Chia sẻ

Tre Làng

NÍU MÃI QUÊ MÙA VÀO PHỐ

Có những chung cư trong thành phố mọc lên. Vài chủ nhà đem mấy hộp rau mầm lên sân thượng trồng. Để có rau xanh. Để bớt nhớ quê. Xứ thành phố này ngột ngại ai mà chịu nổi.

Người ta thương nhớ quê bằng nghìn lẻ một cách. Chuyện trồng rau đó mới chỉ là một chiêu thường trong số ấy. Bên quận 2, cạnh những biệt thự sang trọng bậc nhất, vẫn có người rào dậu đâu ra đó, để thêm cái phi nước và gáo dừa ngoài cổng, rồi cứ thế phân luống trồng rau cải, trống dàn mướp. Kế bên nhà siêu bự ở phố siêu sang là một cái miền quê nhỏ.

Có người phẫn nộ than thở rằng cái thành phố này thật là ngột ngạt không chịu nổi, chẳng như quê mình, vậy là đánh xe hơi ra ngoài thành phố, hóng mùi lúa, hóng cỏ cây, hóng cái đồng xanh và chờ một bóng trâu nhởn nha đi về buổi chiều. Người ta giận thành phố ô nhiễm, thô bỉ quá. Người ta còn cười cả những đứa trẻ thành phố lớn lên cứ ngơ ngơ ngác ngác khi bạn bè nói về chuyện trồng lúa, chuyện có hàng xóm thân mật, chuyện con trâu con bò. Có lúc, người thành phố lọt vào một vùng kỉ niệm mà họ thật… ngơ ngáo chưa hiểu gì.

Một chị thành phố kể rằng: “Hồi nhỏ chị học Marie Curie, bạn bè ở quận 5, quận 3, quận Gò Vấp…lung tung cả vì gia đình chuyển nhà. Nhưng mấy đứa bạn hồi xưa đạp xe đi ăn phá lấu giờ vẫn chạy xe máy đi ăn phá lấu với nhau.” Bà bán phá lấu quen “tụi nhỏ” từ thuở thiếu niên tới giờ, cũng vẫn xoa đầu gọi tụi nó là mấy đứa lâu sao không ghé.

Có những phố buôn bán ở thành phố từ xưa xửa xừa xưa, nhà cửa cho thuê, gia chủ đi làm ăn hoặc ra nước ngoài, nên cũng chẳng có chuyện hàng xóm ra vào kể chuyện với nhau. Nhưng ngay cả khi chẳng hề quen biết gì nhau, thì một bữa nọ có thằng cướp xe máy vừa trèo lên xe của khách đậu trước cửa hàng nội thất, thì anh chủ nhà kế bên đã la toáng lên ầm ĩ. Cả phố nhào lại tóm thằng cướp – mà có cần chủ nhà hai bên quen biết gì nhau đâu. Bạn cười hề hề: “Hổng có quen ai hết á, ai mà biết làm gì, nhưng thấy chuyện thì vậy thôi.” – Người thành phố có những mối tình cảm khác, sống trong một nếp sinh hoạt khác, và họ “hàng xóm” theo một cách khác.

Người thành phố âu yếm với nhau cũng theo một cách khách. Bà cafe âu yếm khách bằng cách rót thêm nửa cốc cafe miễn phí, để “thằng nhỏ ngồi lâu hơn với bà. Nói chuyện hài quá mà!”. Ông xe ôm âu yếm theo cách cho thằng bạn ngồi bên kia đường đọc ké tờ báo, hoặc đọc xong thì đổi lại cho lão đồng nghiệp, thế là hai người đọc được những mấy tờ báo lận. Nhà sư ở cái chùa đầu hẻm âu yếm bà ăn mày bằng cách mỗi tối gọi bà lại, cho bà một phần cơm gói sạch sẽ, đủ món mặn món canh, hoặc bữa nào cúng thì gọi bà vô chùa ăn luôn cho tiện nghi.

Những đôi yêu nhau ở thành phố, họ ra công viên, kiếm chỗ nào tối một chút, ôm hun nhau thắm thiết. Họ cũng có thể lên cầu Thủ Thiêm hóng gió, ôm nhau, gắn lên thành cầu một cái khóa tình yêu rồi ném chìa khóa xuống sông Sài Gòn, vậy là yêu đương. Họ chẳng có đồi trăng thơ mộng như ở quê, không có biển xanh rì rào cát trắng như xứ đảo, nhưng chẳng vì thế người ta ngừng yêu nhau. Còn cái nhà nghỉ đáng ghét bao kẻ kì thị kia thì có tội tình gì, nếu như ở quê, vào tuổi cặp kê người ta cũng “đưa nhau” ra bờ sông, ra bụi rơm, ra đỉnh đồi. Thành phố không có… đỉnh đồi thì đành vậy thôi chứ… biết sao bây giờ.

Kỷ niệm của những đứa trẻ thành phố cũng rực rỡ như bất cứ cái quê mùa nào. Hồi nhỏ, cả đám anh em đạp xe từ Quận 5 tới tận Hóc Môn thuê băng video phim chưởng về nhà coi hết cả tuần. Đi học về, cả đám con trai không thằng nào về, chạy ra công viên 30/4 chơi skateboard đến tối mịt mới thò mặt về nhà. Kinh hoàng luôn có chuyện mấy thằng lớn đầu têu cho cả đám đi “thám hiểm” chung cư cũ cạnh nhà, coi có con ma nào đứng ở khúc tối cầu thang gạt chân rồi cười khanh khách bay đi không.

Trong lúc cuộc sống của những con người lớn nhỏ ấy vẫn xôn xao diễn ra trong trái tim của thành phố, lại có những người ác ý không hiểu nổi, sao cứ chửi thành phố bẩn thỉu, chửi thành phố lạnh lùng, bảo phố mà chẳng biết đến láng giềng, chẳng nhìn mặt người quen gì cả. Tệ hơn nữa, có người còn mua cả con gà trống, úp lồng để ngay giữa sân chung cư, bảo là ở quê vẫn làm thế, để nghe tiếng gà gáy cho bớt nhớ quê. Còn con gà thì cứ lồng lộn “ị bậy” đầy cả cái hành lang. Người đi qua lắc đầu ngán ngẩm.

Sao đã về phố rồi, người ta mãi chẳng biết yêu thành phố, biết sống trọn trái tim với nó như những người phố xưa giờ? Sao họ cứ níu kéo hoài dư âm quê mùa kia lên tận những thang gác chung cư làm gì, để phố thì không vui, còn quê buồn tênh trong quãng nhớ ngút mùa như vậy…

(Bài gửi Thời Báo Kinh Tế Sài Gòn)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Tìm kiếm mở rộng

Google TreLang

Tre Làng

Thông kê truy cập

Lưu trữ Blog