Chia sẻ

Tre Làng

ÔNG HUN SEN TIẾT LỘ BÍ DANH VIỆT NAM

Thủ tướng Hun Sen nói chuyện bằng tiếng Việt trước 700 cựu quân tình nguyện, cựu chuyên gia VN rằng, dù bất cứ đổi thay nào diễn ra, quan hệ Campuchia và VN sẽ mãi không thay đổi. 

700 cựu quân nhân, chuyên gia VN ngồi chật kín căn phòng trung tâm hội nghị nơi diễn ra cuộc gặp gỡ với Thủ tướng Hun Sen sáng nay (27/12), đông hơn 200 người so với giấy mời ban tổ chức phát đi.

Thủ tướng Hun Sen từng đến VN thăm chính thức trên cương vị nguyên thủ Campuchia, nhưng có lẽ đây là dịp hiếm hoi trong khuôn khổ chương trình ngoại giao chính trị, ông có một buổi nói chuyện thân mật với những người từng sát cánh bên ông và dân tộc Campuchia trong cách mạng chiến đấu lật đổ chế độ diệt chủng Pol Pot cách đây gần 35 năm.

Thủ tướng Hun Sen nói chuyện bằng tiếng Việt trước 700 cựu quân tình nguyện, cựu chuyên gia VN từng tham gia tình nguyện ở chiến trường Campuchia rằng, dù bất cứ đổi thay nào diễn ra, quan hệ Campuchia và VN sẽ mãi không thay đổi. Và lịch sử xác thực rằng, nếu không có sự hỗ trợ tình nguyện của VN, Campuchia sẽ không được giải phóng và hồi sinh.

"Tôi chỉ được sắp xếp gần 1h để nói. Tôi không biết bắt đầu từ chỗ nào. Có lẽ tôi cần 300h, 300 ngày để nói hết những gì đã xảy ra từ quá khứ cho đến nay" - Thủ tướng Campuchia mở đầu cuộc nói chuyện mà sau đó kéo dài hơn dự kiến.

Tuổi 25 và đường đến Việt Nam

Thủ tướng Campuchia kể lại thời tuổi trẻ 25 tuổi và con đường tham gia cách mạng với đường tìm đến Việt Nam. Một ngày tháng 6/1977, chàng sĩ quan trẻ tuổi "chạy sang" Việt Nam để tìm kiếm sự ủng hộ cách mạng.

Ông kể có những thời điểm đã từng khóc như khi VN đánh vào từ tháng 10/1977 nhưng lại rút đi vào tháng 1/1978. "Tôi đã khóc và tự hỏi vì sao VN đánh vào và rút về vậy. Đó thực sự là khó khăn đối với tôi, tôi đã rất buồn". Sau này ông hiểu rằng, thời điểm đó lực lượng chiến đấu cách mạng ở Campuchia còn ít trong khi chưa có ngọn cờ chính trị. Đó là cơ sở để thúc đẩy chuẩn bị lực lượng chính trị cách mạng chống lại Pol Pot.

Từ khởi đầu chỉ có 28 tiểu đoàn so với 23 sư đoàn của Pol Pot, ông Hun Sen nói rằng, để dùng lực lượng ít ỏi của Campuchia đánh đổ chế độ diệt chủng sẽ phải tốn nhiều thời gian, 5 năm, hay hơn và khi đó cũng chẳng còn người dân Campuchia nào có thể sống sót. Nếu không có sự giúp đỡ của quân tình nguyện VN thì không thể giải phóng đất nước nhanh.

"VN đã hy sinh quân tình nguyện ở Campuchia hàng vạn người, bị thương không biết bao nhiêu. VN đã phải trả một cái giá rất cao khi giúp đỡ Campuchia. Vừa hy sinh tính mạng của dân, quân, vừa hy sinh tài sản, vừa hy sinh chính trị, ngoại giao. Vấn đề này không quên được. Hồi đó VN bị cấm vận từ bên ngoài do giải phóng giúp Campuchia, vì nhân dân, đất nước Campuchia chịu hy sinh và hơn 30 năm người ta mới công nhận" - ông nói.

