Chia sẻ

Tre Làng

PHỎNG VẤN NHỆN CÁI

Chuyển ngữ: Trần Thị NgH

Nhà văn Ý gốc Do Thái Primo Levi chào đời năm 1919 tại Turin, Ý, chuyên ngành Hóa. Là một trong những thành viên của tổ chức chống Phát-xít, ông bị đưa vào trại tập trung Auschwitz và được tự do năm 1944. Kinh nghiệm chết người trong trại tập trung và những chuyến đi của ông qua các vùng Đông Âu sau đó đã trở thành đề tài cho hai quyển hồi ký: Survival in Auschwitz và The Reawakening; ngoài ra là Moments of Reprieve, The Drowned And The Saved, If Not Now, When?, The Tranquil Star, The Monkey’s Wrench, The Sixth Day And Other Tales… Ông được cho là đã tự sát ngày 11.04.1987 ở chính nơi ông được sinh ra sau một thời gian u uất trầm cảm. Thực ra Primo Levi đã “chết” 40 năm trước đó trong thời gian bị giam cầm ở Auschwitz.

Phần lớn các truyện ngắn của ông trong tập The Mirror Maker (1989, Schocken Books Inc., bản dịch tiếng Anh của Raymond Rosenthal), đều thuộc thể loại khoa học viễn tưởng nhưng là một kết hợp tuyệt vời giữa tình yêu khoa học và những cảm nhận của riêng ông về bản chất con người. Five Intimate Interviews nằm trong tuyển tập này là 5 cuộc phỏng vấn thân mật được thực hiện bởi một nhà báo nhắm vào 5 đối tượng: mòng biển, chuột chũi, hưu cao cổ, nhện cái và vi khuẩn E.Coli. Với óc tưởng tượng cực kỳ phong phú, Primo Levi mê hoặc người đọc bằng một giọng kể chuyện khôi hài vô cùng ý nhị và sâu sắc.

PHỎNG VẤN NHỆN CÁI*

Phóng viên: Xin chào buổi tối, ông Nhện, hay đúng hơn, bà Nhện.

Nhện: [the thé]: Ăn được không đó?

Phóng viên: Ư….tôi cho là…ăn tôi cũng được, nhưng chuyện này chưa từng xảy ra, thưa bà.

Nhện: Anh biết đấy, chúng tôi có cơ man là mắt nhưng lại cận thị, mà cứ đói triền miên nữa. Đối với chúng tôi thế giới này được chia làm hai loại: loại ăn được và loại còn lại.

Phóng viên: Thưa bà, tôi có mặt ở đây không phải với tư cách một nạn nhân tiềm năng mà để thực hiện một cuộc phỏng vấn.

Nhện: Một cuộc phỏng vấn? Phỏng vấn ăn được không? Bổ không? Nếu đúng như vậy thì làm ngay đi; ngoài ra sự tò mò của tôi đang ùn ùn trào lên đây, cả đời tôi nhá gần như mọi thứ, riêng cái món phỏng vấn thì chưa. Bọn phỏng vấn có cánh không?

Phóng viên: Thưa bà chúng không để ăn, nhưng được tiêu thụ theo một cách khác. Phải nói thế nào nhỉ? Đơn giản là chúng có độc giả, và đôi khi chúng cũng phần nào cung cấp cho họ một ít dưỡng chất.

Nhện: Vậy thì vụ này đối với tôi chẳng thú vị gì; nhưng nếu anh hứa bồi dưỡng cho tôi vài con ruồi, dăm con muỗi thì… Anh biết mà, với điều kiện vệ sinh hiện nay bọn này càng ngày càng hút hàng. Giỏi bắt ruồi không đấy? To lớn như các anh hẳn chẳng khó khăn gì. Chịu, không thể hình dung ra cái mạng nhện của các anh nó bề thế đến đâu.

