Chia sẻ

Tre Làng

Chiện cúng bái sư sãi

Bài gốc bên nhà Chị Bép ở đây: Chiện cúng bái sư sãi

Chiện từ hồi 2008
Cuối năm, mợ cả ở cơ quan cũ rủ đi cầu cúng ở tận Thái Bình – Nam Định. Ừ thì đi, lâu lâu không đi đâu thì đi cúng bái một tí cho thư giãn đầu óc. Hỏi mợ cả có cần chuẩn bị những gì không thì mợ bảo mợ sắm hộ cho cả đoàn gồm 6 đứa rồi, chỉ cần mình trèo lên cây cau nhà mình vặt 1 buồng cau và ra hàng rào làm một ôm trầu không là được. Mợ còn dặn đi dặn lại không được dùng dao để cắt, đến nẫu cả người. Mình cứ nghĩ đi cúng bái thì đồ lễ lạt cũng đơn giản thôi. Ai ngờ khi đến nhà mợ cả thì thấy 1 núi đồ lễ các thể loại. Thật là khủng khiếp. Hóa ra là sẽ đi lễ tầm độ 5-6 đình chùa miếu mạo gì đó.

Cả đoàn xuất phát từ nhà mợ cả lúc 6h chiều, đến tận gần 8h30 tối mới đến một cái chùa ở Thái Bình. Sư trụ trì tung tăng ra đón khách. ohoho, cứ tưởng ai, hóa ra mình đã gặp “ông” sư này rồi! Chả là cách đây 5-7 năm mợ cả có rủ mình đến chùa Quán Sứ để thăm sư! Lần ấy mình cũng hơi choáng, chả hiểu từ bao giờ mợ cả tự nhiên lại say sưa với trò cũng bái lễ Phật, rồi lại còn chăm sóc sư như thế! Nhưng dù sao mình cũng đi theo, tò mò là chính và cũng muốn xem 1 ông sư chính hiệu thì ra làm sao!!! Lần ấy đi từ cơ quan mình lên chủa Quán Sứ mà mợ cả đi vòng vèo một hồi. Mình cứ tưởng mợ bị làm sao hóa ra mợ phải đi tìm đúng cái quán vỉa hè bán xôi giò ngon nhất Hà Nội để mợ mang đến cho sư ăn!! Oooooh, mình có hỏi sao sư lại ăn giò chả là ra cái thể loại gì thế. Mợ cả bảo mình ngu dốt, không theo kịp thời đại, dạo này giáo hội Phật giáo cho phép các sư gi gỉ gì gi cái gì cũng ăn rồi. ohoho, hay phết. Lúc ý mình bỗng ước ao giá mà giáo hội cho phép sư cưới vợ cưới chồng nữa thì mình đi tu luôn cho sướng….. Đấy, mình đã gặp sư ở chùa Quán Sứ. Lúc đó sư đang theo học đại học Phật giáo gì đó. Sư kém mình gần chục tuổi, nghĩa là kém mợ cả phải đến gần 20 tuổi. Ấy vậy mà mợ cả cứ 1 điều thầy 2 điều con. Ặc ặc, mình trông thấy sư chào câu rõ to: “chào sư!” Mợ cả lườm mình một phát cháy cả cổ áo 1 ngày chưa giặt. Nhưng mình cứ giả mù chả nhìn thấy gì cả sất….. Và mình thú vị nhìn sư chén xôi giò chả….

