Chia sẻ

Tre Làng

LÀM CHO RẮC RỐI CHẲNG QUA...PHONG BÌ

Làm cho rắc rối chẳng qua...phong bì

Ngày nay, thuật ngữ bao thư đôi khi còn hiểu theo nghĩa rộng, chẳng hạn từ "phong bì" trong tiếng Việt còn dùng để chỉ về một món quà có tính cách tiêu cực dùng để hối lộ, đút lót hay mua chuộc... (Wikipedia).

Hối lộ hay đút lót, có lẽ chế độ nào cũng có, thời nào cũng có, nhưng phong bì “biến tướng” trong chế độ này thì cũng là một quá trình, ngẫm lại đôi khi cười ra nước mắt. Thời bao cấp, đến công quan công quyền việc đầu tiên phải là... chìa ra gói thuốc lá mời cán bộ hút rồi mới nói chuyện công việc.

Tùy theo giá trị bao thuốc (kể cả giá tiền và mốt xài) mà có thể đoán định được kết quả công việc phải cầu cạnh đến sếp. Thứ tự giá trị cao dần với các tên Trường Sơn, Tam Đảo, Sông Cầu, Điện Biên... Samit, 555 (còn gọi là Ba Số).

Do vậy trong dân “chạy việc” có người đã sáng tác ra mấy câu thành ngữ mà đến nay có thể... thất truyền. Đó là mấy câu “Sông Cầu nói đâu bỏ đấy”, “Samit nói ít hiểu nhiều”, “Ba Con Năm (555) vừa nằm vừa ký”. 

Rồi kinh tế phát triển, làm ăn mở ra, “xin - cho” phát triển nên “vấn đề đầu tiên” trở thành phổ biến. Cùng với hệ thống mạng intenet phát triển, chiếc phong bì truyền thống dần dần hoàn thành sứ mệnh lịch sử của mình, lại nhanh chóng tìm cho mình một sứ mệnh khác tại Việt Nam. 

Bên trong nó, không còn là tâm tư tình cảm, các giao dịch thông tin thuần túy mà lại chứa đựng những tờ tiền có “sức mạnh không lời”, nó có thể cứu sống mạng người, có thể “bôi trơn” một quy trình thủ tục xin cho hợp pháp, hay đôi khi có đủ sức vượt rào pháp luật. 

Đến giờ, chưa có thống kê nào chỉ ra từ khi vai trò phong bì truyền thống không còn được sử dụng, thì ngành nghề sản xuất ra phong bì bị sụt giảm doanh số ra sao, nhưng nó vẫn được mua dễ dàng trong các quầy tạp hóa hay các thư quán ven đường. Cũng có ý kiến nói rằng, xu hướng giờ “làm ăn” người ta dùng bao tải, vali… chứ ai lại dùng phong bì, nhưng xem ra các hiện tượng ấy chắc cũng chỉ dành là những phi vụ to lớn và không phổ biến, bình dân.

Bởi đến mùa khai giảng là người ta dùng “phong bì” chạy trường, cuối năm phong bì sếp, cuối mùa phong bì thầy, còn chuyện làm ăn giao dịch với công quyền thì diễn ra sôi động cả năm, phong bì còn vào bệnh viện quá tải cứu được cả mạng người, hay chí ít thì “chích thuốc không đau”…”Hiệu quả” và sự phổ biến của nó đã hình thành nên một thứ “văn hóa phong bì”. Đó là chưa kể đám cưới, tang ma, những thứ thuộc về “văn hóa truyền thống” cũng phong bì…

“Phong bì” trong phần lớn chức năng của nó, thường được xã hội nhìn nhận là hiện tượng tiêu cực và được thừa nhận là luật “bất thành văn” trong các giao dịch liên qua đến lợi ích “bánh ít cho đi, bánh qui trở lại”. Nhưng tìm hiểu sâu hơn tại các “luật thành văn” thì “bóng dáng” phong bì được miêu tả bằng những từ ngữ pháp lý cụ thể hơn là “quà tặng”.

Quà tặng, theo quy chế về việc tặng quà, nhận quà của Thủ tướng (áp dụng tại đơn vị có sử dụng ngân sách nhà nước và của cán bộ, công chức, viên chức) bao gồm: tiền Việt Nam, tiền nước ngoài, sổ tiết kiệm, cổ phiếu, trái phiếu, séc và các giấy tờ có giá; hiện vật, hàng hóa, tài sản; dich vụ thăm quan, du lịch, y tế, giáo dục - đào tạo, thực tập, bồi dưỡng trong nước hoặc ngoài nước và các loại dịch vụ khác; quyền được mua tài sản, nhà, quyền sử dụng đất, quyền sử dụng thiết bị; các ưu đãi ngoài quy định của Nhà nước; việc sử dụng tài sản, nhà, đất đai, thiết bị của người khác mà không trả hoặc trả không đầy đủ chi phí cho việc sử dụng…


Quy chế này nghiêm cấm các cơ quan đơn vị, cán bộ công chức nhận quà mà người tặng có liên quan đến hoạt động công vụ mà mình chịu trách nhiệm giải quyết, và việc tặng quà có liên quan đến hành vi tham nhũng…

Xem ra “phong bì tệ nạn” cũng đã có những quy định luật pháp ngăn chặn, nhưng so với thực tế diễn ra thì dường như “văn hóa phong bì” như một dòng chảy ngày đêm trong sinh hoạt đời sống và quan hệ công dân chính quyền. 

