Chia sẻ

Tre Làng

Thông não chuyện giao thông nước Mỹ: Lạ mà không kỳ

Xứ Mỹ “tự do”, điều này ai cũng biết. Có những cái tự do, thoải mái tưởng chừng tới vô lý, nhưng rồi ngẫm kỹ lại thì thấy cũng chẳng vô lý tí nào.

Ấn tượng đầu tiên của tôi khi đặt chân tới nước Mỹ không phải là những toà nhà chọc trời ngửa mỏi hết cả cổ mà chưa thấy đỉnh, cái này xem mãi trên tivi rồi, hay cảnh quan "xanh, sạch, đẹp" tìm mãi chả thấy cọng rác nào,... mà là chuyện đi lại. Đang ngày nào cũng nhích từng bước, thoi thóp trong khói bụi giờ tan tầm, tự nhiên được đi hẳn hơn trăm cây số giờ, loáng cái đã vượt gần 50km từ sân bay về tới nhà, làm gì chẳng khoái. 

Ở cái nơi có tới hơn 250 triệu ô tô, trung bình gần như mỗi người một xe, mà đi lại cứ trôi tuồn tuột. Tìm hiểu kỹ mới vỡ ra nhiều lẽ. Vẫn biết luật Mỹ mỗi bang mỗi khác, nhưng thôi cứ thấy gì nói vậy. Chuyện giao thông ở thủ đô Washington DC.

Không học, vẫn có bằng lái như thường

Nghe nói luật Mỹ nghiêm lắm. Mà cái sự nghe nói này lại càng có lý để mà tôi tin khi kênh Discovery một dạo cứ miệt mài chiếu các video đuổi bắt người vi phạm luật giao thông lấy từ camera hành trình của cảnh sát, chả khác phim hành động. Thế nên trước khi sang Mỹ, tôi hốt lắm. Mà công việc lại buộc phải chạy xe. 18 năm bằng lái chưa lúc nào rời ví nhưng duy nhất chỉ một lần ngồi sau vô lăng, xe của ông anh họ. Đen đủi hôm đó, vào năm 1993 thì phải, lốp trước lại nổ, húc luôn vào một bác xích lô. May mà 2 bên đều vô sự. Thế là từ đấy cạch cái thằng ô tô. Mà vì chả dùng đến bằng bao giờ nên thế là quên, để quá hạn, phải thi lại cả luật lẫn lái. 

Thôi thì cái số nó vất vả về đường bằng lái nên lần này phải chuẩn bị thật kỹ, luật Mỹ chứ có phải chuyện chơi đâu. Động tí là mất cả tháng lương, sống bằng niềm tin ngay, mà có khi lại còn kiện tụng lôi thôi. Thi lái xe chắc khó lắm. Thế là mất mấy tuần giời thuê thày, thuê xe ôn luyện, lăn lộn, nào tiến nào lùi, nào chữ chi, nào chuồng, đủ cả. "Trình" nghe chừng đã kha khá nhưng vẫn run, định bụng sang bên kia thế nào cũng phải kiếm ông thày bổ túc thêm, thi cho nó chắc ăn.

Ngày đầu tiên sang đến nơi, hỏi chuyện bằng lái mới ngã ngửa người. Thế có công toi không. Chả ai cần học, mà cũng chả thấy có chỗ nào dạy. Cứ thiên nhiên mà lấy bằng thôi. Đủ 16 tuổi rưỡi (16 cũng được, nhưng khi lái phải có người kèm), ra Sở quản lý xe cơ giới xếp hàng thi luật, không phải đăng ký gì cả, nhớ mang giấy tờ tuỳ thân và chứng nhận chỗ ở. Lý thuyết thì cũng chả có mấy trăm câu hỏi, cố mà thuộc đi, đề thi trong đó cả như ở ta (không thuộc được thì biết phải làm gì rồi đấy). Bên này chỉ có mỗi cuốn cẩm nang lái xe, dày hơn 70 trang, download về mà đọc, đỡ tốn giấy mực. Trong đó đủ cả, từ luật giao thông, biển báo, hình thức xử phạt vi phạm cho đến kỹ năng lái xe và xử lý các tình huống thường gặp. 

