Chia sẻ

Tre Làng

THẤT BẠI KHI MỘT DÂN TỘC PHẢI DỰA DẪM THÁNH THẦN MÀ ĐI

TS Nguyễn Minh Hòa, ĐH KHXH&NV TP.HCM

Cái sảy nảy cái ung, nếu không cẩn thận, hệ quả của các lễ hội không chỉ dừng lại ở sự nhốn nháo mà còn có nguy cơ đẩy dân tộc đến chỗ yếu đuối, tự ti và bạc nhược.

Ngày tế, lễ với công dân nhiều quốc gia có văn hóa gần gũi với chúng ta như Nhật, Hàn Quốc, Đài Loan, Singapore… diễn ra thật thanh bình và giản dị. Vào lúc giao thừa, người Đài Loan, Nhật Bản cùng nhau quây quần trong nhà. Sáng sớm, họ tới chùa đánh chuông, cầu mong sự tốt đẹp cho đất nước và người thân. Mọi sự diễn ra thật bình dị, ấm áp và sang trọng. Họ tin vào những gì họ có và tin vào ngày mai, cho dù Nhật là quốc gia nằm ở chỗ vỏ Trái đất yếu nhất, chịu rủi ro cao nhất nhưng phong thái của họ toát lên một vẻ ung dung tự tại.

Dòng người đông nghẹt tham dự lễ hội khai ấn đền Trần ở Nam Định vào ngày 4-3-2015 (tức ngày 14 tháng Giêng năm Ất Mùi). 

Lễ hội là tấm gương phản chiếu thái độ sống của một dân tộc. Cứ đến ngày tết và các lễ sau tết, ngày thi cử thì cả đất nước ta sôi lên sùng sục. Mọi người đổ đến chùa chiền, miếu mạo để cầu xin sự phù hộ của thánh thần. 

Có rất nhiều người đi hàng chục ngôi chùa, rủ nhau trở thành hội đi chùa, tạo ra một mùa hành hương. Trong số đó có không ít quan chức nhà nước đi miếu, chùa bằng xe biển số xanh, nhất là các bà vợ của họ. Họ dâng sớ cầu xin đủ thứ trên đời, nào cầu an, cầu lộc, cầu tài, cầu tình, cầu duyên, cầu tự và cả những thứ “độc địa” khác nữa. Hàng triệu con người bỏ thời gian đi tới những nơi được coi là linh thiêng với thái độ hối hả, lo lắng, sợ sệt, tự ti chen lẫn khoe mẽ. Nhiều tỉ đồng tan thành mây khói nuôi dưỡng cho niềm tin mơ hồ nhưng rất mãnh liệt. 

Lễ hội ở các nơi trên thế giới có thể đông nhưng bát nháo như ở ta thì cực hiếm. Chúng đan xen rất nhiều thái cực và nhiều tâm thế. Ngoài ái, ố, hỉ, nộ ra thì còn biết bao nhiêu chuyện bi hài khác diễn ra trong lễ hội. Người hoan hỉ khi cướp được lộc thánh, người đau khổ vì cầu chưa xong đã mất tài sản, kể cả mất mạng.

Giá như mọi người biết rằng “lộc thánh” như miếng vải có ấn triện đỏ đỏ, hoa tre là bùi nhùi ở đầu thanh tre, tiền của chúa là những miếng giấy bản được in mệnh giá thủ công,… nào đâu phải của “thánh”, của “chúa” mà chỉ là do một ai đó người trần mắt thịt tạo ra. Rất có thể trong số họ chả thiếu người bất hảo đã hà hơi thêu dệt nên ảo ảnh, được những người có thế lực tiếp tay đẩy lên thành thứ “thiêng”.

Hối hả, giành giật, chen chúc, xô xát, chặt chém, lừa lọc, chửi bới, hối hận, cay cú, máu me,… là trạng thái tâm thần của lễ hội chúng ta. Từ “phụ mẫu của dân” đến tất cả con dân của một đất nước phải vin vào thánh thần mà đi tới tương lai thì quả thật đất nước đang có vấn đề, vượt ra khỏi tâm linh trong sáng mà chuyển sang một trạng thái cực đoan khác. Không thể kéo dài tình trạng này được nữa, những người có trách nhiệm cần phải có nhận thức đúng, phải có thái độ đúng và hành xử đúng.

