Chia sẻ

Tre Làng

Luận về trang phục và trang bị cảnh sát Việt Nam


Trong bài Nghị Sĩ Hoàng Hữu Phước Nói Về “Luật Biểu Tình”, tôi có nêu về vấn đề trang bị vũ khí xe chuyên dùng cho lực lượng cảnh sát để chống bạo động, cùng các chiến thuật tác chiến chống bạo động của cảnh sát như một chuẩn bị phải có để sau suốt nhiệm kỳ Quốc Hội Khóa XIII (2011-2016) phải đình chỉ tất cả các việc liên quan đến soạn thảo dự án luật “Biểu Tình” do tôi đã thuyết phục thành công để Quốc Hội chưa cho bàn thêm về nội dung luật này, Quốc Hội Khóa XIV (2016-2021) sẽ có đủ điều kiện vật chất, tư duy, ngôn ngữ, thời gian nghiên cứu để bắt đầu chấp bút. Và mới đây, trên báo chí đã đăng tải hình ảnh các xe chuyên dùng chống bạo loạn có trang bị cả trung liên để bảo vệ tuyệt đối thành công Đại hội Đảng. 

Tất nhiên, thử thách vẫn còn nhiêu khê trước mắt đối với lực lượng cảnh sát do hỏa lực mạnh được trang bị cho các xe chuyên dùng, song liệu cảnh sát có dám xả súng trung liên vào đám đông lợi dụng “biểu tình” để gây bạo loạn hay không lại là vấn đề chưa ai tính đến, mà nếu không dám xả súng thì liệu có bảo vệ “an toàn tuyệt đối” hay không. Thử thách này do chính ngành công an tự chuốc lấy, khi lột lon chiến sĩ công an nào tát “dân” hay đánh “dân”, nghĩa là vô hình chung tự dưng trộn lẫn “người dân lương thiện” với “kẻ gây rối” chỉ vì cả hai cùng có thẻ Chứng Minh Nhân Dân, thậm chí cảnh sát cực kỳ run sợ nếu bị người đi đường quay phim thảy lên mạng chùa. 

Cần rút từ bài viết trên của tôi và bài viết gần đây để biết rằng cảnh sát Mỹ đánh đập người Mỹ, bắn hạ người Mỹ bất tuân hiệu lệnh, và tự do có nghĩa là người dân có quyền “tự do biểu tình” theo sự thông báo với cơ quan chức năng theo luật định, trong khi cảnh sát địa phương có quyền yêu cầu đoàn “biểu tình” phải giải tán khi cho rằng có thể sẽ xảy ra bạo động, và nếu người “biểu tình” bất tuân sẽ bị “tự do đánh đập hoặc bắn hạ”.


Còn trong năm 2011 tôi có viết blog bài mang tên Luận Về Trang Phục Và Trang Bị Cảnh Sát Việt Nam nói về bản thân người công an – ở đây xin gọi chung là “cảnh sát” cho đúng thông lệ quốc tế đối với chữ “Police”. Mới đây thấy Cô Rebecca Volent viết trên mạng Những Câu Chuyện Về Đồng Phục có viết cạnh bức hình này


rằng người nước ngoài bảo trang phục của cảnh sát Việt Nam “không giống ai”, khiến du khách nước ngoài thêm rối rắm chẳng biết tin vào ai để mà cậy nhờ, cầu cứu, tôi mới sực nhớ bài luận nêu trên mà nội dung tôi có nêu tại một trong mười bài tư vấn ứng viên tự do cho cuộc bầu cử Quốc Hội Khóa XIV (2016-2021) rằng khi tôi đặt vấn đề tại buổi “giám sát” ở Công An Thành phố Hồ Chí Minh, vị Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh lập tức bảo tôi đã hết thời gian phát biểu, do sợ mếch lòng Sở Công An. Nay xin đăng lại bài trên để biết nếu xe cứu thương của thế giới có hình dấu thập hoặc đỏ hoặc xanh để mọi người nhận ra, mà xe cứu thương của Việt Nam có hình trái táo cắn dỡ chẳng hạn thì sẽ không ai hiểu nó là gì trừ người Việt Nam; và tương tự, cảnh sát Việt Nam mặc trang phục kỳ dị, đứng ngoài sự nhận diện của toàn nhân loại.