Đấy 5-7 năm trôi qua rõ là nhanh, lần này lại gặp lại sư, sư đã là hòa thượng họ Thích trụ trì 1 lúc 3 chùa. 1 chùa để ngủ, 1 chùa để dạy các sư khác học trung cấp, đại học ngành Tu hành, 1 chùa để làm gì đó mình không kịp hỏi. Thời gian chủ yếu sư ở cái chùa để ngủ của sư. Chùa khá rộng rãi nhưng chỉ có nhõn sư + 1 sư thầy +1 vãi + 1 tiểu. Sư mình biết hóa ra được gọi là sư ông! Độ này sư trông không đẹp giai như cách đây 5-7 năm. Mợ cả có giải thích là vì do sư phải làm việc nhiều quá, đi cúng bái khắp nơi nên sắc đẹp có phần giảm sút. Ngược lại, đôi bàn tay sư lại nõn nà ra, móng tay 10 cái dài vươn ra độ 2-3cm cả 10. Mà cái nào cũng được cắt tỉa gọn ghẽ, đẹp đẽ. Mình soi thấy sư có 1 bộ cắt, dũa móng tay y hệt như ở những cửa hàng gội đầu cắt tóc. Công nhận sướng thật. Chỉ có người cả ngày chả phải mó vào cái gì mới để được bộ móng vuốt ngon như thế! Cơm nước đã có vãi lo, quần áo đã có tiểu giặt, nhà cửa đã có một bầy đệ tử chăm. Có mỗi việc tụng kinh gõ mõ một ngày 1 lần là sư phải làm thì đến móng chân có khi cũng để được ấy chứ nhỉ! Trong chùa còn có 1 chú tiểu con tí, mới có 5 tuổi. Trông chú khá xinh xắn, trắng trẻo, cao ráo, mắt đen láy. Sư kể bố mẹ chú đứa thì sida sắp chết, đứa thì suy thận cũng đang chờ chết, cho nên họ phải bán con cho sư, sư trả cho 1trVND rồi đem thằng bé về chùa cho làm tiểu. Lúc cả đoàn đến thì chú tiểu chỉ đứng lấp ló ở cửa phòng rồi chui tọt vào trong nhà mà không dám ra. Hóa ra chú ta đang bị sư phạt vì tội hôm trước nghịch cái gì đó. Mấy mợ nhà ta thi nhau vào xoa đầu chú tiểu, cho chú mấy cái xúc xích của trẻ con. Một mợ còn khen: “chú tiểu xinh giai quá, trông thông minh lanh lợi, giống hệt sư nhỉ.” Mình buồn cười vãi cả linh hồn. Sư thì ngượng quá nhưng cũng có bào chữa: “Ở với sư lâu ngày thì phải giống sư thôi.” Tối hôm ấy cả đoàn cúng bái ở chùa rồi ngủ lại ở cái chùa dạy học. Úi giời ơi, được nằm ở giường của các sư nhá. Phen này mà có đẻ con thì chắc phải đẻ ra Thánh Gióng chứ chả chơ.

Hôm sau đúng giờ D(ê) thì cả đoàn xuất hành. Đầu tiên là đi ăn phở, tìm mãi mới được hàng phở Nam Định chính hiệu con nai vàng. Người thì phở tái, người thì phở chín. Mình ăn phở chín vì sợ dịch tả. Sư cũng ăn phở chín vì thực ra sư thích phở tái hơn nhưng vì đi tu nên sư hơi kinh kinh….

