Ngô Ngọc Trai đã đặt ra câu hỏi: Điều gì xảy ra trong 10 ngày từ khi bị bắt đến khi có đơn đầu thú? Phải chăng có các bản đơn xin tự thú viết dang dở trước đó là do bị bức ép viết, viết mỗi ngày một ít, viết cho quen, viết cho cam chịu dần, viết cho nét chữ ngay thẳng dần hàng và tới ngày 29/10 mới có bản đơn xin đầu thú hoàn chỉnh?

Nghiên cứu nét chữ viết tại "Đơn xin đầu thú" ngày 29/10/2005, gồm có 4 trang giấy thì cứ cách một đoạn nét chữ viết đứng thẳng, cách một đoạn nét chữ viết lại nghiêng. Sự khác nhau về nét chữ sau mỗi đoạn chứng tỏ có sự đứt quãng, không liền mạch, nghỉ ngơi rồi mới viết tiếp. Điều này cho thấy, lời Hàn Đức Long khai bị ép viết là hoàn toàn có cơ sở.

Cho đến nay, cơ quan điều tra Bắc Giang vẫn chưa thể lý giải vì sao 49 bút lục quan trọng này lại nằm ngoài hồ sơ vụ án?
Bút lục là các hồ sơ, tài liệu, biên bản do các đương sự cung cấp, các cơ quan tổ chức khác cung cấp, cơ quan tư pháp thu thập được có sự xác nhận của các bên liên quan hoặc cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, được đánh số thứ tự và lưu trữ trong hồ sơ vụ án. Có thể hiểu đơn giản, bút lục là những tài liệu chứng minh cho các luận điểm của cơ quan điều tra. Các bút lục có lợi hay không có lợi cho bị can đều phải được đưa vào hồ sơ và lưu trữ.


Tổng hợp từ Nét 

4 nhận xét:

  1. Một thực trạng khá là đáng buồn, những vụ việc sai sót cũng như không đúng trong việc xét xử, điều tra vụ án , đó là nguyên nhân làm cho các vụ việc về xét xử sai người, sai tội xảy ra. đó là điều hết sức đáng tiếc và đáng để chúng ta suy ngẫm. Sẽ có những dấu hỏi lớn về công tác điều tra , xét xử của các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền, liệu rằng có hay không các sự việc như ép cung, dùng nhục hình. Hy vọng với những sự việc bị phát hiện như thế này , các cơ quan chức năng có thẩm quyền sẽ tích cực vào cuộc để làm rõ sự thật.

    Trả lờiXóa
  2. Qua những sự việc, những sai phạm bị phát giác như thế này, chúng ta lại đặt ra những câu hỏi cho sự quản lý lỏng lẻo, quy trình làm việc thiếu khoa học của những người làm công tác hỗ trợ pháp lý. Việc điều tra, xét xử là một việc hết sức quan trọng, nó mang ý nghĩa quyết định đối với mỗi bị cáo. vì vậy, cần sự là việc hết sức nhiệt tình, công tâm và nghiêm túc. thực đáng buồn là vẫn có những vụ việc như thế này xảy ra.

    Trả lờiXóa
  3. Cán bộ chức trách của chúng ta đang làm việc 1 cách vô cùng tắc trách, làm sai, mà đáng sợ hơn , là làm bừa ,không có bằng chứng xác thức vẫn qui tội cho người vô tội, điều đó là không thể chấp nhận được. Và cũng đáng buồn là sau hàng loạt nhưng sự việc như vậy được phanh phui vẫn không có 1 cán bộ nào đứng ra nhận trách nhiệm, xin lỗi nhân dân,

    Trả lờiXóa
  4. Sự quản lí công tác làm án bị buông lỏng một cách đáng sợ , để mặc cho mấy kẻ làm ăn vô trách nhiệm ấy làm khổ nhân dân như vậy , chúng ta cần tăng cường quản lí ngay từ bây giờ , không thể để xảy ra thêm những vụ việc như vậy nữa

    Trả lờiXóa

Tìm kiếm mở rộng

Google TreLang

Tre Làng

Thông kê truy cập

Lưu trữ Blog