Chia sẻ

Tre Làng

KHÔNG NÊN CỔ XÚY CÁCH PHẠT "LẠ" CỦA CẢNH SÁT GIAO THÔNG ĐÀ NẴNG

LâmTrực@

Cái lý và cái tình mà lẫn lộn sẽ tạo nên tiền lệ xấu và là nguyên nhân dẫn đên hỗn loạn trong tương lai. Một xã hội văn minh, trước tiên phải thể hiện ở việc thượng tôn luật pháp.

Báo chí đăng bài "Đi ngược chiều, cô gái nhận cách phạt 'lạ' từ CSGT Đà Nẵng", nội dung mô tả hai cô gái đi xe máy vào đường ngược chiều, thay vì bị phạt theo luật, cô được CSGT Đà Nẵng phạt bằng cách cho chép lại 50 lần dòng chữ: "Tôi hứa từ nay sẽ không đi ngược chiều nữa".

Đọc bài viết, có vẻ như cả phóng viên và Tòa soạn đều hả hê vui sướng vì hình phạt lạ này. Họ coi đó là hành động nhân văn của CSGT Đà Nẵng và khuyến khích các địa phương khác học tập.

Người viết cho rằng, đó là cách làm sai, tùy tiện của CSGT Đà Nẵng và cách "thực thi nhiệm vụ" của báo chí trong nỗ lực tuyên truyền, phổ biến luật pháp như vậy cũng sai. Luật pháp cần được nhận thức và thực thi nghiêm túc chứ không thể lấy "cái tình" để thay thế.

Trước hết, hành vi của 2 cô gái mà báo nêu là vi phạm luật giao thông đường bộ. Căn cứ vào Điểm i, Khoản 4, Điều 6 Nghị định số 171/2013/NĐ-CP ngày 13/11/2013 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt, cô sẽ bị phạt tiền từ 200.000 đồng đến 400.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:
"i. Đi vào đường cấm, khu vực cấm; đi ngược chiều của đường một chiều, đường có biển “Cấm đi ngược chiều”. Luật pháp đã quy định rõ, CSGT không xử phạt là sai. Hành vi này của CSGT Đà Nẵng lẽ ra phải bị lên án chứ không nên khuyến khích như góc nhìn của báo chí.

Thứ hai, mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật về quyền và nghĩa vụ, về trách nhiệm pháp lý. Có nghĩa là, bất kỳ công dân nào vi phạm pháp luật đều phải chịu trách nhiệm về hành vi vi phạm của mình và phải bị xử lý theo quy định của pháp luật, Ở đây hành vi vi phạm pháp luật của cô gai cần bị xử phạt theo quy định của pháp luật chứ không phải xử phạt theo ý thích của CSGT hay ai đó ở Đà Nẵng. 

Điều gì sẽ xảy ra nếu như một cô gái đi vào đường ngược chiều ở ở Hà Nội thì bị phạt 200 000, trong khi cô gái ở Đà Nẵng lại chỉ phải chép lại một lời hứa?

Còn nữa, sự bình đẳng trước pháp luật còn được thể hiện ở trách nhiệm của nhà nước trong việc đảm bảo quyền bình đẳng của công dân trước pháp luật, mà ở đây là đảm bảo sự công bằng trong việc chấp hành các quy định của pháp luật cũng như không được tước đi nghĩa vụ của họ. Nếu làm như CSGT Đà Nẵng thì đồng nghĩa với việc tước đi nghĩa vụ chấp hành pháp luật của công dân. Dĩ nhiên, hành vi này của CSGT là đáng lên án thay vì ngợi ca cổ xúy.

