Chia sẻ

Tre Làng

Ông Nguyễn Bá Thanh: "TÔI NÉ ĐƯỢC, NÊN ĐẦU ANH ĐẬP VÀO TƯỜNG!"


(PetroTimes) - Thế rồi cuộc sống đã diễn ra đúng với quy luật của nó. Cuộc họp cuối cùng của Ủy ban Bầu cử Trung ương, sau khi nghe các cơ quan có liên quan báo cáo việc xem xét mọi đơn thư, khiếu nại, tố cáo đối với Nguyễn Bá Thanh khi anh được giới thiệu ra ứng cử đại biểu Quốc hội, đã có kết luận: 8 điều trong đơn thư tố cáo anh là không đúng sự thật. Anh tiếp tục có trong danh sách bầu cử Quốc hội khóa XII tại Đà Nẵng và anh đã trúng cử với tỷ lệ phiếu bầu rất cao.

Năng lượng Mới số 390

Nguyễn Bá Thanh - Những điều tôi biết (Kỳ II):

Ông Nguyễn Bá Thanh: "Tôi né được, nên đầu anh đã đập vào tường!"

Từ ngày anh lên làm Bí thư Thành ủy Đà Nẵng, ít có dịp Nguyễn Bá Thanh ra họp hội nghị với Chính phủ nên tôi cũng ít gặp anh, nhất là từ sau khi tôi nghỉ hưu lại càng ít gặp hơn, Nhưng theo dõi qua báo chí và bạn bè tôi vẫn biết nhiều chuyện về anh.

Có lẽ việc ồn ã nhất là vào năm 2009, khi Tòa án Nhân dân thành phố Đà Nẵng đưa ra xét xử phúc thẩm vụ án ông Thiếu tướng Trần Văn Thanh, nguyên Chánh Thanh tra Bộ Công an, nguyên Giám đốc Công an Đà Nẵng thời kỳ Nguyễn Bá Thanh làm Chủ tịch thành phố. Tôi không viết lại những gì đã xảy ra liên quan đến vụ việc này mà nhiều người đã biết qua báo chí mà chỉ viết về những gì tôi được biết qua Nguyễn Bá Thanh và bạn bè.

Ông Nguyễn Bá Thanh

Sau khi Nguyễn Bá Thanh tiếp tục được bầu vào Quốc hội Khóa XI, tiếp tục làm Chủ tịch UBND thành phố rồi làm Bí thư Thành ủy Đà Nẵng thì ông Trần Văn Thanh không còn làm Giám đốc Công an thành phố mà được điều ra Hà Nội làm Chánh Thanh tra Bộ Công an. Nhà báo Đức Hiển, Thư ký Tòa soạn báo Pháp luật TP Hồ Chí Minh trong một bài viết trên báo có kể lại cuộc gặp chia tay giữa “ông Thanh Chủ tịch và ông Thanh Giám đốc” khá thú vị.

Còn tôi, trong một lần gặp Nguyễn Bá Thanh, anh đã kể về cuộc gặp, chia tay này. Hôm ấy, thay mặt lãnh đạo thành phố anh mời cơm để tiễn ông Trần Văn Thanh ra Hà Nội công tác. Trong bữa cơm đó, ông Trần Văn Thanh “tâm sự” với anh Nguyễn Bá Thanh: “Thực tình tôi không muốn rời thành phố quê hương, nhưng vì anh “đánh” tôi nên tôi phải ra đi!...”. Anh Nguyễn Bá Thanh nhìn ông Trần Văn Thanh cười, rồi nói: “Anh nói ngược rồi. Chính anh “đánh” tôi chứ không phải tôi “đánh” anh! Anh húc đầu vào tôi nhưng tôi né được nên đầu anh đã đập vào tường!...”.

7 năm sau, khi xử phúc thẩm vụ án ông Trần Văn Thanh, tôi đọc trên một số báo và trang mạng, biết ông Trần Văn Thanh hôm trước còn đủ sức khỏe đi ôtô từ Hà Nội vào Đà Nẵng mà hôm sau đã ở trong tình trạng hôn mê, nằm bất động trên cáng, phải thở ôxy và truyền dịch, dây rợ lằng nhằng đầy người, được xe cứu thương chở đến phiên tòa, trông rất phản cảm.