Ngôi đền đầu tiên cả đoàn đi đến là đền Tiên La. Phải nói đây là một ngôi đền khá đẹp tuy khuôn viên của đền không phải rộng lớn gì. Thêm nữa phong cảnh bên ngoài đền vẫn còn giữ được nét dân quê thời xưa. Khá nhiều cây si, sanh, đa cổ thụ ở xung quanh khu vực đền. Hơn nữa đền rất sạch sẽ và yên tĩnh. Mới sáng sớm nên chưa có nhiều đoàn đến cầu cúng. Mấy mợ đi cùng thì chả cần biết xung quanh ra làm sao, hì hục bầy đồ lễ, lại còn quát tháo mình sao cứ lờ vờ như mật thám theo dõi cán bộ cách mạng thế hả. Nhờ có sư đi cùng quan hệ với ông từ giữ đền mà cả hội được vào gian chính để khấn bái. Giời ơi, lần đầu tiên phải ngồi nghe cúng bái rõ lâu, mình cứ ngồi đếm sư khấn khứa cho từng người một. Đến người cuối cùng thì mình buồn cười quá suýt nữa thì cười ho ho nhưng kìm lại được. Hóa ra mợ cả còn làm cả sớ để khấn cho cái đề tài cấp nhà nước của anh giai nhà mợ. Lúc khấn xong mình có hỏi mợ sao lại phải khấn thì mợ bảo vì khi thực hiện có động đến đất đai, kinh động thổ công thổ địa… Ối giời ơi, làm cái nghề này thì đề tài nào chả chọc tức thổ công thổ địa. Nhưng mợ bảo vì lần này còn phải khoan thật sâu, dùng mìn để phá đất nên nguy hiểm lắm, phải cầu cúng cho chắc ăn! huhuhuhu. Cúng bái xong, trong lúc chờ các mợ chia chác lộc lá cho ông từ thì mình tranh thủ làm một vòng quanh đền. Ở ngay cạnh cái gian chính và giữa của đền là 2 tấm bia công đức to vật, một là của gia đình ông chủ nước khoáng Vital, 1 là của anh Vũ Văn Tiền – Geleximco nào đó, mỗi ông công đức cả vài tỉ đồng. ohoho, hãi thật. Mình đang lơ vơ đi chụp ảnh loanh quanh tự nhiên nghe tiếng gào khóc rất to. Một cô áo xanh vừa nhảy xuống khỏi xe mới bước vào cửa đền tự nhiên khóc rống lên rất thảm thiết. Vừa vào đền cô ấy đã xì xụp khấn bái khóc lóc: “mẹ ơi, con gái mẹ về với mẹ đây, ….. blabla….”. Mình sợ đờ đẫn cả người ra, cứ nghĩ nhà cô này chắc mới chết mẹ hay gì đó kinh khủng lắm. Ngờ đâu mợ cả giải thích: “nó có căn đấy, cứ lên đền là cô nhập vào người thôi”…. Oho, mình vốn thiểu năng trí tuệ, chả hiểu “căn” là cái gì cả. Sư liền giải thích căn tức là có căn có cốt để nhập đồng. ohoho, thôi chả thèm hỏi nữa, có giải thích thêm thì cái đầu bã đậu của mình cũng sẽ không thèm hiểu thêm gì nữa cả. Còn cái cô áo xanh kia gào khóc có tới 10′, ấy vậy mà bước ra khỏi cửa đền một cái đã ráo hoảnh như chưa từng xảy ra cái gì cả rồi, và tất tả đi bày đồ cúng…. Hài hước thế chứ lại! Lên xe mình bảo với sư là có 2 ông công đức lắm tiền phết, mỗi ông một cái bia to vật. Sư bảo phải dựng bia để cho các ông khác gáy to hơn. Sư giải thích mỗi một lần công đức được gọi là “gáy”, ông sau sẽ nhìn ông trước “gáy” như nào để biết đường “gáy”. Hay phết! Giờ mình học được thêm từ “gáy”.

Sang đến đền thứ 2, tên là gì quên xừ mất rồi, thì thấy lộn xộn quá. Vì trên đường đi mình đã cập nhật được 1 số thông tin về hệ thống đền chùa miếu mạo vào phong tục thờ Mẫu của vùng Thái Bình – Nam Định nên không bị sợ khi nhìn thấy người ta khóc lóc ở đền nữa. Nhưng khi nhìn thấy mấy đám lên đồng ở các điện trong đền thì lạ quá. Thế là sư lại giải thích: “hầu đồng đấy”. àh hà. Rồi rồi, đây chính là các đám hầu đồng. Thế là mình đứng đực ra, mồm chữ O, mắt chữ A xem người ta hầu đồng. Đám hát văn hát ỉ hát eo, trống chiếc khua rõ là hoành tráng. Một lúc thế qué nào các chú còn hát cả Tình bằng có cái trống cơm…. Mợ cả nhìn thấy mình đang đứng xem quát rầm lên là đi cúng lễ hay đi xem hát hở cái con kia. Giật mình nhớ ra nhiệm vụ đặc biệt thế là phải bỏ cả đám chầu đi cúng bái. ohohoh. May mà cũng ở gian điện chính chứ không thì bị cái đám lên đồng kia nó giã trống cho điếc tai thì thôi. Có một cái đền, ngay trước cổng là cảnh thầy trò Đường tăng đi lấy kinh. Rất chi là giao thoa văn hóa Việt – Tàu! Trong đền thì hầu đồng khắp nơi, trẻ con bà già đứng rình chộp tiền xung quanh. Ăn xin khắp chỗ. Hãi kinh người.

