Chia sẻ

Tre Làng

QUYỀN LỰC BÚT PHÊ

Quyền lực bút phê

Nga Lê

VNN - Để ngăn cản sự lộng quyền của bút phê, mới đây một Bộ đã phải ban hành văn bản để chấn chỉnh, đủ thấy quyền lực nghiêng nước nghiêng thành của bút phê và của các tin nhắn riêng tư, thân tình gửi "bộ trưởng, thứ trưởng".

Vận động là phương thức tồn tại của vật chất. Triết học đã nói vậy. Nhưng đôi khi vận động đơn thuần chưa đủ mà để theo kịp thời đại, chúng ta còn phải chạy.

Nhằm rèn luyện cơ thể, chúng ta có môn chạy bộ. Vật lộn mưu sinh, những người phụ nữ buôn thúng bán bưng xưa vẫn được miêu tả bằng từ "chạy chợ". Vô trách nhiệm với hậu quả của việc mình làm, chúng ta có từ chạy làng. Xã hội phát triển, ngày nay còn có hàng loạt thứ "chạy" nhọc nhằn khác: chạy việc, chạy chức, chạy trường và… chạy bút phê.

Ngôn ngữ đời thường phong phú là vậy, nhưng dạo qua một số trang từ điển online, hoàn toàn không thể trích xuất ra chỗ nào nêu lên định nghĩa về một từ tương đối nhạy cảm và thoạt nghe qua đã thấy binh lực đầy mình là từ "bút phê".

Bút phê, hiểu nôm na là dùng bút… phê vào một cái gì đấy. Nhưng phê kia cũng có ba bảy đường. Ở cấp độ đơn giản, thì phê kính gửi, kính chuyển…trong các văn bản chỉ đạo hành chính.

Ở cấp độ nâng cao, thì sếp phê để nhắn nhủ cấp dưới lưu tâm, giải quyết, giúp đỡ, tạo điều kiện... cho ai đó thân tình. 

Ngắn gọn, thậm chí cụt ngủn vậy thôi nhưng xin đừng vội xem thường. Bởi để có được vài từ bút phê quý giá đó, phải chuẩn bị chạy khởi động từ rất xa rồi.

Đây là quá trình chạy tiếp sức mà nếu không có sức thì miễn tiếp. Và ở cấp độ đặc biệt, ai đó còn được phê “tâm thư” hẳn vào một tờ giấy trắng. Lần này là marathon đó, dù chặng đường không phải đơn thuần chỉ là chặng dài 42,195km. Nhưng kết quả thì mỹ mãn, chẳng khác lời truyền khẩu “các chú làm thế nào thì làm”. Cấp dưới cứ thế mà hiểu là phải tạo điều kiện giúp đỡ hoặc xử lý ngay trong dạng ưu tiên.

Có câu, danh có chính thì ngôn mới thuận. Sục sạo trong luật và các văn bản dưới luật, thật khó tìm ra ở đâu quy định công chức và quan chức được giải quyết công việc bằng bút phê. Nếu cần thiết, tùy theo chức vụ, có thể ban hành các hình thức văn bản như quyết định, chỉ thị, công văn…

Nhưng chính danh với bút phê là một khái niệm vô cùng xa xỉ, thậm chí hão huyền. Oan trái là nó cũng chẳng cần tới những điều cao siêu đó, chẳng cần quy định vào trong luật, mà vẫn tồn tại và biểu dương sức mạnh ít ai địch nổi.

Từ bệnh viện nhân ái tới trường học hiền hòa cho đến chốn kinh doanh hiểm ác, cứ có bút phê trong tay là như có cảnh sát dẹp đường. CSGT, các anh chỉ mới dẹp đường và điều tiết giao thông, bút phê còn tả xung hữu đột dọn dẹp mọi chướng ngại vật như mãnh tướng giữa trận tiền.

Có nó, đi viện chẳng lo xếp hàng chờ khám mà vẫn được chăm sóc nâng niu. Có nó, chẳng cần phải thức đêm lấy số hay đạp đổ cổng trường thì con vẫn ung dung vào lớp học. Có nó, i các công đoạn thủ tục dù loằng ngoằng đến mấy vẫn được tiến hành rất mượt mà.

Có bút phê thì mọi thủ tục, nguyên tắc, thậm chí rào cản pháp lý đều rạp mình, chỉ có nó và người cầm nó trong tay là băng băng tiến. Cứ chiểu theo tinh thần AQ, chẳng phải bút phê đã giúp nắn thẳng lại những đường cong mềm mại mà người ta cố tình tạo ra đó sao!

Chính vì siêu phàm như vậy, vượt ra ngoài nhiều khuôn khổ nên để có bút phê, người ta không thể đi bình thường mà phải chạy. Từ đó mà sinh ra chạy bút phê.