Phóng viên: Thành thật mà nói, chúng tôi ứng dụng những phương pháp khác, vả lại chúng tôi không dùng phần lớn thì giờ của mình để bắt ruồi. Thỉnh thoảng có miễn cưỡng ăn phải ruồi là hoàn toàn do rủi ro mà thôi. Dù gì, coi như thỏa thuận như thế này: tôi sẽ cố hết sức giữ lời. Vậy cho phép tôi bắt đầu nhé? Xin cho biết vì sao bà phải treo ngược đầu như thế?

Nhện: Để tập trung. Tôi chỉ có lèo tèo một nhúm ý tưởng thôi, treo ngược như thế chúng sẽ chảy vô óc giúp tôi nhìn thấy mọi thứ rõ ràng hơn. Nhưng đứng xê ra đi, cẩn thận với ba cái thiết bị anh đang mang xách đó; tôi không muốn nó làm rách mạng nhện của tôi đâu: vừa mới làm một cái cáu cạnh sáng nay. Cái trước chỉ thủng một lỗ nhỏ thôi (mấy con bọ cánh cứng rất chi là hậu đậu, anh biết mà), nhưng đối với chúng tôi hoặc là sự hoàn mỹ hoặc không gì cả. Hỏng một tí là tôi nhai sạch cái mạng, tiêu hóa nó, rồi lại tích nguyên vật liệu để làm một cái khác. Vấn đề thuần nguyên tắc thôi. Óc chúng tôi hơi hạn hẹp, nhưng kiên nhẫn thì vô cùng. Thậm chí có lần tôi dệt 3 cái trong một ngày, một nỗ lực chưa có tiền lệ. Sau cái thứ ba, may mà không bị ai làm hỏng, tôi phải nghỉ ngơi đến ba bốn hôm. Cái gì cũng cần phải có thời gian, kể cả việc phục hồi tuyến nhả tơ; nhưng như tôi vừa mới nói với anh đó, chúng tôi có thừa kiên nhẫn, chờ đợi đến mấy cũng không sao. Khi anh chờ đợi, anh không tiêu hao năng lượng.

Phóng viên: Tôi đã có chiêm ngưỡng công trình của quí bà, đúng là những kiệt tác, nhưng sao quí bà cứ làm mãi một kiểu, không có cải tiến cách tân gì sao?

Nhện: Không thể đòi hỏi quá nhiều nơi chúng tôi. Đấy, riêng cái việc trả lời các câu hỏi của anh đã là một nỗ lực rồi; chúng tôi không có óc tưởng tượng, cũng không phải là những nhà phát minh, vòng quay của chúng tôi được gói gọn: đói, giăng tơ, ruồi, tiêu hóa, đói, rồi lại giăng tơ. Vậy việc gì mà phải moi óc ra – xin lỗi, moi ba cái hạch thần kinh ra – để sáng tạo những cái mạng nhện mới? Chúng tôi thà ghi nhớ những gì đã được in trí, theo cách thức từ ngàn xưa, cố gắng hết sức để thích nghi với xung quanh trong giới hạn khả năng của mình. Nói về trí thông minh, vậy là quá nhiều rồi đấy. Nếu tôi nhớ không lầm, mới nở ra từ trong trứng được vài ngày là tôi đã kéo tơ dệt cho mình mạng nhện đầu đời; bé tẹo như con tem thôi, nhưng ngoại trừ kích cỡ của nó thì nó cũng y hệt như cái này ngay trước mũi anh đây.

Phóng viên: Vâng tôi hiểu. Giờ xin bà cho biết, ngoài kia có lời đồn liên quan đến quí bà, nói sao nhỉ, ư… về nghi thức hôn phối ấy …chỉ là lời đồn thổi, nhưng cũng nên cùng nhau làm cho nó sáng tỏ ra, tôi thì tôi thấy chẳng có gì để chống đối, nhưng như bà biết đấy, những kẻ chuyên buôn dưa lê….