A) Dẫn Nhập: Từ Hai Mẩu Tin Cảnh Sát Giao Thông Thành Phố Hồ Chí Minh Bị Sát Thương

Đêm 10/9/2011 Trung úy Cảnh Sát Giao Thông Lê Trọng Tuấn và Thượng sĩ Cảnh Sát Cơ Động Phan Thanh Nhơn trên xe mô-tô 51A1- 0161 tuần tra trên đường phố phát hiện hai thanh niên đi xe máy vượt đèn đỏ bèn rượt theo truy bắt qua các đường Nguyễn Đình Chiểu, Đinh Tiên Hoàng, Võ Thị Sáu đến góc Phan Liêm – Điện Biên Phủ thì áp sát được xe vi phạm nhưng ngay sau đó đã bị hai đối tượng dùng chân đạp hai anh ngã xuống đường bị trọng thương và vẫn đang được điều trị tại Bệnh viện Chấn Thương Chỉnh Hình.

Hai ngày sau, Thượng sĩ Lương Khánh Việt và Thượng sĩ Trần Võ Hoài Thanh thuộc đội Cảnh Sát Giao Thông Bến Thành tuần tra trên xe mô tô 51A1-0448 phát hiện một nhóm thanh niên tu tập đua xe trái phép nên truy đuổi đến đường Nguyễn Trãi, Phường Nguyễn Cư Trinh, Quận 1, thì xe trượt húc vào tường rào trường Mầm Non khiến Thượng sĩ Việt tử vong, còn Thượng sĩ Thanh bị trọng thương hiện đang điều trị tại bệnh viện Chợ Rẫy.

Hai tai nạn xảy ra bởi vì cảnh sát giao thông Việt Nam đã được trang bị quá đơn giản, quá thiếu thốn, và không thể chấp nhận được cảnh xảy ra quá nhiều năm nay khi chiếc xe mô tô cảnh sát – tức loại mô tô dùng để rượt bắt chứ không là mô tô chạy đường trường – lại được sử dụng chở hai chiến sĩ, cảnh này chứng tỏ cảnh sát giao thông Việt Nam đã không hiểu biết về chức năng chiếc mô tô cảnh sát và nếu ở nước nào một mô tô cảnh sát chở hai cảnh sát tuần tra ắt nước đó cực kỳ nhược tiểu.


B) Những Hình Ảnh Về Trang Phục Và Trang Bị Cảnh Sát Giao Thông Việt Nam

Phiên xử hai kẻ thủ ác giết chết Bà Bí Thư Quận Ủy Quận Phú Nhuận vẫn còn là tin nóng hổi, và hình ảnh sau trên báo Tuổi Trẻ cho ta thấy những điều sau về cảnh sát giao thông:


Các chiến sĩ chỉ được trang bị mũ bảo hiểm loại thường, súng ngắn, và chiếc còng. Ngoài ra, chiếc đai da trắng cũ kỹ là thứ vô dụng của cảnh sát mô tô chế độ Sài Gòn trước 1975 nay đầy vết cáu bẩn không hiểu sao vẫn tiếp tục được sử dụng trông rất phản cảm vì không tôn được thế của dáng dấp người chiến sĩ.

C) So Sánh Trang Phục Và Trang Bị Cảnh Sát Nước Ngoài

Trước khi có các đề xuất hợp lý hóa trang phục và hiện đại hóa trang bị của cảnh sát giao thông Việt Nam, thiết nghĩ những tư liệu hình ảnh sau có thể cho ta cái nhìn khái quát về lực lượng cảnh sát nói chung ở các nước khác, từ cường quốc đến các nước phát triển và đang phát triển.

1-HOA KỲ:

Chẳng hạn cảnh sát giao thông Mỹ:


Mỗi chiến sĩ một xe mô tô, mũ chuyên dùng có gắn thiết bị micro truyền tin, mặc trang phục đen, đi ủng chuyên dùng cho sử dụng xe mô tô phân khối lớn, đeo găng tay bảo vệ, đeo kính bảo vệ, và xe mô tô có gắn máy ghi hình.

Còn đối với lực lượng cảnh sát tuần tra ô tô hay địa phương, trang phục của họ qua các ảnh minh họa sau cho thấy màu chủ đạo là đen, giày bốt chuyên dùng, tác phong “trấn áp chuyên nghiệp” qua các hình xâm dữ dội hay đầu trọc, trang bị đầy đủ,



đặc biệt luôn có gậy trấn áp (tonfa hay side-handle baton) và một số lực lượng sử dụng hỏa lực tiêu diệt (súng tiểu liên), v.v.


