Chia sẻ

Tre Làng

GS Trần Phương: ĐỪNG ĐỔ LỖI CHO NGÀNH GIÁO DỤC CHUYỆN 200.000 CỬ NHÂN THẤT NGHIỆP

GS Trần Phương: Đừng đổ lỗi cho ngành giáo dục chuyện 200.000 cử nhân thất nghiệp

Vương Trần/ Báo Lao Động

Nói về hiện tượng hơn 200.000 sinh viên tốt nghiệp Đại học thất nghiệp, GS Trần Phương-Nguyên Phó Thủ tướng, Hiệu trưởng trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội cho rằng đó không phải là lỗi của nền giáo dục.

Phát biểu tại Hội thảo: “Thực trạng và các giải pháp cấp thiết để củng cố và phát triển các trường đại học, cao đẳng ngoài công lập” ngày 22.12, GS Trần Phương thẳng thắn cho rằng lâu nay dư luận nói nhiều về hiện tượng 200.000 sinh viên tốt nghiệp ĐH chưa kiếm được việc làm, coi đó như cái họa mà ngành Giáo dục phải chịu trách nhiệm là một quan niệm không đúng.

Theo GS Phương, đã chuyển sang cơ chế thị trường thì không thể mong muốn cung và cầu về lao động phải ăn khớp với nhau như hồi kế hoạch hóa tập trung.

Ông phân tích đúng là xã hội hướng dẫn sinh viên chọn nghề để học còn nhiều thiếu sót, nhưng dù có hướng dẫn tốt đến mấy chăng nữa cũng không thể bảo đảm cung và cầu về lao động hoàn toàn ăn khớp với nhau.

Nhiều sinh viên chọn nghề chỉ căn cứ vào sở thích của mình, chứ không căn cứ vào nhu cầu của thị trường lao động. Họ sẽ phải tìm nghề khác mà học lại. Chuyển nghề là một hiện tượng phổ biến trên thế giới. Không chỉ chuyển một lần, mà chuyển nhiều lần.

Nhiều sinh viên tốt nghiệp chỉ muốn tìm việc ở các thành phố lớn. Tìm mãi mà không được, tất họ phải tìm về những vùng cần đến họ.

Cũng có một số sinh viên được đào tạo kém chất lượng, không đáp ứng yêu cầu công việc. Họ sẽ phải tự đào tạo lại. Đó chính là tác dụng của cơ chế thị trường.

Vị hiệu trưởng Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội lấy thêm dẫn chứng rằng trên thế giới hiện tượng sinh viên tốt nghiệp không kiếm được việc làm, nước nào cũng có. Ở Trung Quốc, năm 2011, có 7 triệu sinh viên tốt nghiệp không kiếm được việc làm. Mỗi năm lại bổ sung thêm 2 triệu người nữa.

“Nước ta đang trong giai đoạn đẩy mạnh công nghiệp hóa. Nhìn vào những nước đi trước như Hàn Quốc, Đài Loan, họ đã phải trải qua 20 – 30 năm phát triển rất mạnh ĐH-CĐ mới vươn lên được trình độ công nghiệp hóa. Nước ta cũng không thể thoát khỏi lộ trình đó. Đúng là có một số ngành đào tạo vượt nhu cầu cần phải điều chỉnh, như sư phạm chẳng hạn, nhưng bên cạnh đó, rất nhiều doanh nghiệp lại không kiếm được đủ kỹ sư. Số thanh niên đăng ký học các ngành kỹ thuật công nghệ ở nước ta chiếm tỷ lệ quá thấp. Nguyên nhân vì đâu? Cần phải xem xét lại”-GS Phương nói.

Cũng theo GS Trần Phương, tỷ lệ người có trình độ ĐH-CĐ trong dân số nước ta so với các nước nói trên thì còn quá thấp. Chuyển sang thời đại tri thức thì sự bất cập càng nổi rõ hơn nữa.

Một người chinh phục kiến thức ĐH-CĐ không phải là để dùng trong vài ba năm, mà là để dùng trong 30 – 40 năm. Nếu vài năm chưa kiếm được việc làm thích hợp thì chưa lo gì lãng phí.

Do vậy giáo dục đại học của nước ta chưa có gì là quá thừa, trái lại, còn phải phát triển mạnh hơn nữa, nhất là các ngành kỹ thuật - công nghệ.

