Chia sẻ

Tre Làng

MỘT ĐIỀU BÌNH THƯỜNG


Sớm đầu tuần, đọc một số bài viết trên báo mạng và cả FB tranh cãi về cậu chiến sĩ Trường Sa con của đại gia nọ ngành thép. Một số nhà báo ca ngợi, tô vẽ hình ảnh cậu thanh niên trẻ gạt bỏ cuộc sống danh gia vọng tộc để lên đường nhập ngũ... Một số khác phản biện cho rằng, bộ mặt thật đằng sau câu chuyện gia đình đại gia và quý tử có nhiều vết đen cần làm sáng tỏ...

Cá nhân mình không ủng hộ phương án nào. Mình không quan tâm đại gia nọ giàu cỡ bao nhiêu và vì sao lại giàu? Mặc dù hôm ra Trường Sa lớn mình đã biết cậu chiến sĩ này, cậu ấy kể chỉ riêng mấy con gà đậu trên nóc nhà cậu ấy cũng chừng ngót 5 tỷ đồng... Cậu ấy khoe bố cậu ấy vừa đi tàu ra thăm, rằng tuần tới mẹ cậu ấy bay trực thăng ra tiếp tế... Cậu ấy cho khách đến chơi biết cả phân đội cậu ấy chỉ uống Chivas 18... Nói chung là có rất nhiều thứ để kể. Mình không chê trách gì, chỉ thấy có lẽ hơi buồn, trong khi nhiều cán bộ chiến sĩ đi đảo mấy chục năm trời, dăm ba cái Tết không được về nhà, chế độ ăn uống của bộ đội vẫn là 50% đồ hộp... Thế mà cậu ấy có những điều kiện để "cải thiện" hơn đồng đội quá. Hẳn rồi vì cậu ấy là con nhà giàu.

Nhà báo, bạn đọc ca ngợi cậu ấy như một thanh niên chí khí, anh hùng... Mình không cần biết chuyện thực sự lý do cậu ấy ra đảo làm chiến sĩ là gì? Mình chỉ nghĩ việc thực hiện nghĩa vụ quân sự đối với một công dân đã được Hiến pháp và Luật quy đinh. Đó là trách nhiệm, là nghĩa vụ thiêng liêng, cao quý nhưng cũng rất đỗi bình thường. Vậy sao một thanh niên đi bộ đội lại được tung hô? lại được ca ngợi như thần thánh ? Trong khi đó hàng triệu người lính khác họ vẫn đi rồi về, họ vẫn xa nhà, chiến đấu và cả hy sinh... mà lại không được PR trên báo? Hẳn rồi vì cậu ấy là con nhà giàu.

Phải chăng bấy lâu nay chúng ta cứ mặc định rằng, nghĩa vụ quân sự chỉ áp dụng đối với con nhà nghèo? Rằng chỉ có nhà nghèo mới cho con đi lính? Còn nhà giàu đương nhiên có quyền không thực hiện nghĩa vụ quân sự ? Vì vậy khi thấy một cậu quý tử nhà đại gia nọ ra đảo làm chiến sĩ, chưa cần biết là vì sao nhưng cứ phải là một điều phi thường, lớn lao, vĩ đại đã... Cá nhân mình trân trọng, cảm phục và đề cao mọi người lính, nhất là lính đảo. Đối với cậu thiếu gia nọ cũng vậy, rất đáng khen, đáng tự hào... Nhưng giá như báo chí đừng lố bịch tung hô cậu ấy thế... Cậu ấy chỉ đang làm một việc rất bình thường như hàng triệu thanh niên Việt Nam vẫn làm qua nhiều thế hệ để bảo vệ Đất nước này thôi. Chúng ta tô vẽ ảo tưởng biết đâu khiến cho cậu ấy lệch lạc, tự phụ và nghĩ rằng 15 tháng đảo xa của mình là thiên anh hùng ca ? Chúng ta hãy làm cho những người anh hùng trở nên bình dị và gần gũi hơn chứ đừng hóa thánh cho những việc rất đỗi thường tình. Lịch sử đã chứng minh có nhưng người hôm trước là anh hùng, hôm sau trở thành tội đồ... chỉ vì sự tâng bốc của dư luận, sự tô vẽ hào nhoáng của đám đông khiến cho họ mất đi bản ngã, và ngộ nhận về chính những giá trị mình đang có.

