Chia sẻ

Tre Làng

TẦM DƯƠNG VỪA CẨU THẢ VỪA HỖN LÁO

Tầm Dương vừa cẩu thả vừa hỗn láo

(PetroTimes) - Bạn đọc: Trang facebook của bạn Quy La có đưa lại bài “Xính xái là gì?” của Tầm Dương, do tác giả đưa lên ngày 15-5-2014. Mở đầu, tác giả này đã nói ngay rằng, có “một từ thôi mà nghĩ mất cả chục năm”. Rồi Tầm Dương trình bày ý kiến của mình để gút lại như sau: “Mịa những gã học chữ Hán ba mớ, tiếng Tàu ba mớ rồi giải thích xe Thổ mộ là xe như cái mả đất thì nói xin lỗi, có mà đến mùa quýt mới hiểu vụ này. Thế nhưng, đọc cái này xong có khi y cũng tìm mọi cách bới móc hay xào xáo gì đó mới hả dạ đấy. Cho nên phải nói lại, bản nhân là dân chuyên nghiệp, không có hạ mình mà cãi nhau hay thảo luận với bọn nghiệp dư, nhé”. Bạn Quy La cho biết, Tầm Dương chắc là “bà con” với Tầm Hoan, còn Tầm Hoan thì chính là Cao Tự Thanh (3 trong 1) và trong bài này thì người mà Tầm Dương ám chỉ chính là ông An Chi. Vậy xin ông cho biết ý kiến và xin cảm ơn ông. Dũng VAVP (Bình Thạnh, TP HCM) 

Học giả An Chi giải đáp

Năng lượng Mới số 434

Học giả An Chi: Cho dù Tầm Dương có nói chặn trước rằng, anh ta “là dân chuyên nghiệp, không có hạ mình mà cãi nhau hay thảo luận với bọn nghiệp dư” thì chúng tôi vẫn cứ phải vì trách nhiệm với bạn đọc mà vạch ra sự cẩu thả trong tra cứu và sự hỗn láo trong hành xử của anh ta. Vậy từ đây trở xuống, An Chi chỉ nói chuyện với Dũng VAVP và các bạn đọc khác chứ không phải với Tầm Dương. Cũng xin nói rõ rằng, Tầm Dương viết “xính xái” còn An Chi thì viết “xín xái” nên xin “tổng hợp” mà viết thành “xín[h] xái”. Tầm Dương viết “lai” (“bồ lai…”) còn An Chi thì viết “lái”. Trước đây, An Chi từng gọi Cao Tự Thanh là đại chuyên gia; nay xin nâng cấp mà gọi Tầm Dương là siêu chuyên gia vì anh này vừa biết xài “tiếng Đan Mạch”(*), vừa xài đến cả chục năm mới tìm ra được một cách giải thích, mà lại giải thích không ra gì, về hai tiếng “xín[h] xái”.

Trước nhất, Tầm Dương là một kẻ hỗn láo khi sử dụng mấy tiếng “bọn nghiệp dư”. “Nghiệp dư” là không chuyên nghiệp, là không được đào tạo chuyên ngành. Nhưng không kể hạng làng nhàng, lẹt đẹt như An Chi, “bọn nghiệp dư” còn bao gồm những người đức trọng tài cao đã thành danh trong các lĩnh vực chuyên môn khác nhau ở nước ta, nhất là vào nửa đầu thế kỷ XX. Nguyễn Văn Tố thuở nhỏ học chữ Hán, sau sang Pháp học đỗ bằng Thành chung. Về nước ông làm việc tại trường Viễn Đông Bác Cổ Hà Nội, chuyên về văn học cổ Việt Nam. Đào Duy Anh sau khi đỗ Thành chung thì đi dạy học. Năm 1928, ông sáng lập Quan hải tùng thư, rồi trở thành từ điển gia và sử gia. Hoàng Thúc Trâm là một người tự học để trở thành nhà nghiên cứu văn học và lịch sử. Nguyễn Đổng Chi theo học các trường tiểu học ở Vinh, Hà Tĩnh, Đồng Hới, học trung học tại Vinh và học chữ Hán, chữ Nôm tại nhà. Vũ Ngọc Phan thuở nhỏ theo cha đến Hưng Yên và theo học chữ Hán rồi chuyển sang học tiếng Pháp và bằng cấp cao nhất của ông là Tú tài Pháp v.v.. Các vị đó đều thuộc ca-tê-gô-ri “bọn nghiệp dư” của tay Tầm Dương láo xược cả. Anh này bất quá hơn các vị ở cái bằng của ngành Hán Nôm, khoa Ngữ văn Đại học Tổng hợp Hà Nội. Thế mà dám có thái độ báng bổ đối với họ. Bỏ ngay cái thói hỗn láo đó đi Tầm Dương.

