Chia sẻ

Tre Làng

OÁNH TRẺ

Tôi mới xem trên báo và các diễn đàn, dư luận đang phẫn nỗ vì 1 đoạn clip quanh cảnh 2 chị bảo mẫu đánh trẻ em đôm đốp, bê trẻ dọa nhét vào thùng nước, để… ép trẻ ăn. Vấn đề ở đây là các cô bảo mẫu và trẻ luôn vui vẻ hát hò và chơi cùng nhau, nhưng cứ đến giờ ăn, là nhà trẻ nào cũng vang rền tiếng khóc.

Bố mẹ trẻ sẽ phàn nàn và trách móc nhà trẻ nếu để trẻ đói, và kiểm tra cân nặng con hàng tuần để chắc con mình vẫn tăng cân, nhưng vấn đề ăn luôn làm trẻ sợ, kiểu gì chúng cũng bị ép phải ăn, bằng mọi cách.

Xem clip thì thấy ngay cả khi chúng trớ (nôn) vào bát ăn do bị nhét quá nhiều và nhanh, chúng vẫn phải tiếp tục ăn, trong khi phản xạ nôn thì trẻ không thể tự chủ được. Vợ anh bạn tôi luôn dọa đánh hoặc hét to để dọa cho trẻ sợ khi chúng có biểu hiện trớ. Chị tin rằng làm vậy trẻ sẽ không trớ nữa. Ở Việt Nam, trẻ con không có quyền từ chối thức ăn mình không thích.

Phần nhiều các cô bảo mẫu ở những nhà trẻ tư nhân dường như không hề được đào tạo chuyên nghiệp và các cô thực sự quá tải, hai cô mà phụ trách tới 40 trẻ thì không thể xoay xở kịp. Sẽ rất stress khi 40 trẻ la khóc, đòi vệ sinh, nghịch...

Ở Việt Nam, học cao thì dạy lớn tuổi, ví như đỗ đạt tiến sĩ thạc sĩ thì làm giáo sư dạy các sinh viên đại học, tốt nghiệp đại học thì dạy học sinh cấp 3, tốt nghiệp cao đẳng thì dạy học trò cấp 2, tốt nghiệp trung cấp thì dạy trẻ em cấp 1 và mẫu giáo.

Còn trẻ chưa đến tuổi đi học thì gần như vô học cũng có thể dạy.

Đã có trường hợp thương tâm xảy ra ở Việt nam khi cô bảo mẫu dán băng dính vào mồm trẻ để khỏi phải nghe tiếng khóc. Và đánh trẻ thì đây không phải là clip đầu tiên. Đã có ít nhất hai bảo mẫu, một ở Đồng Nai, một ở Thủ đức đang ngồi tù vì hành hạ trẻ.

Và đánh hay dọa đánh hoặc làm gì đó cho trẻ sợ phải ăn, thì tôi tin ở các nhà trẻ tư nhân giá bình dân, việc đó xảy ra thường xuyên.

Không ai kiểm tra, bất kì ai cũng có thể thành bảo mẫu trông trẻ. Những gia đình khá giả thường thuê người giúp việc ở quê lên, và họ nghiễm nhiên trở thành người trông trẻ chỉ với kinh nghiệm học được do đã đẻ và nuôi con trước đó, hoặc được truyền miệng chứ không hề qua trường lớp đào tạo nào.

Ở Anh, để thành một bảo mẫu ở trường mẫu giáo, phải học 2 năm để thi đạt trình độ 3, và cần 2 năm kinh nghiệm nữa để trở thành bảo mẫu. Để có 2 năm kinh nghiệm, họ xin đi làm tình nguyện không lương. Họ phải học tất cả kĩ năng để giao tiếp với trẻ, học về an toàn, vệ sinh, dinh dưỡng , phát hiện năng khiếu của trẻ... Họ cũng phải tập luyện thường xuyên rất nhiều thứ như phản xạ khi cháy nổ, sử dụng các bình cứu hỏa, sơ cứu … Họ phải học và thực tập nghiêm túc trong thời gian dài 4 năm. Nếu bị tố cáo đánh trẻ em, ngay cả khi người đánh là bố mẹ đứa bé, cảnh sát sẽ đến bắt ngay, người đánh sẽ bị nộp phạt, hoặc bị tù, hoặc cả hai. Và tòa có thể xử cấm người bố hay mẹ đánh con gặp con mình, tất nhiên sau khi họ đã bị trả giá.