2-VƯƠNG QUỐC ANH:


Cảnh sát ở thủ đô London cả nam lẫn nữ đều mặc sơ mi trắng (hoặc đen), khoác áo giáp đen, trang bị cùng lúc súng ngắn và tiểu liên MP5. Điểm khác biệt duy nhất là nam đội mũ lưỡi trai hoặc mũ cổ điển, còn nữ đội mũ nồi bowler duyên dáng (Ở Mỹ và Canada không có phân biệt trang phục cảnh sát nam và nữ). Thường thì cảnh sát Anh theo truyền thống ít khi mang vũ khí, nhưng an ninh đã trở thành vấn đề nghiêm trọng đối với Vương Quốc Thống Nhất Đại Anh Và Bác Ái Nhĩ Lan đến độ sự trang bị “tận răng” ngày nay đã trở thành nét đẹp mới trên đường phố.

3-THÁI LAN:


4-ÚC:


5- NA UY:


6- PAKISTAN:


7- THỤY ĐIỂN:


8- PHÁP:

Cảnh sát Pháp thì tùy chức năng nhiệm vụ riêng mà sắc phục có màu sậm hoặc màu trắng, nhưng trang bị đầy đủ, và thường dùng giày bốt chuyên dùng.


9-TÂY BAN NHA:

Cảnh sát mặc trang phục màu tối, trang bị súng ngắn và gậy trấn áp.


10- ĐAN MẠCH:

Cảnh sát nước này phân biệt trang phục không những theo giới tính mà còn theo mùa trong năm, nhưng sắc đen là màu chủ đạo.


11- MEXICO:


12- HÀN QUỐC:


13- NHẬT BẢN:


14- NGA:


15- HÀ LAN:


16- UKRAINE:


17-BỈ:


18- JORDAN:


19- TRUNG QUỐC:


20- ẤN ĐỘ:

Ngay cả khi cảnh sát Ấn Độ có trang phục như sau:


thì họ cũng sang nghiên cứu tại Sở Cảnh Sát New York Hoa Kỳ vì rất quan tâm đến kiểu trang phục mới này cho đúng với thế giới:


D) Những Ý Kiến Đề Xuất

1) Quân Phục:

Trang phục của cảnh sát nên là màu đen hoặc xanh đen hay xám đen, phải nổi bật giữa đám đông. Đây không chỉ là lý do thẩm mỹ mà còn là yếu tố tâm lý vì rằng (a) chiến sĩ áo sậm rất nổi bật giữa đám đông nên có tác dụng dễ nhận diện bởi người dân có nhu cầu cứu giúp hoặc bởi kẻ định làm việc xấu khiến hắn có cái gọi là “second thought” tức chần chừ, chùn tay, suy nghĩ lại, không gây án, triệt tiêu một nguy cơ tiềm tàng cho một nạn nhân nào đó; (b) đồng thời màu đen có tính nghiêm khắc, dữ dội, tạo tâm lý sợ hãi nơi người nào định phạm tội; và (c) màu đen lạnh lùng khiến người vi phạm không thể nổi nóng manh động. Trang phục hiện nay của cảnh sát giao thông màu vàng rất (a) dễ hòa lẫn với cảnh quang chung của bụi bặm và nóng bức, (b) kém thẩm mỹ, (c) dễ gây tâm lý nóng bức nơi người vi phạm khiến có to tiếng hoặc manh động; còn trang phục công an màu xanh lá lại không tôn được sắc thái uy dũng rất cần có nơi lực lượng mà công việc quan trong nhất là trấn áp tiêu diệt tội phạm chứ không phải mang hào quang nhũn mềm của “bảo vệ nhân dân”.

2) Phương Tiện:

Phương tiện chủ yếu của cảnh sát giao thông Việt Nam là mô-tô do ô-tô cảnh sát ở Việt Nam không thể được dùng để truy bắt rượt đuổi đối tượng mà chỉ đùng để mở đường cho đoàn xe yếu nhân. Nhất thiết phải trang bị mỗi chiến sĩ một mô tô, chấm dứt nạn hai người đèo trên một mô-tô; đặc biệt mô-tô phải có lắp thiết bị ghi hình gắn phía trước mô-tô giống mô-tô cảnh sát Mỹ và các mô-tô đua giải quốc tế để truyền hình ảnh đối tượng (và số xe của phương tiện) đang bị rượt đuổi, nơi chốn đang rượt đuổi ngay về trung tâm để được trung tâm điều viện binh chận đầu đón bắt hoặc có băng hình làm bằng chứng bảo vệ chiến sĩ trong trường hợp chủ xe vi phạm ngừng phía trước trình giấy tờ sau đó nộp đơn vu cáo chiến sĩ đánh đập hay chìa tay nhận hối lộ.