Để ngăn cản sự lộng quyền của bút phê, mới đây một Bộ đã phải ban hành văn bản để chấn chỉnh, đủ thấy quyền lực nghiêng nước nghiêng thành của bút phê và của các tin nhắn riêng tư, thân tình gửi "bộ trưởng, thứ trưởng".

Chợt nghĩ, mới đây thôi, có vị PGS.TS đề xuất nên luật hóa chạy chức chạy quyền. Soi vào chuyện bút phê, chẳng có nhẽ ai đó cũng sẽ sắp sửa kiến nghị luật hóa bút phê và chạy bút phê? Vì phàm cái gì mà luật không điều chỉnh thì ngoài thị trường lại rất chi rôm rả và sôi động. 

Thực ra, không thể cứng nhắc cấm đoán bút phê, nhưng phải quy định rõ trường hợp nào không được dùng bút phê. Có những việc, những lĩnh vực đã phân cấp, phân quyền rất rõ, hà cớ phải viện đến bút phê thì việc mới hanh thông. Thiết nghĩ, nếu để đảm bảo quyền lợi cho người dân, DN, tạo thuận lợi trong giải quyết công việc, thì nên hướng tới cải cách thủ tục, sao cho rõ ràng minh bạch. Có như vậy mới mong chấm dứt câu chuyện bộ nọ bộ kia phải ra văn bản chấn chỉnh bút phê, hay thanh minh trước công luận về thực - hư, thật giả của những kẻ mạo danh "người nhà Bộ trưởng".

11 nhận xét:

  1. Mình nghĩ nguyên nhân của việc này là lâu nay việc "thực hiện ý kiến chỉ đạo của cấp trên" đang bị biến tướng, lợi dụng.

    Trả lờiXóa
  2. Mình nghĩ tình trạng này không chỉ ở một số đơn vị, địa phương đâu mà nó xảy ra ở hầu hết các nơi rồi đó. Để chấn chỉnh điều này không thể khác được là phải từ chính những người có chức có quyền.

    Trả lờiXóa
  3. Mình nghĩ chính những kiểu "bút phê" này đã tạo kẽ hở rất lớn để các đối tượng lợi dụng làm việc xấu. Thiết nghĩ việc chấn chỉnh, loại bỏ "bút phê" cũng là một hình thức chống tham nhũng hiệu quả trong tình hình hiện nay.

    Trả lờiXóa
  4. Đây gọi là "bút xa gà chết", chữ ký có sức mạnh thần kỳ. Vấn đề lạm quyền vẫn là vấn đề mà mọi quốc gia cảm thấy đau đầu và chưa thể giải quyết triệt để.

    Trả lờiXóa
  5. trong xã hội hiện nay có rất nhiều người khi gặp những chuyện khó khăn liền nhờ những mối quan hệ của mình để nhờ những người có địa vị trong xã hội và chỉ sự giúp đỡ nhỏ của những người này như lời nói hay chữ ký thì công việc sữ được như mong muốn nhưng văn hóa này làm cho xã hội chúng ta xấu đi phát sinh nhiều tiêu cực tôi mong muốn chúng ta hãy châm rứt ngay những chuyện này để xã hội ta ngày càng tiến bộ hơn phát triển hơn,

    Trả lờiXóa
  6. Thực trạng xã hội hiện nay thôi, đi xin học cũng thư tay, đi xin nằm phòng dịch vụ cũng tin nhắn với alo....tình trạng này phải chấm dứt sớm mới thể hiện sự công bằng xã hội

    Trả lờiXóa
  7. Ở đời cũng còn lắm kẻ thích khoe mẽ nua cơ, đôi khi là khoe ảnh, khoe danh thiêp, bây giờ khoe "chữ ". Nên con sâu nó mới làm rầu nồi canh

    Trả lờiXóa
  8. Cứ làm chặt từ trên xuống dưới, không có trường hợp nào coi là ngoại lệ, không bút phê, bút phiếc gì hết, thế có phải công bằng không?

    Trả lờiXóa
  9. Chỉ cần các bác cứ làm đúng quy trình công tác, quy định của nhà nước, không tặc lưỡi, nể nang trường hợp nào là chả có ai bút phê đâu

    Trả lờiXóa
  10. Các sếp cứ gương mẫu thực hiện công bằng dân chủ từ trên xuống, hẳn lũ phản động sẽ ko còn cơ hội mà đơm đặt.

    Trả lờiXóa
  11. Cứ 1 -2 người làm được 1 -2 lần là nó khắc thành cái lệ, cái lệ như kiểu phép vua thua lệ làng vậy. Nên cần phải chấn chỉnh từ trên xuống

    Trả lờiXóa

Tìm kiếm mở rộng

Google TreLang

Tre Làng

Thông kê truy cập

Lưu trữ Blog