Chia sẻ

Tre Làng

KHI DU LỊCH CHIẾM 10% GDP


Thủ tướng đặt ra mục tiêu du lịch sẽ đóng góp 10% vào GDP, và nếu may mắn, hiển nhiên một phần cực lớn trong 10% đó sẽ thu về dưới dạng ngoại tệ mạnh, từ khách du lịch nước ngoài, và là tiền tươi, không nợ nần, bơm thẳng vào nền kinh tế. Đây sẽ là nguồn thu lớn và ổn định duy nhất chúng ta có mà không phải đánh đổi bằng hút đào chặt bán, cào xúc múc vét hay vay mượn với lãi suất cắt cổ. Nếu có một kế hoạch bài bản, thì chỉ cần đến nội lực bản thân, mục tiêu này không hề khó khăn.

Khi du lịch chiếm 10% GDP, thì một sự biến động nhỏ cũng sẽ tạo đòn bẩy thúc đẩy tăng trưởng đáng kể. Một nhà máy để tăng năng suất lên môt chút thôi, cũng cần sự nỗ lực và đầu tư cực lớn, mà lợi nhuận thu về chưa chắc đã tương đương, nhưng với một khách sạn hay điểm du lịch, thì để tăng 10% thu nhập ròng là cực kỳ đơn giản. Với tỉ trọng chiếm 1/10 nền kinh tế, thì chỉ cần tăng thêm 10% thu nhập từ các hoạt động du lịch, sẽ đóng góp 1% tăng trưởng GDP.

Vào thời thế chiến thứ 2, khi đế quốc Nhật Bản bành trướng khắp Á Đông, họ đã có một bản quy hoạch tương đối hoàn chỉnh về phát triển kinh tế cho cả khu vực sau khi khu thịnh vượng chung Đại Đông Á được hình thành. Bản quy hoạch này dựa trên những tài liệu khoa học, chi tiết của người Anh, Pháp, Hà Lan để lại. Theo đó, vùng Đông Bắc Á sẽ là trung tâm sản xuất công nghiệp tận dụng hệ thống cảng biển nước sâu thuận lợi cùng dân cư đông đảo của Trung Hoa, trong khi khu vực Đông Nam Á đặc biệt là Việt Nam, sẽ đóng vai trò cung cấp nguyên liệu thô và phát triển du lịch. Người Nhật kiếm tiền ở Trung Hoa, Triều Tiên và cả Nhật Bản, nhưng sẽ phải tiêu tiền ở Việt Nam.

Không phải ngẫu nhiên mà trong suốt từ thời kỳ Đổi Mới đến nay, chỉ có duy nhất ngành du lịch là liên tiếp gặt hái được những thành tịu lớn lao, trong khi công nghiệp và nông nghiệp vẫn chưa qua thời kỳ tiểu nông, manh mún. Lợi thế so sánh lớn nhất của đất nước nằm ở thắng cảnh đẹp và độc đáo đặc trưng khí hậu cận nhiệt đới mà không một quốc gia Châu Á nào có được, nếu được những công ty chuyên nghiệp khai thác triệt để, thì mức tăng trưởng GDP bền vững 2 con số là hoàn toàn trong tầm tay.

Lo ngại duy nhất hiện giờ là môi trường, và nhỏ hơn là tác động tới văn hoá đặc biệt là của các cộng đồng thiểu số. Nhưng thực tế trên thế giới đã chứng minh, những điều này chỉ được đảm bảo bằng sự phát triển kinh tế. Khi đói, người dân tự họ sẽ huỷ diệt môi trường và văn hoá vùng nhanh hơn bất kỳ sự tác động nào từ bên ngoài.

Không một nền văn hoá nào bị huỷ diệt bởi sự phồn thịnh. Không một hệ sinh thái nào bị suy tàn bởi sự văn minh. Tác động của hoạt động du lịch nhìn chung là tích cực, chính nhu cầu thưởng thức văn hoá truyền thống và sinh thái của du khách, sẽ tạo ra áp lực để người dân bảo tồn môi trường và tập tục nghìn đời.