Còn về thói cẩu thả thì siêu chuyên gia này viết:

“Xín[h] xái: tức nói tắt câu “Xín[h] xái bồ lai bồ khự” (Thỉnh tại, vô lai vô khứ - Xin cứ ở đó, đừng tới đừng đi) theo âm Hoa Hán giọng Triều Châu. Vô lai vô khứ là rút từ câu trong Phật điển “Vô lai vô khứ vô đại chí” (Đừng tới đừng đi đừng để ý), về sau được cắt đi ba chữ Vô đại chí ở cuối và gắn thêm hai chữ Thỉnh tại kiểu chơi chữ ở đầu, trở thành một đặc ngữ phổ biến trong ngôn ngữ của người Trung Quốc, qua thực tế sử dụng mang nhiều nét nghĩa như không đáng gì, đừng để bụng, cứ thế đi”.

Chẳng cần “bới móc”, mà cũng chẳng cần chờ đến mùa quýt, ta cũng đã có thể thấy ngay rằng, Tầm Dương nói sai bét. Anh ta đã khẳng định rằng, “xín[h] xái” là kết quả nói tắt từ câu “Xín[h] xái bồ lai bồ khự” nhưng ngay sau đó lại nói rằng, “xín[h] xái” là hai tiếng được gắn vào đầu câu “Vô lai vô khứ vô đại chí” sau khi câu này bị cắt đi ba chữ cuối. Điều này chứng tỏ rằng, “xín[h] xái” tự nó đã là một cấu trúc độc lập, có thể hành chức trong văn bản một cách hoàn toàn tự do và chính là nhờ nó mà câu “Xín[h] xái bồ lai bồ khự” mới có thể thành hình. Cho nên nói rằng, “xín[h] xái” là kết quả nói tắt từ câu “Xín[h] xái bồ lai bồ khự” là hoàn toàn nghịch lý. Thực tế thì “xín[h] xái” là hai tiếng tự nó đã đủ xài; chỉ khi nào muốn tạo sắc thái đùa tếu một cách thân mật, người ta mới thêm bốn tiếng “bồ lái bồ khự” vào, còn bản thân bốn tiếng này thì không bao giờ dùng riêng trong những trường hợp mà Tầm Dương đã nói (để diễn đạt những cái ý “không đáng gì”, “đừng để bụng”, “cứ thế đi”). Cho nên, trong những trường hợp này, nếu cần, thì người ta phải nói “Xín[h] xái” hoặc “Xín[h] xái bồ lái bồ khự”, chứ không bao giờ chỉ nói “Bồ lái bồ khự” trơ trẽn, trống không và vô duyên. Một anh bạn người Triều Châu khẳng định: “Khi cần thiết, thay vì nói “xín[h] xái” mà anh lại nhảy bổ vô để chỉ nói “bồ lái bồ khự” thì người ta biết ngay rằng, anh không phải là người Tiều”. Tóm lại, ở đây, ta chỉ có chơi chữ đằng đuôi (thêm “bồ lái bồ khự”), chứ không phải “ở đầu” (thêm “xính xái”) như Tầm Dương đã nói. Thế nhưng, Tầm Dương còn muốn hù thiên hạ bằng “kiến thức toàn diện” của anh ta mà nói rằng: “Thỉnh tại là kiểu chơi chữ ở đầu trở thành một đặc ngữ phổ biến trong ngôn ngữ của người Trung Quốc”. Xằng bậy! Đây chỉ là một đặc ngữ của tiếng Triều Châu mà thôi.

