Chia sẻ

Tre Làng

Vụ Dương Chí Dũng: BÀI HỌC VỀ QUẢN LÝ

Cuteo@ - Phiên tòa sơ thẩm xét xử bị cáo Dương Chí Dũng cùng các bị cáo khác về tội tham ô tài sản và cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng đã kết thúc với mức hình phạt cao nhất là tử hình dành cho bị cáo Dương Chí Dũng. Qua vụ án này, công tác cán bộ, quản lý vốn nhà nước, công tác thi đua, khen thưởng cần được đánh giá, nhìn nhận nghiêm túc.

Dương Chí Dũng đã từng quản lý Tổng công ty Xây dựng đường thủy (Vinawaco) và công ty này đã từng làm ăn bị thua lỗ nặng. Tháng 8/2005, Dũng được bổ nhiệm vào chức Tổng giám đốc Vinalines và đến tháng 7/2011 lại được bổ nhiệm giữ chức Chủ tịch Hội đồng quản trị Vinalines. Đúng là lên như diều gặp gió. Thời gian đó, Dương Chí Dũng cũng là Ủy viên Thường vụ Đảng ủy Khối doanh nghiệp Trung ương, Bí thư Đảng ủy Vinalines. Đầu tháng 2/2012, sau khi thôi giữ chức Chủ tịch Hội đồng quản trị Vinalines, Dũng được điều động, bổ nhiệm vào chức Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam. Có lẽ, con đường công danh sự nghiệp của Dũng nhiều người nằm mơ cũng không thể có được. 


Ấy vậy mà Dương Chí Dũng lại là một tên tội phạm tham nhũng. Bản án tại phiên sơ thẩm đã xác nhận điều này, và nó gợi cho người dân những câu hỏi về cơ chế đề bạt, điều động, bổ nhiệm cán bộ. 

Trước khi được bổ nhiệm vào chức Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam, lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải đã trả lời báo chí rằng, ông Dũng hoàn thành tốt công việc, không có sai phạm gì. Vậy có thực là Dương Chí Dũng không có sai phạm gì trong các cương vị mà ông ta đảm trách tại thời điểm trước khi điều động, bổ nhiệm hay không?

Ai cũng biết rất rõ rằng Vinalines đã có nhiều sai phạm về quản lý kinh tế hạm trước đó. Tại thời điểm bổ nhiệm, Vinalines đang bị thanh tra, Dương Chí Dũng có nhiều dấu hiệu sai phạm nhưng lại được quyết định điều động, bổ nhiệm làm Cục trưởng Cục Hàng hải. Cần nói thêm là, trong các năm bị thua lỗ thì Vinalines đã hạch toán báo cáo đều có lãi. Năm 2007 lãi 943 tỉ đồng, 2008 lãi 1.272 tỉ đồng, 2009 lãi 342 tỉ đồng, 2010 lãi 114 tỉ đồng. Sau này, thanh tra phát hiện sai phạm rồi chuyển cho cơ quan điều tra, kết luận việc hạch toán lãi trong các năm bị thua lỗ là do sự lừa dối, phù phép của Dương Chí Dũng và đồng phạm.

Cơ sở để đề bạt, bổ nhiệm Dương Chí Dũng vào các vị trí công tác là dựa vào năng lực chuyên môn, quản lý cũng như phẩm chất đạo đức của ông Dũng. Lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải đã từng khẳng định rằng: “Trong ngành tất cả các đánh giá cán bộ cuối năm và hàng năm, ông Dũng đều được nhận xét rất tốt”. Điều này chứng tỏ, hàng năm ông Dũng đều được phân loại, bình xét là chiến sĩ thi đua, lao động xuất sắc, là đảng viên xuất sắc hoàn thành tốt nhiệm vụ, là đoàn viên công đoàn xuất sắc, là lãnh đạo giỏi, có tâm và tầm. Nhưng hóa ra, những danh hiệu mà Dũng được bình bầu qua hàng loạt khâu xét chọn chỉ là danh hão.

