Chia sẻ

Tre Làng

RUỒI CÓ GIÚP ĐƯỢC ANH VÕ VĂN MINH

Ruồi có giúp được anh Võ Văn Minh?

Những ngày qua dư luận rất nhiều tranh cãi, nhiều ý kiến đều tỏ ra lên án cách xử lý sự cố của THP trong vụ việc liên quan đến anh Võ Văn Minh. Nhưng càng ngày, có vẻ công luận và ý kiến các bên cũng đang ở trong vòng luẩn quẩn lặp lại những lý lẽ cũ. Một giả thiết được đặt ra, nếu thực tế có ruồi trong sản phẩm của Tân Hiệp Phát thì anh Minh sẽ không phạm vào tội cưỡng đoạt tài sản? Để có câu trả lời chính xác cho giả thiết này, chúng ta hãy phân tích dưới góc độ pháp lý “ruồi” có phải là một trong những yếu tố cấu thành nên tội cưỡng đoạt tài sản.

Theo Điều 135 Bộ luật Hình sự năm 1999 sửa đổi, bổ sung năm 2009: “Người nào đe doạ sẽ dùng vũ lực hoặc có thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần người khác nhằm chiếm đoạt tài sản, thì bị phạt tù từ một năm đến năm năm”.

Về mặt khách thể: Đối với tội cưỡng đoạt tài sản có khách thể là quan hệ sở hữu tức là quan hệ về tài sản (không thuộc sở hữu của người phạm tội) và quan hệ nhân thân, không phải là thiệt hại về thể chất mà chỉ có thể là sự thiệt hại về tinh thần.

Trong vụ việc này cũng vậy, mục đích mà anh Minh hướng tới ở đây là 500 triệu đồng của Tân Hiệp Phát; ngay từ đầu khi anh Minh liên lạc cũng như suốt quá trình làm việc với Tân Hiệp Phát, anh Minh đều nhất quyết đòi Tân Hiệp Phát phải đưa tiền cho mình. Còn về quan hệ nhân thân, đây là một trong những yếu tố gây nên nhiều tranh cãi bởi nhiều người cho rằng pháp nhân không có “tinh thần”; theo quy định tại khoản 1 mục I Nghị quyết 03/2006/NQ-HĐTP thì tinh thần của tổ chức, pháp nhân là danh dự, uy tín. Anh Minh đã đe doạ nếu không đưa tiền sẽ in 5000 tờ rơi và thông tin cho nhà báo về sản phẩm có ruồi của Tân Hiệp Phát mặc dù chưa biết sản phẩm đó đúng hay sai, chúng ta có thể dễ dàng nhận thấy hình ảnh, uy tín của Tân Hiệp Phát bị đe doạ nếu không đáp ứng yêu cầu của anh Minh.

Không biết thông tin có ruồi đã được xác thực hay không, nhưng nếu anh Minh thực hiện những hành vi như lời đe doạ của mình thì hình ảnh về sản phẩm, uy tín của Tân Hiệp Phát bị ảnh hưởng rất nặng nề. Với một doanh nghiệp có sản phẩm được phân phối rộng toàn quốc, được nhiều người biết đến thì bất cứ một thông tin nào xấu về sản phẩm đều gây tổn thất lớn cho doanh nghiệp, trước hết là mất lòng tin, sự tín nhiệm của người tiêu dùng và sau đó là mất khách hàng.

Về mặt chủ thể: Trường hợp này anh Minh là đối tượng đáp ứng đầy đủ các điều kiện chịu trách nhiệm hình sự theo điều 12 Bộ luật Hình sự.

Về mặt khách quan: Đối với hành vi khách quan, anh Minh đã có hành vi uy hiếp tinh thần của người khác khi đe doạ nếu không đưa tiền sẽ in ra 5000 tờ rơi và cung cấp cho báo chí tin về sản phẩm có ruồi. Khái niệm “người khác” ở đây phải chỉ là cá nhân vì Tân Hiệp Phát có tư cách pháp nhân, có giá trị tinh thần và được pháp luật bảo vệ; đồng thời uy tín, hình ảnh luôn là tài sản rất lớn, là vấn đề được doanh nghiệp quan tâm, chú trọng hàng đầu.

Thực tế, việc anh Minh uy hiếp tinh thần của doanh nghiệp không phụ thuộc vào yếu tố anh Minh có bỏ ruồi vào chai nước hay không, bởi anh Minh không hề dùng “thủ đoạn” nếu Tân Hiệp Phát không đưa 500 triệu sẽ bỏ ruồi vào sản phẩm của Tân Hiệp Phát. Hơn nữa đây là tội có cấu thành hình thức, nên dù anh Minh không bỏ ruồi vào chai nước nhưng đã cố tình đe doạ uy hiếp để đòi 500 triệu cũng đã cấu thành tội cưỡng đoạt tài sản.

Về mặt hậu quả: Theo quy định tại điều 135 “… nhằm để chiếm đoạt tài sản…”, thì chỉ cần có ý thức chiếm đoạt và đã thực hiện hành vi uy hiếp tinh thần người khác để chiếm đoạt tài sản là tội phạm đã hoàn thành, hậu quả không phải là yếu tố bắt buộc để cấu thành tội phạm. Trường hợp này, anh Minh đã thể hiện ý chí từ ban đầu là muốn đòi tiền từ Tân Hiệp Phát, đã thực hiện ý định của mình thông qua việc uy hiếp tinh thần của Tân Hiệp Phát.

Qua việc phân tích các yếu tố cấu thành tội cưỡng đoạt tài sản của anh Minh, nhận thấy rằng ruồi không thể “cứu” được anh Minh hay nói cách khác ruồi ở trong chai nước khi nào, bằng cách nào đi nữa thì tất cả những hành vi của anh Minh cũng đã cấu thành tội cưỡng đoạt tài sản.

LS Tâm

2 nhận xét:

  1. Pháp luật thật sự rất khách quan và công bằng, nhưng cũng khá là lằng nhằng để có thể hiểu và áp dụng được tường tận những quy định trong pháp luật, có những điều tưởng chừng như là hợp tình hợp lý nhưng theo pháp luật nó lại là sai và phải chịu phạt, vì vậy mà để tránh vi phạm pháp luật, chúng ta nên trau dồi cho mình vốn hiểu biết nhất định về luật.

    Trả lờiXóa
  2. rõ ràng đây là hành động uy hiếp tinh thần rồi, dù gì đi nữa theo lẽ thường không ai làm thế, chỉ có mục đích vì tiền mà ép người khác bồi thường mới làm thế chứ không phải vì lợi ích của bản thân xâm phạm mà đòi đúng phù hợp với lợi ích đã mất, anh ta đáng bị tội như đã xét xử mà thôi

    Trả lờiXóa

Tìm kiếm mở rộng

Google TreLang

Tre Làng

Thông kê truy cập

Lưu trữ Blog