Chia sẻ

Tre Làng

TÁI BỔ NHIỆM CÁN BỘ ĐẾN TUỔI NGHỈ HƯU: VẪN ĐÚNG, THẾ MỚI HIỂM!

Khoai@

Câu chuyện tái bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo đã đến tuổi nghỉ hưu vẫn là vấn đề nhức nhối, ở đâu cũng có và cơ quan nào cũng có. Người ta lợi dụng những quy định "đặc biệt" trong một rừng những quy định về công tác cán bộ để bổ nhiệm những người đã quá tuổi, hoặc những người đến tuổi phải nghỉ hưu giữ nguyên chức vụ lãnh đạo và kéo dài thêm thời gian công tác cho họ.

Nói trắng ra, việc kéo dài tuổi nghỉ hưu, và kéo dài thời hạn lãnh đạo cho những người đến tuổi nghỉ hưu là một biểu hiện không lành mạnh trong công tác cán bộ.

Việc làm trên gây ra tình trạng thiếu công bằng và làm mất cơ hội cho những người trẻ có tâm và có tài. Mặt khác, hiện trạng đó làm mất đoàn kết nội bộ, làm nản lòng những người ngay thẳng, có hướng phấn đấu.

Đây là một trường hợp ở Cà Mau: Sai thì có sai, nhưng đúng vấn đúng. Thế mới hiểm!

Các bạn nhớ đọc kỹ, phần 1 là sai, nhưng phần 2 lại đúng!

1. 
Bổ nhiệm người đã đến tuổi nghỉ hưu, đúng hay sai?

Dư luận tại tỉnh Cà Mau thời gian gần đây xôn xao về việc Bệnh viện Sản - Nhi Cà Mau triển khai quyết định của giám đốc Sở Y tế tỉnh Cà Mau tái bổ nhiệm bà Đặng Bé Nam làm giám đốc bệnh viện này. Tính đến ngày 1-6-2015, bà Nam sẽ đủ tuổi hưu và theo quy định phải nghỉ trước 6 tháng. Thế nhưng, với quyết định trên thì tuổi nghỉ hưu của bà Nam sẽ được kéo dài đến ngày 1-6-2018.

Theo quy chế cán bộ, công chức lãnh đạo (ban hành kèm theo Quyết định 27/2003 ngày 19-2-2003 của Thủ tướng Chính phủ) còn dưới 2 năm công tác trước khi đến tuổi nghỉ hưu, do cấp thẩm quyền xem xét quyết định kéo dài thời gian giữ cương vị lãnh đạo đến thời điểm đủ tuổi hưu theo quy định. Trường hợp cán bộ, công chức giữ chức vụ do bổ nhiệm có thời hạn, khi đến tuổi nghỉ hưu mà được kéo dài thêm thời gian công tác, nếu vẫn đáp ứng yêu cầu thì được giữ chức vụ lãnh đạo cho đến hết thời hạn bổ nhiệm. Bên cạnh đó, Thông tư 19-2001 của Ban Tổ chức - Cán bộ Chính phủ hướng dẫn Nghị định 71/CP ngày 23-11-2000 cũng quy định: cán bộ, công chức đến tuổi nghỉ hưu nếu được kéo dài thêm thời gian công tác thì thôi giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý.

Bộ Luật Lao động (sửa đổi) năm 2012 (có hiệu lực từ ngày 1-5-2013) quy định: Đối với việc sử dụng người lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao, có trình độ trong quản lý có thể nghỉ hưu ở độ tuổi cao hơn so với quy định chung (nữ đủ 55 tuổi, nam đủ 60 tuổi) nhưng không quá 5 năm. Quy định này có thể gây ra nhiều sự ngộ nhận hoặc hy vọng rằng Chính phủ sẽ điều chỉnh lại theo chiều hướng kéo dài thời gian làm việc áp dụng với lao động nữ.