Thi luật 25 câu, 20 câu đúng là máy báo tèn ten chúc mừng. Nếu đỗ, cầm cái chứng chỉ về rồi mượn xe, xem có anh em, họ hàng hay bạn bè nào có bằng lái thì nhờ họ ngồi cạnh, cứ thế mà tập, đủ 72 tiếng thì xin họ viết cho cái chứng nhận rồi đăng ký thi lái. Đến ngày hẹn, mang xe lên, nhưng nhớ là xe phải có phanh tay. Lên xe, có ông hay bà giám khảo ngồi cạnh, bảo mình đi thế nào thì đi thế ấy. 

Quan trọng nhất không phải lái giỏi mà "an toàn là bạn". 

Nhiều anh/chị có khi chưa kịp đạp ga đã bị đuổi thẳng cổ vì quên không thắt dây an toàn hay bật xi nhan xin đường khi khởi hành. Còn có chuyện một anh bạn Việt Nam bị đánh trượt vì lý do chả giống ai. Chả là anh này hồi ở nhà cũng "có điều kiện", sắm xe, đi quen rồi, nên khi thi cứ đánh vô lăng bằng 1 tay. Giám khảo phán: "Tao biết mày lái giỏi rồi. Nhưng lái 1 tay thì xử lý sao mà chuẩn được. Về, 3 ngày nữa lên thi lại!".

Thi cử đơn giản thế này à! Nhẹ cả người. May, đỡ tốn tiền lại khỏi mất công. Sau mấy ngày đóng cửa đánh vật với cuốn cẩm nang lái xe, tôi chọn ngày đẹp ra Sở quản lý xe cơ giới Washington DC xin thi luật. Cha mẹ ơi, có mỗi cái sở chả liên quan gì đến an ninh quốc phòng mà kiểm tra chẳng khác đi máy bay. Ai vào cũng phải qua máy dò kim loại, bỏ hết đồ tuỳ thân để kiểm tra, máy tính thì bắt bật lên xem có phải bom hay không. Chưa thi đã khủng bố tinh thần thế này!

Một chi nhánh của Sở quản lý xe cơ giới DC (DMV)

Đăng ký xong, ngồi đợi khoảng 5 phút thì được gọi vào thi, nộp lệ phí 10 đô. Buồng thi luật có khoảng chục máy tính, nằm ở góc phòng làm thủ tục, ngăn bằng kính cách âm. Mỗi người có 40 phút làm bài, cứ thế xếp hàng, ai xong thì ra, người khác vào. Thôi thì chịu khó học tí cũng có khác, làm đến câu 22 (sai mất 2 câu) thì anh máy tính không cho làm nữa, tấu nhạc chúc mừng. Bước ra ngoài, cô nhân viên giám sát hỏi đỗ hay trượt, tôi nói đỗ, cô bảo đi sang phòng bên cạnh làm thủ tục tiếp theo. Hôm mới sang, nghe anh bạn tiền nhiệm nói là phải thi lái, trong bụng đã hậm hực về sự quan liêu của mấy anh Mỹ. Sao mà không bực cho được. Đã lái được xe ở Việt Nam thì chả đâu mà không lái được. Sang mà xem. Nhưng thôi, bực thì cũng chả giải quyết việc gì. Thoát luật là tạm yên tâm cái đã.

Tới phòng bên cạnh, người phụ trách là một bà chắc ngoài 50, to lớn, đường bệ. Hỏi han một lúc, bà bảo tôi đưa cho bà cái bằng của Việt Nam để xem có được đổi ngang hay vẫn phải thi. Đưa thì đưa nhưng tôi chả tin là được đổi ngang, anh bạn tiền nhiệm sang trước có hơn 3 năm cũng có thoát thi đâu. Bà phụ trách mở quyển sổ dày cộp ra, dò một lúc lâu, bỏ kính ra rồi lại tra kính vào. Sau một hồi mò mẫm, bà bảo chả thấy ghi Việt Nam trong này, để đi hỏi sếp. Bắt đầu nửa mừng nửa lo, cơ hội 50-50. Mấy phút sau, vừa trở lại, bà buông gọn lỏn: "Cậu nộp thêm 44 đô nữa làm bằng lái xe". Có thế chứ!!! Chắc có anh lãnh đạo nào của sở này vừa đi thực địa ở Việt Nam về. Thế mà mình cứ bảo Mỹ cũng quan liêu. Tự nhiên chợt nghĩ, ờ, mà trong quá trình hội nhập, Việt Nam mình cứ phải tuân thủ các quy chuẩn quốc tế, sao không thấy ai đặt ra chuẩn Việt Nam cho quốc tế nhỉ. Có mấy anh Tây dám đi ô tô trên đường Việt Nam, trong khi người Việt mình phóng ầm ầm, có sao đâu. Vậy thì cứ có bằng lái xe ở Việt Nam là có thể lái khắp thế giới, bằng toàn cầu luôn. Sao không chứ.