Nếu chỉ vì lý do phòng chống tham nhũng mà phải cử hai chiến sĩ đi với nhau thì hai người trên hai chiếc mô tô lại càng tốt, nhất là trong việc cùng nhau rượt đuổi truy bắt tội phạm, mà vẫn giám sát nhau để tránh các hành vi tiêu cực.

Ở nước ngoài, người dân sử dụng xe mô tô đều phải dùng giày bốt chuyên dùng cho mô tô, mang leg cover bảo vệ đầu gối và cẳng chân, mang elbow cover để bảo vệ khuỷu tay, mang găng tay chuyên dùng để bảo vệ bàn tay nếu xảy ra té ngã. Cảnh sát giao thông Việt Nam sử dụng mô-tô thực hiện chức năng nguy hiểm của rượt đuổi truy bắt tội phạm mà lại ăn vận chỉ với áo ngắn tay, quần vải thường, giày tây cột dây bình thường như nhân viên văn phòng, mũ bảo hiểm thường, thì rõ là không đáp ứng đúng yêu cầu của nhà sản xuất mô-tô cảnh sát và công việc cảnh sát.


3) Vũ Khí:


Ngoài súng ngắn, cảnh sát giao thông Việt Nam còn được trang bị một gậy chỉ đường dường như bằng gỗ hay nhựa màu trắng bị tróc sơn nham nhở. Hơn hai mươi năm trước, thậm chí Việt Nam còn học theo Cộng Hòa Dân Chủ Đức trang bị dụng cụ như chiếc muỗng dài 25cm có kính nhựa tròn màu đỏ phản quang để chỉ đường, trong khi lẽ ra phải là gậy trấn áp bằng nhựa cứng màu đen như của cảnh sát Mỹ để tự vệ hữu hiệu (nắm thanh ngang để thanh dọc bảo vệ cánh tay khi đối tượng vung đao chém) và trấn áp đối tượng (đánh trọng thương để vô hiệu hóa đối tượng) hay để cứu người dân (đập cửa kiếng nhà bị hỏa hoạn, đập kính ô tô, v.v.). Cảnh sát Mỹ còn được trang bị đèn pin chiến thuật, tức là loại đèn nhỏ sử dụng hai pin điện tử tròn theo cơ chế hội tụ cao chỉ cần chiếu vào mắt đối tượng gây hấn là vô hiệu hóa hắn trong vài giây đủ để chiến sĩ áp sát tước vũ khí và còng tay bắt giữ.

4) Quy Định:

Ngay tại Anh Quốc vốn tự hào về sự uy nghiêm của cảnh sát đến độ trước đây không bao giờ mang vũ khí (kẻ phạm tội gặp cảnh sát chỉ còn nước cố chạy cho thoát, không dám đánh cảnh sát, càng không dám giết cảnh sát vì nếu có phạm tội gì đó tày trời cách mấy vẫn không sao chứ động đến cảnh sát là bị tử hình), ấy vậy mà hiện nay họ trang bị tận răng như minh họa ở trên, đồng thời với sự đe dọa từ tai họa khủng bố, họ đã có “shoot to kill” cho phép bắn hạ ngay kẻ nào có hành vi tình nghi khủng bố để bảo vệ người dân vô tội ở gần đấy. Phim ảnh Holywood còn cho thấy cảnh sát Mỹ đánh đập phạm nhân ngoan cố để lấy khẩu cung. Việt Nam không theo kiểu “tự do” của Mỹ, chính vì vậy nhất thiết phải cẩn trọng với những biện pháp phòng vệ cực kỳ hữu hiệu để phạm nhân không thể lờn mặt pháp luật.

Ở Việt Nam không hiểu sao lại muốn cảnh sát công an là những “ông bụt”, khiến nhiều tên tội phạm lờn mặt, khai báo rồi phản cung, nói bị công an đánh đập ép cung, v.v., trong khi chỉ cần bổ sung máy quay phim lúc lấy cung để có bằng chứng bổ sung vào vụ án, vừa để kẻ cung khai không thể phản cung, vừa để bảo vệ nghiêm phép nước rằng điều tra viên đã không nhục mạ hay dùng nhục hình khi tra vấn phạm nhân. Ngoài ra còn cần xem lại các quy định kỳ lạ về sử dụng vũ khí (quy trình nhiều bước buộc phải theo trước khi nổ súng trực diện đối tượng).

