Chia sẻ

Tre Làng

'Tàu dầu khí TQ đã xâm phạm nghiêm trọng vùng nội thủy của VN'

Một góc nhìn khác so với Báo Pháp Luật

'Tàu dầu khí TQ đã xâm phạm nghiêm trọng vùng nội thủy của VN'

“Nếu theo hải trình đưa ra, tàu Tân Hải 517 của Trung Quốc đã xâm phạm nghiêm trọng vùng nội thủy thuộc chủ quyền của Việt Nam”, Luật sư Hoàng Ngọc Giao cho hay.

Tin tức trên báo Tuổi trẻ và báo Pháp luật Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, hôm 6/6, tàu thăm dò dầu khí mang tên Tân Hải 517 của Tập đoàn dầu khí Hải Dương - Trung Quốc đã đi vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, cách đảo Phú Quý, tỉnh Bình Thuận 20 hải lý theo hướng tây nam và cách bờ khoảng 40 hải lý (nằm giữa bờ và đảo). Tàu Tân Hải lúc đó được cho là đang trên đường tới Vịnh Thái Lan.

Cũng theo nguồn tin báo chí, khi phát hiện tàu Trung Quốc, lực lượng Cảnh sát biển và Kiểm ngư của Việt Nam đã cử tới khu vực này 6 tàu để theo dõi sát sao động thái của con tàu thăm dò này và "chưa phát hiện các dấu hiệu bất thường".

Có tờ báo đưa tin cho rằng, "theo Công ước của Liên Hiệp Quốc về Luật biển năm 1982 (UNCLOS 1982), tàu bè nước ngoài có quyền di chuyển trong vùng đặc quyền kinh tế của một nước".

Trong khi đó, về phía cơ quan chức năng, chưa có tuyên bố chính thức, xác minh nào về sự việc. Để có thông tin đa chiều, phục vụ cho công cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền, biển đảo của Tổ Quốc, đặc biệt từ khía cạnh luật pháp, PV báo Người Đưa Tin (Cơ quan của Hội luật gia Việt Nam) đã có cuộc trao đổi với Tiến sĩ, Luật sư Hoàng Ngọc Giao – Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chính sách pháp luật và Phát triển. Luật sư Giao được biết đến là chuyên gia nghiên cứu về Luật biển quốc tế và từng có kiến nghị gửi Chính phủ Việt Nam khởi kiện Trung Quốc ra tòa án Quốc tế sau sự kiệnTrung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trong thềm lục địa, vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.

"Hành vi xâm phạm chủ quyền trắng trợn"

Trước đó, nói trên báo chí trong nước, Tiến sĩ Trần Công Trục – Nguyên trưởng ban Biên giới Chính phủ có nhận định: "Nếu đúng như hải trình được bài báo đưa thì con tàu Trung Quốc này đã xâm phạm vùng nội thủy của Việt Nam theo tuyên bố của Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam về đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải Việt Nam ngày 12/11/1982”.

Về vấn đề này, TS.LS Hoàng Ngọc Giao bày tỏ quan điểm: “Trước thông tin trên báo chí đưa và căn cứ theo hải trình của tàu Tân Hải 517 thì rõ ràng, Trung Quốc đã xâm phạm nghiêm trọng vào vùng nội thủy của nước ta khi chưa được sự đồng ý của Chính phủ Việt Nam. Ý kiến nhận định của TS Trần Công Trục là có cơ sở và tôi đồng tình”.

Đảo Phú Quý là hòn đảo gần với bờ biển Bình Thuận, Bà Rịa – Vũng Tàu và nó được dùng để xác định đường cơ sở thẳng để tính chiều rộng lãnh hải của Việt Nam và được chính phủ chính thức tuyên bố từ năm 1982. TS.LS Hoàng Ngọc Giao phân tích, căn cứ theo quy định của UNCLOS 1982, vùng nước nội thủy có quy chế pháp lý mà quốc tế thừa nhận. Đó là quy chế về chủ quyền và quyền tài phán đầy đủ và tuyệt đối như đối với đất liền.

Tiến sĩ, Luật sư Hoàng Ngọc Giao – Viện trưởng Viện Nghiên cứu chính sách pháp luật và Phát triển

“Điều này có nghĩa là, bất cứ người hay phương tiện nào đi qua vùng nước nội thủy này đều phải xin phép Chính phủ nước sở tại. Nếu chưa được sự đồng ý của nước đó thì bị coi là hành vi xâm phạm chủ quyền. Trường hợp của tàu Tân Hải 517 rõ ràng đã xâm phạm vào vùng nội thủy của Việt Nam, chứ không thể coi là hành vi đi ngoài khu vực lãnh hải và đặc quyền kinh tế được”, ông Giao nhấn mạnh.