Ông nói thêm: “Lâu nay, việc hướng dẫn thanh niên chọn nghề để học chưa được chú trọng. Xã hội đang cần loại nghề gì, trình độ nào, bao nhiêu, ở đâu? Đang thừa loại nghề gì, trình độ nào, bao nhiêu, ở đâu? Các Bộ cần có cơ quan nghiên cứu, hướng dẫn cho thanh niên”.

****

Theo báo cáo bản tin cập nhật thị trường lao động, quý 3/2016, cả nước có 1.117.700 người trong độ tuổi lao động bị thất nghiệp, tăng 29.000 người so với quý 2/2016. Trong đó, độ tuổi lao động là thanh niên (từ 15-24 tuổi) có số lượng người thất nghiệp cao. Số người bị thất nghiệp trong độ tuổi này là 642.600 người (chiếm tỷ lệ 7,86%). Riêng tỉ lệ cho thanh niên thành thị gấp 4 lần tỉ lệ thất nghiệp chung.

Trong số những người bị thất nghiệp, số người có trình độ chuyên môn thất nghiệp là 456.100 người. Nhóm có trình độ đại học trở lên thất nghiệp nhiều nhất với 202.300 người. Tiếp đó, số người thất nghiệp của nhóm cao đẳng chuyên nghiệp và trung cấp chuyên nghiệp cao, tương ứng 122.400 người và 73.800 người.

20 nhận xét:

  1. Việc sinh viên ra trường và thất nghiệp không thể đổ hết trách nhiệm cho ngành giáo dục được. Trước tiên phải trách chính bản thân các bạn sinh viên rồi trách tới sự định hướng của gia đình mới phải. Đa số sinh viên thất nghiệp đều là các bạn không định hướng được mình sẽ làm gì sau khi ra trường, các bạn chỉ nghĩ xem ngành nào hot thì đâm đầu vào đăng ký học, vậy mới dẫn tới trường hợp ra trường người thì đông mà việc thì ít

    Trả lờiXóa
  2. Không phải sinh viên nước ta ra trường không kiếm được việc làm mà chính là tâm lý sinh viên đòi hỏi cao, phải làm đúng ngành nghề mình học mà không chịu nghiên cứu xem nhu cầu thị trường lao động thế nào. Thừa thầy thiếu thợ là câu nói muôn thuở vẫn đúng với thị trường lao động Việt nam

    Trả lờiXóa
  3. Bangtuyetnhietdoi16:20 23/12/16

    Dù có chiến lược nghiên cứu, định hướng thì vấn đề cung và cầu về lao động không phải lúc nào cũng khớp nhau theo kế hoạch được. Chưa kể hiện nay sinh viên hầu như chọn trường theo sở thích, xu hướng chứ không theo như cầu thị trường thì việc thất nghiệp là đương nhiên. Ngành nào thừa lao động vẫn thừa, ngành nào thiếu vẫn thiếu, chứ không nên đổ tội cho nền giáo dục

    Trả lờiXóa
  4. Đúng là những phân tích rất thuyết phục, rất đúng đắn của Giáo sư Trần Phương về thực tiễn của nạn thất nghiệp của nước ta hiện nay. Giáo dục chỉ là một phần thôi, còn phần lớn là ở chính chúng ta, chọn trường theo sở thích, theo đám đông mà không bám sát thực tiễn. Hơn nữa tình trạng thừa thầy thiếu thợ còn diễn ra rất nhiều nên việc thất nghiệp là khó tránh khỏi.

    Trả lờiXóa
  5. Việc sinh viên ra trường không kiếm được việc làm không thể đổ hết trách nhiệm cho nhà nước ta được. Bởi đầu tiên việc chon lựa ngành nghề là theo sở thích của mỗi cá nhân, điều này mỗi khi lựa chon ngành nghề sinh viên thường không quan tâm tới Xã hội đang cần loại nghề gì, trình độ nào, bao nhiêu, ở đâu? Đang thừa loại nghề gì, trình độ nào, bao nhiêu, ở đâu? Hơn nữa các sinh viên khi ra trường thường chỉ thích làm ở những thành phố lớn, không thích về những vùng quê nghèo khó làm, họ thích những công việc nhàn hạ, ngại lao động chân tay.... chính những lý do này đã đẩy sinh viên khi ra trường thất nghiệp, vì vậy tôi hy vọng các bậc phụ huynh hãy tư vấn hỗ trợ con mình trong việc chọn ngành nghề phù hợp, chỉ có thế sinh viên ra trường mới có cơ hội tìm được việc làm...