Bàn tay vô hình của thị trường sẽ tự nó điều tiết, chứ không phải sự phản đối của cộng đồng phượt thủ - những người khi du lịch tiêu chưa đến 50k/ngày nhưng phá hoại tận gốc rễ không gian sinh tồn của các cộng đồng thiểu số bằng rác, khói xăng, bao cao su hay biến đám trẻ bản xứ thành ăn mày chuyên nghiệp.

Đừng làm du lịch bằng cách kìm hãm sự phát triển của người dân bản xứ, bắt họ sống cuộc sống như cách đây hàng thế kỷ và ngăn cản sự phát triển khách quan của y tế, giáo dục, để tạo hoàn cảnh cho những người "từ dưới xuôi" lên chỉ trỏ, cho tiền, cho kẹo.

Vì phát triển lành mạnh, không phải là tạo ảo giác thượng đẳng, trao cho một nhóm người, quyền quyết định tương lai của phần còn lại.

13 nhận xét:

  1. Nên coi ngành du lịch như phương tiện để lấy ngắn nuôi dài - nuôi ở đây là tích luỹ dành vốn để phát triển công nông nghiệp, giáo dục văn hoá khoa học kỹ thuật. Chính những ngành sau mới mang lại sự giàu có về khoa học và văn hoá lâu bền cho quốc gia.Và cũng chỉ nên bố trí một bộ phận vừa đủ ngừoi dân vào ngành du lịch mà thôi. Nếu chỉ chú trọng vào du lịch dịch vụ thì dân trí sẽ rất thấp, lại nhiễm thói quen phục vụ ngưòi khác, khách hàng là đủ sống, không muốn nhọc nhằn học hành, thì sẽ rất có hại cho quốc gia. Chỉ cần đi du lịch sang Thái, .... thì sẽ thấy ngay vấn đề.

    Trả lờiXóa
  2. kết quả phát triển ngành Du lịch tùy thuộc vào độ rộng cửa visa, thủ tục miễn thị thực cho khách du lịch quốc tế, mở rộng áp dụng thị thực điện tử cải tiến thủ tục, giảm phiền hà, củng cố hình ảnh an toàn, thân thiện, ấn tượng đối với du khách. Đồng thời, cần đẩy mạnh xã hội hóa, đi đôi với nâng cao chất lượng và giá trị gia tăng của dịch vụ du lịch, ngăn chặn du lịch đen, tạo chuyển biến về văn minh, văn hóa, ứng xử; cải thiện chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng được nhu cầu thực tế theo quy chuẩn và hệ thống tiêu chuẩn, chất lượng dịch vụ thống nhất, hiện đại; làm rõ vai trò người dân làm du lịch; Sớm nghiên cứu thành lập cảnh sát du lịch và tăng cường các biện pháp bảo đảm an ninh và văn minh du lịch, không ngừng cải thiện chất lượng của điểm đến cả về số khách thu hút được, lượng thời gian lưu trú và mức chi tiêu trong thời gian du lịch trên đất Việt.

    Trả lờiXóa
  3. Việt Nam cũng chưa có khu du lịch quốc gia, chưa có điểm du lịch quốc gia theo đúng nghĩa và chưa có khu đô thị du lịch quốc gia theo tiêu chí của Luật Du lịch. Việc xây dựng và quảng bá hình ảnh du lịch Việt Nam còn rất hạn chế về cả kinh phí và nhất là cách thức tổ chức thực hiện…Người dân việt nam ta hiện kinh doanh cũng là tự phát chưa theo luật hay quy chế nào cả, nên khách đến rồi khách lại đi chứ khách k quay lại nhiều là vậy.