Có lẽ mọi người thắc mắc về bức hình này, tôi xin nói đây. Người đàn ông áo xanh trông hiền lành và khắc khổ kia là một người đạp xích lô ở bãi biển Sầm Sơn, Thanh Hóa. Một người cha của một gia đình nghèo và có người con trai duy nhất là chiến sĩ ở Trường Sa vừa ngã xuống chưa đầy 2 tháng. Ngày cơ quan quân sự huyện cử người về báo tin, ông ấy đã khóc không thành lời, thậm chí còn đuổi đánh cán bộ vì không tin con mình chỉ còn hơn 1 tháng nữa là hoàn thành nghĩa vụ quân sự trở về thì lại hy sinh... Phải chăng vì ông ấy nai lưng đạp xích lô mỗi ngày chỉ kiếm được vài chục nghìn đồng nên chẳng có báo nào viết bài ca ngợi gia đình ông ấy? Phải chăng vì ông ấy không phải đại gia, không có tỷ nọ tỷ kia, không thích lên là theo tàu ra thăm con, thuê trực thăng tiếp tế cho con được... nên chẳng ai để ý ? Mình trở về từ Trường Sa chưa đầy 2 tháng nhưng đã có 2 đồng đội hy sinh nằm lại với đại dương. Có chàng trai tuổi 19 chưa tròn, ước mơ trở về giúp đỡ cha mẹ ở quê nghèo không thể trở thành hiện thực... Có anh lính đã mấy năm gửi lời hẹn thế với cô gái ở hậu phương và mong đợi ít ngày nữa là được trở về tổ chức đám cưới thế rồi anh lỡ hẹn một kiếp người khi nằm lại đảo...

Mình biết có rất nhiều, rất nhiều sự mất mát và hy sinh nữa, lớn lao nhưng thầm lặng và bình dị vô cùng. Anh hùng ư, chí khí ư, tài năng ư, ... mọi thứ dù thế nào cũng sẽ càng trở nên tốt đẹp, cao quý hơn nếu nó được ngợi ca, tung hô đúng cách.

Bởi đơn giản là:

... Khi ta lớn lên Đất Nước đã có rồi
Đất Nước có trong những cái "ngày xửa ngày xưa..." mẹ thường hay kể
Đất Nước bắt đầu với miếng trầu bây giờ bà ăn
Đất Nước lớn lên khi dân mình biết trồng tre mà đánh giặc
Tóc mẹ thì bới sau đầu
Cha mẹ thương nhau bằng gừng cay muối mặn
Cái kèo, cái cột thành tên
Hạt gạo phải một nắng hai sương xay, giã, giần, sàng
Đất Nước có từ ngày đó...

Em ơi em
Hãy nhìn rất xa
Vào bốn ngàn năm Đất Nước
Năm tháng nào cũng người người lớp lớp
Con gái, con trai bằng tuổi chúng ta
Cần cù làm lụng
Khi có giặc người con trai ra trận
Người con gái trở về nuôi cái cùng con
Ngày giặc đến nhà thì đàn bà cũng đánh
Nhiều người đã trở thành anh hùng
Nhiều anh hùng cả anh và em đều nhớ
Nhưng em biết không
Có biết bao người con gái, con trai
Trong bốn ngàn lớp người giống ta lứa tuổi
Họ đã sống và chết
Giản dị và bình tâm
Không ai nhớ mặt đặt tên
Nhưng họ đã làm ra Đất Nước...

(Trích Trường ca Đất nước - Nguyễn Khoa Điềm)

© Giang Mèo (phóng viên báo QĐND)

Chi tiết:

19 nhận xét:

  1. Đúng vậy! Tại sao lại cứ tung hô một con người vừa mới thực hiện nghĩa vụ quân sự của mình mà chưa có được một chiến công nào? Tại sao những con người đã anh dũng hi sinh, mãi mãi nằm lại nơi biển đảo xa xôi để bảo vệ chủ quyền Tổ quốc lại không ai nhắc tới? Có hay không nên khen ngợi, chúng ta cần phải xem xét lại thái độ của mình! Bởi những người lính đang làm nhiệm vụ thiêng liêng, đó là bảo vệ chủ quyền Tổ quốc, ai ai cũng như một, không nên phân biệt người nào với người nào!

