Chia sẻ

Tre Làng

NHIỀU QUAN CHỨC ĐỒNG THÁP KHÔNG BIẾT...ĐÓNG DẤU

Đây là số liệu từ cuộc sát hạch trình độ, năng lực đội ngũ công chức xã, phường ở Đồng Tháp vừa được Sở Nội vụ tỉnh công bố cuối năm 2015.

Theo ông Trần Phước Hừng - trưởng phòng cải cách hành chính Sở Nội vụ tỉnh Đồng Tháp, đợt này Sở Nội vụ sát hạch 1.200 công chức thuộc năm chức danh trực tiếp giải quyết thủ tục hành chính tại UBND các xã, phường gồm: văn phòng - thống kê; địa chính - xây dựng - nông nghiệp và môi trường; tư pháp - hộ tịch; tài chính - kế toán và văn hóa - xã hội.

Rất nhiều công chức không trả lời được các câu hỏi về chuyên môn mà họ làm hằng ngày thì lấy gì đảm bảo họ hướng dẫn người dân đúng và thủ tục hành chính mà họ thực hiện là chính xác? - Ông TRẦN PHƯỚC HỪNG (trưởng phòng cải cách hành chính Sở Nội vụ tỉnh Đồng Tháp)

Mỗi công chức trả lời 30 câu hỏi trắc nghiệm (30 điểm), trong đó kiến thức chung về cải cách hành chính, tin học, soạn thảo văn bản chiếm 40%, còn 60% câu hỏi là kiến thức chuyên môn lĩnh vực mà người đó đang làm.

Các huyện Hồng Ngự, Thanh Bình và Cao Lãnh có tỉ lệ công chức đạt yêu cầu (từ 20 điểm trở lên) khá cao. Các địa phương còn lại có tỉ lệ đạt yêu cầu rất thấp. Trong đó TP Sa Đéc “đội sổ” khi có tới 49% công chức không đạt yêu cầu. Các huyện Châu Thành, Tam Nông, Tân Hồng, Lai Vung, Lấp Vò và TP Cao Lãnh có trên 20% công chức không đạt.

Tính chung toàn tỉnh có khoảng 20% công chức cấp xã không đạt yêu cầu, tức gần 240 người. Báo cáo của Sở Nội vụ Đồng Tháp đã thẳng thắn nhìn nhận: “Quá trình sát hạch chưa thật sự nghiêm túc, công chức còn trao đổi, sử dụng tài liệu nhiều.

Nhiều người làm bài kiểm tra mang tính đối phó, chưa thật sự nhìn nhận những hạn chế của bản thân để có biện pháp khắc phục”. Như vậy số lượng công chức chưa đạt yêu cầu có thể cao hơn 20%.

Ông Hừng kể nhiều công chức không trả lời được các câu hỏi về chuyên môn mà họ làm hằng ngày. Ông nêu ví dụ đề sát hạch công chức địa chính - xây dựng - nông nghiệp và môi trường hỏi: “Bãi bồi ven sông trên địa bàn xã, phường, thị trấn do cơ quan nào quản lý?” (đáp án: UBND cấp xã); “Thời gian cấp lại giấy phép xây dựng nhà ở nông thôn là bao nhiêu ngày làm việc?” (5 ngày)... nhưng rất nhiều người trả lời sai. Đề sát hạch công chức văn phòng - thống kê hỏi: “Trẻ em sinh ra sống được từ 24 giờ trở lên rồi mới chết thì cần đăng ký khai sinh hay không?” (phải đăng ký); “Theo quy định của Bộ Nội vụ thì dấu được đóng như thế nào?” (đóng ngay ngắn, rõ ràng, trùm lên 1/3 chữ ký về phía trước, mực dấu màu đỏ tươi)... nhưng số câu trả lời sai rất lớn.

TP Sa Đéc là nơi có tỉ lệ công chức rớt sát hạch cao nhất tỉnh Đồng Tháp. Ông Lê Ngọc Quang Hồng, chủ tịch UBND P.2 (TP Sa Đéc), nói ông rất bất ngờ khi nhận được thông báo kết quả có tới 5/9 công chức của phường không đạt gồm: 2 công chức địa chính - xây dựng, 2 công chức tư pháp - hộ tịch và công chức văn hóa - xã hội.

Ông nói: “Tôi quan sát công việc hằng ngày thấy họ làm rất tốt, nhưng không hiểu tại sao điểm sát hạch lại thấp như vậy. Cũng may là qua đợt sát hạch này mới biết anh em nào yếu cái gì để bồi dưỡng, học thêm”. Ông Nguyễn Văn Sơn (công chức tư pháp - hộ tịch) thừa nhận do trước đây làm cán bộ địa chính, mới chuyển sang làm lĩnh vực này chưa tới một năm nên kiến thức lĩnh vực còn hổng rất nhiều.

Còn ông Nguyễn Hữu Thiện (công chức địa chính - xây dựng) nói ông đã 55 tuổi, ngoài giờ làm việc phải lo toan chuyện gia đình nên hạn chế trong việc cập nhật kiến thức mới. Cả hai người đều xác nhận kết quả sát hạch phản ánh đúng thực tế.

Ông Nguyễn Văn Dương, chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, nói kết quả sát hạch cho thấy một tỉ lệ khá cao công chức chưa đạt yêu cầu về chuyên môn, nghiệp vụ. Theo ông Dương, điều này ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả hoạt động của bộ máy hành chính cấp xã.