Bộ Y tế từng có văn bản đồng tình

Trước khi đi đến quyết định tái bổ nhiệm bà Đặng Bé Nam tiếp tục làm Giám đốc Bệnh viện Sản - Nhi Cà Mau thêm 3 năm sau tuổi nghỉ hưu, ngày 24-6-2014, Sở Y tế tỉnh Cà Mau có Công văn số 598 xin ý kiến Bộ Y tế về việc kéo dài tuổi nghỉ hưu đối với bác sĩ Đặng Bé Nam. Ngày 18-7-2014, ông Phạm Văn Tác, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ - Bộ Y tế, đã thừa lệnh Bộ trưởng Bộ Y tế ký công văn phúc đáp số 4759/BYT-TCCB (ảnh), trong đó nêu rõ:

“... Bác sĩ Đặng Bé Nam, Giám đốc Bệnh viện Sản - Nhi Cà Mau, là một trong số ít cán bộ lãnh đạo nữ có trình độ chuyên môn và năng lực quản lý đã đưa Bệnh viện Sản - Nhi Cà Mau phát triển đi lên, góp phần vào thành tích chung của ngành y tế. Bộ Y tế ủng hộ cán bộ lãnh đạo nữ có năng lực chuyên môn, năng lực quản lý và được tập thể tín nhiệm theo quyết định của địa phương”.

Trên cơ sở này, ngày 13-8-2014, Ban Thường vụ Đảng ủy, Ban Giám đốc Sở Y tế tổ chức họp lấy ý kiến và tiến hành bỏ phiếu. Kết quả 100% thống nhất kéo dài thời gian bổ nhiệm 3 năm đối với bà Nam. Sau đó, ngày 15-8-2014, Sở Y tế có tờ trình số 206 gửi Thường trực UBND tỉnh Cà Mau xem xét việc bổ nhiệm “ngoại lệ” đối với bà Nam. Ngày 22-9-2014, ông Đặng Thành Tươi, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau, ký Công văn số 5023, đồng ý tái bổ nhiệm bà Nam tiếp tục làm giám đốc Bệnh viện Sản - Nhi Cà Mau.

Công văn của chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau nêu rõ: “Xuất phát từ tình hình thực tế của địa phương và ý kiến của Bộ trưởng Bộ Y tế tại Công văn 4759/BYT-TCCB, chủ tịch UBND tỉnh thống nhất với đề nghị của Sở Y tế tại tờ trình nêu trên”. Được sự đồng thuận của cấp trên, lãnh đạo Sở Y tế tổ chức cuộc họp với Ban Giám đốc Bệnh viện Sản - Nhi Cà Mau và tổ chức hội nghị cán bộ chủ chốt của bệnh viện, cùng nêu việc tái bổ nhiệm bà Nam và đều được đồng tình. Ngay sau đó, lãnh đạo Sở Y tế công bố quyết định tái bổ nhiệm bác sĩ Đặng Bé Nam.

Tin-ảnh: D.Nhân

Điều 187, Bộ Luật Lao động (sửa đổi) năm 2012 quy định tuổi nghỉ hưu như sau:

1. Người lao động bảo đảm điều kiện về thời gian đóng BHXH theo quy định của pháp luật về BHXH được hưởng lương hưu khi nam đủ 60 tuổi, nữ đủ 55 tuổi.

2. Người lao động bị suy giảm khả năng lao động; làm công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; làm việc ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo thuộc danh mục do Chính phủ quy định có thể nghỉ hưu ở tuổi thấp hơn so với quy định tại khoản 1 điều này.

3. Người lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao, người lao động làm công tác quản lý và một số trường hợp đặc biệt khác có thể nghỉ hưu ở tuổi cao hơn nhưng không quá 5 năm so với quy định tại khoản 1 điều này.

