Chia sẻ

Tre Làng

Thông tư liên tịch số 27: TỪ NAY, CÁC NHÀ KHOA HỌC KHÔNG CÒN PHẢI NÓI DỐI NỮA!

Thông tư liên tịch số 27 về khoán chi trong các dự án nghiên cứu khoa học sử dụng ngân sách Nhà nước được Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Quân và Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng ký kết có hiệu lực kể từ ngày 15/02/2016.

Theo Thông tư này, Nhà nước chỉ đặt hàng ban đầu và tập trung vào nghiệm thu chất lượng kết quả cuối cùng.

Cơ chế này sẽ áp dụng với những sản phẩm đã có tên cụ thể, có chỉ tiêu chất lượng rõ ràng, có số lượng quy mô sản phẩm tạo ra và địa chỉ ứng dụng và sản phẩm nghiên cứu khoa học chỉ được nghiệm thu khi đáp ứng đủ các tiêu chí này.

Trao đổi trong chương trình Vấn đề hôm nay trên VTV1 tối 15/2, TS. Nguyễn Hồng Phương đến từ Viện Vật lý địa cầu đã đánh giá Thông tư 27 là cuộc cách mạng đối với các nhà nghiên cứu khoa học: “Với tư cách cá nhân, tôi rất hoan nghênh thông tư này trong việc làm đề tài nghiên cứu khoa học. Các chủ đề tài, cán bộ tham gia đề tài sẽ được tự do và có môi trường thông thoáng từ đầu đến cuối trong cơ chế mới”.

Nếu như cơ chế tài chính trước đây khiến các nhà khoa học phải mất rất nhiều thời gian cho việc làm hóa đơn, chứng từ thì nay họ chỉ cần nộp kết quả cuối cùng đáp ứng đủ các tiêu chí, yêu cầu của đề tài thì toàn bộ dự án sẽ được nghiệm thu. Như cách nói của Bộ trưởng Nguyễn Quân: "Từ nay, các nhà khoa học không còn phải nói dối nữa".

TS. Nguyễn Hồng Phương cũng chia sẻ nỗi khổ của các nhà khoa học trong cơ chế cũ: “Trước đây, mỗi nhà khoa học được khoán một số tiền và phải nghĩ ra số đề tài để đủ với số tiền được cấp. Như vậy, có những chuyên đề tốn nhiều công sức nhưng có những chuyên đề không làm vẫn phải nghĩ ra để trang trải tổng kinh phí. Đây cũng là điều khiến chúng tôi đau đầu và mất nhiều thời gian nhất. Bây giờ thì chúng tôi đã thoải mái tập trung làm việc mình yêu thích là làm khoa học”.

Hiện có khoảng 3.500 tỷ đồng đầu tư cho các đề tài nghiên cứu khoa học mỗi năm trong khi chỉ có khoảng 10% các kết quả nghiên cứu được ứng dụng vào sản xuất, kinh doanh.

Theo Thông tư 27, các nhà khoa học có thể phải hoàn trả từ 40 - 100% kinh phí nếu không cho ra sản phẩm như cam kết. Đây được coi là biện pháp mạnh để hạn chế tình trạng đề tài lãng phí bỏ ngăn kéo như thời gian qua.

Theo TS. Nguyễn Hồng Phương, các nhà khoa học sẽ phải có chuyên môn cao và chịu trách nhiệm với công việc. Những nhà khoa học có tâm luôn mong muốn nghiên cứu của mình được đưa vào thực tiễn, còn trong cơ chế “dĩ hòa vi quý”, những kiến nghị thiết thực nhất cũng nhiều khi bị "bỏ xó".

Hy vọng giảm bớt "đề tài bỏ ngăn kéo theo theo nghĩa xấu"

Trả lời trên báo Tiền Phong, Bộ trưởng Bộ KH-CN Nguyễn Quân cho biết với Thông tư về cơ chế khoán chi đến sản phẩm cuối cùng với các đề tài nghiên cứu dùng ngân sách Nhà nước, Bộ sẽ siết chặt sản phẩm đầu ra. Nếu sản phẩm không đạt yêu cầu, dứt khoát là không được thanh quyết toán.

Khác với trước đây, các giáo sư tiến sĩ, cán bộ nghiên cứu thấy vấn đề hay có thể làm được thì đề xuất, làm xong nghiệm thu, ứng dụng ở đâu không ai trả lời được thì nay thay đổi bằng cơ chế đặt hàng. Ai có ý tưởng đều được đề xuất nhưng nghiên cứu chỉ được thực hiện khi có một cơ quan bảo lãnh sử dụng sản phẩm sau nghiên cứu. Đơn vị bảo lãnh phải là bộ, ngành hoặc ủy ban nhân dân các tỉnh Không có chuyện giao xong lại bảo không có tiền đầu tư, ứng dụng.

Bộ trưởng hy vọng "sẽ giảm bớt số đề tài bỏ ngăn kéo theo nghĩa xấu".

Theo VTV

5 nhận xét:

  1. rất hay rất thực tế, thông tự số 27 lần này được ban hành có ý nghĩa rất lớn trong ngành khoa học và công nghệ, chúng ta có thể dễ dàng nhận thấy những mặt tốt mà nó đem lại như tạo sự thoải mái cho những nhà nghiên cứu thoải mái nghiên cứu đề tài mình theo đuổi, hạn chế những đề tài thiếu tính thực tiễn không thực hiện được, tạo điều kiện cho những người có tâm đưa được những thành quả nghiên cứu vào trong thực tế, điều đó đặc biệt có lợi đối với sự phát triển của nước ta

    Trả lờiXóa
  2. Với thông tư này nghiên cứu khoa học nước nhà sẽ có cơ hội nhiều hơn. Các nha nghiên cứu sẽ chủ động về tài chính, ngân sách cũng giảm khoản chi cho những đề tài xếp ngắn kéo, dành tiền cho những đề tài có ích

    Trả lờiXóa
  3. Thông tư mới như một niềm hy vọng mơi cho các nhà khoa học.Việc thay đổi quá trình nghiệm thu, thay đổi bằng cơ chế đặt hàng. Ai có ý tưởng đều được đề xuất nhưng nghiên cứu chỉ được thực hiện khi có một cơ quan bảo lãnh sử dụng sản phẩm sau nghiên cứu. Đơn vị bảo lãnh phải là bộ, ngành hoặc ủy ban nhân dân các tỉnh Không có chuyện giao xong lại bảo không có tiền đầu tư, ứng dụng. Thế này thì tha hồ cho ra các đề tài hữu ích cho tổ quốc

    Trả lờiXóa
  4. Chủ trương, chính sách của nước ta vẫn luôn cố gắng thay đổi nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho nghiên cứu, phát triển khoa học kĩ thuật trong nước. Tiếc rằng nhiều người tài năng, đặc biệt là được nhà nước tạo điều kiện đi học ở nước ngoài nhưng sau đó lại không về Việt Nam trau rồi, đóng góp ý kiến xây dựng phát triển và cống hiến cho đất nước...

    Trả lờiXóa
  5. Tôi thấy Thông Tư só 27 rất hay vì như thế các nhà khoa học sẽ chủ động hơn và chịu trách nhiệm về những công trình nghiên cứu khoa học của mình như thế thì chất lượng các công trình nghiên cứu khoa học sẽ được nâng lên và ứng dụng tốt trong cuộc sống và sẽ giúp đất nước ta phát triển hơn.

    Trả lờiXóa

Tìm kiếm mở rộng

Google TreLang

Tre Làng

Thông kê truy cập

Lưu trữ Blog