Đến tầm chiều chiều thì đến được đền thờ họ Trần. Công nhận đền to một cách hoành tráng. Có rất nhiều xe biển HN và các tỉnh về cúng bái. Đặc biệt, 90% số xe đeo biển nhà nước. Công nhận là hay. Công chức giờ lại sùng đạo hơn cả dân lành! Trong đền lúc đó không có hầu bóng gì cả nhưng người đi cúng bái đông một cách kinh hoàng nên phải tranh nhau mới được một chỗ mà cúng. Lúc chia đồ lễ mình tranh thủ đi một vòng đền, đến gian thờ các vua đời Trần thấy 1 loạt tượng khá đẹp, cứ tưởng là tượng cổ từ ngày xưa hóa ra không phải! Ở Thái Bình – Nam Định có rất nhiều nghệ nhân đúc đồng nổi tiếng. Ví dụ như ông cụ đẻ ra bà mợ cả kia. Ông ý làm tranh đồng khảm vàng bạc thì đẹp thôi rồi. Chính thế cho nên tượng vua Trần đẹp qué! Nhân tiện nói chiện vua Trần. Độ này có phong trào nhận họ hàng cho nên có rất nhiều ông họ Trần tự nhận là dòng dõi họ Trần. Nghe đâu như còn định cho cả cái thanh niên Trần gì gì đang đương chức bên Tàu vào dòng họ nữa. Có bác còn bảo nghe đồn đồng chí đại tướng họ Võ nhà ta đang xin gia nhập họ Trần! Có ông thì bảo Tôn Trung Sơn bên tàu tưởng cũng là dòng dõi nhà Trần ta. ohohoh, với đà này khéo Tôn Ngộ Không cũng là do nhà Trần Vn ta đẻ ra mất! Có điều chả ông nào nhận là con cháu Trần Ích Tắc cả. Thương thay!

Đến cuối buổi đi cúng bái kia là cả đoàn tốc hành đến phủ Dầy. Trên đường đi mọi người đố nhau “phủ Dầy” hay “phủ Giầy”. Mình bảo: “chắc là phủ Dầy vì xung quanh đây thấy bán bánh dầy nhiều lắm”. Tâm hồn rõ là ăn uống nhỉ. Mấy mợ khác bảo: “phải là phủ Giầy mới đúng vì ở đây có nghề làm giầy” Cả hội quay ra hỏi sư, sư bảo: “giỏi như sư cũng chịu, chưa bao giờ sư tự thắc mắc phủ đấy là Giầy hay Dầy!”. Oto đi đến 1 cái biển chỉ đường rẽ vào phủ với chỉ dẫn to tướng :”đường vào phủ Giầy”. Mấy mợ reo ầm lên: “đấy nhá, Giầy nhá, nhà nước người ta viết thế rồi, học lắm như con kia (tức là mình) rồi vẫn cứ sai như thường”. Trong khi mình ngồi chưng hửng, chán ngán, than vãn sao mình học lắm mà vẫn ngu thế không biết thì oto đã lừ lừ tiến vào khu vực phủ. Đúng là trời thương kẻ sách vở cho nên trong khu vực phủ, khắp nơi khắp trốn đều đề : “phủ Dầy”!!!! Thế là sư và mấy mợ kia im thít. Còn mình thì vốn tính bao dung nên không thèm nói câu nào, tự mấy mợ phải nghiệm ra chứ nhở!