Ông cũng kể khi bị sốt rét, đã được cách mạng Việt Nam đưa đi khám, nằm ở một bệnh viện TP.HCM, được đặt một cái tên Việt Nam là "Mai Phúc", hoạt động cách mạng ở quân khu X.

Không chỉ giúp nhân dân Campuchia giải phóng, VN cũng đã sát cánh bên Campuchia trong những ngày đầu xây dựng đất nước, thời mà cả hai cùng khó khăn "có gì ăn đó" - ông kể.

Ông Hun Sen nhớ lại, thời đó chế độ cán bộ cấp ông được nhận 16 cân, trong đó có 10 cân gạo, 6 cân ngô. Từ một nước nghèo 100% (1979), ngày nay, Campuchia đã phát triển sắp đạt ngưỡng quốc gia thu nhập trung bình với mức GDP 1360 USD/người, tỉ lệ nghèo còn 19%. Kinh tế từng đạt tăng trưởng 13%, nay dù trong bối cảnh chung khó khăn vẫn đạt mức 7,6%. 

"Nhưng có phương tiện gì tốt hơn thì bản chất của Hun Sen không thay đổi. Như hiện nay quan hệ chúng ta tiếp tục tốt" - ông nói.

Ông cũng nhấn mạnh sau chiến tranh, Campuchia đi tìm những con đường phát triển đất nước, đặc biệt về kinh tế dù con đường có khác biệt giai đoạn đầu với VN, nhưng VN khi đó đã "tôn trọng độc lập, chủ quyền" của Campuchia trong việc tự quyết con đường phát triển của mình. 

"Tôi thấy rất may vì điều đó. Anh Lê Đức Anh (nguyên Chủ tịch nước) đã khẳng định đồng chí Hun Sen làm kinh tế làm gì cứ làm. Đó điều tôi cảm thấy rất vinh dự" - ông nói.

Thúc đẩy kinh tế

Thủ tướng Hun Sen khẳng định sẽ tiếp tục củng cố mối quan hệ đoàn kết truyền thống với VN.

"Nhắc lại những lúc khó khăn, tôi vẫn khẳng định với các đồng chí, dù thế giới có chuyển biến, tình hình có chuyển biến, ASEAN đã có 10 nước nhưng tình đoàn kết VN và Campuchia, Lào vẫn tiếp tục. Không có ngày hôm qua thì không có ngày hôm nay. Không có ngày hôm nay thì không có ngày mai. Khách quan lịch sử như vậy" - ông nói.

Thủ tướng Hun Sen mong muốn thúc đẩy 10 văn kiện ký kết sau hội đàm với Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, trong đó trọng tâm đưa kim ngạch thương mại đạt 5 tỷ USD vào năm 2015, thúc đẩy đầu tư của VN sang Campuchia.

Ông cũng đề xuất tổ chức một chương trình trao đổi, giao lưu, đưa con cháu thế hệ những người VN từng tham gia tình nguyện chiến đấu ở chiến trường Campuchia đến thăm Campuchia.

"Qua các đồng chí quân tình nguyện, cho tôi gửi lời hỏi thăm gia đình của các đồng chí. Chúng tôi sẽ tìm hài cốt những người đã hy sinh đưa trở về VN" - ông nói.

Cuối buổi gặp, Thủ tướng Campuchia bày tỏ mong muốn được tặng quà cho các quân nhân tình nguyện tham dự giao lưu. Ông gửi tặng mỗi người 200 USD thay cho món quà bằng hiện vật mà trước khi đến VN ông đã mong muốn thu xếp.

Linh Thư - Ảnh: Minh Thăng

9 nhận xét:

  1. quan hệ hữu nghị giữa hai nước chắc chắn là sẽ luôn luôn được giữ vững và phát triển một cách mạnh mẽ trong tương lai! thủ tướng Hun Sen có lẽ cũng là người hiểu rõ con người Việt Nam, đất nước Việt Nam nhất vì ông cũng đã từng sống và hoạt động trên đất nước ta với sự giúp đỡ hết sức nhiệt tình của người dân Việt Nam! trước kia, nước ta đã có biết bao quân tình nguyện sang giúp đỡ nước bạn và đó là nền tảng cho mối quan hệ tốt đẹp cho tới tận bây giờ!

