Chia sẻ

Tre Làng

Nổ trạm biến áp ở Hà Đông: VÔ TRÁCH NHIỆM

Nổ trạm biến áp ở Hà Đông: Chuyên gia nói vô trách nhiệm

(Tin tức thời sự) - ''Đối với trạm biến áp loại nhỏ chỉ 22kV, vừa lắp vào đã nổ, thì rõ ràng vấn đề nằm ở sự tắc trách, vô trách nhiệm của công ty điện lực.''

Ngày 23/11, trao đổi với Đất Việt về sự cố nổ trạm biến áp Bùi Thị Cúc 4 (Hà Đông, Hà Nội) xảy ra hôm 17/11 khiến 5 người thương vong, TS. Nguyễn Bách Phúc - Chủ tịch Hội Tư vấn Khoa học công nghệ & Quản lý TP.HCM HASCON, Viện Trưởng Viện Điện - Điện tử - Tin học EEI khẳng định, lỗi để xảy ra sự cố nổ trạm biến áp là lỗi vô trách nhiệm.

''Đối với máy biến áp vận hành lâu dài mà xảy ra sự cố là bất khả kháng, tuy rất ít khi xảy ra nhưng không phải là không có. Ngay cả những biến thế lớn như 220kv, 500kv, thi thoảng cũng vẫn xảy ra sự cố.

Tuy nhiên, đối với trạm biến áp loại nhỏ chỉ có 22kV, vừa lắp vào đã nổ, thì rõ ràng vấn đề nằm ở sự tắc trách, vô trách nhiệm của công ty điện lực.'' - ông Phúc nhấn mạnh.

TS. Nguyễn Bách Phúc cũng bày tỏ sự đồng tình đối với quan điểm TS. Lê Văn Doanh trong bài phân tích về sự cố nổ trạm biến áp Bùi Thị Cúc 4 trên báo Đất Việt ngày 22/11.

Trong đó, TS. Doanh đặt ra 2 vấn đề dẫn đến sự cố, một là biến thế cũ được tân trang lại không đảm bảo và hai là biến thế mới trong xưởng ra không được kiểm định kỹ càng trước khi đưa vào sử dụng. Bổ sung thêm cho luận điểm này, TS. Phúc phân tích:

''Đối với trạm biến áp mới trong xưởng ra là phải kiểm tra rất kỹ, sau đó mới cho xuất xưởng. Nếu là biến áp cũ khi dời từ chỗ này sang chỗ khác cũng vẫn phải kiểm tra thật kỹ về mặt kỹ thuật để chứng minh rằng trạm biến áp cũ ấy chất lượng đến đâu.

Có cả những đơn vị đo đạc thuộc Tổng công ty điện chịu trách nhiệm phần này để xác định chất lượng của biến áp cũ trước khi tái sử dụng. Do vậy, việc trạm biến áp bị lỗi trước khi lắp đặt rất khó xảy ra, và nếu xảy ra thì phải xem xét trách nhiệm của những đơn vị chế tạo, đơn vị kiểm tra trạm biến áp trước khi đưa vào sử dụng.''

Kẽ hở trong quy trình

Theo TS. Phúc, lắp đặt một trạm biến áp không giống như mua một cái cây về trồng là xong mà phải có thiết kế lắp đặt. Những thiết kế này phải rất chặt chẽ, phải thuê những đơn vị tư vấn nghiêm túc thiết kế. 

Lắp đặt xong lại phải có những đơn vị chuyên trách tới kiểm tra xem có đúng với thiết kế hay không. Việc kiểm tra trước khi đóng điện cũng rất khắt khe, thậm chí có cả một đơn vị đến để làm việc này. Khi kiểm tra xong phải có biên bản, biên bản được phê duyệt. Nếu việc kiểm tra được thực hiện nghiêm túc, đầy trách nhiệm thì trạm biến áp không thể nổ được.

''Quá trình kiểm tra tuy có nhẹ nhàng hơn so với những trạm biến áp lớn từ 110kV trở lên, nhưng nội dung là phải đầy đủ, kiểm tra tất cả rồi mới đóng điện.

Trong trường hợp trạm biến áp Bùi Thị Xuân 4 mới chỉ lắp đặt vài tiếng là nổ thì rõ ràng đây hoàn toàn là lỗi vô trách nhiệm, không hoàn thành đúng các quy trình hoặc giả sử có thực hiện thì làm không tới nơi tới chốn, kiểm tra không đàng hoàng. Sự vô trách nhiệm này xảy ra ở cả một hệ thống chứ không phải chỉ một vài cá nhân.

Khi lắp đặt trạm biến áp này, các công đoạn từ thiết kế trạm, đến thiết kế lắp đặt, giám sát, kiểm tra an toàn...chắc chắn là có thực hiện nhưng thực hiện cho qua chuyện, tắc trách, chủ quan, coi thường quy trình, coi thường sự cố, coi thường tính mạng của bản thân những công nhân làm trong ngành điện, coi thường tính mạng của người dân, coi thường tài sản nhà nước.

Cuối cùng dẫn đến sự cố cháy nổ, chỉ có cháy nổ trong bản thân trạm biến áp mới có thể tràn dầu ra ngoài được, chứ không phải tự nhiên mà dầu tự tràn ra ngoài.'' - TS. Nguyễn Bách Phúc nhấn mạnh.

Ngoài ra, ông Phúc cho rằng, cần xem xét, xử lý đúng đắn vụ việc đến nơi đến chốn để làm gương, tránh những sự cố tương tự xảy ra.