Ở Anh, khi trẻ em đủ 3 tuổi sẽ được nhà nước trả tiền gửi trẻ. Trước đó, nếu bạn muốn gửi con ở nhà trẻ thì phải trả tiền, nhà trẻ bên Anh có rất nhiều đồ chơi và sân chơi cho trẻ, và được kiểm tra thường xuyên, từ bình cứu hỏa đến những đồ chơi sách vở cho đủ các chủng tộc, văn hóa và tôn giáo, giới tính và trẻ em khuyết tật. Tất nhiên giá trông trẻ không rẻ, cô con gái tôi gửi phải trả 8 bảng (tương đương 250.000VND) cho 2 giờ rưỡi trông trẻ từ 9 giờ 30 tới 12 giờ, không có ăn trưa.

Và luật quy định 1 cô bảo mẫu chỉ đảm nhận ba trẻ dưới 2 tuổi, và bốn trẻ dưới 3 tuổi, tám trẻ từ 3-5 tuổi, như vậy trẻ sẽ được quan tâm chu đáo hơn. Thoạt nhìn một đám trẻ con bên Anh ở sân chơi, bạn có cảm tưởng cô giáo đông hơn học sinh.

Ở Việt Nam thì giá trông trẻ quá rẻ, có nhà trẻ tư nhân chỉ phải trả 900.000VND gồm cả tiền ăn ngày 3 bữa cho một trẻ trong 1 tháng, tức 1 buổi bố mẹ của trẻ chỉ trả 30.000VND. Tôi tự hỏi với giá rẻ như vậy, làm sao trông đợi được nhiều về chất lượng, cả bữa ăn lẫn trình độ bảo mẫu?

Bộ giáo dục và chính quyền có vẻ không thể quản lí hết các trung tâm trông giữ trẻ kiểu tự phát, hoặc trường mở chui không giấy phép, bố mẹ những trẻ này vì phải đi làm ở khu công nghiệp hay khu chế xuất, mà lương lại quá thấp, không có lựa chọn nào khác ngoài việc gửi con vào những trung tâm giữ trẻ không phép và không đủ tiện nghi tối thiểu này, với những cô bảo mẫu không hề được đào tạo bất kì kĩ năng gì, và tâm lí nhồi nhét bắt trẻ ăn bằng mọi cách thì việc trẻ bị bạo hành là điều khó tránh.

Các cô bảo mẫu này hành hạ trẻ khi cố gắng cho chúng ăn, thực ra các cô không phải là thú dữ như đang bị lên án, chỉ là vì các cô không được đào tạo đến nơi đến chốn. Ở Việt Nam có câu: “Yêu cho roi cho vọt, ghét cho ngọt cho bùi”, thành ra khi đánh trẻ hay dọa chúng, các cô chỉ mong trẻ ăn đủ và no.

Chính một bộ phận không nhỏ các ông bố bà mẹ cũng thường xuyên đánh hoặc dọa trẻ, bằng cách này hay cách khác, để chúng ăn đủ bữa.

Bên Anh thì trẻ không bao giờ phải dỗ ăn, nếu không muốn ăn, bố mẹ chúng không bao giờ ép. Trẻ con có quyền không ăn thứ chúng không thích, các cô bảo mẫu hay bố mẹ trẻ cần nhớ điều này.

Và nếu ai đã từng một hay nhiều lần đánh con mình thì hãy độ lượng hơn một chút cho hai cô bảo mẫu, suy cho cùng, họ cũng chỉ là nạn nhân của lối dạy trẻ cổ lỗ và phản khoa học.


Bài: Nguyễn Quảng (từ Anh Quốc)
Nguồn: Pín Tần

12 nhận xét:

  1. Nhắc đến chuyện này lại uất ức trong người. Thật đáng trách biết bao khi lại có sự hành hạ dã man những đứa trẻ, khi mà nhận thức của những đứa bé ấy còn chưa thể bảo vệ được chính mình. Không ngờ sao điểm trông giữ trẻ lại chứa chấp những con người như thế cơ chứ. Hãy xử lí thật nghiêm minh, dứt điểm, tránh để các trường hợp xảy ra tương tự như thế này.

    Trả lờiXóa
  2. Trong chúng ta có phần con và phần người, khi phần con lấn át phần người thì cái gì cũng có thể làm được, sự độc ác thể hiện thú tính tiền sử của những cuộc đanh giành thức ăn, báo vệ sự tồn tại của bản thân. Khi phần người kém phát triển thì phần con này lại quay về.