4. Chính phủ quy định chi tiết khoản 2 và khoản 3 điều này.

Luật đã giao cho Chính phủ quy định chi tiết thi hành vấn đề này. Chính phủ đã thảo luận, cho ý kiến và đến nay nghị định hướng dẫn đang được trình cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định. Trong thời gian Chính phủ chưa ban hành thì vẫn áp dụng theo quy định tại Nghị định số 71/NĐ-CP ngày 23-11-2000 của Chính phủ, cán bộ, công chức khi đến tuổi nghỉ hưu được xem xét kéo dài thêm thời gian công tác, bao gồm các đối tượng sau:

- Người trực tiếp làm công tác nghiên cứu tại các cơ quan Đảng, nhà nước; được bổ nhiệm hưởng bảng lương chuyên gia cao cấp theo Nghị định số 25/NĐ-CP ngày 23-5-1993.

- Người có học vị tiến sĩ khoa học làm việc theo đúng chuyên ngành đào tạo; người có chức danh giáo sư, phó giáo sư đang trực tiếp nghiên cứu giảng dạy theo đúng chuyên ngành ở các viện, học viện và các trường đại học.

- Người có tài năng được cơ quan, tổ chức, đơn vị thừa nhận đang trực tiếp làm việc theo đúng chuyên môn thuộc các lĩnh vực y tế, giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ, văn hóa - nghệ thuật.

Nếu cơ quan, đơn vị có nhu cầu và người lao động có đủ sức khỏe để làm việc thì có thể xem xét kéo dài thời gian làm việc. Cán bộ, công chức kéo dài thời gian công tác ở cơ quan nhà nước phải nằm trong biên chế của đơn vị. Thời gian làm việc kéo dài không quá 5 năm và người làm thêm không được nắm chức vụ lãnh đạo, quản lý.

Như vậy, nếu bà Đặng Bé Nam thật sự còn trẻ, khỏe, nhiệt huyết, đủ khả năng làm việc tốt thì có thể châm chước kéo dài tuổi hưu nhưng việc tái bổ nhiệm đối với bà Nam do Sở Y tế tỉnh Cà Mau ký là sai quy định.
********

2. 
Vụ tái bổ nhiệm vì thấy còn trẻ: Chủ tịch tỉnh nói không sai quy định

(NLĐO) - Tại cuộc họp với các nguyên Thường vụ Tỉnh uỷ, Tỉnh uỷ viên qua các nhiệm kỳ ngày 19-12, ông Phạm Thành Tươi, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau thông báo tinh thần chỉ đạo của tỉnh đối với việc kéo dài thời gian giữ chức vụ lãnh đạo của bà Ðặng Bé Nam, Giám đốc Bệnh viện Sản - Nhi Cà Mau.

Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau nhận định ngoài việc đang thiếu người đủ điều kiện để thay thế cương vị giám đốc hiện nay, Bệnh viện Sản - Nhi Cà Mau còn đang trong quá trình hoàn thiện và sẽ trở thành một vệ tinh của Bệnh viện Nhi Ðồng I nên cần cán bộ đủ năng lực quản lý, điều hành.

Trong quá trình tiến hành thủ tục để xin kéo dài thời gian giữ chức vụ lãnh đạo của bà Ðặng Bé Nam, Sở Y tế có lấy ý kiến của Ðảng uỷ và cán bộ của ngành là đúng quy trình theo quy định. Ngoài ra, việc kéo dài thời gian giữ chức vụ lãnh đạo đối với bà Ðặng Bé Nam, Sở Y tế cũng đã xin ý kiến Bộ Y tế và nhận được sự đồng thuận.

Tại cuộc họp, thầy thuốc nhân dân Trương Minh Thắng, nguyên Giám đốc Sở Y tế Cà Mau, cho rằng Nghị định 71 quy định trong thời gian công tác kéo dài thêm, cán bộ không được giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý nhưng cũng có trường hợp ngoại lệ. Theo quan điểm của ông Thắng, việc tái bổ nhiệm bác sĩ Nam là không sai quy định, bởi vì trong thẩm quyền bổ nhiệm của mình, Giám đốc Sở đã có xin ý kiến của cấp trên.