Dư luận cho rằng anh Nguyễn Bá Thanh là người chỉ đạo việc làm “bất nhẫn”, “vô nhân đạo” này. Anh bị không ít người lên án và bị cộng đồng mạng ném đá thậm tệ, bản thân tôi thấy hình ảnh đó cũng không thể chấp nhận được. Vì thế, trong một lần anh Nguyễn Bá Thanh ra họp Quốc hội ở Hà Nội, tôi gọi điện rồi đến thăm anh ở Nhà khách số 8 Chu Văn An để hỏi về chuyện này, có ý trách anh tại sao lại để xảy ra chuyện không hay đó. Anh Thanh cười cho tôi biết chính anh cũng chỉ biết chuyện đó khi sự việc xảy ra. Anh nói đó hoàn toàn là một kịch bản được một số người tạo dựng nhằm mục đích kích động dư luận.

Ông Trần Văn Thanh đã được một cô bác sĩ tiêm thuốc gây mê, cho thở ôxy và truyền dịch rồi cùng một vài người mượn một chiếc xe cấp cứu của Bệnh viện Đà Nẵng để đưa ông Thanh trong tình trạng cấp cứu đến bên ngoài nơi xét xử để chụp ảnh rồi đưa tin trên báo, chứ không có chuyện lãnh đạo thành phố chỉ đạo phải đưa ông Trần Văn Thanh trong tình trạng sức khỏe như thế lại phải ra tòa. Sau này, khi cô bác sĩ tiêm thuốc cho ông Trần Văn Thanh biết hết mọi chuyện, chính cô đã tìm đến gặp anh Nguyễn Bá Thanh để xin lỗi anh về việc này! Tôi thở phào nhẹ nhõm khi biết rõ sự việc.

Rồi lại có chuyện, trước kỳ Đại hội Đảng lần thứ X rộ lên việc Nguyễn Bá Thanh “trả lời phỏng vấn” của một Việt kiều ở Mỹ, được nhiều trang mạng chống cộng ở hải ngoại thi nhau đưa lên nhằm làm mất uy tín của anh. Tôi đã cố dành gần hai tiếng đồng hồ để nghe hết cuốn băng phỏng vấn này được lan truyền trên Internet, biết không thể tin được những đoạn trả lời phỏng vấn “hớ hênh” và “ngây ngô quá đỗi” nhưng vẫn mong có dịp gặp anh để hỏi rõ ngọn ngành. Tôi lo cho anh vì “sự cố” bất lợi này lại xảy ra với anh trong khi có nhiều đồn đoán tại Đại hội Đảng lần ấy anh sẽ có thể đảm nhận một vị trí cao hơn.

Sau đó ít lâu, gặp anh ở Hà Nội tôi hỏi về chuyện này, anh cho biết các cơ quan có trách nhiệm của Trung ương đã vào cuộc, điều tra và kết luận đó là một cuốn băng được các thế lực chống cộng ở Mỹ dùng kỹ thuật công nghệ cao để tạo dựng cuộc “phỏng vấn” xen lẫn thật giả với nội dung rất xấu nhằm làm mất uy tín của anh và đánh vào nội bộ Đảng. Thế là lại thêm một lần Nguyễn Bá Thanh vượt qua sóng gió.

Nỗi niềm trăn trở khi ra Hà Nội

Trước khi Nguyễn Bá Thanh được điều động ra Trung ương đảm nhận chức vụ Trưởng ban Nội chính Trung ương thì từ nhiều năm trước, qua anh và một vài nguồn tin khác, tôi biết có một số đồng chí lãnh đạo ở cấp cao nhất của Đảng và Chính phủ từ các khóa trước đã có ý định điều chuyển Nguyễn Bá Thanh ra Trung ương làm việc. Anh từng kể với tôi, cố Phó thủ tướng Nguyễn Công Tạn đã từng gặp anh, muốn “kéo” anh ra làm Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn.

Sau khi anh ra Hà Nội, tôi gọi điện thăm và chúc mừng anh, nhưng chưa tiện đến thăm. Cho đến sau một Hội nghị Trung ương, tôi gọi điện cho anh, muốn lên thăm và tặng cũng là dịp anh cuốn sách “Tiếng tụng kinh trong căn nhà vị tướng” của tôi mới được in lại và tập thơ “Đôi điều với con” của tôi mới xuất bản.

Anh vui vẻ mời tôi lên ăn cơm cùng anh. Tôi rủ Như Phong, Tổng Biên tập Báo Năng lượng Mới - PetroTimes, một nhà báo, nhà văn mà anh quý mến, đi cùng. Trong buổi tối ba anh em cùng ăn cơm ngay trong phòng khách nơi anh ở tại Nhà khách số 8 Chu Văn An, Hà Nội, tôi và Như Phong hỏi anh khá nhiều chuyện. Anh vui vẻ và thẳng thắn trả lời tất cả các câu hỏi của chúng tôi, anh còn đọc cả bài thơ anh mới sáng tác cho chúng tôi nghe.