    Trả lờiXóa
  2. Nhận xét này đã bị tác giả xóa.

    Trả lờiXóa
  3. ỦA ! SAO BÂY GIỜ ÔNG HUN -SEN MỚI NÓI THẾ?

    Hôm nay, phát biểu với 500 đại diện Quân tình nguyện VN , và các chuyên gia từng giúp cách mạng Campuchia , thủ tướng Hun Sen đã nói : “Nếu không có sự giúp đỡ của quân tình nguyện Việt Nam, Campuchia đã không giải phóng được nhanh như thế. Nếu lực lượng của chúng tôi, ít nhất phải mất 5 năm. 5 năm thì dân Campuchia chết hết rồi....
    Vì đất nước, dân tộc Campuchia, Việt Nam đã phải chịu hy sinh rất nhiều. Vừa hy sinh quân đội, vừa hy sinh tài sản, vừa hy sinh về chính trị, ngoại giao, nên tôi không thể quên được. Hơn 30 năm, Polpot mới bị đưa ra xét xử tại tòa án Quốc tế, tức là mấy chục năm cộng đồng quốc tế mới công nhận sự đúng đắn của Việt Nam..."

    Đã lâu lắm , hôm nay ông Hun Sen mới nói ra những lời như thế thì không hiểu ông còn nhớ Campuchia đã làm gì ở mấy hội nghị quốc tế và Asean vừa qua khi bàn tới vấn đề Biển Đông không?
    Ông có nhớ ngoại trưởng Honamhong của ông đã viết thế nào và phát biểu gì về Việt nam trên báo chí phương Tây không?
    Chỉ biết : Trung Quốc đã phải cất lời cảm ơn "các bạn Campuchia" đã đứng về phía họ , đã góp phần rất to lớn để bảo vệ "chính nghĩa" của Trung Quốc ở Biển Đông (!)
    Ông có thể "không nhớ" nhưng những cựu chiến binh Quân TNVN chúng tôi rất nhớ, nhớ đến mức không thể quên vì chúng tôi đau lắm !
    Chúng tôi cũng hiểu rằng khi ông nói :" Bất ổn định ở Campuchia sẽ ảnh hưởng xấu đến Việt Nam và ngược lại”. là hoàn toàn đúng đắn !
    Tuy nhiên , nếu ông nói câu đó trước đây thì sẽ hay hơn đến lúc này mới nói vì chúng tôi biết rõ :
    -Tại Phnompen ,với khẩu hiệu chống tham nhũng -Hàng vạn người thuộc phe nhóm dân tộc cực đoan đối lập với ông đang xuống đường rầm rộ biểu tình , đe dọa lật đổ cá nhân ông và chính phủ hiện hành trong tình hình Đảng của ông chỉ nhận được già một nửa số phiếu tín nhiệm của nhân dân trong kỳ bầu cử mới rồi..
    -Tại Campuchia , trước tình hình chính trị phức tạp nguy nan đang diễn ra đối với ông thì những người "bạn mới" giàu có của ông có vẻ như chỉ thích đứng im chờ cơ hội để "đục nước béo cò"!
    Cũng có thể đến lúc này , ông đã thực lòng hiểu :Việt nam mới là người bạn chân thành , dũng cảm,chí cốt, chân thật và cần thiết nhất của Campuchia. Người bạn VN luôn sát cánh bên bè bạn trong những ngày tháng cam go nhất là một thực tế không ai thay thế nổi .
    Gía như ông nhớ đến những kỷ niệm gắn với máu xương người Viêt trong những kỳ hội nghi ASEAN bàn về Biển Đông thì hay hơn hẳn !
    Gía như khi Honamhong- bộ trưởng ngoại giao trong chính phủ của ông vu cáo VN với báo chí phương Tây thì ông nhớ đến cái thời ông mới 25 tuổi đào thoát khỏi chế độ diệt chủng của Polpot chỉ có quần đùi áo cộc tới VN và được những người bạn VN nhường cơm sẻ máu đánh đuổi bọn diệt chủng cứu sống phần lớn dân tộc Campuchia thì càng hay hơn nữa !
    Nhưng thôi :
    Dù sao đi nữa , ông cũng đã đến đây sau rất nhiều năm ông chỉ bận tiếp bạn Trung Quốc của ông.