Cầm hoá đơn nộp tiền, ra chụp ảnh, chờ thêm 2 phút, cái máy in đánh xoẹt ra cái bằng. Xong. Tổng thời gian từ lúc thi luật đến lúc cầm bằng lái trong tay nhiều lắm chắc chỉ tiếng đồng hồ. Thi bằng dễ vậy, nhưng ra đường ai nấy cứ răm rắp. Mà không răm rắp không được.

Phòng thi luật giao thông

Không có chuyện cãi lý với cảnh sát

Anh bạn tôi vừa bị phạt khá nặng. Đang lướt trên đường cao tốc, tự nhiên thấy đằng sau có chiếc xe cảnh sát bám đuôi, nháy đèn tít mù. Có chuyện rồi, đánh xe vào lề đường cái đã. Cảnh sát đỗ theo ngay. Lỗi: không đảm bảo khoảng cách an toàn với xe phía trước. Phạt: 120 USD. Đấy là cảnh sát mới chỉ cảnh cáo chứ chưa phạt thêm tội không chuyển làn theo đúng thứ tự.

Đã vi phạm thì không bao giờ có chuyện "gọi điện thoại cho người thân" hay "50-50", dù bạn là ai, thân thế ra sao. Cảnh sát cứ chiếu luật mà làm. Cuối năm ngoái, Bộ trưởng Thương mại Mỹ, John Bryson đã mất chức sau khi gây tai nạn giao thông. Ông này lái xe thế nào húc vào đuôi một chiếc xe đang dừng trước chắn tàu, sau đó lại đâm tiếp vào một chiếc xe khác cách đó khoảng 3 km. Dù 2 cú va chạm đều nhẹ và Bộ trưởng Bryson được xác định là bị co giật cấp tính nhưng ông vẫn bị cảnh sát bắt với cáo buộc gây tai nạn rồi bỏ chạy. 3 ngày sau, ông Bryson nộp đơn từ chức. Ngay đầu tháng này, một quan chức phụ trách an ninh trật tự và một sỹ quan cảnh sát đặc nhiệm Texas cũng bị bắt do lái xe sau khi uống rượu.

Bên này đi đường phải nắm rõ quy trình xử lý của cảnh sát, không sẽ lôi thôi to. Nếu phát hiện xe vi phạm luật giao thông, cảnh sát sẽ bám theo và bật đèn nháy. Nếu lái xe không chú ý, họ sẽ kéo còi ủ. Biết điều thì ngoan ngoãn đỗ lại, ngồi yên và để tay vào vị trí cảnh sát có thể nhìn thấy. Nhỡ ra có hành động bất thường là dễ ăn đạn như chơi. Tuyệt không có chuyện cãi lý với cảnh sát. Lằng nhằng là bị buộc tội chống người thi hành công vụ ngay. Đúng sai đã có camera trong xe cảnh sát ghi lại, lúc đấy ra toà mà cãi. Tự nhiên lại nghĩ đến các clip nhật ký 141 Hà Nội trên mạng. Không ít người vi phạm, già có, trẻ có, say có, tỉnh có, con cháu quan chức có mà mạo danh cũng có, lớn tiếng nạt nộ, doạ dẫm, thậm chí còn hành hung cả lực lượng chức năng. Xem mà không thể chịu được. Bên này cứ thử thế xem. Ăn vài cái dùi cui điện, lưỡi cứng đơ ra, muốn nói cũng không cất lời được chứ đừng nói chuyện cãi.

Cách đây không lâu, có một chuyện cũng khá lùm xùm. Một bà cụ vi phạm luật giao thông, bị cảnh sát chặn lại. Bà cụ này chắc cũng không phải tay vừa, chẳng biết thế nào mà cứ xông vào định ăn thua với anh cảnh sát. Hậu quả là dính một dùi cui điện. Hình ảnh này bị một người đi đường chộp được, tung lên mạng. Thế là kiện tụng om sòm. Người cảnh sát trắng án. Lý do: trong lúc nổi nóng, bà cụ này đã lao ra làn cao tốc và cảnh sát buộc phải sử dụng công cụ hỗ trợ để cứu tính mạng bà. Tất cả đều được camera ghi lại. Cái anh camera này hữu ích thật, vừa hỗ trợ cho công việc lại vừa có thể ngăn chặn cảnh sát lạm quyền hoặc tiêu cực. 