Tôi không giấu lòng mình, nói với anh: “Tôi biết, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, một người bạn học cùng lớp văn khóa 8 Trường đại học Tổng hợp với tôi (1963-1967), điều anh ra làm Trưởng ban Nội chính Trung ương và làm Phó trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng là đặt niềm tin vào anh, một con người hành động, nói đi đôi với làm, để cuộc đấu tranh chống tham nhũng có kết quả.

Anh không giấu chúng tôi việc anh và nhất là gia đình không muốn anh rời thành phố Đà Nẵng ra Hà Nội và cũng không giấu chúng tôi những khó khăn mà anh gặp phải trong công việc và cả trong sinh hoạt hằng ngày khi phải xa gia đình ra đây sống một mình, bắt tay ngay vào việc xử lý một số vụ việc nổi cộm không dễ dàng một chút nào. Anh nói thật lòng, còn làm việc ở Hà Nội ngày nào anh còn dồn hết tâm trí và công sức, thực hiện có kết quả công cuộc đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực hiện nay.

Có một điều anh rất trăn trở là khi nhận được quyết định ra Hà Nội thì công trình xây dựng Bệnh viện Ung thư Đà Nẵng mà anh dành biết bao tâm huyết vẫn chưa được khánh thành. Anh cho biết, tuy đã ra Hà Nội nhưng anh vẫn giữ chức Chủ tịch Hội Bảo trợ Phụ nữ và Trẻ em nghèo, bất hạnh thành phố, Trưởng ban Vận động tài trợ xây dựng bệnh viện này, một bệnh viện từ thiện, miễn phí điều trị cho bệnh nhân nghèo, với quy mô ban đầu là 200 giường và 21 khoa phòng, sau này sẽ có 500 giường và 27 khoa phòng theo dự án được duyệt. Không biết bao nhiêu lần anh đã trực tiếp đi vận động các mạnh thường quân, các nhà hảo tâm trong nước và ngoài nước góp tiền của và công sức để xây dựng bệnh viện từ thiện này.

Ngày 19/1/2013, từ Hà Nội anh về Đà Nẵng dự Lễ khánh thành Bệnh viện Ung thư Đà Nẵng. Trong lời phát biểu tại buổi Lễ khánh thành anh như trải lòng mình với các bác sĩ, bệnh nhân và gia đình bệnh nhân mắc căn bệnh hiểm nghèo này: “Hơn 3 năm trước, nơi đây là nơi bùn đọng, sình lầy. Nhưng giờ đây đã trở thành công trình kiến trúc nổi bật. Xây dựng Bệnh viện Ung thư là cả quá trình gian khó, nhưng đầy ý nghĩa.

Từ đây, nhiều bậc cha mẹ sẽ không phải nuốt nước mắt tiễn đưa người thân, chia sẻ khó khăn vất vả với các người mẹ, người vợ chăm chồng, chăm con bị đau ốm, bệnh tật. Bệnh viện Ung thư Đà Nẵng là một bệnh viện từ thiện, nên các bác sĩ càng cần phải nâng cao y đức, xây dựng một môi trường bệnh viện ấm áp tình người, giúp người bệnh lạc quan hơn trong hành trình tìm sự sống của mình”.

Sau này, qua một bài báo tôi được biết, bà Nguyễn Thị Vân Lan, nguyên Ủy viên Thường vụ Thành ủy, nguyên Trưởng ban Dân vận thành phố Đà Nẵng, hiện là Phó chủ tịch Hội Bảo trợ Phụ nữ và Trẻ em nghèo, bất hạnh thành phố mà anh Nguyễn Bá Thanh làm Chủ tịch, đã đánh giá: Bệnh viện Ung thư Đà Nẵng được như ngày hôm nay công đầu thuộc về anh Nguyễn Bá Thanh. Bà Lan kể rằng, khi đi thăm cơ sở Bệnh viện Ung thư ở TP Hồ Chí Minh, anh Thanh thấy người nhà bệnh nhân phải nằm la liệt ngoài hành lang. Tình trạng ấy không riêng gì ở bệnh viện này, mà ở bệnh viện nào cũng có, ai vào bệnh viện cũng đều thấy cả.