Người viết cũng nhớ lại câu chuyện hồi năm ngoái, có vị khách du lịch từ địa phương khác vào Đà Nẵng và lái xe vào đường ngược chiều. Hành vi này bị CSGT phát hiện, nhưng thay vì phạt, họ hướng dẫn khách du lịch quay lại đi đúng đường rất tận tình. Tờ báo đưa câu chuyện viết rằng, CSGT làm như vậy là rất đáng khen, như thế là lịch sự, và như thế là nhân văn đậm chất Đà Nẵng. Tờ này còn dẫn thêm rằng, sở dĩ CSGT làm như vậy vì có sự chỉ đạo của một vị lãnh đạo trẻ của Thành phố. Xin nói thẳng, cách làm đó không có gì hay ho mà là hành vi vi phạm luật pháp. Sự chỉ đạo của vị lãnh đạo Thành phố Đà Nẵng nếu có cũng là chà đạp lên luật pháp để vuốt ve người dân thiếu hiểu biết, và để đánh bóng hình ảnh Đà Nẵng.

Bài báo "Đi ngược chiều, cô gái nhận cách phạt 'lạ' từ CSGT Đà Nẵng" thể hiện cách nhìn thiển cận của cả phóng viên và Ban biên tập và vô tình hay hữu ý đã cổ xúy cho việc làm vi phạm pháp luật của cả CSGT lẫn những người tham gia giao thông.

34 nhận xét:

  1. Nếu cảnh sát giao thông ở đâu cũng làm như vậy thì còn gì tính nghiêm minh của pháp luật nữa, luật nhà nước ban ra chỉ còn là hình thức, không được đảm bảo thực thi thì còn ai sợ mà tuân thủ chữ. Vẫn biết trong áp dụng luật cần có chữ tình những người thi hành luật pháp cần giải quyết tốt yếu tố "tình" và "lý" không thế chỉ vì tình mà quên mất lý được

    Trả lờiXóa
  2. Dù hành động xử phạt trên có hơi "lạ" cũng như không đúng theo pháp luật quy định, tuy nhiên, theo ý kiến của cán nhân tôi thì hành động như vậy không nên cổ súy cho nó nhưng cũng không thể lên án nó như một hành động sai trái được, bởi luật pháp đôi khi cũng phải linh hoạt chứ.

    Trả lờiXóa
  3. Về tình thì cách phạt này cũng đúng và có thể thu phục lòng người nhưng về lý thì nó sai bởi mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật nên phạt người này mà không phạt người khác sẽ không công bằng. Mà nếu làm vậy sau này nhiều người cũng sẽ làm theo, sẽ không tôn trọng pháp luật nữa. Mà anh giao thông có dám chắc rằng phạt vậy sai này họ sẽ không vi phạm nữa hay không?

    Trả lờiXóa
  4. Tất cả mọi người đều bình đẳng trước pháp luật. Mọi hành vi vi phạm pháp luật cần được xử lý nghiêm minh theo pháp luật. Ở đây, cô gái vi phạm Luật thì cần phải được xử lý theo pháp luật đã quy định.
    Để cho cô gái tự viết 50 lần như vậy là không đúng luật. Chúng ta cần có những chương trình hành động tuyên truyền tại nơi ở, làm việc, học tập để mọi người cùng tôn trọng và tuân thủ pháp luật.

    Trả lờiXóa
  5. Nặc danh20:16 3/4/16

    Chỉ có một bài này viết khách quan và đúng luật của tre làng mà một blogger gọi là Karaoke

    Trả lờiXóa
  6. Cách xử lý vi phạm giao thông cảu CSGT Đà Nẵng trong trường hợp này là sai. Nếu hành động này được tung hô, cổ súy thì về lâu dài sẽ gây ra tâm lý coi thường luật pháp cho người dân. Vì thế đây là hành động đáng lên án chứ không phải hành động đáng được khích lệ như một số báo chí đã đưa tin

    Trả lờiXóa
  7. Blue sky20:28 3/4/16

    Mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật về quyền và nghĩa vụ, về trách nhiệm pháp lý. Thế nên bất kỳ ai vi phạm luật pháp thì đều phải bị xử lý theo đúng luật định, đúng người đúng tội. Không thể có chuyện ở địa phương này, người vi phạm bị xử lý hành chính trong khi ở địa phương khác lại chỉ bị bắt chép phạt. Điều này gây ra tâm lý bất bình trong lòng người dân, khiến việc đưa pháp luật vào áp dụng trong cuộc sống sẽ trở nên khó khăn hơn