    Trả lờiXóa
  4. du lịch Việt Nam thời gian qua đã tăng trưởng nhanh, thực sự là ngành kinh tế quan trọng, góp phần tích cực trong sự phát triển kinh tế- xã hội đất nước… Tuy nhiên, để đưa du lịch trở thành ngành kinh tế trọng điểm, các giải pháp vĩ mô cần hướng tới trong bối cảnh hội nhập khu vực và quốc tế nhằm thực hiện được mục tiêu đã đề ra, đồng thời, cần triển khai rà soát, xây dựng văn bản quy phạm pháp luật để khi triển khai đề án sẽ tạo bước chuyển biến trong quản lý về môi trường xã hội, môi trường du lịch.

    Trả lờiXóa
  5. Tiềm năng du lịch Việt Nam rất lớn; phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn là cả một quá trình và không thể phát triển du lịch hiệu quả, bền vững nếu thực hiện các biện pháp theo kiểu phong trào và khoán trắng, trước mắt, “chỉ thấy cây mà không thấy rừng”...
    Vì thế, nhận thức, chủ trương và quyết tâm phát triển du lịch cần phải nâng lên thành quyết tâm và ý chí chính trị quốc gia, được thể chế hóa và triển khai trong tổng thể các chính sách và giải pháp đồng bộ, nhất quán; các quy hoạch, kế hoạch, dự án du lịch phù hợp và khả thi, bám sát diễn biến của thị trường và những biến động của tình hình kinh tế, chính trị, xã hội ở trong nước và quốc tế.

    Trả lờiXóa
  6. Ngành Du lịch ngày càng mang đậm tính liên ngành, liên vùng, cũng như gia tăng xã hội hóa, quốc tế hóa và có độ mở cao so với các ngành kinh tế khác. Các nguồn tài nguyên du lịch dưới dạng vật thể và phi vật thể, ẩn tích cả trong tự nhiên, trong các “chuỗi dịch vụ” và “người khách du lịch” là vô cùng to lớn và bất tận, ngày càng phát triển cùng chiều với tiến bộ khoa học kỹ thuật, giao thông và truyền thông. Kết quả và triển vọng hoạt động của ngành công nghiệp không khói này có sự phụ thuộc cao vào tính đồng thuận và sự phối hợp chặt chẽ các chính sách, cũng như hoạt động của các cơ quan, các ngành, người dân. Chúng ta hãy nhìn thử singapore mà xem.

    Trả lờiXóa
  7. bacgiang19016:49 25/11/16

    Sự phát triển với quy mô lớn và tốc độ nhanh của du lịch Việt Nam đang gây ra những bất cập, hạn chế ảnh hưởng không nhỏ tới môi trường. Phát triển du lịch luôn có mối liên hệ mật thiết, chặt chẽ với sự phát triển kinh tế - xã hội chung của từng vùng và của cả nước. Ở nước ta, có rất nhiều vùng, điểm du lịch truyền thống đang phải chịu những áp lực rất lớn từ phía các khía cạnh môi trường như quá trình ô nhiễm, sự xuống cấp nhanh chóng của điều kiện môi trường kinh tế, xã hội và nhân văn. Trước thực tế như vậy, Nhà nước cần có chiến lược phát triển du lịch để có thể thúc đẩy ngành kinh tế này phát triển bền vững, đầy đủ sao cho vừa phát triển, vừa khai thác với hiểu quả cao nhất về du lịch nhưng lại phải đảm bảo sự phát triển lâu dài .