    Dù sao đi nữa ông đã ngồi đây nhìn ngắm lại những gương mặt thân quen một thuở gian lao của những cựu chiến binh Quân TN ViệtNam .

    Dù sao đi nữa ông đã thêm một lần cúi chào lá Quân kỳ " Quyết chiến Quyết thắng " nhuộm đỏ máu những người con anh dũng của dân tộc Việt .

    Và ,dù sao đi nữa tôi cũng tin rằng :Vì quyền lợi của 2 dân tộc ,người VN sẽ luôn đứng bên những người bạn Campuchia chân chính của mình trong những giây phút sống chết cam go. Mọi thứ có thể đổi thay nhưng tôi tin chắc rằng riêng điều này là không bao giờ thay đổi..

    Trả lờiXóa
  4. thủ tướng Campuchia, HUN -SEN trong chuyến làm việc mang tính chất chính trị, ông ấy đã thẻ hiện được tinh thần anh em với Việt Nam, nhưng tiếc rằng ông ấy chỉ có hơn 1h để tiến và nói chuyện với khoảng 700 cựu chiến binh quân tình nguyện và cựu chuyên gia Việt Nam mà thôi. Đây chính là sự thể hiện của tinh thần láng giêng anh em đoàn kết mà hai nước cần xây dựng và phát triển.

    Trả lờiXóa
  5. trong quá khứ thì quân đội tình nguyện và các chuyên gia Việt Nam đã thực hiện nhiệm vụ quốc tế để giúp người dan Campuchia thoát khỏi chế độ diệt chủng khốc liệt làm chết hàng triệu người Campuchia mà Polpot đã thực hiện. Và thông qua buổi nói chuyện này của thủ tướng Hun Sen nó thể hiện được tình cảm hữu nghị, láng riềng giữa hai quốc gia, dân tộc mà hai nước cần phải tiếp tục xây dựng trong thời gian tiếp theo.

    Trả lờiXóa
  6. Nặc danh21:52 28/12/13

    Như Lê Bình đã bình luận ở trên:Ông Hun sen sau rất nhiều năm bị lạc đường , mờ mắt vì lợi ích trước mắt mà gắn bó ủng hộ TQ . Đã nhạt tình với người bạn chí cốt có chung lợi ích lâu dài lại sẵn sàng nhường cơm sẻ máu là Việt Nam.Đến nay , khi tình hình chính trị Căm -pôt xấu đị.Chính phủ và cá nhân gia đình của ông Hun sen mất nhiều uy tín trong nhân dân vì để nạn tham nhũng và lạm quyền hoành hành. Với khẩu hiệu chống tham nhũng , đảng của nhóm dân tộc cực đoan đã lợi dụng được điểm yếu ấy để tập hợp được quần chúng xuống đường rầm rộ yêu cầu bầu cử lại, yêu cầu ông Hun sen và những thành viên trong gia đình ông rời khỏi những chức vụ quan trọng .Đây là thời điểm nguy ngập khó khăn của cá nhân gia đình ông Hun sen và của cả đảng nhân dân Cam -pu -chia đang tạm cầm quyền.Chỉ lúc khó khăn này thì ông Hun sen mới thấy rằng phải tranh thủ sự ủng hộ giúp đỡ của Việt nam .Ông ta đã thấy bạn Trung quốc của ông chỉ tọa sơn quan hổ đấu để thừa cơ tạo ảnh hưởng thủ lợi cho chiến lược lâu dài của họ .Ông hy vọng Việt nam vì lơi ích lâu dài , vì tình bạn chiến đấu gắn bó cũ, vì truyền thống nhân nghĩa vẹn toàn sẽ chân thành giúp đỡ chính phủ của ông, cá nhân ông và đảng nhân dân CPC của ông vượt qua giai đoạn khó khăn nhay cảm này. Chính bởi thế những lời hữu nghị đúng đắn ông nói ra đành rằng là hoàn toàn có cơ sở và không hề khuếch trương giả dối.Nhưng, chúng ta đã có kinh nghiệm lịch sử để lo rằng liệu những lời nói đó có còn tiếp tuc được nghĩ đến , nói đến một khi Ông Hun sen vượt qua được những hiểm nguy hay không ? Liệu lúc đó viện trợ của người TQ dành cho ông và chính phủ của ông có thể được đánh giá cao hơn máu xương và tình bạn chiến đấu nữa hay không ? Chúng ta luôn sẵn lòng nghĩa hiệp giúp bạn nhưng không vì thế mà chúng ta lại tự cho mình cái quyền lạc quan tếu và thi vị hóa chuyện chính trị quốc tế như 3 bạn Mai Anh Bao ,Dat to và Ke may trên đây.