Siêu chuyên gia này còn nói rằng, “vô lai vô khứ” là rút từ câu “Vô lai vô khứ vô đại chí” trong Phật điển và câu này có nghĩa là “Đừng tới đừng đi đừng để ý”. Hiểu như thế thì vừa không đúng với Thiền lý, vừa không đúng với phong cách ngôn ngữ của câu đang xét. Thực ra, “vô lai vô khứ vô đại chí” vốn là một câu của Đại lão Hòa thượng Quảng Khâm [廣欽] (1892-1986), một thiền sư danh tiếng của Đài Loan. Ngài đã đưa nó ra để giảng lúc lâm chung. Nhưng trong cái câu bảy tiếng này thì ba tiếng sau (“vô đại chí”) là riêng của Thiền sư Quảng Khâm; chỉ có bốn tiếng “vô lai vô khứ” mới đích thị là một thành ngữ liên quan đến giáo lý nhà Phật. Bằng chứng là thành ngữ này còn có mặt trong thơ của người khác, chẳng hạn trong bài “Vô đề” của Thiền sư Thập Đắc đời Đường mà sau đây là câu đầu tiên: “Vô lai vô khứ bổn trạm nhiên” [無來無去本湛然]. Vậy nói như Tầm Dương rằng, bốn tiếng “vô lai vô khứ” là rút từ câu “Vô lai vô khứ vô đại chí” trong Phật điển thì sai bét, vì nếu có người nói rằng, nó “rút” từ câu thơ của Thập Đắc thì siêu chuyên gia này sẽ trả lời như thế nào? Thập Đắc sống vào đời nhà Đường, trước Quảng Khâm đến mấy triều đại (Tống, Nguyên, Minh, Thanh), cho nên câu của Thập Đắc thuộc bậc cụ kỵ, chứ câu của Quảng Khâm chỉ là hàng chút chít.

Tóm lại, bốn chữ “vô lai vô khứ” không phải lấy từ câu “Vô lai vô khứ vô đại chí” của Thiền sư Quảng Khâm, cũng không phải từ câu “Vô lai vô khứ bổn trạm nhiên” của Thiền sư Thập Đắc. Đó là một thành ngữ liên quan đến kinh điển của Phật giáo, nên ta mới thấy nó còn được vận dụng trong những câu khác như (ghi bằng chữ quốc ngữ cho tiện):

- Vô lai dã vô khứ, sở dĩ khiếu như lai.

- Vô lai vô khứ vô sở trú.

- Vô lai diệc vô khứ, vô sinh diệc vô tử.

- Luận vô lai vô khứ.

- Vô khứ vô lai bất sinh diệt v.v… và v.v...

Của đáng tội, nếu ngay từ đầu mà Tầm Dương vớ được câu của Thập Đắc thì hẳn anh ta đã nói bốn chữ “vô lai vô khứ” là “rút” từ câu “Vô lai vô khứ bổn trạm nhiên” của vị thiền sư này rồi. Đã thế, anh ta lại còn không chịu tìm hiểu cho đến nơi đến chốn nên mới nói trớt quớt rằng, “vô khứ vô lai” là “đừng tới đừng đi” trong khi nghĩa của bốn tiếng này là “không [có] đến, không [có] đi”. “Không [có]” diễn tả một trạng thái trong đó một việc, một hành động không hề xảy ra, còn “đừng” thì biểu thị thức mệnh lệnh phủ định (negative imperative). Khác nhau một trời một vực!

Tầm Dương cũng rất ẩu khi nói theo kiểu vọng văn sinh nghĩa rằng, trong câu “Vô lai vô khứ vô đại chí” thì “vô đại chí” [無代誌] (có chỗ ghi “vô đãi chí” [無歹誌]) có nghĩa là “đừng để ý”. Thực ra, đây là một lối nói riêng của thổ ngữ Đài Loan, có nghĩa là “không có chuyện gì cả” (“một hữu thập ma sự” [沒有什麼事]). Ture Buddha Library (tblibrary.org) ghi lại lời giảng của Thiền sư Quảng Khâm như sau (phiên âm Hán Việt):

“Tằng hữu đệ tử vấn ngã:

- Vô lai vô khứ vô đại chí, thị thập ma ý tứ?

Ngã đáp:

- Ngã một hữu lai, dã một hữu khứ, căn bản một hữu thập ma sự!”.

Dịch nghĩa:

“Từng có đệ tử hỏi ta:

- Vô lai vô khứ vô đại chí, ý nghĩa là gì?

Ta đáp:

- Ta không [có] đến, cũng không [có] đi, vốn chẳng có chuyện gì cả!”.