    Trả lờiXóa
  8. Bangtuyet nhietdoi20:35 3/4/16

    Sự việc trên nếu nói theo tình thì là sự nhân nhượng của cảnh sát Đà Nẵng với người vi phạm để họ rút kinh nghiệm nhưng xét về cái lý thì lại là sự không tôn trọng luật của CSGT Đà Nẵng. Nhưng dù thế nào thì mọi chuyện vẫn cần phải xử lý theo đúng cái lý của nó, không thể mang tình cảm cá nhân vào công việc được. Còn tờ báo viết bài ca ngợi cổ vũ hành động này thì chỉ là một cái nhìn thiển cận của cả phóng viên và Ban biên tập mà thôi

    Trả lờiXóa
  9. Hungyen363621:38 3/4/16

    Cách xử phạt của CSGT Đà Nẵng về lý là sai hoàn toàn, mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật, đã sai phạm thì phải chịu trách nhiệm như nhau, cách xử lý trên là sai luật, không hiểu sao cánh báo chí lại cổ súy cho kiểu xử phạt trên

    Trả lờiXóa
  10. Hoabinh03020021:41 3/4/16

    Pháp luật của Việt Nam thì phải được thực thi nghiêm minh tại khắp mọi nơi, không phân biệt địa phương, vùng miền và đối tượng. Tại sao lực lượng CSGT Đà Nẵng lại tự cho mình quyền xử phạt không theo luật, lại thêm cánh báo chí nhao nhao viết bài cổ vũ, không phân biệt đúng sai

    Trả lờiXóa
  11. Hoabinh023421:43 3/4/16

    Cách xử phạt lạ của CSGT Đà Nẵng, nếu xét về tình thì hợp lý vì có thể nhắc nhở người vi phạm, nhưng xét về lý thì là sai luật, pháp luật là bình đẳng với tất cả mọi người, không thể với người này thì tha, người kia thì phạt tiền giữ xe được

    Trả lờiXóa
  12. Thaibinh02340021:47 3/4/16

    Theo tôi thì những hành động này không nên được cổ súy, đã vi phạm thì phải bị xử lý theo đúng luật, đó mới là công bằng, nghiêm minh, không nên lẫn lộn giữa cái lý và cái tình, nếu không dễ tạo ra tiền lệ xấu, một xã hội chỉ đảm bảo trật tự khi pháp luật được thực thi nghiêm minh

    Trả lờiXóa
  13. Một xã hội văn minh là một xã hội mà mọi người sống và làm việc theo pháp luật, theo các tiêu chuẩn đạo đức của xã hội. Nói về vụ việc thì cách xử phạt của anh CSGT Đà Nẵng về tình có chút nhân nhượng đối với cô gái nhưng nêu về lí thì cách làm của anh này sai qui định của pháp luật. Nếu ai vi phạm giao thông mà cũng chỉ bắt chép phạt thì sẽ dẫn đến nhiều đối tượng coi thường pháp luật. Từ đó ảnh hưởng xấu đến xã hội.

    Trả lờiXóa
  14. Thaibinhquetoi23421:50 3/4/16

    Mong rằng các vị lãnh đạo nên có những chấn chỉnh kịp thời với chính quyền Đà Nẵng nói chung và lực lượng CSGT Đà Nẵng nói riêng, pháp luật phải được thực thi nghiêm chỉnh trên khắp mọi nơi trên đất nước Việt Nam, không thể có địa phương tự cho mình quyền phá lệ, xử lý người vi phạm theo kiểu riêng, khác biệt được

    Trả lờiXóa
  15. Hagiang83621:52 3/4/16

    Cùng một hành vi vi phạm luật giao thông, nếu ở Hà Nội và Đà Nẵng xử lý khác nhau, như vậy đâu còn tính nghiêm minh của pháp luật được, không hiểu chính quyền Đà Nẵng căn cứ vào đâu mà tự cho mình quyền hành xử theo "lối địa phương" như vậy, lại thêm cánh báo chí cổ súy cho cái sai nữa, thật không chấp nhận được