Sợ camera hơn sợ cảnh sát

"Ra đường sợ nhất công nông", bên này công nông không có thì ra đường sợ nhất camera giao thông. Cảnh sát cũng sợ, nhưng năm thì mười hoạ mới gặp. Mà chẳng may có vi phạm tí chút thì nhiều khi họ cũng cho qua. Nhưng ông camera chẳng biết phân biệt thân sơ. Đang đi tự nhiên thấy loé sáng lên là thôi xong. Chạy quá tốc độ: 92 USD đến 200 USD, tuỳ theo tỷ lệ. Vượt đèn đỏ 75 USD. Gần 100 camera đèn đỏ và tốc độ mai phục khắp nơi trong thành phố đóng góp hơn một nửa trong tổng số 180 triệu USD tiền phạt vi phạm giao thông, tương đương hơn 3.600 tỷ tiền Việt, mà chính quyền DC thu được trong năm tài khoá 2012. Báo chí làm ầm lên, bảo chính quyền mưu mô vơ vét tiền dân.

Chiếc camera tốc độ “sát thủ” tại đại lộ New York: thu về 6,5 triệu USD trong năm tài khóa 2012

Kêu vậy nhưng theo kết quả khảo sát gần đây thì có tới 87% người dân ủng hộ camera đèn đỏ và 76% ủng hộ camera tốc độ. Theo tính toán, nếu một người đi bộ bị một chiếc xe chạy với tốc độ 30 dặm (48km) đâm phải, cơ hội sống sót là 80%, nhưng nếu tốc độ của xe tăng thêm 10 dặm nữa thì con số 80% nói trên chính là khả năng tử vong của nạn nhân. Mà camera giao thông ở Mỹ có hiệu quả thật. Cứ đánh vào túi tiền là sợ hết. Số người thiệt mạng tại DC do tai nạn giao thông trong năm 2012 giảm tới 43% so với năm trước. Lạ cái là phần lớn người chạy quá tốc độ hoặc vượt đèn đỏ lại không phải mấy cô cậu choai choai mắt xanh mỏ đỏ phóng xe bạt mạng như người ta hay định kiến, mà chính là các bà nội trợ mải việc, sát giờ mới sấp ngửa đi đón con, mấy anh thợ điện nước vừa nhận cuộc gọi của khách hàng, hay những nhân viên văn phòng áo trắng cổ cồn đang cuống lên vì muộn làm.

Mà đã dính phạt rồi thì rắc rối lắm, không những mất tiền mà lại còn bị đánh dấu vào hồ sơ xe, chả khác gì tiền sự. Lúc này thì lại chết với ông bảo hiểm. Các công ty bảo hiểm cứ căn cứ vào hồ sơ xe mà tính tiền. Càng nhiều lỗi thì chứng tỏ khả năng gây tai nạn càng cao, tiền mua bảo hiểm cứ thế mà leo thang. 

Đến đây thì nảy sinh chuyện nếu người bị phạt không chịu đóng tiền thì sao? Cái này liên quan đến xe chính chủ đây... 

Xe không sang tên, tự lĩnh hậu quả

Mua bán xe phải chuyển chủ. Quy định này chắc nước nào cũng có. Nhưng ở Mỹ lại có vẻ hơi thừa. Bán xe xong, chẳng cần ai bắt cũng sốt sắng tự đi sang tên ngay. Nếu không, nhỡ chủ mới phạm luật giao thông, chưa nói gây tai nạn, thì chủ cũ lĩnh đủ. 

Xe ô tô luôn đi đúng làn đường (ảnh: Nhật Quỳnh/VOV)

Sở quản lý xe cơ giới không cần biết ai đi xe, cứ gửi giấy phạt về địa chỉ chính chủ cái đã. Chậm 1 tháng phạt gấp đôi, 2 tháng gấp 3. Theo quy định, mỗi khi chuyển chỗ ở, chủ xe phải thông báo với Sở về địa chỉ mới trong vòng 5 ngày. Có chạy đằng giời. Kiểu gì vé phạt cũng đến tận tay. Tất nhiên là cố tình "xù" tiền phạt thì người ta cũng chẳng hơi đâu đi tìm tận nhà, có khi cách vài chục cây số, để đòi vài chục USD, chả bõ tiền xăng xe. Nhưng vé phạt đó mãi mãi nằm trong sổ đen. Vấn đề ở đây là đăng ký xe không cấp 1 lần mà tối đa 2 năm lại phải xin gia hạn, mỗi lần gia hạn là 1 lần tiền. Đăng ký được cấp thành 2 bản, ghi rõ ngày tháng hết hạn, một bản lưu, một bản chủ xe phải dán lên kính trước để người ta kiểm tra. Thế nên, trừ phi anh không sống ở Mỹ hoặc không bao giờ lái xe nữa thì thoát tiền phạt.