E) Kết Luận: Thanh Bảo Kiếm Của Nhân Dân

Chiến sĩ công an là “thanh bảo kiếm của nhân dân”. Nhân dân dùng thanh bảo kiếm ấy để trấn áp, tiêu diệt kẻ gian. Nhân dân không dùng thanh kiếm ấy để lật từng trang sách tiểu thuyết hay quơ mạng nhện. Vì vậy, các chiến sĩ cảnh sát giao thông Hà Nội đã sai khi nói với phóng viên VTV rằng họ không phạt những trường hợp đi xe máy không đội mũ bảo hiểm mà chỉ nhắc nhở giáo dục người dân. Việc “giáo dục” bằng lời không phải là chức năng, nhiệm vụ của cảnh sát, công an. Vì làm sai chức năng nên họ khiến người dân lờn mặt, và cho đến ngày nay ở Hà Nội vẫn có bao người không đội mũ bảo hiểm, và đến phiên nhiều người ở Thành phố Hồ Chí Minh cũng vin vào đó mà không đội mũ bảo hiểm. Việc giáo dục của cảnh sát công an dù ở bất kỳ quốc gia nào cũng chỉ bao gồm việc truy bắt tiêu diệt kẻ gian và thực thi luật pháp. Tiêu diệt kẻ gian nhằm giáo dục người dân hoặc làm lành lánh dữ, hoặc chùn tay không dám gây án. Thực thi pháp luật để sử dụng các hình phạt luật định giáo dục người dân kiêng sợ phép nước.

Để thanh bảo kiếm ấy luôn sắc bén, nhất thiết phải thường xuyên mài dũa bằng thứ đá mài tốt nhất. Để lực lượng cảnh sát giao thông không trở thành sự đàm tiếu của quốc tế về tệ tham nhũng ở Việt Nam, nhất thiết phải có những tưởng thưởng thật cao cùng những biện pháp chế tài khắc nghiệt nhất. Tưởng thưởng bằng các chế độ chính sách dành thật nhiều vinh dự cho gia đình các chiến sĩ để trường hợp họ hy sinh hay thương tật thì ngay cả cha mẹ của họ, vợ hay chồng của họ cũng được nuôi dưỡng đầy đủ trọn đời, con cái của họ được chu cấp học hành theo khả năng và ưu tiên có việc làm phù hợp trong cơ quan công quyền, v.v.. Trừng trị thật nghiêm khắc khi chiến sĩ phạm tội, tước bỏ tất cả các chế độ chính sách của gia đình, và phạt tiền thật nặng hoặc tịch thu tài sản.

Để thanh bảo kiếm ấy đúng là bảo kiếm, nhất thiết phải có vỏ kiếm tuyệt hảo. Để cảnh sát/công an là thanh bảo kiếm, nhất thiết phải có các trang bị đầy đủ, trang bị hảo hạng, trang bị tối tân. Thiếu những trang bị này nghĩa là Nhà Nước đã không xem trọng người cánh sát/công an, và từ đó đã không xem trọng sự an nguy của người dân.

Khi một cô gái không được dạy dỗ nên người đã hung hãn tát vào mặt một cảnh sát giao thông, thanh bảo kiếm rõ là đã cùn nhụt. Khi một tên say (sau mới rõ là thanh tra viên) xông đến đánh một cảnh sát giao thông làm cảnh sát này lùi lại né vào nhà dân, thanh bảo kiếm rõ là đã cùn nhụt. Vậy cái trọng trách bảo vệ lương dân thì cảnh sát/công an có đảm nổi hay chăng? Người dân lương thiện sẽ yên tâm nếu thấy viên cảnh sát phản ứng nhanh nhẹn, quyết đoán chụp tay cô gái hung hãn ấy, bẻ quặt ra sau lưng và vừa còng vừa dõng dạc nói lớn cho mọi người nghe rằng cô ta đã phạm vào điều nào, luật nào, quyền lợi của cô ta sẽ như thế nào, rồi gọi công an địa phương hỗ trợ. Người dân lương thiện sẽ yên tâm nếu thấy viên cảnh sát phản ứng nhanh nhẹn, rút gậy trấn áp đánh gảy khúc côn của tên say, đánh mạnh vào chân để y khuỵu xuống nhằm vô hiệu hóa sự điên cuồng của y trước khi bẻ quặt tay hắn ra sau rồi còng lại. Họ yên tâm vì tin rằng anh cảnh sát khống chế hữu hiệu một tên say điên cuồng ắt có khả năng vô hiệu hóa một tên côn đồ, một gã khủng bố.