    Trả lờiXóa
  16. Bacgiang19021:56 3/4/16

    Một xã hội phát triển, văn minh là mọi người phải sống và làm việc theo đúng pháp luật. Pháp luật phải được thực thi một cách nghiêm minh ở khắp mọi nơi trên cả nước, không thể có chuyện Đà Nẵng tự cho mình xử lý người vi phạm theo một kiểu riêng, không tuân thủ theo pháp luật được

    Trả lờiXóa
  17. Về tình thì đây có thể là cách làm nhân văn và cũng đủ để hai cô gái phải nhớ đời lần sau không vi phạm lại nữa. Nhưng về luật pháp thì e cách làm này chưa được đúng luật lắm. Một lần giải quyết như vậy thì các tài xế khác khi vi phạm cũng đòi được xử nhẹ thế này thì lúc đó csgt phải làm sao

    Trả lờiXóa
  18. Nếu như chép lại 50 lần dòng chữ: "Tôi hứa từ nay sẽ không đi ngược chiều nữa" mà cô gái không bao giờ đi ngược chiều cũng như chấp hành tốt luật giao thông thì ở một góc độ nào đó thiên về tình cảm cũng như giáo dục cô này thì ta thấy rất hay. Nhưng đối với toàn xã hội có luật pháp thì pháp luận cần được đảm bảo bình đẳng với tất cả mọi người.

    Trả lờiXóa
  19. Đối với CA thì việc đảm bảo pháp luật vẫn là trên hết, việc người vi phạm thì vẫn phải báo lỗi và xử lý, nếu kết hợp được với nhắc nhở, giáo dục nữa thì tốt hơn. Mọi CSGT mà đều làm đúng, xử lý đúng theo quy định là trong sạch và tốt quá rồi, chứ hiện nay chưa cần đến cách hình thức xử lý "mềm" kiểu này.

    Trả lờiXóa
  20. Ai bảo csgt làm sai luật mời chỉ ra một văn bản nào của nhà nước chỉ ra rằng csgt có nghĩa vụ phải phạt một chủ thể vi phạm Luật Giao thông đường bộ hộ tôi.

    Trả lờiXóa
  21. đệch. làm ăn tùy tiện như thế mà có cả đám tung hô được! cảnh sát chỉ có nhiệm vụ và thẩm quyền biên phạt, còn hình phạt là do pháp luật qui định. con người vn nó 0 biết pháp luật là gì thì đòi xh nó nề nếp thế nào được.

    Trả lờiXóa
  22. đề nghị cơ quan chức năng cần làm rõ những thông tin vụ việc trên để giải quyết triệt để
    ____________________________
    Tham gia vào game choi chan đổi thưởng với nhiều phần quà hấp dẫn

    Trả lờiXóa
  23. Thật sự mà nói thì cách phạt này chỉ nên có một lần và có lẽ nó cũng là cái hình phạt bất chợt nổ ra trong đầu anh CSGT mà thôi. Mọi người thấy nó thú vị, nó lạ cũng là điều bình thường vì trong cuộc sống họ vi phạm toàn bị phạt bằng tiền, mà tiền ai chả sót. Nhưng nó chỉ nên có một lần ấy thôi, còn không nên áp dụng rộng rãi, áp dụng thế thì có mà cổ vũ cho người dân vi phạm giao thông à