Mình chưa đi phủ Dầy lần nào. Chỉ nghe đài báo và các bà mê tín ca ngợi phủ Dầy lên mây xanh. Hôm đó mới có dịp chiêm ngưỡng phủ. Ôi giồi ôi, không biết nên mô tả thế nào nữa. Túm lại là chỉ thấy người và người, lộn xộn tùng phèo. Trong cái phủ bé tẹo có vài cái điện thì chỗ nào cũng đang là hầu đồng, hầu bóng, trống chiếc khua loạn xạ, người người chen vai thích cánh để làm cái gì đó chả hiểu được! Kiếm mãi mới được 1 cái ban thờ cái gì đó mà chả ma nào vào thờ, cả hội lại lạy lục một hồi, sư thì lại đọc kinh gõ mõ. Ở 1 cái ban nào đó mà nghe nói là thờ mẫu, thì rất đông người, người nào vào là phải bỏ giầy dép, bị vẩy nước hoa vào người. Mình cóc dám vào vì sợ cái mùi nước hoa rẻ tiền nó ám trogn thời gian đi oto thì say xe chứ chả chơi. Tranh thủ cúng bái xong mình lại đi xem hầu đồng. Hóa ra 1 buổi hầu đồng có chi phí vài chục triệu đồng. Ban hát chỉ có vài cái trống và cái đàn tranh. Có những lúc các chú hát như bị tẩu hỏa nhập ma. Còn bản thân hầu đồng thì cứ tỉnh như sáo sậu. Một mợ đi theo giải thích một buổi chầu thì con đồng phải nhập được chín vai, nào là cậu bẩy cô bê gì đó, rất chi là lằng nhằng. Điều thú vị là nhập vai nào thì phải mặc quần áo và ăn uống kiểu của vai đó. Ví dụ nhập vai giai thì phải hút thuốc uống rượu, nhập vai gái thì ăn trầu…. Chính thế thì mới lên đồng được thì phải. Ngày xưa đói kém, sáng ra chỉ có nước trà điểm tâm, ngồi lên đồng toàn uống rượu với nhai trầu thì có mà say lừ đừ, múa may một hồi thì khác gì có ma nhập người đâu. Ngày nay, buổi sáng đã phở bò, bún mọc chén đẫy tễ rồi thì có mà nốc cả lít rượu vào thì may ra mới lên được đồng ý chứ! Có người kể có 1 mẹ đại gia địa ốc sài ghềnh năm nào cũng phải ra phủ Dầy hầu đồng thì mới làm ăn được. Đấy gọi là có căn có cốt. Không đi hầu là làm ăn lụn bại! Mỗi buổi chầu của mẹ trị giá vài trăm triệu đồng. ohoho. Mình nghĩ cái bọn làm cái cảnh thầy trò Đường tăng đi lấy kinh ở cái đền nọ rất chi là thâm nho. Đến như Đường tăng gặp cả Phật tổ rồi vẫn phải nôn ra cái bát vàng cho 2 thằng canh kinh kệ thì mới được hàng thật, nữa là vào cửa đền mẫu đền cha.

Cuối cùng đến tối mịt mới lên đường về HN. Ngồi trên xe mình phàn nàn là ít thời gian ngắm cảnh đền phủ, tìm hiểu văn hóa, lịch sử quá. Thế là các mợ kêu rầm lên là hâm vừa thôi chứ, đi lễ tạ, xin xỏ thánh Mẫu, thần linh chứ có phải đi du lịch đâu mà lắm nhọt! Hơ hơ, thần thánh mà có linh thiêng chắc cũng không biết nên cười hay nên khóc nhỉ! Dù sao mình cũng xin xỏ sư được 2 hộp bánh cáy làm riêng cho nhà chùa và hẹn sư đầu năm mới cúng bái cho riêng mình tôi thôi nhá. Sư hỏi cúng cái gì, mình bảo cắt tiền duyên ý mà. Sư bảo: “lắm chuyện quá, nối không được lại còn cắt”. Lúc giả lại sư cho chùa, một đứa đi cùng còn bảo: “thôi, tối rồi em ở đây với sư nhá” Sư cười hi hi chả nói gì cả. Tiền múa chúa cười, các bác nhỉ! Cái đứa đòi ở lại với sư giờ đang vi vu trên đất Pháp rồi. Rõ thật là linh thiêng!

1 nhận xét:

  1. Nhà em cũng từng tiếp 2 vị sư ở ngôi chùa có tiếng. Ăn thịt gà vô tư.

    Trả lờiXóa

Tìm kiếm mở rộng

Google TreLang

Tre Làng

Thông kê truy cập

Lưu trữ Blog