    Trả lờiXóa
  2. huynhthaison15:51 23/6/14

    Cậu ấy khoe bố cậu ấy vừa đi tàu ra thăm, rằng tuần tới mẹ cậu ấy bay trực thăng ra tiếp tế... Cậu ấy cho khách đến chơi biết cả phân đội cậu ấy chỉ uống Chivas 18... Nói chung là có rất nhiều thứ để kể."
    Trong thời gian tại ngũ ai cho phép các chiến sĩ uống rượu ?
    Bài viết hay, tội nghiệp cho người cha nghèo có con hy sinh khi sắp hoàn thành NVQS. Ngẩm nghĩ lại thấy giật mình : từ trước đến giờ, nhìn xung quanh thì thấy chỉ có con nhà nghèo mới thi hành NVQS. Phải chăng luật pháp lúc nào cũng "ưu ái" cho những người nghèo ?

    Trả lờiXóa
  3. BÀI CỦA HÀ CAO
    NÓ DÀI QUÁ, EM BỐT LÀM 5 PHẦN , CÁC BÁC CHỊU KHÓ ĐỌC NHA
    Du học hay là về ? Tâm thư hay một sự lừa phỉnh bản thân
    Tôi khó hiểu với những người như thế này , tôi cũng có rất nhiều bạn và cũng từng đưa nhiều người bạn đi đến những phương trời xa lạ để học hành , để tu nghiệp , hay đơn giản là để tự khẳng định mình . Khi đi học cũng chẳng có nói hoài bão lớn lao là kinh bang tế thế , trị nước cứu đời gì cả , họ đi , đơn giản là như chúng ta sách vali và bước ra khỏi nhà để nhập đại học . Mấy năm sau , tức giờ đây tôi lại thấy họ lò dò về , ông bạn vàng học tận Hàn Quốc đến 4 năm ( học thạc sĩ Hàn Quốc tốn khá nhiều thời gian và công sức ) cũng về giờ đang làm việc trong mọt viện nghiên cứu . Với họ , khi ra nước ngoài họ chỉ Học và về Việt Nam họ mới chính thức là Làm .Tôi cũng nhớ đến ột người bạn của tôi trước kia học Bách KHoa Hà Nội sau sang Đức tu nghiệp học đến Thạc sĩ xong về nước xin vào Viện cũ ( ở BK lúc đó phân viện ) nhưng dù được các thầy cô rất giúp đỡ nhưng vẫn không được vì bằng tốt nghiệp đại học Bách khoa của anh ấy kém không đạt yêu cầu , anh ấy làm ở Viện mấy tháng không biên chế rồi lại sang Đức học tiếp Tiến sĩ , nghe mọi người nói kiểu gì anh ấy cũng về , tôi cũng tin thế .
    Người Việt Nam ngày nay , tức là đa số người dân , họ những tưởng đi du học là một điều đặc biệt ,là một tầng lớp khác hẳn với những người khác , vâng , họ hẳn nhiên là giỏi , nhưng không phải họ thực sự giỏi đến mức có thể khinh thường mọi người trong nước . Một người bạn của tôi dù có đi học thạc sĩ khoa học ở một trường nổi tiếng bên Mỹ về vẫn chỉ cặm cụi học việc hay nói oai hơn là nghiên cứu cùng với một tiến sĩ trong một trường Đại học để hoàn thiện kĩ năng của mình .
    Nói dài chẳng bằng nói thằng : Du học tuy tốt nhưng cũng chẳng đến mức như Kim quy .