Tôi không tin được rằng, một mình Dương Chí Dũng lại có thể qua mặt được cả tập thể Vinalines; qua mặt cả các tổ chức chính trị, đoàn thể khác; lừa dối, qua mặt cả Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Tài chính, Kiểm toán nhà nước, Thanh tra nhà nước…để có được những danh hiệu đó. Đau đớn chính những danh hiệu lại trở thành cơ sở cơ sở để Bộ Giao thông Vận tải đề bạt, điều động, bổ nhiệm Dương Chí Dũng vào chức Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam.

Vậy ai có lỗi trong câu chuyện này? Chính cán bộ công nhân của Vinalines đã bằng cách này hay cách khác giúp sức cho Dương Chí Dũng. Có thể vì nể nang, vì sợ bị trù dập mà những người biết sai phạm của ông Dũng nhưng không dám nói thẳng, không dám đấu tranh chống tiêu cực. Có những người biết sai phạm của ông Dũng nhưng không nói lên sự thật bởi lẽ chính họ cũng có lợi trong việc im lặng. Từ một góc nhìn khác, việc Dương Chí Dũng "hoàn thành rất tốt công việc hằng năm" không loại trừ có sự "độ lượng", hoặc buông lỏng từ... cấp trên.

Một người lãnh đạo, để công ty làm ăn thua lỗ với những con số khó có thể tin, để cho cơ quan của mình mất đoàn kết nội bộ sâu sắc mà vẫn được đề bạt, điều động và cất nhắc lên chức to hơn, liệu đó có phải là hành vi quang minh chính đại? 


Người viết entry này nghĩ rằng, không có gì có thể bao biện được cho sự "Mù quáng" đó cả.

Qua vụ việc Dương Chí Dũng, rõ ràng công tác cán bộ, công tác quản lý vốn nhà nước, công tác thi đua, khen thưởng là những vấn đề cốt lõi cần phải giải quyết trong công cuộc phòng, chống tham nhũng.

Cũng nên nhớ, những nguyên nhân đích thực không được nhận diện và loại trừ thì tham nhũng kiểu Dương Chí Dũng vẫn sẽ tiếp tục xảy ra. Và án tử hình cũng chỉ là giải pháp tình thế, quyết phần ngọn của vấn đề mà thôi.

3 nhận xét:

  1. vụ trọng án đã kết thúc, những thiệt hại về tài sản cho nhà nước là rất lớn và những người trực tiếp gây ra vụ việc này cũng đã phải chịu những hình phạt thích đáng, đặc biệt là án tử hình của ông Dương Chí Dũng và ông Mai Văn Phúc! như vậy có lẽ là xứng đáng với những tội lỗi của ông! điều đáng nói là chúng ta sẽ còn phải tiếp tục mạnh dạn hơn nữa trong công cuộc đấu tranh chống tham nhũng và sẽ cần phải có một cơ chế quản lí khác đi để quản lí được chặt chẽ hơn và tốt hơn!

    Trả lờiXóa
  2. sẽ còn nhiều điều phải làm sau khi vụ án nay khép lại! những người có chức vụ rất cao như Dương Chí Dũng, Mai Văn Phúc cùng những đồng phạm khác đã cùng nhau thông đồng, lấy đi của nhà nước hàng trăm tỷ đồng! công tác quản lí cũng không hề để lộ bất cứ thông tin nào trong một thời gian dài! đó có lẽ sẽ là những vấn đề mà chúng ta cần phải khắc phục ngay sau đây! cuộc chiến chống tham nhũng chắc hẳn sẽ còn phải kéo dài hơn nữa!

    Trả lờiXóa
  3. Chúng ta đang giải quyết phần ngọn, phần nổi của tảng băng thôi, phần chìm của nó lớn và nặng lắm, tàu phá băng của chúng ta nhỏ và người lái chưa quen việc vận hành nên phá không được khối băng đâu, duy chỉ có phá phần nổi hoặc phần nhỏ thôi.

    Trả lờiXóa

Tìm kiếm mở rộng

Google TreLang

Tre Làng

Thông kê truy cập

Lưu trữ Blog