Nhện: Ý anh ám chỉ việc chúng tôi xơi tái lũ đàn ông chứ gì? Thế thôi hử? Thì đúng rồi chứ còn gì nữa! Một kiểu múa ba-lê thôi; quí ông của chúng tôi khá là còm nhom, nhút nhát, yếu đuối, thậm chí chẳng dệt được môt mạng nhện cho ra hồn. Khi bị chế ngự bởi dục vọng, họ liều mạng mò vào chỗ chúng tôi, từng bước một, chần chừ, do dự, bởi vì họ biết tỏng kết cuộc sẽ ra sao. Chúng tôi chờ họ chứ không khởi xướng, đối với hai phe, cuộc chơi đã rõ. Phụ nữ chúng tôi thích đàn ông như đã thích bọn ruồi muỗi, không hơn. Chúng tôi thích họ, chính xác từng chữ, như những đức lang quân (nhưng chỉ trong chừng mực thời gian tối thiểu cần thiết) và thích họ như đã sính bất cứ thứ gì có thể nhá được, thế thôi. Một khi đã hoàn tất chức năng của mình, họ mất sạch sức hấp dẫn, chỉ còn là một miếng thịt tươi; rồi cạch một phát, chúng tôi dồn no bao tử lẫn dạ con.

Phóng viên: Các cuộc hôn nhân luôn luôn đứt phựt theo cái kiểu đó sao?

Nhện: Không phải lúc nào cũng thế. Một số quí ông có thể nhìn xa trông rộng, họ ý thức về cái đói khôn cùng của chúng tôi vì thế họ lễ mễ quà cưới, Không phải vì yêu mến hay để tán tụng, anh hiểu chứ, mà để làm chúng tôi no cành hông: một ả chân dài, một em muỗi nhí, đôi khi có cả những món giá trị, khi mọi thứ đâu vào đấy rồi, họ chỉ việc nơm nớp chờ đợi thôi. Anh phải nhìn thấy cái đám tàn mạt ấy, bọn họ ngồi đó mai phục, hau háu muốn biết liệu món quà cưới có đủ làm vừa lòng chúng tôi chăng; đôi khi tự nhận thấy có vẻ như chưa đủ, họ chạy bay về chỗ của mình vít thêm một mẩu ngon ngon.

Phóng viên: Tôi cho là vô cùng mưu trí , nhìn chung rất ra đầu ra đuôi. Ở địa vị họ, tôi cũng hành động y như thế, nhưng bà biết đấy, vợ tôi ăn uống nhỏ nhẻ, tính khí ôn hòa hiền hậu; thêm nữa cuộc hôn nhân của chúng tôi đã bền bĩ lâu năm, đối với chúng tôi, thật đáng tiếc nếu chỉ vỏn vẹn một lần giao hoan mà đã thấy hể hả rồi.

Nhện: Mỗi người có cách riêng, hẳn rồi, ý tôi muốn nói đây không phải cách duy nhất để bọn đàn ông tránh bị ăn tươi nuốt sống. Còn nhiều kiểu khác nữa, mấy người họ hàng xa của chúng tôi còn tung chiêu vũ khúc hân hoan xum xoe quanh người phụ nữ mà họ chọn, vừa múa may vừa xiết chặt dần cô nàng bằng tơ nhện, cuối cùng hành lạc với nàng rồi lỉnh mất. Một số những tay khác rất hãi sức mạnh của chị em phụ nữ chúng tôi; họ đến cuỗm đi các bé gái mới chào đời còn non sèo yểu ợt, mang về giấu kín trong hẻm hốc nào đó để chờ bọn con gái đến tuổi dậy thì, có cho ăn cho uống đấy, nhưng chỉ dè xẻn vừa đủ để các em lây lất mà không có mấy tí sức lực. Lũ này cũng thế, cũng đầm đìa một trận mây mưa, xong trả tự do cho đám nữ nhi rồi quất ngựa truy phong.

Phóng viên: Cám ơn bà. Xin kết thúc cuộc phỏng vấn ở đây.

Nhện: Tạ ơn Trời, tôi đang bắt đầu cảm thấy mệt rồi đây: làm việc trí óc chưa bao giờ là điểm mạnh của tôi. Nhưng chớ có quên mấy con ruồi đấy: mỗi lời hứa là một món nợ.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Tìm kiếm mở rộng

Google TreLang

Tre Làng

Thông kê truy cập

Lưu trữ Blog