    Trả lờiXóa
  4. Mới đây, một du học sinh ở Mỹ viết tâm thư nói về chuyện ở hay về. Tâm thư khá dài , đại để rằng bạn cũng muốn về Việt Nam lắm nhưng…
    Mẹ bạn bảo đi đi, đừng về vì cơ quan mẹ bạn toàn con ông cháu cha, họ không trọng dụng nhân tài vì chỉ tuyển người thân. Đại khái mội trường làm việc ở bệnh viện mẹ bạn (và có lẽ nhiều bệnh viện khác cũng thế) tiêu cực.
    Dì bạn thì bảo: “Dì hiểu là con muốn về Việt Nam để cống hiến. Nhưng, ở nơi này, tài năng của con không có cơ hội phát triển. Tìm cách định cư đi. Khi đã có kinh tế, con muốn làm gì cho quê hương mà chẳng được!”
    Bạn thân của bạn (đang học công nghệ thực phẩm) thì bảo: “Ngành mình học, về nước không xài được. Còn đường ở Canada thì rộng mở. Mình không muốn trở về để chật vật kiếm một chỗ làm sau 4 năm vất vả!”
    Bạn khác bảo: “Từ lúc quyết tâm theo đuổi sự nghiệp sản xuất âm nhạc, mình đã biết. Tại Việt Nam, mình sẽ không làm được.”
    Một chị theo học kinh tế thì bảo: “Đơn giản chị không muốn!” Chị đang đi thực tập rất nhiều nơi, kiếm tìm một chỗ tài trợ visa cho mình.
    Anh bạn học kỹ sư hóa, vừa apply thạc sĩ thành công nói với tôi: “Anh thích nghiên cứu khoa học, Việt Nam sao có đất cho anh? Về ư? Anh không thể.”
    Những thằng Mỹ thì hỏi thẳng vào mặt tôi: “Tụi mày từ Việt Nam đến đây học, thụ hưởng văn hóa của tụi tao, thụ hưởng cả những đồng tiền bố mẹ tao còng lưng đóng thuế. Học xong mày phủi tay quay về nước, thế thì có công bằng với tụi tao hay không?”
    Kết tâm thư bạn viết:

    Trả lờiXóa
  5. Giữa dòng ý kiến “Đi đi, đừng về!” dữ dằn như thác lũ đẩy tôi lùi lại, tôi nhìn về quê hương, cố gắng tìm một lý do cho mình quay lại. Nhưng tìm hoài mà không thấy. Chưa bao giờ sách giáo khoa nói về những cái cúi đầu của chúng tôi trên đất Mỹ, vì nỗi tự ti quê hương thua kém hơn, mà chỉ bảo: “Nước ta rừng vàng biển bạc.”
    Chưa bao giờ chúng tôi được dạy về “trách nhiệm công dân”. Chúng tôi chỉ học ganh đua điểm số, chứ không học cách cùng nắm tay nhau mà đi xây dựng đất nước.
    Chưa bao giờ bố mẹ nói tôi phải có trách nhiệm với Việt Nam, mà chỉ nói: “Đừng về để dẫm vào đường cụt. Trên mảnh đất này, người tài không có cơ hội. Vì tương lai của con, hãy đi đi!”
    Việt Nam ơi, người có cho tôi một lý do để trở về?”

