Chia sẻ

Tre Làng

TRUNG QUỐC VÀ WORLD CUP - NHỮNG CHUYỆN BI HÀI

Trung Quốc và World Cup, những chuyện bi hài

Thái Bình

Sinh viên Đại học Nam Hoa ở Hồ Nam thi tâng bóng bằng đầu để chào mừng World Cup 2014. Ảnh Reuters.

(TBKTSG Online) - Trung Quốc là một “tiểu quốc” trong môn bóng đá nam cho nên giấc mơ đăng cai World Cup của nước này xem ra còn khá xa xôi.

Khi trái bóng vừa lăn ở Brazil, trang mạng Time.com đã có một bài phân tích về bóng đá Trung Quốc – nước lớn nhất trong khối BRICS. Theo Time, mặc dù Trung Quốc có số dân đông nhất thế giới nhưng lại không phải là một cường quốc bóng đá.

Bóng đá (nam) Trung Quốc đứng ở vị trí 103 trong bảng xếp hạng của Liên đoàn Bóng đá thế giới (FIFA), còn dưới cả Guinea Xích đạo, một nước dân số chưa tới 800 ngàn người. Ở tầm châu lục, bóng đá Trung Quốc chưa thắng nổi Uzbekistan, Iraq và Thái Lan, nói gì đến các đội tuyển trứ danh của Hàn Quốc và Nhật Bản. 

Trung Quốc không có mặt trong kỳ World Cup năm nay, hoặc kỳ trước, hoặc kỳ trước nữa. Thế thì “tín đồ túc cầu giáo Trung Quốc” nghĩ gì? Cam chịu thôi, biết làm thế nào khác được. Chen Xiao – phóng viên viết về bóng đá ở thành phố Thạch Gia Trang miền đông bắc Trung Quốc – chua chát: “Trung Quốc mà có mặt ở vòng chung kết World Cup thì điều đó trái ngược hẳn với luật lệ bóng đá”.

Có nhiều lý do dẫn tới sự chậm tiến của bóng đá Trung Quốc. Ở các quốc gia như Brazil – nơi đang diễn ra vòng chung kết World Cup 2014 – trẻ con hình như lớn lên với trái bóng dính ở chân. Ở Trung Quốc, trẻ con ngoài giờ học ở trường phải lo đi học thêm, học thi và cả nước không hề có một tổ chức hay một giải bóng đá nào cho thiếu niên. Ấy vậy mà Trung Quốc tự xưng là cái nôi phát minh ra môn bóng đá!

Trung Quốc có một liên đoàn bóng đá quốc gia. Nhưng tổ chức này có “thành tích” lâu dài và tệ hại về tham nhũng, bán độ và dàn xếp tỷ số trận bóng. Đã có những nỗ lực chuyên nghiệp hóa môn bóng đá, với sự đầu tư vốn liếng của các tỷ phú, triệu phú, giống như các nước phương Tây nhưng mọi chuyện còn ở trên giấy!

Thực ra, nhờ một hệ thống tuyển chọn và đào tạo vận động viên theo kiểu “trại lính” - từ khi các em còn bé và có biểu hiện có năng khiếu, cho đến khi trưởng thành và tham gia vào các giải đấu quốc tế, qua một quá trình khổ luyện rất khắc nghiệt - Trung Quốc có thành tích tốt ở nhiều môn thể thao, nhất là các môn thi lấy điểm như bơi lội, thể dục thẩm mỹ, bắn súng… Trong các môn thể thao đối kháng, Trung Quốc mạnh về cầu lông và bóng bàn, nhưng rất yếu về bóng đá và bóng rổ. Các nhà bình luận cho rằng, Trung Quốc vẫn chưa chuyển hóa được ưu thế về “bóng nhỏ” (bóng bàn) thành ưu thế của “bóng lớn” (bóng đá, bóng rổ).