Bác Hồ nói một quốc gia dốt là một quốc gia yếu, mà u mê là một biểu hiện của dốt nát. Một dân tộc dựa dẫm thánh thần không thể nào là một dân tộc mạnh khỏe.

13 nhận xét:

  1. Đi lễ đầu xuân cầu cho một năm mới an khang thịnh vượng, ấm no, hạnh phúc là một nét đẹp văn hóa của dân tộc ta từ bao đời nay. Đi lễ chùa phải lấy cái tâm của mình, một lòng hướng về Phật chứ không thể đi chùa chỉ để cầu danh như kiểu mua bán như vậy được, Đó lại trở thành văn hóa rất không đẹp mắt, ảnh hưởng đến cả nét trang nghiêm của đền chùa

    Trả lờiXóa
  2. Từ chỗ một nét đẹp văn hóa mang tính chất tín ngưỡng thì việc làm dụng, quá cuồng tín, xa hoa lãng phí tiền của một cách thái quá, dẫn đến việc ỷ lại, lười biếng dựa dẫm vào thần thánh thì không chắp nhận được. Anh em có câu "chơi" hay thì mới gặp may, "chơi" hay đi rồi hẵng cầu may.

    Trả lờiXóa
  3. lễ hội, lễ chùa là một nét đẹp văn hóa không chỉ của riêng việt nam mà nó là của toàn nhân loại. nhưng mà hiện nay nó đã bị lạm dụng quá mức, không đúng với ý nghĩa thực sự của nó. đi lễ chùa,lễ hội mà Hối hả, giành giật, chen chúc, xô xát, chặt chém, lừa lọc, chửi bới, hối hận, cay cú, máu me,… thì đó còn gì là nét đẹp nữa? sự phụ thuộc vào thánh thần như vậy chỉ làm chi con người yếu đuối mà thôi

    Trả lờiXóa
  4. "Lễ hội là tấm gương phản chiếu thái độ sống của một dân tộc." Điều này tác giả nói hoàn toàn đúng. Lễ hội chính là bản sắc, là văn hóa đặc trưng riêng của mỗi quốc gia dân tộc. Những năm gần đây, nước ta xuất hiện nhiều biến thể xấu xí của các Lễ hội, dù với quy mô nào, mức độ nào thì những người tham gia vào các Lễ hội ấy đều đang biến nó trở thành những "thảm họa" văn hóa. Chẳng nói quá khi mà những lễ hội lớn như Khai ấn đền Trần, lễ hội chùa Hương, lễ hội Đền Sòng...luôn có đội ngũ y bác sĩ và xe cứu thương túc trực để đợi người ngất xỉu là lao vào cấp cứu, đưa đi bệnh viện, đi hội mà như đánh trận, chen lấn, xô đấy, đấu đá, đánh đập, bon chen, chửi bới...Tóm lại một từ là Loạn! Nếu không sớm chấm dứt tình trạng văn hóa biến thể này thì đến đời con đời cháu chúng ta cũng sẽ tiếp tục đi theo vết xe bẩn đó rồi Việt Nam sẽ trở thành một đất nước "yếu" lúc nào không hay!

    Trả lờiXóa
  5. Đúng ra đi chùa đi đền là dịp để tâm hồn con người được thanh thản. Ngày xưa các cụ đi chùa cầu sức khỏe, bình an cho gia đình còn ngày nay toàn cầu tiền tài rồi cả những cái vớ vẩn như cầu tham nhũng, buôn lậu không bị bắt, đánh bạc gặp vận may .... Lố lăng hết sức

    Trả lờiXóa
  6. Phú quý sinh lễ nghĩa, khi cuộc sống có phần no đủ về vật chất thì con người ta tìm đến những thứ già đó có phần tâm linh. Tuy nhiên, hiện nay ở nước ta còn có những lễ hội mà người dân cuồn tín quá mức, điều này là không tốt cho văn hóa, xã hội lẫn kinh tế. Với vai trò định hướng xã hội, Nhà nước cần có những biện pháp tuyên truyền, hướng dẫn người dân thực hiện nếp sống văn minh, kể cả vấn đề tín ngưỡng, tâm linh, tôn giáo. Cùng với đó cần có các biện pháp hành chính quản lý việc tổ chức các lễ hội, tránh tình trạng lợi dụng tổ chức lễ hội để trục lợi, gây phản cảm, tốn kém về kinh tế. Mỗi người dân cũng cần có ý thức khi tham gia vào các lễ hội, thể hiện văn hóa trong hoạt động tâm linh. Có như vậy, mỗi lễ hội mới trở thành một buổi lễ, một ngày hội đúng nghĩa.