Anh Thanh trăn trở, thấu hiểu và thông cảm với bệnh nhân và cả người nhà của họ. Chính vì vậy, khi xây dựng Bệnh viện Ung thư Đà Nẵng, anh đã đưa ra chủ trương xây thêm khu ký túc xá để có chỗ ở cho người nhà bệnh nhân. Không chỉ vậy, anh còn chỉ đạo trích ngân sách, vận động những nhà hảo tâm giúp đỡ thêm, nhờ đó bây giờ người nhà bệnh nhân còn có cả bữa ăn trong những ngày ở bệnh viện chăm sóc thân nhân của mình.

Bẵng đi một thời gian không gặp, một hôm tôi gọi điện thăm thì anh Nguyễn Bá Thanh không bắt máy. Lần sau gọi thì vẫn không liên lạc được. Sau đó tôi sửng sốt nhận được tin anh bị căn bệnh ung thư quái ác mà anh từng lo toan, trăn trở khi thấy các bệnh nhân nhất là các bệnh nhân nghèo bị căn bệnh này chưa có nơi tương xứng để được chữa trị và vì thế Bệnh viện Ung thư Đà Nẵng đã ra đời. Hơn bốn tháng nay anh phải sang Mỹ điều trị, hôm nay được tin anh được đưa về nước, về với Đà Nẵng, quê hương thân yêu của anh tiếp tục chống chọi với căn bệnh hiểm nghèo này.

Tôi viết những dòng này trong tâm trạng vô cùng xúc động và áy náy, dường như thấy mình có lỗi vì đã không biết sớm về tình trạng sức khỏe của anh để đến thăm anh khi anh còn ở Hà Nội. Tôi không bao giờ quên được sự chia sẻ và quan tâm của anh đối với tôi trong suốt thời gian qua, nhất là từ sau lần tôi bị mổ cắt túi mật năm 1996 và từ ngày tôi bị bệnh tiểu đường đến nay.

Tôi cũng không thể quên những tình cảm chân thành của anh không những dành cho tôi mà còn dành cả cho gia đình tôi. Những lần gặp tôi ở Hà Nội, nhất là từ sau khi tôi đã về hưu, anh đều không quên hỏi thăm sức khỏe và bệnh tật của tôi, hỏi thăm sức khỏe của vợ tôi và công việc của các cháu và lần nào cũng vậy anh đều có thuốc bổ tặng tôi để tăng thêm sức khỏe.

Lần con trai Đà Trang của tôi lấy vợ, anh từ Đà Nẵng bay ra Hà Nội để chia vui cùng vợ chồng tôi, hai nhà báo từng ở chiến trường quê hương anh trong những năm chống Mỹ và chúc mừng hạnh phúc hai cháu. Và không chỉ riêng đối với tôi mà còn đối với nhiều anh chị em nhà báo, nhà văn từng một thời gắn bó với Quảng Nam, Đà Nẵng mà tôi quen biết, anh cũng thường dành tình cảm và sự quan tâm, chăm sóc như thế, nhất là mỗi khi có người gặp khó khăn, hoạn nạn trong cuộc sống.

Thế mà lần này, khi anh lâm trọng bệnh ở Hà Nội tôi lại không kịp đến thăm anh, khiến lòng tôi áy náy khôn nguôi.

Xin cho tôi cầu chúc một điều may mắn kỳ diệu sẽ đến với anh để tôi còn có dịp gặp anh, được nắm tay anh mà nói rằng: Đối với tôi, anh là một người đồng chí, một người bạn tôi vô cùng yêu mến và quý trọng!

Hà Nội, đêm 6/1/2015
Dương Đức Quảng
(Nguyên Vụ trưởng Vụ Thông tin Báo chí Văn phòng Chính phủ)

3 nhận xét:

  1. Đó chính là một Nguyễn Bá Thanh trong lòng nhân dân !

    Trả lờiXóa
  2. Chính những hành động này của ông đã làm nên một Nguyễn Bá Thanh trong lòng người dân Đà Nẵng.

    Trả lờiXóa
  3. Nguyễn Bá Thanh là đúng là một người công bộc của dân theo như lời của chủ tịch Hồ Chí Minh nói ông đúng là người cán bộ cả đời vì dân vì nước và được nhân dân tin yêu hình ảnh cả ông mãi mãi sống trong lòng người dân chúng tôi cho dù có kẻ nào xuyên tạc nói xấu về ông chúng tôi cũng không tin.

    Trả lờiXóa

Tìm kiếm mở rộng

Google TreLang

Tre Làng

Thông kê truy cập

Lưu trữ Blog