Trăm cái khổ không bằng tìm chỗ đỗ xe

Vào một buổi sang, vừa xong cuộc hẹn, bước ra ngoài định lấy xe, tôi giật mình bởi mẩu giấy đang bay phấp phới chỗ gạt nước. Thôi hỏng, vé phạt. Sao lại thế được? đã cảnh giác lắm rồi mà. Định thần lại, mẩu giấy đó màu vàng. Tờ rơi quảng cáo, vé phạt màu hồng cơ. Mấy tháng trước vừa dính 1 phiếu nên tôi nhớ lắm. Bây giờ cứ thấy cái gì nhỏ nhỏ cuộn tròn trước kính xe là hãi. Chỉ đỗ quá có 2 phút mà mất toi 35 USD.

Đỗ xe ở Mỹ đắt kinh hoàng. Trong bãi thì rẻ cũng 10-15 USD/giờ, có nơi thu 50 USD một lần gửi, tính ra cả triệu đồng tiền Việt. Hôm nào có việc phải đi lại nhiều, mất vài triệu như chơi. Thế nên ai cũng cố chen vào lề đường để đỗ cho rẻ. Mỗi xe một cột tính tiền, 2 USD/h, không được quá 2 tiếng. Nhưng khổ nỗi không phải đường nào cũng được đỗ và không phải giờ nào cũng đỗ được. Mà chả ai muốn mất tiền cho mấy cái máy chém trong bãi giữ xe nên chuyện tìm được chỗ trống bên đường có khi còn khó hơn lên trời. Những nơi có thể đỗ đều bị cư dân hoặc nhân viên văn phòng gần đó chiếm hết. Hôm nào hoạ hoằn lắm tìm được chỗ thì lại canh cánh canh giờ. Đồng hồ trên cột tính tiền đỗ xe đếm ngược đến 0 mà chủ xe chưa có mặt thì tới 90% là lĩnh vé phạt. 

Vé phạt sẽ được gắn ở cần gạt nước đối với những xe vi phạm

Ở DC có vài trăm nhân viên Sở công chính chỉ ăn lương để làm mỗi cái việc này. Mỗi người phụ trách vài dãy phố. Cứ thế cả ngày tua đi tua lại, cặm cụi ghi biển số, ngó đồng hồ, kiểm tra đăng ký xe và phạt vi phạm. Vé phạt được cuộn vào cần gạt nước, có chụp ảnh làm bằng chứng.

Năm 2012, Sở công chính DC ghi 1,6 triệu vé phạt đỗ xe, thu 92,5 triệu USD, tương đương 1.850 tỷ đồng. Theo Uỷ ban Giao thông và Môi trường DC, 30% nguyên nhân gây ùn tắc trong khu vực nội đô là do lượng xe chạy lòng vòng tìm chỗ đỗ.

Cư dân sống trong nhà riêng sát mặt đường được ưu tiên đỗ xe không hạn chế thời gian trước cửa nhà hoặc khu vực gần nơi cư trú. Những chỗ này đều có biển ghi rõ, người ngoài chẳng may đỗ vào nhẹ thì bị phạt, nặng thì bị cẩu xe. Đã bị lôi xe đi rồi thì cầm chắc mất đứt ít nhất 200 USD. Để xe quanh năm suốt tháng ngoài đường, kể cả Audi, BMW, Lexus hay Mercedez, mà chẳng thấy ai mất gương, bị cạy logo hay tháo lốp bao giờ. Không phải vì ở Mỹ không có ăn trộm. Đơn giản là có lấy được cũng chả biết bán cho ai. Ở đây cũng có chợ mua bán đồ cũ nhưng ai dám mua mấy cái đồ đó. Ngoài ăn trộm ra, làm gì có người nào tự dưng mang đồ xe của mình đi bán. Cảnh sát tóm được là sạt nghiệp, đi tù ngay.

Mỹ có tắc đường không?