    Trả lờiXóa
  7. Đỗ Nguyên22:17 28/12/13

    "...Chúng ta luôn sẵn lòng nghĩa hiệp giúp bạn nhưng không vì thế mà chúng ta lại tự cho mình cái quyền lạc quan tếu và thi vị hóa chuyện chính trị quốc tế..." như các bài viết trên một số tờ báo chính thống. Cố tình lạc quan tếu và thi vị hóa chính trị vì mục đích ...chính trị (!) sẽ làm sai lạc bản chất sự kiện và có thể gây họa bất ngờ.

    Trả lờiXóa
  8. Trong chuyến thăm tới nước ta để nói về sự biết ơn của nhân dân và quốc gia Campuchia trước đoàn quân tình nguyện nước ta sang giúp nước bạn tham chiến chống chế độ diệt chủng tàn bạo thì thủ tướng Hun Sen đã nói chuyện bằng tiếng Việt trước 700 cựu quân tình nguyện, cựu chuyên gia Việt Nam rằng, dù bất cứ đổi thay nào diễn ra, quan hệ Campuchia và Việt Nam sẽ mãi không thay đổi. Đó là một tình cảm trong mối quan hệ thiêng liêng của hai dân tộc và nó sẽ mãi bền đẹp qua thời gian mà không một vật cản gì có thể chia cắt nó.

    Trả lờiXóa
  9. Nặc danh19:26 31/12/13

    "..những lời hữu nghị đúng đắn ông nói ra đành rằng là hoàn toàn có cơ sở và không hề khuếch trương giả dối.Nhưng, chúng ta đã có kinh nghiệm lịch sử để lo rằng liệu những lời nói đó có còn tiếp tuc được nghĩ đến , nói đến một khi Ông Hun sen vượt qua được những hiểm nguy hay không ? Liệu lúc đó viện trợ của người TQ dành cho ông và chính phủ của ông có thể được đánh giá cao hơn máu xương và tình bạn chiến đấu nữa hay không ? Chúng ta luôn sẵn lòng nghĩa hiệp giúp bạn nhưng không vì thế mà chúng ta lại tự cho mình cái quyền lạc quan tếu và thi vị hóa chuyện chính trị quốc tế "
    Tỉnh táo , cảnh giác, đề phòng là những điều không bao giờ thừa ! Xin bạn đừng quên rằng trước 1975 , Pon-pốt, Iêng -xa -ri khi đến Việt nam cũng phát biểu những lời hữu nghị , nồng nhiệt còn hay hơn như thế đấy.Bạn hãy vào thư viện , lục lại báo Nhân dân thời ấy mà đọc những diễn văn của chúng thì sẽ rõ hơn.

    Trả lờiXóa

Tìm kiếm mở rộng

Google TreLang

Tre Làng

Thông kê truy cập

Lưu trữ Blog