    Trả lờiXóa
  6. Lê Huy Vũ18:51 23/12/16

    Người xưa có câu "Tiên trách kỉ, hậu trách nhân" quả đúng là không sai mà. Trước khi đổ lỗi cho giáo dục chúng ta hãy tự nhìn nhận lại chính bản thân chúng ta đã xứng đáng có được công việc khi ra trường chưa. Học hành thì lẹt đẹt nếu ra trường mà đi làm thì không biết sẽ còn tệ hại đến mức nào nữa.

    Trả lờiXóa
  7. trước hết là việc chọn ngành học đã thấy sự chủ quan rồi. chỉ muốn được cái tiếng là có bằng đại học nhưng lại chọn những ngành đã đủ và thừa nhân lực, nhiều khi cảm thấy đi học nghề sẽ có tương lai hơn cả việc học đại học thiếu trọng tâm.

    Trả lờiXóa
  8. "Nói về hiện tượng hơn 200.000 sinh viên tốt nghiệp Đại học thất nghiệp, GS Trần Phương-Nguyên Phó Thủ tướng, Hiệu trưởng trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội cho rằng đó không phải là lỗi của nền giáo dục. "
    Qúa đúng và quá chuẩn!

    Trả lờiXóa
  9. Tôi thấy GS Trần Phương nói rất đúng. Việc thất nghiệp không thể đổ lên đầu ngành giáo dục được. Điều này phải xem lại việc học và tiếp xúc vấn đề thực tế, xã hội của các em sinh viên. Các em chưa có định hướng rõ ràng cho nên các em sẽ khó có thể có những công việc phù hợp.

    Trả lờiXóa
  10. Lỗi cả hệ thống, lỗi chính sách và cũng có lỗi không nhỏ của ngành giáo dục. Ngành GD lỗi ở chỗ các loại hình đào taọ mở tràn lan, mất kiểm soát, đầu vào vơ vét, đầu ra quá dễ (có khi còn theo hình nón ngược). Làm gì có chuyện đầu vào thấp vẫn ra trường với bằng khá, bằng giỏi. Làm gì có chuyện đào tạo kiểu hàn lâm lại có kỹ năng để đáp ứng nghề. Làm gì có chuyện 2/3 thời lượng học ở nhà trường giành cho những học phần giời ơi đất hỡi (chính trị, thể chất, quốc phòng... ) không liên quan đến nghề lại có kĩ năng đáp ứng nghề. Tôi được biết, có tới 80% sinh viên không tích cưc, không tự giác, tự lực trong học tập. Họ đến lớp học chống đối, về nhà không tự học, chạy trọt khi thi hết môn. Họ học vì điểm, đi học để được chơi nhiều hơn. Đến bao giờ những người có trách nhiệm mới hết bao biện mới dám nhìn thẳng vào sự thật thực sự muốn nó thay đổi, chỉ khi người học thấm: Học để biết, học để sống, học để hội nhập và học để làm việc tình hình mới có thể được cải thiện bằng k vẫn chỉ là nói

    Trả lờiXóa
  11. Toàn ý kiến của các bác trường tư cả, các bác mở trường mở ngành đào tạo chỉ thích tập trung vào các ngành kinh tế,xã hội vì ngành đó yêu cầu đầu tư thấp chỉ là xây mấy phòng học là xong,trong khi ngành kỹ thuật phải đầu tư máy móc thiết bị,nhà xưởng lớn cho các sv thực tập thì các bác không làm vì sợ đầu tư lớn mà lợi nhuận thấp.nên giờ mới có cảnh cử nhân thì thừa mà kỹ sư thì thiếu là đó.giờ các bác sợ nhà nước quy hoạch lại ngành nghề đào tạo nên các bác lại lên đổ lỗi cho xã hội.

    Trả lờiXóa
  12. Có lẽ đến lúc học sinh chọn trường học và chọn ngành nghề mình ưa thích, nhà trường có trách nhiệm đào tạo ra các lớp học sinh đủ trình độ theo chuẩn quốc gia, trên cơ sở chuẩn quốc tế, không nên xem nhà trường đại học muốn làm gì thì làm, để rồi sản sinh ra 200 ngàn cử nhân không đủ khả năng đáp ứng các nhu cầu của xã hội, có nhiều cử nhân muốn xin đi làm phải chốn không giám khai tốt nghiệp đại học và cao đẳng. số không nhỏ muốn vào làm việc ở một cơ sở nào đó phải đào tạo lại. thật lãng phí cho gia đình và xã hội. các nhà giáo dục cần nghiên cứu để đào tạo ra các con người làm việc