Phải nói rằng Mỹ có tắc đường. Cứ tưởng chỉ các nước đang phát triển mới có đặc sản tắc đường mà ở Mỹ, nước giàu nhất thế giới, cơ sở hạ tầng cũng thuộc hàng nhất nhì, đường cũng tắc. Kể cũng lạ. Thực ra thì tắc đường tại Washington DC chỉ xảy ra vào giờ cao điểm và mang tính cục bộ, ít khi quá 10 phút.

Không phải đường xá Mỹ quá rộng. Trừ đường cao tốc, đường trong khu trung tâm DC chỉ nhỉnh hơn đường Hà Nội tí chút, mật độ xe lại dày đặc. Không tắc chủ yếu là bởi ý thức giao thông của người dân. Chạy lấn làn, hiếm lắm. Làn nào làn ấy cứ thế mà đi, dù cùng chiều có làn trống nhưng cũng chả mấy người chuyển. Muốn rẽ bên nào thì chuyển dần sang làn gần bên ấy nhất mà rẽ, lỡ chuyển không kịp thì đi tiếp, chờ tới ngã rẽ sau, không có chuyện tạt đầu. Cũng vì ý thức tốt nên người ta mới làm được chuyện chia làn vào giờ cao điểm.

Đại lộ Connecticut, con đường huyết mạch nối khu trung tâm DC và bang Maryland có một quy định khá thú vị. Đại lộ này có 6 làn đường nhưng không có dải phân cách cứng. Từ 7 đến 9 rưỡi sáng, dòng xe từ khu vực ngoại ô vào khu trung tâm được sử dụng tới 4 làn. Buổi chiều thì ngược lại, từ 4 giờ đến 6 rưỡi, xe ra sẽ được hưởng quyền ưu tiên này. Suốt dọc con đường đều có biển ghi rõ và bảng điện tử báo giờ, cứ thế mà chấp hành.

Mỗi lần đi đến đây lại nghĩ đến Hà Nội. Tôi hay có việc phải đi qua đường Tôn Thất Tùng giờ tan tầm buổi chiều. Chẳng lần nào thoát tắc, đoạn trước cổng trường Khương Thượng, dù đường này không phải quá nhỏ. Đành rằng một bên là trường học, một bên là lối ra vào khu tập thể, ách tắc khó tránh, nhưng cả tiếng đồng hồ chôn chân trên đoạn đường chỉ vài chục mét thì thật ức chế phát điên. Thủ phạm chả gì khác ngoài thói bon chen, lấn làn, hơn người khác được 20 cm là hỉ hả lắm. Thường thì dòng người chủ yếu đổ vào con đường này theo hướng ra Trường Chinh nên nhiều khi xe chạy hướng ngược lại chỉ còn 1 khoảng đúng bằng chiều rộng 1 ô tô. Ngược chiều cũng được, sai làn cũng chẳng sao, cứ có chỗ là phải len. Thế là bịt nốt đầu ra của bên kia, cùng nhau tắc cho có bạn. Chả khác gì 2 con dê qua cầu.

Thế nên, cơ sở hạ tầng có tốt đến mấy, với ý thức giao thông thế này thì dù, Mỹ hay Australia gì cũng tắc tất. Nhưng ý thức tốt không phải tự nhiên mà có. Mấy bác Việt kiều bên này bảo hồi mới sang nhiều người cũng ẩu lắm, không chỉ chạy xe mà cả trong sinh hoạt hàng ngày. Rồi thì cũng thành nếp. Giáo dục quan trọng, nhưng cũng chỉ phần nào, cốt yếu là chấp pháp. Phạt nặng, xử nghiêm, bất luận thân sơ. Biết sợ pháp luật thì ý thức sẽ dần tự hình thành, giống như quán tính. Con người ta ai chả muốn tiện lợi cho mình trước, kêu gọi tự giác suông thì có mà đến Tết Congo./.

Nhật Quỳnh/VOV-Washington

15 nhận xét:

  1. mỹ nó quản lí quy củ một phần và một phần nữa là nó coi luật pháp là trên hết.ý thức người dân mỹ cũng hơn dân VN nhiều.cảnh sát giao thông bên mỹ có quyền cao, làm tôn nghiêm theo pháp luật.đâu có chuyện dân sai rồi vào cãi tay đôi như ở VN.giao thông người ta luật nghiêm, sai tí thì tha hồ nộp phạt.như ở VN vừa có cái luật nâng mức tiền phạt lên dân đã bâu vào chửi lấy chửi để.thế anh ko vi phạm thì ai phạt mà đua nhau chửi nhà nước nâng mức tiền phạt giao thông.nói tóm lại ở đâu cũng thế, con người có ý thức thì nó khác