    Trả lờiXóa
  24. Đương nhiên cái gì đều cũng sẽ có hai mặt của nó, tốt và xấu. Cái tốt ở đây có thể thấy rằng thể hiện được sự nhân văn trong cách xử lí vi phạm của cảnh sát giao thông Đà Nẵng, rất đáng học tập, đó là điều hoàn toàn đúng. Cách làm ấy có thể khiến cho những người bị phạt cảm thấy nhẹ nhàng hơn, nhớ hơn và có thể chính cách đó khiến người ta ý thức hơn, lần sau sẽ không vi phạm nữa. Ánh nhìn của người dân với lực lượng cảnh sát giao thông cũng đẹp hơn rất nhiều.
    Nhưng thực tế liệu có hiệu quả không khi người tham gia giao thông càng ngày càng tỏ ra không cần sợ vì dù sao cũng chả bị phạt gì nặng...
    Nhưng có một điều quan trọng nhất, mà từ việc xử phạt như thế kia làm được, đó là nâng cao ý thức của người dân. Cách làm đó sẽ để người ta nghĩ rằng: Đến việc sai phạm khi tham gia giao thông cũng chỉ bị phạt như vậy, tại sao không cả làm được việc bao nhiêu người khác làm được? Điều đó mới là điều quan trọng!
    Nhưng dù sao, luật pháp cũng cần phải tôn trọng và thực hiện chuẩn. Mong rằng sẽ tìm một phương pháp nào đó thật hoàn hảo để nâng cao ý thức tham gia của người dân, thay vì chống đối!

    Trả lờiXóa
  25. Cách xử lí này tuy sẽ được lòng người nhưng về lâu về dài thì e rằng không ổn. Sau này nếu cảnh sat bắt gặp trường hợp đi ngược chiều rồi người điều khiển phương tiện lấy đây làm ví dụ thì cảnh sát giao thông sẽ rất khó xử lí.

    Trả lờiXóa
  26. Cách xử lí vi phạm giao thông như trên của cảnh sát giao thông Đà Nẵng là sai luật rồi. Không thể cổ súy cách phạt như vậy được. Luật đã ban ra thì phải thực thi theo điều luật. Làm như vậy thì sẽ khiến người dân ngày càng coi thường phá luật.

    Trả lờiXóa
  27. Không nên cổ xúy với cách xử phạt tùy tiện như vậy của cảnh sát giao thông Đà Nẵng được. Đã vi phạm luật giao thông thì cần xử phạt theo luật định, chứ mà cải biến hay làm trái sẽ khiến người dân xem thường pháp luật và lại vi phạm thêm.

    Trả lờiXóa
  28. Mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật về quyền và nghĩa vụ, về trách nhiệm pháp lý. Có nghĩa là, bất kỳ công dân nào vi phạm pháp luật đều phải chịu trách nhiệm về hành vi vi phạm của mình và phải bị xử lý theo quy định của pháp luật, chứ không thể bẻ luật vì chữ tình hay vì cái gì khác được. Cách làm của các vị CSGT Đà Nẵng như vậy là sai quy định rồi.

    Trả lờiXóa
  29. Nặc danh22:31 9/4/16

    Liên quan đến vấn đề trên, PV Ngày Nay Online đã liên hệ và có buổi làm việc với ông Đặng Thanh Sơn – Cục trưởng Cục Quản lý xử lý vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật (QLXLVPHC&TDTHPL).
    Cục trưởng Đặng Thanh Sơn cho biết: "Cục QLXLVPHC&TDTHPL được biết thông tin về sự việc qua phản ánh của các cơ quan báo chí. Qua theo dõi thông tin về vấn đề thì đây không phải là trường hợp duy nhất mà CSGT xử lý người tham gia giao thông vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông đường bộ với các cách xử lý "độc đáo, sáng tạo" như vậy. Thực tế đã có những trường hợp CSGT xử lý người tham gia giao thông vi phạm hành chính với các cách xử lý được cho là "linh hoạt, sáng tạo" như: Yêu cầu người vi phạm mua kẹo ủng hộ người cao tuổi bán hàng rong; Buộc người vi phạm phải đọc thuộc lòng ngay tại chỗ nội dung một điều luật nhiều lần, nếu ngắc ngứ thì phải đọc lại; Buộc người vi phạm phải đứng chứng kiến việc chấp hành quy định về an toàn giao thông tại nút giao thông có tín hiệu đèn xanh, đỏ hoạt động...”.

    Trả lờiXóa
  30. Nặc danh22:31 9/4/16

    Cục trưởng Sơn nhận xét: "Những trường hợp mà CSGT xử lý đối với người tham gia giao thông vi phạm hành chính như đã nêu trên được dư luận cho là “cực lạ”, “độc đáo”, “sáng tạo”, “linh hoạt”, có tính giáo dục và được nhiều ý kiến đồng tình.