    Trả lờiXóa
  6. Theo tôi, bạn này viết lấy được, viết cho có, viết ra vẻ yêu nước, thích phụng sự và ảo tưởng.
    Ra vẻ bởi dù bạn nói bạn muốn về nước cống hiến nhưng với các dẫn chứng của bạn cho thấy quyết định của bạn là không về. Không thấy bạn đưa bất kỳ điểm sáng nào tại Việt Nam vì dù có tiêu cực đến đâu thì cũng không thể có một nơi nào trên thế giới chỉ có bóng tối.
    Chưa kể những tiêu cực mà bạn kể rất cũ, nó là cái cớ nhiều người đã dùng, đã phê phán dù đó chưa hẳn đã là sự thật. Một sự thật khác là ối anh chị bất tài vô dụng cũng bám vào đó để cứu rỗi cho cái gọi là danh dự của mình. Tóm lại, bốc phét và sĩ.
    Ảo tưởng bởi chưa ai biết tài năng của bạn đến đâu trừ gia đình bạn, đặc biệt là dì bạn. Bố mẹ khen con, dì khen cháu nhiều khi nó rất khác với thực tế, đúng hơn nó khá lòe loẹt, diêm dúa và không thật.
    Chưa kể chả biết ấy là do dì bạn nói thật hay bạn bịa ra bà dì nào đó.
    Tất nhiên tôi có cơ sở để hoài nghi vì tôi không tin lời những thằng Mỹ nào đó trong tâm thư ấy. “Tụi mày từ Việt Nam đến đây học, thụ hưởng văn hóa của tụi tao, thụ hưởng cả những đồng tiền bố mẹ tao còng lưng đóng thuế. Học xong mày phủi tay quay về nước, thế thì có công bằng với tụi tao hay không?” – lời nói của người bạn Mỹ nói với bạn.
    Nếu người Mỹ cần người Việt sang cống hiến cho họ và sợ người Việt phủi thế thì có lẽ nước Mỹ không siết chặt “nạn” nhập cảnh với người Việt (hay người của các nước) chặt chẽ thế!
    Có thể tôi sai nhưng suy nghĩ chủ quan của tôi, nước Mỹ chỉ muốn bạn đến học và trả tiền các dịch vụ cho họ. Bạn học xong thì mời bạn về nước chứ chúng tôi không chứa. Mới có chuyện người Việt phải cố đấm ăn xôi, học xong thì cố tìm mọi cách để ở lại cho hợp pháp chứ họ không yêu cầu phải ở lại cống hiến, trả ơn cho nước Mỹ, trừ những trường hợp xuất sắc. Nói trắng phớ, họ sợ các bạn ở lại bỏ mẹ.
    Còn những thằng Mỹ nào đó nói với bạn thế, nhiều khi nó đang say hoặc đang vui, hưng phấn quá trớn, lời khi ấy, không có nhiều sự thật. Hoặc cũng có thể bạn tưởng tượng những thằng Mỹ bảo với bạn thế chứ thực tế, thì không.
    Cứ làm mình như Ngô Bảo Châu không bằng.

    Trả lờiXóa
  7. Tôi không huơ đũa cả nắm nhưng thực tế là chỉ một phần du học sinh ở ta sang đấy học, nghiên cứu, phần còn lại sang ấy vì nhà giàu, tiền tiêu ở Việt Nam không hết nên sang ấy tiêu cho nhanh.
    Cũng có thể là gia đình định hướng sẽ sang ấy định cư nên cho con sang trước theo diện du học, sau tìm cách ở lại, định cư rồi mang gia đình sang sau. Cũng có những trường hợp sang đấy chơi bời lêu lổng dưới cái mác du học.
    Tôi không phủ nhận nền giáo dục Mỹ, họ trước ta cả thế kỷ nhưng cứ bảo sang Mỹ học là giỏi, là thành tài năng thì tôi hơi e ngại. Một người quen sau rất nhiều năm cung phụng cho con cái sang du học ở Mỹ thì cuối cùng chúng cũng có tự nuôi nổi mình đâu, vẫn phải tiêu từ tiền tích cóp của mẹ. Còn mẹ chúng tích cóp được từ đâu thì tôi không rõ, đúng hơn là rõ nhưng hơi ngại trình bày.
    Thêm vào đó, người mẹ này cũng dùng quan hệ của mình để giai con được thực tập trong các tập đoàn tài chính lớn nhất Việt Nam. Mẹ lo cho con là điều dễ hiểu, càng dễ chia sẻ, hay ít ra dù nhức nhối nhưng chúng ta phải thừa nhận đó là một thực tế khó thể khác nhưng nếu bảo chúng giỏi thì tôi nghĩ chúng ta cần khái niệm lại chữ…giỏi.
    Cũng có một người mẹ khác hào hứng kể với tôi rằng, chỉ cần một cái chứng chỉ vớ vẩn nào đó bên Mỹ, hay Anh thì khi về Việt Nam cũng kiếm được bộn tiền. Đơn giản người Việt sính và mờ mắt với tất cả những gì liên quan đến Tây, nhất là bằng Tây.
    Và tôi tin rằng nếu bạn giỏi, thực sự giỏi thì chỗ nào bạn cũng có thể đứng vững được vì chân lý không còn nhiều song không có nghĩa nó đã mất đi tại Việt Nam. Ở Việt Nam nếu bạn chả làm công thì làm tư và nếu bạn làm tốt, tôi tin rằng sẽ có người ủng hộ bạn. Có thể đám vớ vẩn, hay bốc phét, nhảm nhí vẫn được tán tụng tại Việt Nam nhưng không có nghĩa sự tử tế đã mất, ít hay nhiều cũng có.
    Còn bạn cho rằng, ở Mỹ là thiên đường nghiên cứu thì hãy chỉ cho tôi được mấy người của ta nghiên cứu thành công hay thành danh? Hay khi vớ câu hỏi này, bạn sẽ lại đổ lỗi do Việt Nam?
    Ngược lại tôi thấy hàng loạt người ngược dòng về Việt Nam thì sự nghiệp sáng chói, cứ nhìn showbiz thì rõ. Như cô Thanh Bùi, cô Zương Khắc Luynh xinh đẹp, giai Trí Nguyễn, Victor Vũ…
    Tài năng không có chỗ cho sự phàn nàn, ca thán. Bốc phét vừa thôi!
    Hà Cao.