    Trả lờiXóa
  2. Tôi nghĩ không phải do ý thức người dân mà do luật pháp chưa nghiêm. Nếu luật nghiêm khắc giống như ở Mỹ thì mọi người bắt buộc phải thi hành. Mỹ là đất nước đa chủng tộc nhưng người đến trước giống như người đến sau, ai cũng phải theo luật. Luật Việt Nam mình còn xen chuyện tình cảm, hoặc chạy luật nên người dân không tôn trọng. Nếu có vi phạm, việc đầu tiên nghĩ đến là làm sao lách luật để khỏi bị phạt. Vô tình người có tiền lại sướng, còn người nghèo thì sẽ gánh chịu. Chính vì vậy ở Việt Nam nếu có tiền thì sẽ sướng hơn ở Mỹ.

    Trả lờiXóa
  3. Ở Việt Nam cảnh sát cũng chạy trên đường, nhưng được 1 lúc thì lại kiếm góc khuất nào đó để rình coi có ai vi phạm thì phạt thôi. Còn đường sá thì khỏi nói đường thì chờ lún cầu thì chờ sập, ổ gà ổ voi nhiều không đếm nổi. Trong nội thành thì cả cái đường của mình bằng 1 làn đường của nó. Nếu đường sá Việt Nam mà như Mỹ thì tệ nạn đua xe lại có cơ hội phát triển hơn. Ý thức tham gia giao thông thì lại không có. Nếu đất nước ta muốn được giao thông như Mỹ chắc phải mất 100 năm nữa.

    Trả lờiXóa
  4. Việt Nam mình chỉ cần biết tôn trọng đơn giản làm đúng đèn hiệu xanh đỏ vàng là chúng ta đã tiến bộ rồi. Chuyện vượt đèn đỏ thôi đã gây ra biết bao nhiêu tai nạn thương đau rồi. Mà nói đi cũng phải nói lại, đường xá của mình và pháp luật của mình uy nghiêm như của mỹ xem, ý thức chúng ta cũng không thua kém gì họ đâu. Chúng ta phát triển sau họ tới cả gần thế kỷ, chúng ta đang đổi mới, rất cần những bài báo như thế này để định hướng xã hội.

    Trả lờiXóa
  5. Sau khi đọc xong bài viết của bạn, tôi cảm ơn bạn rất nhiều, chắc hẳn không những tôi mà sẽ còn rất nhiều người cảm ơn về bài viết của bạn. Một bài viết đóng góp cho sự nghiệp xây dựng cách sống văn hóa của mỗi con người và cả một đất nước. Giao thông có thể làm cho con người ý thức hơn, tôn trọng hơn và điều quan trọng là con người sẽ có văn hóa hơn. Chúng ta phát triển sau họ, chúng ta còn nghèo, nhưng cái nghèo nó không liên quan tới ý thức và cách hành xử công cộng.

    Trả lờiXóa
  6. Cơ sở hạ tầng có tốt đến mấy, với ý thức giao thông của mình thì tai nạn vẫn hoàn tai nạn, tắc đường vẫn hoàn tắc đường mà thôi. Nhưng ý thức tốt không phải tự nhiên mà có. Đó là cả một quá trình từ giáo dục nhà trường tới ngoài xã hội. Và quan trọng nhất là pháp luật, sự chấp pháp của mỗi người dân. Phạt nặng, xử nghiêm, bất luận thân sơ. Biết sợ pháp luật thì ý thức sẽ dần tự hình thành, giống như quán tính thì tự khắc ta sẽ có văn minh mà thôi.

    Trả lờiXóa
  7. Để được cái lạ mà không lạ này thì cũng mất rất nhiều thời gian và công sức để gây dựng, nó là cái đích của cả một tổ hợp, từ ý thức người dân, pháp luật nghiêm minh, và cả một hệ thống cơ sở hạ tầng đầy đủ, đáp ứng được nhu cầu đi lại của người dân. Chúng ta cần nhìn vào đó mà học tập, dân ta học họ ở cái ý thức, còn chính quyền của ta học họ về sự quản lý, tính nghiêm minh của pháp luật, quy hoạch đô thị rõ ràng, phát triển cơ sở hạ tầng kỹ thuật. Chứ đừng ngồi đó mà trầm trồ đất nước họ, tôn vinh đất nước họ, rồi cứ chê bai nước mình.

