Chia sẻ

Tre Làng

ĐẠO VĂN VÀ LIÊM CHÍNH KHOA HỌC

Đạo văn và liêm chính khoa học

Khi bắt đầu chương trình đào tạo tiến sĩ tại Bỉ, khóa học bắt buộc đầu tiên tôi phải tham dự không phải về phương pháp nghiên cứu, kĩ năng tra cứu tài liệu hay viết bài báo mà về liêm chính khoa học (scientific integrity).

Một nội dung lớn trong khóa học đầu tiên này là đạo văn.

Sau này, trong quá trình làm nghiên cứu sinh, tôi hiểu rằng liêm chính khoa học nói chung và chống đạo văn nói riêng là yêu cầu đầu tiên mà những người làm nghiên cứu như chúng tôi phải tuân thủ.

Trước khi tôi công bố bất kì công trình khoa học nào, từ một cuốn luận án hàng trăm trang đến một bản tóm tắt báo cáo chỉ vài trăm từ, giáo sư hướng dẫn của tôi luôn sử dụng phần mềm kiểm tra đạo văn để chắc chắn những gì tôi công bố là do tôi tự viết ra chứ không phải sao chép của người khác. Khi nộp luận án cho hội đồng trước ngày bảo vệ, chúng tôi phải nộp kèm một bản báo cáo kết quả kiểm tra đạo văn của Turnitin, một dịch vụ kiểm tra đạo văn được sử dụng phổ biến tại các trường đại học ở nhiều nước.
Khi đạo văn được phát hiện sớm, hậu quả mà nó gây ra sẽ bớt nghiêm trọng hơn và dễ giải quyết hơn.
Ở nước ta, hiện mới chỉ có rất ít cơ sở đào tạo đưa khóa học về liêm chính khoa học và chống đạo văn vào chương trình giảng dạy. Các công cụ chống đạo văn cũng chưa được sử dụng phổ biến dù đã có nhiều trường hợp đạo văn bị phát hiện, còn luận văn, luận án vẫn đang được mua bán công khai ở các chợ luận văn trên mạng hoặc quanh các trường đại học.

Đạo văn cũng là vấn nạn phổ biến ngay cả ở các nước có nền giáo dục tiên tiến. Năm 2011, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Đức Karl-Theodor zu Guttenber phải rời khỏi chính trường do bị phát hiện đạo văn. Hai năm sau, đến lượt Bộ trưởng Bộ Giáo dục Đức Annette Schavan từ chức sau khi bị tước bằng tiến sĩ vì đạo văn. Năm 2012, sự nghiệp chính trị của tổng thống Hungary Pal Schmitt kết thúc bởi cùng lý do. Cũng trong năm này, thủ tướng Rumani Victor Ponta bị tố đạo văn chỉ vài tháng sau khi Bộ trưởng Bộ Giáo dục Ioan Mang do ông Ponta bổ nhiệm phải ra đi do bị cáo buộc sao chép công trình của người khác mà không trích dẫn nguồn.

Về mặt pháp lý, người hướng dẫn khoa học và hội đồng đánh giá phải chịu trách nhiệm cao nhất khi thông qua nội dung luận văn, luận án. Quy chế đào tạo trình độ tiến sĩ của Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng quy định hàng năm bộ này phải thẩm định ít nhất 30% số luận án đã bảo vệ tại các cơ sở đào tạo. Với khối lượng công việc đồ sộ như vậy, tôi cho rằng rất khó để những người được giao trách nhiệm đánh giá và thẩm định luận văn, luận án hoàn thành được nhiệm vụ nếu không sử dụng các phần mềm chuyên dụng để kiểm tra đạo văn.
Đáng tiếc, cho đến nay, quá trình xây dựng hành lang pháp lý về đạo văn để từ đó làm căn cứ đánh giá và xử lý đạo văn vẫn chưa có nhiều chuyển biến đáng kể.
Việc sử dụng các công cụ tin học tất nhiên không phải cây đũa thần giúp giải quyết triệt để tình trạng đạo văn, nhưng nó là hàng rào kĩ thuật và bước sàng lọc ban đầu để hạn chế phần nào vấn nạn này. Khi đạo văn được phát hiện sớm, hậu quả mà nó gây ra sẽ bớt nghiêm trọng hơn và dễ giải quyết hơn.