Chỉ cần ngành công an hiểu rõ ý nghĩa của “thanh bảo kiếm của nhân dân”, mọi việc sẽ trở nên tốt đẹp hơn với cộng đồng: Nhà Nước trang bị đầy đủ cho cảnh sát/công an không những về vũ trí, phương tiện mà còn về chính sách đãi ngộ; còn cảnh sát/công an thực hiện vai trò trừ gian, diệt bạo, thực thi pháp luật, xứng đáng với sự hy sinh của quân đội gian khổ ngoài hải đảo, biên cương, và sự kỳ vọng của người dân lương thiện.

17 nhận xét:

  1. Nặc danh10:35 18/1/16

    Đồng phục muốn đẹp thì cần thiết nhất là đồ phải may vừa dạng người, và lúc nào cũng phải tề chỉnh. Ở VN thì bị cái nhiều người áo không vừa, quá lụng thụng hoặc quá chật, rồi lúc làm việc thì quên không để ý nên nhiều khi thấy rất luộm thuộm.

    Trả lờiXóa
  2. MỘT SUY NGHĨ QUÁ ĐÚNG ĐẮN VỀ CHỨC NĂNG NGÀNH THỰC THI PHÁP LUẬT

    Trả lờiXóa
  3. Tùy vào khí hậu, địa điểm,ngân sách .v.v.của từng nước thì mới có thể đánh giá về tình hình trang bị quân tư trang cho lực lượng công an nhân dân. Theo tôi với riêng lực lượng CSGT thì thấy hơi tội vì phải đứng nắng, không áo tay dài, mũ không trùm hết đầu bao nhiêu khói bụi,hơi xăng hít cả nhưng chẳng lẽ các anh lại trùm kít mít thì cũng không ra tinh thần của lực lượng với cả bù lại các anh lắm tiền ,nên chữa bệnh cũng mau, với lại VN mình tội phạm không nguy hiểm bằng các nước phương tây và CSGT cũng chỉ là hỗ trợ cho CSCĐ an ninh thôi, nên đồ đạc không cần gì nhiều.

    Trả lờiXóa
  4. Thứ nhất VN chúng ta chưa đủ ngân sách? Thứ 2 nước ta không có các dạng tội phạm nguy hiểm như ở các nước châu Âu, Mỹ, với cả chỉ so sánh mỗi thường phục của cảnh sát giao thông với quân phục của các lực lượng cơ động, chiến đấu của các nước khác thì có phần hơi khập khiễng. Thứ 3 cảnh sát giao thông không phải lực lượng chuyên về việc phòng chống bạo động, trấn áp tội phạm, cái đó đã có các chú cơ động lo rồi, giờ họ mà mặc như cảnh sát cơ động đứng giữa đường thì chỉ làm người dân thêm ác cảm thôi.

    Trả lờiXóa
  5. Cảnh sát giao thông vn không cần mặc cầu kì và phức tạp vì họ không phải lực lượng tinh nhuệ, không cần phải lúc nào cũng ở trong tình trạng có thể hy sinh như các lực lượng đặc nhiệm mà cần trang bị súng ống hay mũ áo chống đạn, tuy nhiên thì nhìn nhận thực tế nước ta thì so với nước ngoài thì không thể bằng rồi, nước người ta tiên tiến, ngân sách dồi dào thì trang bị nó cũng phải khác chứ, có điều thì nên trang bị cho các anh dàn xe khác, cảnh sát ai lại đi wave trắng, hay cao hơn thì con bồ câu trắng thì nó cũng cũ lắm rồi, lại còn cồng kềnh. Trông mất hết cảm tình.

    Trả lờiXóa
  6. Lực lượng công an nhân dân đặc biệt là cảnh sát giao thông là bộ mặt của nhà nước, nên được trang bị từ quân trang cho tới vũ khí một cách chỉnh chu nhất, có thể là không cần những đồ dùng chuyên dụng như súng đạn, áo, mũ chống đạn nhưng cũng không nên để các anh mặc quần áo cộc khi đi tuần tra mà không có bất cứ một thiết bị bảo vệ nào thêm như bốt, giày, đệm tay chân, nhỡ khi tuần tra phát hiện kẻ vi phạm còn có thể đuổi theo tóm gọn, như sơ sài thế này, nhiều khi muốn tóm mà cũng run tay. Ngay cả con bồ câu trắng cũng thế, cũ rồi, trông ọp à ọp ẹp, chạy còn thua cả mấy con xe exciter chứ nói gì tới mấy loại phân khối lớn khác.