Theo vị chuyên gia này, hành vi này của Trung Quốc có thể coi là một bướcleo thang mới nguy hiểm tiếp theo sau sự việc đưa giàn khoan Hải Dương Thạch Du 981. Trung Quốc hiện nay cũng đang ra sức đẩy nhanh tốc độ cải tạo và mở rộng các bãi đá ngầm ở Trường Sa của Việt Nam mà nước này chiếm đóng bất hợp pháp thành các đảo nhân tạo.

Bình luận về hành động xây đảo nhân tạo cùng với các hạng mục sân bay, căn cứ quân sự rồi đưa cả pháo tự hành ra đó đã tỏ rõ tham vọng và sự ngông cuồng của Trung Quốc trong vấn đề khẳng định yêu sách chủ quyền phi lý của họ ở Biển Đông. Ông Giao nhấn mạnh "đó là những hành vi cực kỳ nguy hiểm".


Cũng theo người đứng đầu viện Nghiên cứu Chính sách pháp luật và Phát triển, với những diễn biến mới nhất trên Biển Đông hiện nay, Việt Nam phải thật sự tỉnh táo và lựa chọn cho mình những bước đi phù hợp, hội đủ sức mạnh pháp lý nhất. Trung Quốc đã có những hành vi của một kẻ đi xâm lấn lãnh thổ lãnh hải của nước khác mà nếu ta không có cách đối phó kịp thời, họ sẽ có cơ hội lấn tới.

Chúng ta cần phản ứng mạnh mẽ hơn nữa

Cụ thể, theo TS.LS Hoàng Ngọc Giao, Chính phủ cũng như Bộ Ngoại giao cần có một bản tuyên bố chính thức cực lực phản đối hành vi xâm phạm chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam tại vùng nước nội thủy để cho thế giới biết. Trung Quốc đã vi phạm thô bạo luật pháp quốc tế.

“Một khi tàu đã vào tận sân nhà mình rồi mà vẫn còn theo dõi theo sát thì không thể được nữa. Cần có hành động cứng rắn ngay từ các tuyên bố ngoại giao mới khiến Trung Quốc phải chùn bước”, ông Giao cho biết.

Ngoài ra, TS.LS Hoàng Ngọc Giao cho rằng, Việt Nam chúng ta cần có những hành động mạnh hơn nữa để gìn giữ toàn vẹn lãnh thổ chứ không chỉ dừng lại ở dạng các tuyên bố. Chúng ta càng nhún nhường thì họ càng lấn tới, từ xưa tới nay Trung Quốc đều như vậy rồi.

Trước câu hỏi cho rằng việc Trung Quốc đang ráo riết tập hợp và cho thành lập những “biệt đội” gồm các chuyên gia am hiểu luật pháp quốc tế để chuẩn bị cho việc tăng cường xử lý các tranh chấp “bằng luật” giữa Trung Quốc và các quốc gia trong khu vực, Luật sư Hoàng Ngọc Giao khẳng định: “Việc Trung Quốc tập hợp các chuyên gia luật rồi tuyên truyền rằng đó là chủ quyền của họ đã có từ nhiều năm nay rồi chứ không phải bây giờ họ mới làm. Họ còn thành lập một trung tâm tuyên truyền về biển ngay tại nước Mỹ”.

“Việc cho ra đời những bản luận án tiến sĩ rởm, theo đó họ cắt xén lịch sử một cách thô bạo nhằm phục vụ cho cái luận điểm khẳng định chủ quyền phi lý của Trung Quốc đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam đã là điều nhiều người nhìn rõ. Đây là điểm mà chúng ta còn thiếu khi trên các diễn đàn học thuật vẫn còn ít những cuộc hội thảo quốc tế có sự góp mặt của các học giả quốc tế”, TS Hoàng Ngọc Giao chia sẻ.

TS.LS Hoàng Ngọc Giao kiến nghị: “Trong thời gian tới, Quốc hội cần ban hành một nghị quyết riêng về Biển Đông trong bối cảnh nóng bỏng hiện nay tại vùng biển này. Những hành vi xâm phạm và ngang ngược của Trung Quốc đã quá rõ ràng, cử tri cả nước đang rất quan tâm cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất thể hiện rõ thái độ cũng như chủ trương của Đảng, Nhà nước trước vấn đề bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc”.