    Trả lờiXóa
  7. qua những hình ảnh thế này tôi thấy đất nước chúng ta đang yếu đuối rất nhiều, không còn cái vẻ hùng hồn oai phong như những năm trước đây. dân chúng dựa dẫm qua nhiều vào thần linh, hết các hội này, lễ này, hết các sự kiện này khác đều cầu xin lễ hội linh đình, mà lại không cảm thấy tự tin ở chính bản thân mình. khi mà tâm linh lớn mạnh trong mỗi người thì phần tự ý thức về khả năng con người sẽ bị suy giảm đi rất nhiều, chúng ta nên xem lại đất nước ta 1 lần nữa, 1 lần cụ thể nhất để không đánh mất đi khí thế đất nước

    Trả lờiXóa
  8. tín ngưỡng tâm linh ở nước ta từ bao đời nay được lưu giữ và phát triển nó đã trở thành nét văn hóa không thể thiếu của mỗi người dân đất Việt, bài viết này đã phân tích cho chúng ta thấy rõ hơn những sự biến tướng, lệch lạc trong thờ cúng hiện nay, những hình ảnh như kể trên giờ không phải là hiếm và cũng không phải là không được nhắc đến, câu hỏi đặt ra là do đâu mà mọi người lại như vậy và làm cách làm để thay đổi được suy nghĩ của người dân cũng như thay đổi được ý thức của người dân, tôi xin dành phần trả lời lại cho những người có trách nhiệm, cá nhân tôi thì tôi nghĩ không ai hiểu mình hơn chính mình cả, mọi sự thay đổi đều do chính chúng ta mà ra, mong mọi người suy nghĩ.

    Trả lờiXóa
  9. Đầu năm mới đi chùa chiền lễ hội mà còn hơn đi đánh trận, cướp lọc rồi xo kéo nhau đủ cả, rồi thêm các tệ nạn trộm cắp móc túi. Vàng mã hương khói thì đốt nghi ngút. Thật hết nói nổi luôn.

    Trả lờiXóa
  10. Tín ngưỡng văn hóa tâm linh trong mỗi người là một nét đẹp. Tuy nhiên hiện nay việc đó đã bị biến trướng đi rất nhiều, các lễ hội đầu năm hay các chùa chiền hiện nay mọi người đi như là lấy thành tích, chứ không phải tham quan, tĩnh tâm ở cửa phật nữa. Một sự bát nháo hòa trộn.

    Trả lờiXóa
  11. tín ngưỡng tôn giáo là một nét đẹp văn hóa nhưng khi nó trở thành cuồng tín ,mê tín dị đoan thì lại là một chuyện khác.Một dân tộc không thể chỉ biết dựa dẫm vào thần thánh mà quên đi khả năng của chính bản thân mình sự phấn đấu của mỗi cá nhân để xây dựng xã hội này được.Vì vậy mọi người nên nhận lại bản thân nhìn nhận lại niềm tin của mình xem đã đặt đúng chỗ và đúng mực chưa để không bị rơi vào mê hoặc bởi những thứ không có thật.

    Trả lờiXóa
  12. Mỗi dịp đầu năm là đất nước ta có rất nhiều các lễ hội lớn nhỏ và có rất nhiều người dân tham gia nhưng thái độ của người dân tham gia các lễ hội này lại không tốt làm ảnh hưởng đến hình ảnh đất nước ta vì thế chúng ta khi tham gia lễ hội cần có thái độ đúng đắn chuẩn mực.

    Trả lờiXóa
  13. Thời nhỏ tôi rất thích đi chùa, xem lễ hội, còn bây giờ thấy lễ hội tâm linh biến tướng nhiều quá nên chán đâm ra thấy không hài lòng với kiểu mê tín mù quáng này! bài viết của tg cho ta thấy một hiện tượng đáng suy nghĩ...

    Trả lờiXóa

Tìm kiếm mở rộng

Google TreLang

Tre Làng

Thông kê truy cập

Lưu trữ Blog