    Trả lờiXóa
  7. MỘT SUY NGHĨ QUÁ ĐÚNG ĐẮN VỀ CHỨC NĂNG NGÀNH THỰC THI PHÁP LUẬT

    Trả lờiXóa
  8. Hay đấy,ngưng sẽ rất Lục Tốn

    Trả lờiXóa
  9. những người làm công an thường xuyên đối mặt với nhiều kiểu người khác nhau, nguy hiểm rình rập. vì thế đầu tư dụng cụ, trang thiết bị cho lực lượng vũ trang là điều cần thiết. tuy nhiên, trong điều kiện hiện nay, nếu so sánh với các nước phương Tây thì điều này khập khiễng. bởi tình hình tội phạm ở nước ta không quá nguy hiểm như ở nước họ, hơn nữa, nếu đầu tư quá vào dụng cụ trang thiết bị thì lấy ngân sách ở đâu cho đủ? có khi nào xảy ra cuộc chạy đua mua sắm, sản xuất các phương tiện kia không? đây là vấn đề đáng suy nghĩ đấy

    Trả lờiXóa
  10. Hoa Mao Ga18:47 18/1/16

    lực lượng công an việt nam là lực lượng công an nhân dân, nghĩa là công an việt nam từ dân mà ra, vì nhân dân mà phục vụ, hết lòng hết sức vì dân vì nước, đảm bảo cho người dân một cuộc sống yên ổn. vì vậy, những trang bị cho người công an nhân dân việt nam cũng rất bình dị, vừa phù hợp với điều kiện của đất nước ta, tình hình an ninh trật tự trong nước và đúng với tính chất công an của nhân dân. trang phục của họ rất giản dị, đó là màu xanh lá mạ, rất bình dị, nhưng rất đẹp, biết bao đứa trẻ, biết bao người con gái yêu mà xanh lá mạ đó. yêu lắm màu xanh lá mạ của người công an nhân dân.

    Trả lờiXóa
  11. Năm nào cũng có cái tiến trong trạng phục, mà chẳng năm nào có thêm trang thiết bị chuyên dụng cho các chiến sĩ công an nhân dân hay lực lượng quân đội, như thế vừa làm tốn kém, quần áo may trong kho còn chưa dùng hết, quần áo phát cho các cán bộ còn chưa mặc tới hay chưa cũ, đã bỏ đi mặc theo cái mới, đấy là lãng phí, trong khi đó, tiền để mua súng, mua mũ bảo hiểm, đồ chuyên dụng khi đi xe phân khối lớn, hay nói hẳn là tậu dàn xe mới cho công an giao thông hay lực lượng cảnh sát cơ động thì lại không có, xem cảnh các anh liều mình rượt đuổi tội phạm trong đêm mà cứ như xem trong phim, nguy hiểm vô cùng. Mà cảnh sát giao thông màu vàng là đúng rồi, chuyển sang màu đen sẽ bị lẫn với đám đông đi đường, sao mà dân biết dân phân biệt mà nghe theo chỉ dẫn đường chứ?

    Trả lờiXóa
  12. So với các nước khác thì đúng là trang thiết bị và quân trang của nước ta có phần hơi " đơn sơ" nhưng cũng có nhiều yếu tố ảnh hưởng như tiềm lực kinh tế không có thì sao có tiền mà chi cho khoản này nhiều?, đất nước ta nóng ẩm nhiệt đới gió mùa, làm sao mà để các anh mặc bộ quần áo dày, xong đủ đồ bảo hộ chỉ để đứng phân làn hay canh giữ các chốt cho được, cảnh sát giao thông chỉ là lực lượng bảo vệ đơn thuần, đâu phải lực lượng chiến đấu hay chuyên dụng nên cũng không cần trang bị quá nhiều, nếu đi đường gặp tội phạm nguy hiểm, các anh hoàn toàn có thể gọi ứng cứu từ các lực lượng khác, không nhất thiết là phải đuổi theo truy lùng bọn chúng, tôi thấy việt nam mình, sự liên kết phối hợp giữa các lực lượng còn hơi kém, hiện nay đứng tại các chốt trạm kiểm tra giao thông cũng có thêm lực lượng công an chuyên biệt để phối hợp cùng CSGT làm việc, như thế sẽ ngăn được phần nào những nguy hiểm đối với CSGT khi làm việc với những tài xế có số má.