Năm 2014, một vị phó viện trưởng thuộc Trường Đại học Kinh tế Quốc dân đã bị thu hồi bằng tiến sĩ và sau đó bị hủy công nhận chức danh phó giáo sư do sao chép tới 30% nội dung luận án của người khác. Vụ việc này hi hữu ở chỗ người đứng ra tố cáo đạo văn lại là chủ tịch hội đồng đánh giá luận án, vốn là người chịu trách nhiệm về việc thông qua luận án. Bê bối đạo văn này không chỉ làm tiêu tan sự nghiệp của một nhà khoa học mà còn ảnh hưởng nặng nề đến uy tín của hội đồng đánh giá luận án và cơ sở đào tạo. Nếu các luận án được kiểm tra đạo văn trước khi bảo vệ, chúng ta đã có thể tránh được những vụ việc đáng tiếc như vậy.

Vụ việc này cũng đặt ra yêu cầu phải luật hóa các quy định về đạo văn và trích dẫn trong các luận văn, luận án. Đáng tiếc, cho đến nay, quá trình xây dựng hành lang pháp lý về đạo văn để từ đó làm căn cứ đánh giá và xử lý đạo văn vẫn chưa có nhiều chuyển biến đáng kể.

Nghi vấn đạo văn của các nhà sư theo học chương trình đào tạo tiến sĩ ngành tôn giáo học tại Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội mới được đặt ra gần đây càng cho thấy đã đến lúc các cơ sở đào tạo ở nước ta cần xem việc kiểm tra đạo văn là yêu cầu bắt buộc trong hoạt động đào tạo để hạn chế phần nào vấn nạn này.

Bên cạnh hàng rào kĩ thuật, việc căn bản hơn là đào tạo để người học hiểu về đạo văn, tác hại và cách phòng chống, rộng hơn là ý thức được tầm quan trọng của sự liêm chính trong khoa học, để lời cam đoan danh dự ở trang đầu tiên của mỗi luận văn, luận án thực sự đi kèm với danh dự và trách nhiệm của người viết chứ không chỉ là sáo ngữ.

Dương Tú

4 nhận xét:

  1. Bây giờ vấn đề đạo văn diễn ra rất nhiều. Từ cấp đại học, cao học, nghiên cứu sinh. Nhiều người học hành không đâu vào đâu, cũng đòi đi học này nọ, rồi học hành không đâu vào đâu, nhưng cố cái bằng. Rồi đến khi có bằng mới vênh váo nọ kia. Kiểu tiến sĩ như Nguyễn Quang A ấy, suy nghĩ, đầu óc như thế thì tiến sĩ kiểu gì?

    Trả lờiXóa
  2. Đạo văn thì rất nhiều. Cần phải chấn chỉnh hơn...Cơ mà nhiều người lại điếc ko sợ súng mới lạ chứ

    Trả lờiXóa
  3. Người làm nghiên cứu khoa học rất cần sự trung thực, trung thực phải là yêu cầu đầu tiên đối với tất cả những nhà khoa học. Thế nên chuyện đạo văn, ăn cắp công trình là điều khó có thể chấp nhận, ảnh hưởng đến cả một ngành, và rất nhiều người liên quan

    Trả lờiXóa
  4. Trong các bài nghiên cứu khoa học hay công trình nghiên cứu hiện nay vẫn còn tồn tại thực trạng đạo văn, vấn đề này ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng của các bài nghiên cứu cũng như gây thiệt hại tiền của Nhà Nước vì thế cơ quan chức năng cần có những biện pháp khắc phục tình trạng này.

    Trả lờiXóa

Tìm kiếm mở rộng

Google TreLang

Tre Làng

Thông kê truy cập

Lưu trữ Blog