''Hôm nay trạm biến áp 22kv nổ thì rất có thể ngày mai trạm biến áp 110kv, 220 kv, 500kv sẽ nổ. Trong khi đó, những sự cố liên quan đến các trạm biến áp cỡ lớn sẽ rất kinh khủng. Theo tôi trong vụ việc này, vấn đề nghiêm trọng hơn cả chính là sự tắc trách vô trách nhiệm.'' - vị chuyên gia khẳng định.

Trước đó, lúc 14h45 ngày 18/11 sau khi nghiệm thu đóng điện không tải trạm biến áp Bùi Thị Cúc 4 (Hà Đông - Hà Nội) thì xảy ra sự cố cháy nổ bên trong máy biến áp.

Áp lực dầu bên trong máy biến áp tăng cao đã phá vỡ vỏ máy biến áp làm dầu văng ra ngoài bắn vào 5 người ở gần đó khiến 3 người bị bỏng nặng, 2 người bỏng nhẹ.

5 nạn nhân bị bỏng được xác định là bà Nguyễn Thị Hạnh (57 tuổi, bị bỏng khoảng 80%), ông Vũ Đình Thái (63 tuổi, chồng bà Hạnh bị bỏng khoảng 90%), ông Đinh Ngọc Long (47 tuổi, bỏng khoảng 80%), anh Nguyễn Mạnh Cường (38 tuổi) và anh Nguyễn Đắc Sơn (33 tuổi, cùng bỏng nhẹ 12%).

Đến sáng 18/11, Viện bỏng quốc gia Lê Hữu Trác xác nhận ông Vũ Đình Thái (63 tuổi) đã không qua khỏi. Bà Hạnh - vợ ông Thái đang được điều trị tích cực, tiên lượng xấu.

***

Ngày 19/11, Tổng công ty Điện lực Hà Nội đã phê bình Giám đốc và Công ty Điện lực Hà Đông vì để xảy ra sự cố nghiêm trọng.

Điện lực Hà Nội yêu cầu Công ty Điện lực Hà Đông hỗ trợ chi trả toàn bộ chi phí điều trị cho các nạn nhân bị thương và chi phí lo hậu sự cho ông Vũ Đình Thái – nạn nhân đã tử vong.

Ngoài ra, đơn vị quản lý trạm biến áp phát nổ hôm 17/11 phải tiến hành khắc phục ngay những tồn tại đối với trạm biến áp này và rà soát hệ thống lưới điện trên địa bàn.

6 nhận xét:

  1. Phải chắc chắn 1 điều rằng dù ít hay nhiều thì nguyên nhân cũng xuất phát 1 phần từ sự thiếu trách nhiệm của công ty điện lực trong vụ việc này. Cần thiết phải có biện pháp xử lý những người tắc trách, cùng với đó là nhanh chóng kiểm tra lại toàn bộ hệ thống trạm biến áp, tránh để những vụ việc đau lòng tương tự xảy ra.

    Trả lờiXóa
  2. Chúng ta có thể khẳng định rằng trong sự việc lần này chắc chắn phía điện lực Hà đông phải có trách nhiệm. Không chỉ ở khâu quản lý mà còn ở khâu kiểm định trước khi đua vào lắp đặt và vận hành trạm biến áp. Cần điều tra làm rõ và xử lý theo quy định những cá nhân, tổ chức có liên quan

    Trả lờiXóa
  3. Không kể trạm biến áp với công suất lớn hay nhỏ những chắc chắn một điều rằng khi có sự cố xảy ra thì thiệt hại là vô cùng lớn. Đơn cử như vụ nổ trạm biến áp ở Hà đông vừa qua. Tuy đây là trạm biến áp có công suất hoạt động nhỏ nhưng những thiệt hại về người mà nó gây ra là vô cùng lớn. Lỗi ở đây chủ yếu là do những kẽ hở trong khâu quản lý và kiểm soát chất lượng của cơ quan điện lực chứ không thể đổ tại người dân được

    Trả lờiXóa
  4. Bangtuyetnhietdoi20:08 26/11/16

    Trách nhiệm ở đây thuộc về các nhà quản lý chứ ở đâu ra. Buông lỏng từ khâu kiểm soát chất lượng máy biến áp trước khi lắp đặt cho tới khâu vận hành thử trạm biến áp. Tất cả những điều đó đã góp phần tạo ra sự cố chảy dầu và cháy nổ như vừa qua. Cần làm rõ nguyên nhân cũng như trách nhiệm để từ đó có thể khắc phục sự cố, để những sự việc đáng tiếc tương tự không xảy ra

    Trả lờiXóa
  5. Ngày 19/11, Tổng công ty Điện lực Hà Nội đã phê bình Giám đốc và Công ty Điện lực Hà Đông vì để xảy ra sự cố nghiêm trọng.

    Trả lờiXóa
  6. Ngày 23/11, trao đổi với Đất Việt về sự cố nổ trạm biến áp Bùi Thị Cúc 4 (Hà Đông, Hà Nội) xảy ra hôm 17/11 khiến 5 người thương vong, TS. Nguyễn Bách Phúc - Chủ tịch Hội Tư vấn Khoa học công nghệ & Quản lý TP.HCM HASCON, Viện Trưởng Viện Điện - Điện tử - Tin học EEI khẳng định, lỗi để xảy ra sự cố nổ trạm biến áp là lỗi vô trách nhiệm.

    Trả lờiXóa

Tìm kiếm mở rộng

Google TreLang

Tre Làng

Thông kê truy cập

Lưu trữ Blog