Hẳn nhiên, “phong bì” nhìn trên tổng thể thì nó gây ra nhiều thiệt hại cho xã hội, từ hình ảnh công chức tồi tệ trong mắt người dân, đến chi phí xã hội được chảy vào tư túi, giảm đi hiệu quả chung của nền kinh tế, mà cuối cùng thì cũng đổ trên đầu người dân. 

Thế nhưng trong khi những thủ tục nhiêu khê, nhưng quy định hành chánh khắt khe, hoặc mù mờ vẫn còn đó thì “phong bì” cũng cần được nhìn nhận ở mặt tích cực của nó là “bôi trơn” và thúc đẩy các khâu ách tắt trong guồng máy vận hành. "Phong bì" lãnh ấn tiên phong trong bối cảnh cải cách hành chính vẫn ì ạch chậm chạp. 

“Nạn phong bì” lâu lâu lại được đem ra mổ xẻ, như hồi năm ngoái, rộ lên chuyện phong bì cho bác sĩ ở các bệnh viện, bộ y tế phát động phong trào “nói không với phong bì”, rồi lập đường dây nóng cho bệnh nhân tố cáo bác sĩ… Phong trào lắng đi thì “phong bì” trở lại với “nhiệm vụ” của nó.

Mới đây nhất là chuyện Hội An cấm tiệt công chức nhận phong bì. Ông bí thư Nguyễn Sự nói với báo chí “Cấm thẳng chứ không phải vận động “nói không”. Cán bộ công chức đâu phải là người làm thuê cho doanh nghiệp mà đi nhận tiền của họ? Trách nhiệm công chức là phục vụ dân, sao lại đi lấy tiền của dân?”

Báo chí lại đặt câu hỏi cắc cớ là không chỉ có mỗi “hình thức” bồi dưỡng bằng phong bì. Liệu người ta cho tiền vào bao ni lông, vali, hoặc “chuyển” sang quà tặng có giá trị vật chất lớn... thì làm sao xử lý cho xuể? 

Ông Nguyễn Sự, bình luận hình thức bồi dưỡng bằng vật chất đã không còn “công khai” như phong bì, khó xử lý hơn và xem như đã rẽ sang khía cạnh khác của câu chuyện hối lộ, phải được điều chỉnh bằng hàng loạt chế tài khác. 

Cách nói ấy, có lẽ chỉ có ý nghĩa tước đi phần nào “sứ mệnh” của “phong bì” để chuyển sứ mệnh ấy qua… vali, túi xách. Bởi từ lâu pháp luật cũng đã có nhiều điều khoản qui định việc cấm tiệc ấy, và thực tế, những biện pháp giám sát phát hiện hành vi tiêu cực của công chức gần như không phát huy tác dụng.

Phong bì giờ còn thêm một sứ mệnh nữa, là tạo cảm hứng cho các lãnh đạo thể hiện quyết tâm chống tiêu cực của mình.

Quốc Học
Một Thế Giới

3 nhận xét:

  1. Phong bì là căn bệnh của nhiều ngành rồi, đúng là cuộc sống càng hiện đại thì người VN ta hình như càng cần đến phong bì nhiều hơn, nhưng việc dùng ở đây không đơn thuần như trước mà nó đã thực sự mang một ý nghĩa khác. Và mỗi khi nhắc đến 2 từ đó, tất cả mọi người VN đều hiểu về cái chứa bên trong phong bì được gọi nôm na là “điều đầu tiên” và được cho là trở thành đầu mối của các quan hệ.

    Trả lờiXóa
  2. Phong bì là vật thể vô tri, nó không có tội. Tội là ở con người đã thổi vào phong bì những toan tính, những khuất tất, những mưu cầu cá nhân. Chúng ta không kỳ thị phong bì nhưng hãy đối xử với nó một cách văn minh, đừng để những biến tướng của cái phong bì nhỏ xíu và nhẹ hều lại trở thành căn bệnh nan y của thời đại!

    Trả lờiXóa
  3. Chiếc phong bì cứ vô tư, hồn nhiên hiện diện trong các quan hệ xã hội, các công việc khác nhau dù nhỏ hay lớn... Và lâu dần đã hình thành cái gọi là “căn bệnh phong bì”, “vấn nạn phong bì” hơn là “văn hóa phong bì”. Thiếu nó người dân sẽ gặp không ít khó khăn trong công việc lớn nhỏ... Không ít cán bộ cơ quan công quyền nhà nước đã quá “quen hơi” phong bì đến nỗi không có phong bì là thiếu hẳn tinh thần hợp tác, phục vụ tận tình.

    Trả lờiXóa

Tìm kiếm mở rộng

Google TreLang

Tre Làng

Thông kê truy cập

Lưu trữ Blog