    Trả lờiXóa
  8. Đúng vậy. Nhà giàu hay nhà nghèo đều thực hiện nghĩa vụ bảo vệ Tổ quốc như nhau chứ. Ca ngợi thái quá thì không hay. Lố

    Trả lờiXóa
  9. Chuyện bình thường như cân đường hộp sữa. Giàu mà không bảo vệ Tổ quốc thì cũng mất hết cả. Giàu để làm gì nếu như không còn chủ quyền?!

    Trả lờiXóa
  10. Một cậu ấm con nhà giàu ra đảo chiến đấu mà phải tâng bốc quá xá vậy sao? Làm vậy cứ thấy sao sao.

    Trả lờiXóa
  11. Lỗi này là ở các nhà truyền thông cậu ấm kia không có lỗi chi cả. Truyền thông tưởng là khen ngợi có khi thành ra phản tác dụng.

    Trả lờiXóa
  12. Nếu cậu thanh niên con nhà đại gia xung phong ra chiến đấu ở đảo thì cũng đáng khen ngợi, nhưng mức độ thôi, không phải như thể một anh hùng trẻ tuổi!!!

    Trả lờiXóa
  13. Đúng vậy Thức Đêm nói đúng, dù tổt đến đâu mà quá giới hạn thì cũng phản tác dụng.

    Trả lờiXóa
  14. Chắc cậu thanh niêm kia mà đọc được những lời khen ngợi bốc thơm thì có khi thấy ngượng ấy chứ!

    Trả lờiXóa
  15. Ai viết bài báo ca ngợi cậu ấm này phải xem lại động cơ và trình độ nghiệp vụ báo chí. Làm ăn thế này thì không được. Bao nhiêu tấm gương thanh niên cần được tôn vinh hơn.

    Trả lờiXóa
  16. hehe, như thế mới biết bà con rất quan tâm đến tình hình lớp trẻ. Nói không chuẩn là bị chỉnh ngay tức thì.

    Trả lờiXóa
  17. Thanh niên là thế hệ chủ nhân của đất nước thì phải quan tâm chứ. Thanh niên mà suy nghĩ lệch lạc thì cần uốn chỉnh. Chuyện bình thường.
    Con nhà giàu đi bộ đội cũng là chuyện bình thường thôi.
    Thánh Gióng mấy tuổi đã nhổ tre đánh giặc cơ mà

    Trả lờiXóa
  18. Lỗi này là ở các nhà truyền thông cậu ấm kia không có lỗi chi cả. Truyền thông tưởng là khen ngợi có khi thành ra phản tác dụng.Chuyện bình thường như cân đường hộp sữa. Giàu mà không bảo vệ Tổ quốc thì cũng mất hết cả. Giàu để làm gì nếu như không còn chủ quyền?!

    Trả lờiXóa
  19. Cái cốt lõi của truyền thông là gia đình cậu ta giàu có và rất giàu nữa kia. Đưa hình ảnh cậu ta lên báo, lên truyền thông vừa được tiếng và lại vừa được miếng ( cái phong bao cũng kha khá đấy),còn nếu mình suy diễn sai thì mức độ tư duy của tay nhà báo này và cả ban biên tập là có vấn đề.

    Trả lờiXóa

Tìm kiếm mở rộng

Google TreLang

Tre Làng

Thông kê truy cập

Lưu trữ Blog