    Trả lờiXóa
  8. Luật pháp là một phần, cái chính là ý thức của người dân. Ở Mỹ, con người ta được giáo dục từ nhỏ về ý thức tôn trọng luật pháp, vậy nên hình thành được tính cách và suy nghĩ nghiêm chỉnh chấp hành, điều này không có gì là lạ cả. Thiết nghĩ thay vì ngồi trầm trồ ngưỡng mộ thì chúng ta hãy nghĩ cách làm sao để có thể học hỏi được kinh nghiệm từ nước họ

    Trả lờiXóa
  9. Không phải cứ cái gì tư bản cũng là xấu, đơn cử như chuyện ý thức chấp hành pháp luật của người dân Mỹ là một ví dụ tiêu biểu. Vì sao mà người dân Mỹ tự giác chấp hành luật giao thông đến vậy? Vì sao mà hệ thống luật của Mỹ lại đơn giản tới vậy? Câu trả lời rất dễ, đó là vì mỗi cá nhân đều được giáo dục từ nhỏ về ý thức chấp hành luật giao thông, các lực lượng chuyên trách thì được trao đủ quyền hành để thực thi pháp luật, vậy thì còn ai dám phạm luật hay không?

    Trả lờiXóa
  10. Bangtuyetnhietdoi16:47 9/8/16

    Cơ sở hạ tầng có tốt mà ý thức người tham gia giao thông kém thì cũng tình trạng kẹt xe rồi tai nạn vẫn xảy ra thôi. Để làm được như nước Mỹ, đó là cả một quá trình lâu dài chứ không phải là chuyện một sớm một chiều. Từ việc giáo dục cho người dân những hiểu biết khi tham gia giao thông cho tới việc hình thành cho họ tính tự giác chấp hành luật pháp cũng là một vấn đề lớn đòi hỏi sự nỗ lực từ cả những nhà chức trách và người dân. Hy vọng trong một tương lai không xa, Việt Nam cũng có thể tự hào về một môi trường giao thông an toàn và nghiêm túc

    Trả lờiXóa
  11. Hungyen363617:01 9/8/16

    Phạt nặng, xử nghiêm, bất luận thân sơ. Biết sợ pháp luật thì ý thức sẽ dần tự hình thành, giống như quán tính. Con người ta ai cũng muốn lợi cho mình nhưng nếu muốn người dân tự giác chấp hành luật thì không chỉ kêu gọi suông được, phải có những biện pháp cứng rắn và cụ thể.

    Trả lờiXóa
  12. Hoabinh023417:07 9/8/16

    Giao thông của Mỹ không phải là hoàn hảo tuyệt đối, không phải là không có tắc đường, không có tai nạn nhưng những trường hợp đó thực sự là rất hy hữu và đa phần do yếu tố khách quan là nhiều. Vì sao ư? Vì ý thức người dân cao, họ tự giác chấp hành luật mà không cần phải có mặt lực lượng chức năng. Bởi vậy mới nói, trong nhiều yếu tốt thì yếu tố con người mới là chính và mang tính quyết định. Muốn cải thiện tình hình, trước hết hãy cải thiện ý thực người dân

    Trả lờiXóa
  13. điều quan trọng nhất là ý thức của người dân như thế nào thôi, phải nói là ý thức của dân ta quá kém, tự ý thức bảo vệ bản thân, bảo vệ cho người khác là không hề có chút nào, nếu có thì cũng chỉ tùy từng lúc, lúc vội lên là bất chấp tất cả. bây giờ muốn ý thức của người dân nâng cao thì chỉ có cách phạt thật nặng và các người làm cán bộ thì nghiêm minh, không xin xỏ hộ, có như vậy mới mong người dân tiến bộ

    Trả lờiXóa
  14. Quan trọng nhất không phải lái giỏi mà "an toàn là bạn" là rất chính xác. Ở VN, mấy tay thanh niên trai tơ, ra vẻ ta đây giỏi lái lụa, thích thể hiện, rủ nhau ưỡn ẹo, vi vu với tốc độ nhanh nhất có thể; thể hiện chán chê không nhận được sự tung hô của người khác lại quay ra tụ tập rủ nhau đua xe, thể hiện khả năng và cái tôi của mình. Trong khi đó tham gia giao thông cái quan trọng nhất vẫn là chấp hành nghiêm trọng luật lệ, coi trọng sự an toàn của bản thân cũng như của người khác thì ắt hẳn tai nạn giao thông sẽ giảm thiểu đáng kể

    Trả lờiXóa

Tìm kiếm mở rộng

Google TreLang

Tre Làng

Thông kê truy cập

Lưu trữ Blog