    Trả lờiXóa
  8. hagiang83616:51 25/11/16

    Nhiều khách nước ngoài đến Việt Nam một lần rồi không muốn quay lại, đây là biểu hiện của sự phát triển không bền vững, vì sao lại vậy? Với tình hình giao thông, cơ sở hạ tầng, quản lý du lịch địa phương như hiện nay, tôi nghĩ rằng không có gì đảm bảo là doanh thu của ngành du lịch sẽ tăng, nếu không nói là sẽ giảm. Khi kinh tế phát triển mạnh, tất nhiên du lịch cũng tăng theo, nhất là khách trong nước, nhưng do chưa có chính sách dài hạn, cụ thể, nhất là về đầu tư cho con người, khách sạn và điểm đến nên sự phát triển như vậy chưa thể gọi là bền vững. Du lịch Việt Nam vẫn chỉ khai thác những gì có sẵn và chưa chuẩn bị cho kế hoạch dài hạn.

    Trả lờiXóa
  9. hoabinh03020016:53 25/11/16

    Thực tế ở Việt Nam cơ sở vật chất du lịch cũng như chất lượng dịch vụ của chúng ta vẫn còn nhiều hạn chế. Việc đầu tư ồ ạt không bài bản, thiếu chuyên nghiệp được ví như con dao hai lưỡi đang đe dọa sự phát triển bền vững của du lịch Việt Nam. Nếu thực sự cầu thị và muốn phát triển, có lẽ những người muốn thay đổi chất lượng dịch vụ du lịch Việt Nam cần phải biết lắng nghe và quan tâm hơn đến những phản hồi từ du khách..

    Trả lờiXóa
  10. thaibinh02340016:54 25/11/16

    Du lịch Việt Nam hầu như chỉ thu hút khách du lịch mới đến lần đầu (đến 90%), rất ít khách quay lại lần thứ hai, thứ ba, đây là thực tế và cần phải nhìn thẳng vào sự thật. Số lượng khách quay lại chủ yếu là những người đến Việt Nam vì công việc và Việt kiều về thăm thân nhân. Một phần rất nhỏ khách quay lại từ các nước láng giềng gần. Dường như ở Việt Nam, các chủ đầu tư chỉ muốn đầu tư kiếm lời chứ ít quan tâm đến việc giữ gìn cảnh quan và chiếm cảm tình du khách

    Trả lờiXóa
  11. Hiện nay trên thế gới có rất nhiều quốc gia chú trọng đầu tư phát triển ngành du lịch, nước ta là một quốc gia có nhiều lợi thế phát triển du lịch vì thế chúng ta nên tận dụng tốt những lợi thế mà mình có phát triển ngành du lịch để góp phần phát triển đất nước.

    Trả lờiXóa
  12. Vào thời thế chiến thứ 2, khi đế quốc Nhật Bản bành trướng khắp Á Đông, họ đã có một bản quy hoạch tương đối hoàn chỉnh về phát triển kinh tế cho cả khu vực sau khi khu thịnh vượng chung Đại Đông Á được hình thành. Bản quy hoạch này dựa trên những tài liệu khoa học, chi tiết của người Anh, Pháp, Hà Lan để lại. Theo đó, vùng Đông Bắc Á sẽ là trung tâm sản xuất công nghiệp tận dụng hệ thống cảng biển nước sâu thuận lợi cùng dân cư đông đảo của Trung Hoa, trong khi khu vực Đông Nam Á đặc biệt là Việt Nam, sẽ đóng vai trò cung cấp nguyên liệu thô và phát triển du lịch. Người Nhật kiếm tiền ở Trung Hoa, Triều Tiên và cả Nhật Bản, nhưng sẽ phải tiêu tiền ở Việt Nam.

    Trả lờiXóa
  13. Không một nền văn hoá nào bị huỷ diệt bởi sự phồn thịnh. Không một hệ sinh thái nào bị suy tàn bởi sự văn minh. Tác động của hoạt động du lịch nhìn chung là tích cực, chính nhu cầu thưởng thức văn hoá truyền thống và sinh thái của du khách, sẽ tạo ra áp lực để người dân bảo tồn môi trường và tập tục nghìn đời.

    Trả lờiXóa

Tìm kiếm mở rộng

Google TreLang

Tre Làng

Thông kê truy cập

Lưu trữ Blog