Chính vì cái nghĩa của ba chữ “vô đại chí” là như thế nên có chỗ người ta đã cải biên lời, nhưng vẫn giữ cái ý gốc của Thiền sư Quảng Khâm thành “Vô lai, vô khứ, vô sự tình [無事情] ” (http://sinyuanhang.blogspot.com/2012/06/blog-post_8258.html).

Vậy “vô đại chí” ở đây chính là “vô sự tình”, nghĩa là “chẳng có chuyện gì sất”… Siêu chuyên gia Tầm Dương dịch ba chữ đó thành “đừng để ý” thì hiển nhiên là… hết ý. Thiền sư Quảng Khâm là bậc thầy trong giới Thiền ở Đài Loan, mà Tầm Dương lại dạy ngài “đừng để ý” thì chẳng có lẽ lúc ngồi thiền, ngài lại nhớ tới mấy cô bạn gái người Hoa ở Chợ Lớn?

Thiền sư Quảng Khâm đã không có đến, cũng không có đi, mà Tầm Dương lại mời ngài “Xin cứ ở đó” (Ngài có định đi đâu đâu!) thì chẳng hóa ra ngớ ngẩn, lạc lõng lắm sao? Huống chi, hai tiếng “Thỉnh tại” của Tầm Dương cũng chỉ là một câu cụt, vì động từ “tại” đòi siêu chuyên gia phải cấp cho nó một trạng ngữ chỉ nơi chốn chứ nó đâu có chịu đứng một mình trơ trọi, đơn côi! Được người ta hỏi “Anh ở đâu?” mà cứ trả lời và chỉ trả lời “Tôi ở” thì tránh sao khỏi bị người ta cho là mắc bệnh tâm thần. Câu “Thỉnh tại” cũng tâm thần y chang. Dĩ nhiên là cũng có trường hợp mà động từ “tại” chẳng có trạng ngữ nào theo sau nó mà câu vẫn đúng, chẳng hạn trong “Phụ mẫu tại, bất viễn du” (Cha mẹ còn [ở trên đời thì] không đi chơi xa) nhưng đây là một nghĩa khác hẳn, một công dụng khác hẳn. Chẳng qua là Tầm Dương phải phịa ra hai tiếng “Thỉnh tại”, rồi chuyển âm của nó sang tiếng Triều Châu thành “xín[h] xái” để cho người đời thấy anh ta đã không bõ công bỏ hàng chục năm trời mới tìm ra được một cách giải thích chẳng ra gì về nguồn gốc của hai tiếng đang xét. Đến như người Triều Châu chánh tông thì từ nhiều đời nay họ đã không còn biết hai tiếng “xín[h] xái” nó viết ra làm sao nữa rồi.

Thế là sau khi “bới móc” và “xào xáo” thì hiển nhiên là An Chi rất “hả dạ” vì đã vạch trần cái cách hiểu sai bét, xuất phát từ thói cẩu thả và thói ngạo mạn anh chị bự của Tầm Dương. Và dĩ nhiên là An Chi cũng đâu có chờ siêu chuyên gia này “hạ mình mà cãi nhau hay thảo luận với bọn nghiệp dư”. Cãi sao lại mà cãi; thảo gì nổi mà thảo …

(*) “Tiếng Đan Mạch” là tiếng chửi thề trong khẩu ngữ bình dân ở miền Nam. “Đan Mạch” là uyển ngữ thay cho hai tiếng “Đ… mẹ”.

4 nhận xét:

  1. Mềnh là mềnh ghét nhất những đứa đã ngu còn tỏ ra nguy hiểm nhá. Càng thể hiện càng lòi cái đuôi cáo ra mà thôi

    Trả lờiXóa
  2. Cái này là kiểu học hành nửa mùa. Đã dốt lại thích chơi chữ nên nó mới ra nông nỗi ấy.

    Trả lờiXóa
  3. ầm Dương vừa cẩu thả vừa hỗn láo

    Trả lờiXóa
  4. Đã ngu còn tỏ ra nguy hiểm, không biết gì lại còn khua môi múa mép, đúng là chỉ thùng rỗng mới kêu to mà thôi. Học hành không đến nơi đến chốn còn tự cho rằng ta đây là người hiểu biết, thật là đáng khinh bỉ, hắn không biết được là hắn ấu trĩ đến nỗi nào đâu.

    Trả lờiXóa

Tìm kiếm mở rộng

Google TreLang

Tre Làng

Thông kê truy cập

Lưu trữ Blog