    Trả lờiXóa
  3. Thật đáng hổ thẹn cho hai kẻ đội danh bảo mẫu. Đè đầu xuống đất, tát đánh đôm đốp, bịt mũi, cắm đầu trẻ vào phi nước, thậm chí là bóp cổ đó là cách nuôi dạy trẻ mà hai bảo mẫu đã dành cho các em. Chỉ khi đối mặt với sự trừng phạt của pháp luật, họ mới nhận ra việc làm của mình là phạm pháp, là vô nhân tính, vi phạm đạo đức, thiếu tình người. Thật đáng hổ thẹn cho hai kẻ đội danh bảo mẫu

    Trả lờiXóa
  4. Sự việc xảy ra khiến bao người phẫn nỗ. Chăm sóc và bảo vệ trẻ em là trách nhiệm của toàn xã hội. Tất cả mọi người hãy dành những gì tốt đẹp nhất cho trẻ em, vì đó là tương lai hạnh phúc của mỗi gia đình cũng như tương lai của đất nước. Đối xử tàn bạo, đánh đập trẻ em là một tội ác, xã hội chúng ta không thể chấp nhận được.

    Trả lờiXóa
  5. Thật đáng hổ thẹn. Sự việc trên đã làm tổn hại đến hình ảnh của ngành giáo dục và nó cũng cho thấy công tác cấp phép, quản lý, kiểm tra của cơ quan này có vấn đề. Bên cạnh đó là trách nhiệm của các cấp chính quyền địa phương đã thiếu sâu sát theo dõi, quan tâm đối với điểm giữ trẻ này.

    Trả lờiXóa
  6. Trẻ em bị bạo hành trong các cơ sở nuôi dạy trẻ không phải là tin mới. Tin mới là việc các em bị bạo hành ngày một nhiều hơn và ngày một tàn nhẫn hơn. Sự phản ứng thiếu mạch lạc của chúng ta cũng không phải là tin mới. Tin mới là việc chúng ta phản ứng ngày một thiếu mạch lạc hơn và ngày một lúng túng hơn.

    Trả lờiXóa
  7. Trẻ em là hôm nay. Trẻ em là hạnh phúc của gia đình - tương lai của đất nước. Thế nhưng thực tiễn cho thấy có không ít trẻ em ở nơi này, nơi khác đang bị đánh đập, hành hạ làm cho khủng hoảng, mang thương tích, thậm chí tử vong. Mà mới nhất là vụ hai bảo mẫu của cơ sở mầm non tư thục Phương Anh làm nhiều người hết sức phẫn nộ

    Trả lờiXóa
  8. Trước thực trạng như đã nêu trên, tôi nghĩ đã đến lúc hãy xem việc chung tay triệt nạn bạo hành trẻ em là chuyện khẩn cấp. Vận động cộng đồng xã hội chung tay. Thiết lập nhiều đường dây nóng để phản ánh thực trạng bạo hành trẻ em và để hiến kế triệt thực trạng này. Phát hiện và xử lý trách nhiệm của gia đình, nhà trường, cơ quan hữu quan khi không thực hiện nghĩa vụ của mình theo quy định của pháp luật.

    Trả lờiXóa
  9. Chưa bao giờ dư luận xã hội lại thấy bức xúc trước vấn nạn bạo hành trẻ em như lúc này. Có một điều không thể phủ nhận là, những đứa trẻ bị bạo hành chịu ảnh hưởng rất lớn về tinh thần lẫn thể chất.

    Trả lờiXóa
  10. Có ai có thể giữ được bình tĩnh khi xem đoạn clip kia không, các em còn bé xíu, vậy mà họ có thể bóp cổ, ấn đầu xuống đất, lấy khăn bịt mũi hay tát bôm bốp vào mặt các cháu nhỏ. Hỏi xem họ còn tính người hay không?

    Trả lờiXóa
  11. Bạo hành trẻ em được hiểu là sự ngược đãi về thể xác, tinh thần, tình dục hay bằng lời nói đối với các em nhỏ, những người chưa phát triển một cách đầy đủ về thể chất, tinh thần và trí tuệ. Một điều không thể phủ nhận, là những đứa trẻ bị bạo hành không chỉ đau đớn về thể xác, mà còn bị tổn thương tinh thần, ảnh hưởng đến nhân cách của trẻ lâu dài.

    Trả lờiXóa
  12. Chăm sóc và bảo vệ trẻ em là trách nhiệm của toàn xã hội. Tất cả mọi người hãy dành những gì tốt đẹp nhất cho trẻ em, vì đó là tương lai hạnh phúc của mỗi gia đình cũng như tương lai của đất nước. Một trẻ em đã từng bị bạo hành thường sẽ có những biểu hiện tâm lý đặc trưng, dễ dàng đoán biết như: hay tỏ ra giận dữ, gắt gỏng, buồn chán, ăn ngủ bất thường hoặc hay bị ám ảnh là sẽ bị bỏ rơi, hay mơ ác mộng.

    Trả lờiXóa

Tìm kiếm mở rộng

Google TreLang

Tre Làng

Thông kê truy cập

Lưu trữ Blog