Bóng đá Trung Quốc yếu kém như vậy nhưng môn thể thao vua có một lượng người hâm mộ khổng lồ ở nước này. Trận khai mạc World Cup 2014 giữa chủ nhà Brazil-Croatia ở Sao Paolo, phát trên truyền hình Trung Quốc lúc 4 giờ sáng ngày 14-6, đã thu hút đến 19 triệu người xem. Hôm sau, trận Mexico-Cameroon, lượng người xem truyền hình tăng gấp rưỡi, lên 27,9 triệu người, theo số liệu của CMS Media Research – một công ty nghiên cứu lĩnh vực truyền thông được tạp chí Forbes dẫn lại. Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình cũng tự nhận mình là người hâm mộ bóng đá.

Thông thường, World Cup là cơ hội làm ăn của doanh nghiệp nhiều ngành, nhất là ở một nước có đông người hâm mộ bóng đá như Trung Quốc. Doanh nghiệp lớn thì chi nhiều tiền để tài trợ giải, từ đó quảng bá hình ảnh ra toàn cầu; doanh nghiệp nhỏ, ít tiền cũng có những chiêu thức quảng cáo, khuyến mãi “ăn theo” World Cup. Thế nhưng, cũng như các cầu thủ đá banh, phần lớn các doanh nghiệp Trung Quốc dường như chưa quen với những sân chơi tầm cỡ toàn cầu. Trong danh sách các nhà tài trợ World Cup 2014 chỉ có một doanh nghiệp Trung Quốc duy nhất là công ty Yingli, tài trợ các tấm pin mặt trời cho hai sân vận động chính của Brazil.

Ở thị trường nội địa, các doanh nghiệp tập trung kinh doanh áo quần giày vớ nhái trang phục thi đấu của các đội tuyển tham dự vòng chung kết; hoặc sản xuất và xuất khẩu các mặt hàng lưu niệm World Cup 2014 như quốc kỳ các nước, linh vật Faleco, kèn cổ vũ Caxirola… Làm hàng nhái và làm đồ lưu niệm vốn là những thế mạnh “truyền thống” của họ. Nhưng nhìn chung hiệu quả kinh tế mà cơ hội World Cup mang lại cho doanh nghiệp Trung Quốc không lớn như mong đợi.

Không chỉ nhái hàng hóa, người Trung Quốc còn nhái cả ý tưởng. World Cup kỳ trước, thế giới ngạc nhiên và thú vị khi có một con bạch tuộc, tên Paul, có khả năng dự đoán chính xác kết quả các trận đấu của đội tuyển Đức. Kỳ này, ăn theo ý tưởng của người Đức, hãng thông tấn Tân hoa xã và mạng xã hội Soha có kế hoạch lập một đội gấu trúc – con vật đặc hữu của Trung Quốc – để dự đoán kết quả các trận bóng ở Brazil nhưng trò tiên tri lừa bịp này nhanh chóng bị dẹp vì người ta lo ngại nó sẽ kích thích nạn cá cược bóng đá.

Một ý tưởng ăn theo World Cup cũng điên rồ không kém là Công ty quản lý hệ thống xe điện ngầm Bắc Kinh bỗng dưng nảy ra “tối kiến”: đồng loạt đổi tên 32 nhà ga của tuyến metro số 4 theo tên của 32 đội tuyển quốc gia tham dự World Cup 2014 – ví dụ như ga Giác Môn Tây bị đổi tên thành ga Ý Đại Lợi (Italia) (ảnh bên) - khiến cho cư dân thành phố Bắc Kinh chới với không biết đường nào mà đi!

Tám năm nữa, World Cup 2022 sẽ diễn ra tại một nước châu Á; nhưng do Qatar vừa dính vào một vụ tai tiếng nghiêm trọng với FIFA nên cho đến nay chưa rõ quốc gia châu Á nào sẽ đăng cai giải bóng đá lớn nhất hành tinh. Với tình hình bóng đá Trung Quốc hiện nay, nhiều người tin rằng, đó sẽ không phải là Trung Quốc như nước này vẫn mong muốn.

1 nhận xét:

  1. đúng là buồn cười nhưng cũng phải công nhận thằng ngu này trong lĩnh vực bóng đá cũng đang tiến bộ hơn một số thằng khôn khác đấy.

    Trả lờiXóa

Tìm kiếm mở rộng

Google TreLang

Tre Làng

Thông kê truy cập

Lưu trữ Blog