“Nếu chúng ta không có hành động quyết liệt, mạnh mẽ ít nhất là về mặt ngoại giao pháp lý thì sẽ tạo cho Trung Quốc cơ hội để lấn tới, dần hiện thực hóa yêu sách đường 9 đoạn phi pháp trên Biển Đông. Khi đó, Việt Nam sẽ gặp vô vàn khó khăn trong công cuộc bảo vệ chủ quyền của mình”, vị chuyên gia nghiên cứu về Luật biển Quốc tế cho biết thêm.

Tình hình Biển Đông mới nhất sẽ được báo điện tử Người đưa tin liên tục cập nhật.

Cao Tuân – Đình Tuệ

9 nhận xét:

  1. Dĩ bất biến ứng vạn biến. Việt Nam kiên quyết đấu tranh bảo vệ chủ quyền trên biển, song cần đẩy nhanh quá trình quốc tế hóa vấn đề Biển Đông, tranh thủ được tiếng nói của tất cả các nước trên thế giới nhất là các nước lớn,...cần khẩn trương có một bước tiến mới đủ mạnh để ngăn chặn sự bành trướng, bất chấp đạo lý và luật pháp quốc tế của Trung Quốc.

    Trả lờiXóa
  2. Quá ngang ngược và hống hách. Trung Quốc lại muốn gây sự nữa rồi. Chúng ta cần có những hành động cứng rắn hơn nữa chứ đấu lý với Trung Quốc thì chỉ nước đổ đầu vịt, bọn chúng bất chấp hết.

    Trả lờiXóa
  3. Bác Tre Làng ơi!

    Ông GS TS Hoàng Ngọc Giao lại phán bậy. Nếu theo lời ông thì Vùng nội thủy của VN bị thu hẹp chừng 60 đến 70 km so với Tuyên bố chủa Chính phủ.
    Ông TS này nói:
    --------------------
    "Đảo Phú Quý là hòn đảo gần với bờ biển Bình Thuận, Bà Rịa – Vũng Tàu và nó được dùng để xác định đường cơ sở thẳng để tính chiều rộng lãnh hải của Việt Nam và được chính phủ chính thức tuyên bố từ năm 1982."
    ----------------------
    Xin thưa: Đảo Phú Quý không nằm trên đường cơ sở mà nó nằm trọn trong vùng nội thủy của VN. Từ đảo Phú Quý, phải đi tiếp về hướng Đông Nam chừng 60- 70 km nữa mới tới đường cơ sở là Điểm A6 Hòn Hải!

    Xem bài phân tích chi tiết của Google.tienlang:
    "TÀU TÂN HẢI 517 CỦA TQ ĐÃ VÀO SÂU TRONG LÃNH THỔ VN HƠN 100 KM MÀ KHÔNG AI BIẾT?"
    http://googletienlang2014.blogspot.com/2015/06/tau-tan-hai-517-cua-tq-vao-sau-lanh-tho.html

    Trả lờiXóa
  4. Nếu đúng như tàu dầu khí Trung Quốc đã xâm phạm vùng nội thủy Việt Nam thì cảnh sát biển giờ không chỉ là giám sát nữa mà cần hành động mạnh tay hơn.

    Trả lờiXóa
  5. Nếu đúng như báo chi đưa tìn thì Việt Nam cần hành động ngay. Tuy nhiên vẫn chưa thấy phát ngôn của bộ ngoại giao thế nào nên chưa rõ thực hư.

    Trả lờiXóa
  6. Một khi tàu đã vào tận sân nhà mình rồi mà vẫn còn theo dõi theo sát thì không thể được nữa. Cần có hành động cứng rắn ngay từ các tuyên bố ngoại giao mới khiến Trung Quốc phải chùn bước, chứ không nhờn với chó con chó con liếm mặt mất

    Trả lờiXóa
  7. Nặc danh13:14 11/6/15

    CHúng ta quyết ko để Trung quốc lấn lướt tới nữa. Đất nước Việt Nam là 1, dân tộc Việt Nam là 1, chúng ta kiên quyết bảo vệ chủ quyền biển đảo, lãnh thổ của đất nước

    Trả lờiXóa
  8. Việt Nam cần có hành động mạnh mẽ và quyết liệt hơn đối với cách hành xử của tàu dầu khí Trung Quốc khi xâm phạm biển Việt Nam.

    Trả lờiXóa
  9. Chúng ta vẫn kiên quyết đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo của tổ quốc, nhưng bên cạnh đó vẫn phải đẩy nhanh quá trình quốc tế hóa vấn đề biển đông, tranh thủ tiếng nói của các nước trên thế giới, đặc biệt là những nước lớn. Cần khẩn trương ngăn chặn những hành động ngông cuồng của Trung Quốc.

    Trả lờiXóa

Tìm kiếm mở rộng

Google TreLang

Tre Làng

Thông kê truy cập

Lưu trữ Blog