    Trả lờiXóa
  13. mình không thể lấy các nước khác ra để so sánh với nước ta được vì điều kiện mỗi quốc gia là khác nhau, từ điều kiện kinh tế đến điều kiện khí hậu đến cả điều kiện về dáng người nữa, vì vậy mà có sự khác nhau về trang phục giữa các quốc gia. từ xưa đến nay, sắc xanh của cảnh phục đã là 1 đặc trưng của lực lượng cảnh sát việt nam vì vậy không thể thay đổi được, chỉ có điều là ta từng bước tăng cường thêm vũ khí trang bị cho lực lượng này hơn để chống lại với các loại tội pham ngày 1 nguy hiểm và có vũ khí nguy hiểm

    Trả lờiXóa
  14. Không nói thì không nghĩ đến, Trelang nói kể ra cũng đúng thôi.
    Bao năm nay mình vẫn cho rằng Việt Nam có nền chính trị ổn định mà CAND là lực lượng rất gần dân nên trang phục, trang bị cũng không nên quá hầm hố. Nhưng giờ cũng nên thay đổi thôi, mặc dù họ luôn sẵn sàng hi sinh mọi thứ để hoàn thành nhiệm vụ bảo về TQ, nhưng cũng cần phải cho lực lượng này nhiều quyền lợi hơn trước những ứng xử thiếu văn hóa của người vi phạm. Trước tình hình khủng bố tràn lan khắp thế giới như hiện nay, mình nghĩ nếu như 1 chiến sĩ Cảnh sát hay An ninh thấy 1 kẻ chuẩn bị hành vi đánh bom hay xả súng thì chắc chắn rằng chiến sĩ ấy không có phương tiện gì để tiêu diệt kẻ đánh bom kia, lúc ấy hậu quả rất thảm...

    Trả lờiXóa
  15. một bài viết sính ngoại và cổ súy cho Việt Nam phải theo nước này nước nọ. xin thưa, mỗi nước có mỗi trang phục riêng, éo phải theo thằng nào cả, bản lĩnh éo thấy đâu huống chí là bộ quần áo. ừ đúng là éo co súng dắt lưng đó, nhưng có ngon thì chọc giận công an xem, bà nội cha, tôi thách cái lão viết bài này làm việc đó đấy. có một chi tiết của bài viết này là "người nước ngoài không biết tin ai" vì trang phục của Công an Việt nam nhiều màu quá. cái đứa mà lúc bị nạn không biết kêu ai ý thì tốt nhất là dù có 1 màu thì nó cũng éo biết tin ai đâu ông ạ. đến Việt Nam thì phải tìm hiểu Việt Nam, những gì đang diễn ra là phục vụ nhân dân Việt Nam, còn đến mà gặp chuyện thì cứ lên đồn công an, không biết thì hỏi người dân. ngu đến mức không biết hỏi ai à, sao giờ ông còn đi bênh họ. lạy thánh so sánh!

    Trả lờiXóa
  16. Các chiến sĩ công an thường xuyên đối mặt với nhiều kiểu người khác nhau, nguy hiểm rình rập. vì thế đầu tư dụng cụ, trang thiết bị cho lực lượng vũ trang là điều cần thiết. Tuy nhiên, trong điều kiện hiện nay, nếu so sánh với các nước phương Tây thì điều này khập khiễng. bởi tình hình tội phạm ở nước ta không quá nguy hiểm như ở nước họ, hơn nữa, nếu đầu tư quá vào dụng cụ trang thiết bị thì lấy ngân sách ở đâu cho đủ? có khi nào xảy ra cuộc chạy đua mua sắm, sản xuất các phương tiện kia không?

    Trả lờiXóa
  17. Không thể lấy các nước khác ra để so sánh với nước ta được vì điều kiện mỗi quốc gia là khác nhau, từ điều kiện kinh tế đến điều kiện khí hậu đến cả điều kiện về con người. Do vậy mà có sự khác nhau về trang phục giữa các quốc gia. Sắc xanh của cảnh phục đã là 1 đặc trưng của lực lượng cảnh sát việt nam vì vậy không thể thay đổi được, chỉ có điều là ta từng bước tăng cường thêm vũ khí trang bị cho lực lượng này hơn để chống lại với các loại tội phạm ngày càng manh động.

    Trả lờiXóa

Tìm kiếm mở rộng

Google TreLang

Tre Làng

Thông kê truy cập

Lưu trữ Blog