Chia sẻ

Tre Làng

THỦ TƯỚNG YÊU CẦU CHẤM DỨT TÌNH TRẠNG CHẠY VỐN

TP - Ngày 24/12, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu khắc phục tình trạng địa phương phê duyệt dự án, trung ương chi tiền, đồng thời ủng hộ đề xuất chấm dứt hình thức thanh toán bằng tiền cho nhà đầu tư BT.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu tại Hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương triển khai Nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2014. Ảnh: Đức Tám.
Ngày 24/12, phát biểu kết luận Hội nghị trực tuyến của Chính phủ với các địa phương triển khai Nghị quyết của Quốc hội về nhiệm vụ phát triển KTXH và dự toán ngân sách nhà nước năm 2014, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh, nhiệm vụ của năm 2014 là hết sức nặng nề, đòi hỏi trách nhiệm cao, sự nỗ lực lớn của các bộ, ngành, địa phương.

Thủ tướng cho biết, Chính phủ sẽ sớm ban hành nghị quyết về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện kế hoạch phát triển KTXH và dự toán ngân sách nhà nước năm 2014. Khi nghị quyết được ban hành, các bộ, ngành, địa phương cần nhanh chóng cụ thể hóa nghị quyết để triển khai thực hiện từ ngày đầu, tháng đầu của năm 2014 một cách quyết liệt, đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm.

Trong thực hiện các đột phá chiến lược, cần quan tâm nhiều hơn nữa đến công tác cải cách thể chế, tổ chức thực hiện nghiêm việc triển khai thi hành pháp luật, pháp lệnh, nghị định; rà soát, lập kế hoạch, danh mục các văn bản pháp luật cần xây dựng, sửa đổi, bổ sung bảo đảm phù hợp Hiến pháp sửa đổi.

Theo Thủ tướng, việc đào tạo nhân lực, tuyển chọn cán bộ, chế độ công vụ, đánh giá cán bộ... phải được thực hiện nghiêm túc, có chọn lọc, chất lượng. Việc cải cách thủ tục hành chính phải theo hướng tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân. Phải công khai, minh bạch năng lực cạnh tranh của bộ, ngành, địa phương.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu khắc phục tình trạng địa phương phê duyệt dự án, trung ương chi tiền.
Các địa phương muốn to lên, muốn nhanh lên, nhưng T.Ư không có tiền. Bây giờ phê duyệt dự án rồi trung ương chi tiền là không trả nợ nổi đâu. Tôi yêu cầu chấm dứt tình trạng này

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng
Bộ trưởng Bộ KH & ĐT Bùi Quang Vinh đề nghị Chính phủ chấm dứt hình thức hợp đồng xây dựng - chuyển giao (BT) dưới hình thức thanh toán cho nhà đầu tư bằng tiền.

“Có thời điểm doanh nghiệp vay lãi suất 17% để làm đường, số tiền làm một con đường thành 2 con đường. Tôi đề nghị Chính phủ loại bỏ hình thức này”, Bộ trưởng Vinh nói.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ủng hộ đề xuất này để tránh tình trạng doanh nghiệp “chạy” dự án ở địa phương, địa phương “chạy” ngân sách T.Ư hoặc không bố trí được đất đối ứng và tiền thanh toán cho nhà đầu tư nhưng vẫn ký dự án BT.

Thủ tướng yêu cầu Bộ KH&ĐT làm đúng chỉ thị về kiểm soát chặt đầu tư công và yêu cầu bộ này sớm đề xuất sửa Nghị định 108 như ông Vinh đã đề cập.

Liên quan vấn đề tăng trưởng tín dụng và vốn cho sản xuất, kinh doanh, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình cho biết, trong năm, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành nhiều quyết định cho phép các tổ chức tín dụng linh hoạt trong việc cơ cấu lại, giãn, hoãn các khoản nợ, cắt giảm lãi suất… với con số cơ cấu lại nợ lên tới khoảng 330.000 tỷ đồng, chiếm trên 10% tổng dư nợ. Điều này đã góp phần giúp các doanh nghiệp có điều kiện để tiếp cận được vốn.

Thống đốc Bình cho biết, Cty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) đã mua được 32.000 tỷ đồng nợ, từ nay đến cuối 2013 lên tới 35.000 tỷ đồng. Do nhiều doanh nghiệp và ngân hàng vẫn đang rất khó khăn, nên trong năm 2014, Ngân hàng Nhà nước sẽ quyết liệt hơn với các giải pháp tháo gỡ khó khăn.


Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu tại Hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương triển khai Nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2014. Ảnh: Đức Tám.
“Lạm phát” đi công tác nước ngoài, địa phương 

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh nhấn mạnh, việc quá nhiều đoàn của các bộ, ngành, địa phương liên tiếp đi công tác nước ngoài dẫn tới sự trùng lặp, lãng phí không cần thiết. Dẫn số liệu thống kê từ các cơ quan đại diện tại nước ngoài, Bộ trưởng Minh cho biết, năm 2012 tổng số có 3.780 đoàn của các bộ, ngành đi nước ngoài.

Như vậy, tính trung bình một ngày có khoảng chục đoàn đi công tác nước ngoài. Sang năm 2013 tuy có giảm nhưng số lượng còn lớn, tới 3.200 đoàn. Còn theo thống kê từ các bộ, ngành và địa phương báo lên thì số đoàn đi của tỉnh, thành năm 2012 là 5.800 đoàn, sang năm 2013 là 4.926 đoàn.

“Vấn đề ở chỗ, các đoàn đi về cơ bản thúc đẩy tăng cường quan hệ có hiệu quả, nhưng có những đoàn đi lại không mang lại hiệu quả, bị trùng lặp nội dung tham quan, nghiên cứu. Số đoàn này chủ yếu là các đoàn đi với tư cách nghiên cứu. Nhiều nước bạn phản hồi, có nhiều vấn đề vừa trả lời đoàn này, một thời gian ngắn sau lại có đoàn khác sang hỏi câu tương tự. Điều này gây nên sự lãng phí tiền của đất nước”, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh nói.

Không chỉ có nhiều đoàn đi công tác nước ngoài, các địa phương cũng nêu việc phải tiếp nhiều đoàn và trả lời những câu hỏi trùng lắp. Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Vương Bình Thạnh nói: “Chỉ riêng năm 2013, chúng tôi tiếp 70 đoàn, Đảng có, Chính phủ có, các bộ, ngành có... Trong số này, có nhiều đoàn vào thanh tra, kiểm toán trùng lặp, quá lãng phí. Có đoàn vào tới 3 tuần hoặc hơn 1 tháng. Chi phí ăn ở đi lại quá tốn kém, lãng phí”. Ông Thạnh đề nghị Chính phủ thống nhất với Đảng, Quốc hội về việc tổ chức các đoàn công tác cho đỡ trùng lặp.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhắc nhở các bộ, ngành, địa phương cân nhắc, rà soát lại việc tổ chức các đoàn đi công tác nước ngoài. “Đừng để nước bạn phải thốt lên, sợ khi thấy các đoàn công tác từ Việt Nam sang”, Thủ tướng nói.

CÔNG KHANH

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Tìm kiếm mở rộng

Google TreLang

Tre Làng

Thông kê truy cập

Lưu trữ Blog