Trước đó, tại cuộc họp triển khai “Nội quy và quy chế mới của bệnh viện, đồng thời chuẩn bị nội dung kiểm tra bệnh viện theo bộ tiêu chí mới” của Bệnh viện Sản – Nhi Cà Mau, Ban Giám đốc bệnh viện này đã lấy ý kiến biểu quyết của hơn 70 cán bộ chủ chốt gồm điều dưỡng trưởng, tổ trưởng công đoàn và các trưởng tua trực của bệnh viện có ủng hộ bà Nam tiếp tục làm giám đốc hay không thì 100% đưa tay ủng hộ.

Như Báo Người Lao Động đã thông tin, bà Đặng Bé Nam sẽ hết thời hạn giữ chức vụ Giám đốc BV Sản – Nhi Cà Mau vào ngày 31-12-2014 và được nghỉ hưu theo chế độ vào ngày 1-6-2015. Tuy nhiên, giám đốc Sở Y tế Cà Mau đã quyết định kéo dài thời gian giữ chức vụ của bà Nam đến năm 2018. Điều đáng nói là quyết định “ngoại lệ” này được sự ủng hộ của Bộ Y tế và Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau.

Tin - ảnh: Duy Nhân

8 nhận xét:

  1. Dẫu biết rằng những người đến tuổi về hưu vẫn có khả năng làm việc, nhưng quy định của nhà nước đã đề ra như thế nào thì chúng ta phải chấp hành nghiêm chỉnh. Hơn nữa, tre già măng mọc, chúng ta cần phải hiểu điều đó.

    Trả lờiXóa
  2. Nếu cứ tái bổ nhiệm những người đến tuổi về hưu như thế thì chắc lớp trẻ được đào tạo nghành nghề sẽ bị thất nghiệp hoài sao?

    Trả lờiXóa
  3. Trường hợp nào cũng "ngoại lệ" thế thì những quy định của nhà nước không có tác dụng gì sao?

    Trả lờiXóa
  4. Tóm lại là có thể giữ lại nhưng không được làm quản lý. Chuyện rõ ràng thế này mà mất thời giờ quá. Xin ý kiến để tránh trách nhiệm chứ không lẽ không tự biết được luật quy định. khẩu hiệu "Sống và làm việc theo luật pháp" treo ở rất nhiều nơi.

    Trả lờiXóa
  5. Vấn đề là bà Nam tài cở nào mà không thể có người thay thế được. Đây có là tiền lệ để những người tham quyền cố vị ở lại công tác không? Tôi thấy rất nhiều người có tâm, có tài nhưng đến tuổi vẫn về và vẫn có người thay thế tốt, có khi còn tốt hơn nữa.

    Trả lờiXóa
  6. Cũng đến bó tay, nhiều người ở chức cao vọng trọng đến lúc nghỉ hưu vẫn xin ở lại làm thêm, hết năm nay thì lại xin thêm năm nữa, nữa mãi, chỗ thì chật, gây khó khăn cho công tác cán bộ. Giờ lại đến việc tái bổ nhiệm cán bộ đến tuổi nghỉ hưu, cô này tài năng xưa nay hiếm hay sao mà không ai có thể thay thế được mà phải tái bổ nhiệm

    Trả lờiXóa
  7. Tuổi già thì nên nghỉ ngơi, vui vầy với con cháu/ Còn khi năng lực thật sự, cơ quan thực sự cần thì có thể ở lại làm việc và thôi giữ chức vụ lãnh đạo. Và ở lại sẽ làm hợp đồng, tránh ảnh hương đến biên chế chung của đơn vị

    Trả lờiXóa
  8. Tôi nghĩ là cứ làm theo luật, và luật thì ko có ngoại lệ, có như vậy mới đảm bảo công bằng xã hội cho tất cả mọi người

    Trả lờiXóa

Tìm kiếm mở rộng

Google TreLang

Tre Làng

Thông kê truy cập

Lưu trữ Blog