    Tuy nhiên, xét dưới giác độ nguyên tắc thực thi công vụ của người có thẩm quyền, căn cứ các quy định pháp luật hiện hành, đối với vụ việc cụ thể hai nữ sinh vi phạm hành chính điều khiển xe mô tô đi ngược chiều vào đường một chiều nói trên, thì cách xử lý của CSGT là sai nguyên tắc, không đúng quy định của pháp luật xử lý vi phạm hành chính hiện hành (các điều 3, 11, 12… Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012; Điều 6 của Nghị định số 171/2013/NĐ-CP ngày 13/11/2013 của Chính phủ quy định về XPVPHC trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt…)".

    Trả lờiXóa
  31. Nặc danh22:32 9/4/16

    "Khi phát hiện vi phạm hành chính, thay vì xử lý theo đúng thẩm quyền, trình tự và chế tài xử phạt như quy định hiện hành thì CSGT lại xử lý theo cách riêng của mình, trên tinh thần 'linh hoạt, sáng tạo', và cũng chính bởi điều này làm nảy sinh ra vấn đề gây xôn xao dư luận, xuất hiện ý kiến không đồng tình cho rằng việc xử lý “linh hoạt, sáng tạo” như vậy không bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật, tính thống nhất, tính công bằng, khách quan, chính xác trong việc áp dụng thống nhất pháp luật về xử lý vi phạm hành chính nói chung do việc xử lý như trên mang nặng ý chí chủ quan của người thực thi công vụ”, Cục trưởng Sơn nhấn mạnh.

    Theo Cục trưởng Sơn, tinh thần chung là Cục Quản lý xử lý vi phạm hành chính hoan nghênh, ủng hộ về thái độ, cách ứng xử của CSGT Đà Nẵng đối với người vi phạm hành chính về trật tự an toàn giao thông đường bộ như báo chí phản ánh. Tuy nhiên, việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ nói riêng, trong xử lý vi phạm hành chính nói chung cần phải bảo đảm tính nghiêm minh, công bằng, khách quan, thống nhất, triệt để, tránh tình trạng tự ý tùy nghi xử lý theo ý chí chủ quan của người thực thi công vụ.

    Trả lờiXóa
  32. Nặc danh22:32 9/4/16

    Việc xử phạt cần phải được kiểm tra, giám sát chặt chẽ thường xuyên, bảo đảm đúng đối tượng, đúng vi phạm, đứng bản chất sự việc, đúng pháp luật. Trong trường hợp, qua thực tiễn thực thi pháp luật thấy rằng quy định pháp luật hiện nay về xử phạt vi phạm hành chính còn bất cập, chưa đủ linh hoạt, chưa bảo đảm phù hợp với thực tiễn cuộc sống thì cần chủ động phản ánh, kiến nghị kịp thời để sửa đổi, bổ sung cho phù hợp.

    Cũng theo Cục trưởng Sơn, Cục QLXLVPHC&TDTHPL sẽ sớm có văn bản gửi các cơ quan chức năng liên quan về vấn đề này, tránh gây xôn xao xư luận.

    Mạnh Hưng

    Trả lờiXóa
  33. Lực lượng CSGT nói riêng và lực lượng CAND nói chung là lực lượng sử dụng pháp luật để bảo vệ Nhân dân, bảo vệ đất nước chính vì thế không được có những sự dung túng ở đây, khi mà chúng ta đều có thể vi phạm những quy định của pháp luật thì phải nhận trách nhiệm và sửa chữa.

    Trả lờiXóa
  34. Khi phát hiện có những hành vi vi phạm pháp luật thì phải kịp thời có biện pháp ngăn chặn và xử lý cho kịp thời tránh ảnh hưởng đến xã hội, Chúng ta cần phải chung tay xây dựng một xã hội như vậy để cùng nhau hướng tới một xã hội công bằng, văn minh hơn.

    Trả lờiXóa

Tìm kiếm mở rộng

Google TreLang

Tre Làng

Thông kê truy cập

Lưu trữ Blog