    Trả lờiXóa
  13. Chuyện này là rất bình thường .Nâng cao trình độ dân trí là thuộc trách nhiệm của ngành GD nhưng đảm bảo việc làm là thuộc về Chính phủ với các ngành chức năng .Bấy lâu nay chúng ta quen đào tạo theo kiểu bao cấp của nền KT hoạch định bởi các chỉ tiêu .Cứ vào được ĐH thì sẽ tốt nghiệp sau 4-5 năm ;còn đầu ra thì thả lỏng chất lượng !!!Một số ngành nghề lại có trường ĐH riêng đào tạo chồng chéo lẫn nhau thì xã hội nào có đủ nhu cầu tiếp nhận .Hơn nữa ai cũng muốn học ĐH còn trung cấp nghề thì vắng bóng nên chuyện thừa thầy thiếu thợ là tất yếu .Chính phủ phải có quy hoạch rõ nét về vấn đề này hơn là ngành GD.

    Trả lờiXóa
  14. Các trường đại học mở tràn lan,chất lượng đại học không quản lí được có phải là lỗi của nghành hay không? chắc ai cũng thấy .Nói răng tuân theo quy luật của cơ chế thị trường e rằng không đúng lắm đối với hoàn cảnh nước ta hiện nay,vì rất nhiều con ông -cháu cha học không ra hồn nhưng vẫn có bằng đại học( học ở những trường đại học kém chất lượng) nhưng ra trường vẫn có công việc đàng hoàng trong các cơ quan nhà nước hoặc các công ty lớn>Đó không phải là cơ chế thị trường,thưa giáo sư.

    Trả lờiXóa
  15. Nếu Bộ GD-ĐT không cho mở trường ồ ạt, mất kiểm soát thì chất lượng đào tạo sẽ như thế nào? Xã hội chỉ tiêu thụ sản phẩm giáo dục có chất lượng chứ không chấp nhận sản phẩm lỗi. Hơn nữa nếu chính sách, chủ trương về giáo dục thay đổi liên tục theo kiểu "ném đá dò đường" thì hậu quả sẽ như thế nào?

    Trả lờiXóa
  16. Việc sinh viên ra trường thất nghiệp nhiều là trách nhiệm của cả ngành giáo dục và cả bản thân sinh viên chứ không thể nói là trách nhiệm chỉ thuộc về một phía. Ngành giáo dục cần nâng cao chất lượng đào tạo còn bản thân sinh viên cũng phải cẩn trọng hơn trong vấn đề chọn trường chọn ngành học.

    Trả lờiXóa
  17. Theo tôi việc sinh viên ra trường không có việc làm là do nhiều yếu tố và là do trách nhiệm của nhiều cơ quan ban ngành, vì thế chúng ta cần có những biện pháp khắc phục tình trạng này để đất nước ta không còn lãng phí trí thức và đất nước ta sẽ phát triển hơn.

    Trả lờiXóa
  18. Nhiều sinh viên chọn nghề chỉ căn cứ vào sở thích của mình, chứ không căn cứ vào nhu cầu của thị trường lao động. Họ sẽ phải tìm nghề khác mà học lại. Chuyển nghề là một hiện tượng phổ biến trên thế giới. Không chỉ chuyển một lần, mà chuyển nhiều lần.

    Trả lờiXóa
  19. Một người chinh phục kiến thức ĐH-CĐ không phải là để dùng trong vài ba năm, mà là để dùng trong 30 – 40 năm. Nếu vài năm chưa kiếm được việc làm thích hợp thì chưa lo gì lãng phí. Đến ngay cả những nước lớn như Mỹ vấn đề thất nghiệp vẫn đang tồn tại đó thôi.

    Trả lờiXóa
  20. Một sự thật là sinh viên khi ra trường thường chỉ thích làm ở những thành phố lớn, không thích về những vùng quê nghèo khó làm, họ thích những công việc nhàn hạ, ngại lao động chân tay.... chính những lý do này đã đẩy sinh viên khi ra trường thất nghiệp, vì vậy tôi hy vọng các bậc phụ huynh hãy tư vấn hỗ trợ con mình trong việc chọn ngành nghề phù hợp, chỉ có thế sinh viên ra trường mới có cơ hội tìm được việc là. Hãy nhìn nhận vấn đề từ nhiều góc cạnh, đừng phiện diện mà có cách hiểu sai lầm.

    Trả lờiXóa

Tìm kiếm mở rộng

Google TreLang

Tre Làng

Thông kê truy cập

Lưu trữ Blog