Ông đã chỉ đạo các địa phương tổ chức kiểm điểm, rút kinh nghiệm đối với những người rớt sát hạch và làm bài chưa nghiêm túc, đồng thời sắp xếp, bố trí lại công việc cho phù hợp với năng lực, trình độ chuyên môn. UBND xã, phường, thị trấn lấy kết quả sát hạch này làm tiêu chí phân loại, đánh giá công chức hằng năm.

Còn theo Sở Nội vụ Đồng Tháp, việc sát hạch công chức phường, xã sẽ được tiến hành hai năm/lần. Những người không đạt cả hai lần sát hạch này sẽ bị sa thải.Theo Tuổi trẻ

10 nhận xét:

  1. Hoan hô cả hai tay luôn. Tỉnh Đồng Tháp dám công nhận thực trạng hiện nay của 1 số cán bộ công chức cơ quan hành chính, để từ đó đề ra hướng khắc phục. Thế nhưng ở những nơi khác thì sao nhỉ????? Có dám làm thẳng tay trong vấn đề sát hạch kiến thức để bố trí công tác, hoặc tinh giản biên chế như Nghị định 108 của Chính phủ không?????

    Trả lờiXóa
  2. Tôi tin kết quả sát hạch này là đúng. Phải công nhận UBND tỉnh Đồng Tháp dũng cảm cho làm việc này và đặc biệt là cho công bố kết quả. Nhưng vì sao công chức từ bấy lâu nay làm những việc mình làm hàng ngày mà... không biết đúng sai. Tôi cho rằng những người rớt sát hạch kỳ này có phần chủ quan, luôn cho mình là chủ, là người ban phát, và do đó không cần học hỏi, trau dồi.

    Trả lờiXóa
  3. Hoan hô tỉnh Đồng Tháp có lãnh đạo biết và dám bứt phá; chỉ như vậy đội ngũ công chức mới chịu học, chịu làm, không phải vô biên chế nhà nước để chỉ sánh cắp ô đi chiều cắp về; chờ đợi cơ hội thăng quan tiến chức, thậm chí tìm cách hành dân. Các tỉnh thành khác nên học tập Đồng Tháp, tổ chức sát hạch cho cả cán bộ, công chức cấp tỉnh, huyện 2 năm một lần để loại bỏ những công chức yếu kém.

    Trả lờiXóa
  4. Việc Đồng Tháp thẳng thắn nhìn nhận, thẳng thắn sát hạch, chấp nhận kết quả không tốt, không sợ phơi bày cái xấu, không bưng bít thông tin để chỉnh sửa mình, đây là điều hết sức hoan nghênh. Mong rằng Uỷ ban nhân dân tỉnh Đồng Tháp sẽ tổ chức các cuộc sát hạch liên tục và đảm bảo tính công bằng để kết quả kiểm tra được khách quan, trung thực.

    Trả lờiXóa
  5. Lương công chức xã có được nhiều nhặn gì đâu cho nên chuyên môn không cao vì năng lực của họ cũng không cao. Có ai lên Sài Gòn học mà sau đó chịu về làng xã làm công chức đâu vì trình độ Đại học làm công chức huyện thì lương có hơn 2tr/ tháng thôi. Thế nên qua đây cũng mong sẽ có những lớp đào tạo, huấn luyện công chức cấp xã ngắn hạn để đảm bảo họ có thể tự xử lý được những công việc cơ bản.

    Trả lờiXóa
  6. Việc Đồng Tháp thẳng thắn nhìn nhận, thẳng thắn sát hạch, chấp nhận kết quả không tốt, không sợ phơi bày cái xấu, không bưng bít thông tin để chỉnh sửa mình, đây là điều hết sức hoan nghênh. Không chỉ riêng Đồng Tháp mà chắc chắn còn rất rất nhiều những công chức thuộc các tỉnh khác cũng Nhiều quan chức nắm vững ba không: "Không biết (chuyên môn), không hiểu (luật pháp) và không quan tâm (nhân dân)!".

    Trả lờiXóa
  7. Cán bộ yếu kém thì làm sao phục vụ nhân dân cho tốt. Cần thay đổi, để những người có năng lực thật sự người ta làm, tránh trường hợp ô dù, mua chức. Người khổ vẫn là dân đen. Tỉnh Đồng Tháp dám công nhận thực trạng hiện nay của 1 số cán bộ công chức cơ quan hành chính, để từ đó đề ra hướng khắc phục đó là một việc nên làm và rất đáng tuyên dương. Hy vọng rằng sau cuộc sát hạch này sẽ không còn tình trạng nhiều quan chức không biết đóng dấu như hiện nay.

    Trả lờiXóa
  8. Đúng là phải sát hạch cán bộ như Đồng Tháp thì mới biết trình độ cán bộ quản lí cảu mình như thế nào? Như thế mới có thể cho nhiều vị ngồi chơi xơi nước hàng ngày về vườn.

    Trả lờiXóa
  9. Các tỉnh nên học tập tỉnh Đồng Thấp, cần sát hạch lại các cán bộ của mình để điều chuyển nhiệm vụ hợp lí với trình độ của họ hơn.

    Trả lờiXóa
  10. Việc nhận ra đúng tình hình và năng lực của cán bộ sẽ giúp chúng ta có cách khắc phục những yếu kém và để nâng cao chất lượng cán bộ trong các cơ quan của chúng ta thì chúng ta cần có những biện pháp và kế hoạch bồi dưỡng giáo dục cho những cán bộ để nâng cao trình độ của họ.

    Trả lờiXóa

Tìm kiếm mở rộng

Google TreLang

Tre Làng

Thông kê truy cập

Lưu trữ Blog