Chia sẻ

Tre Làng

MẠO XƯNG

Mạo xưng

Hôm qua, công an tạm giữ hình sự một kẻ giả danh phóng viên báo Pháp luật TP HCM. 

Người này tiếp cận và hứa viết bài can thiệp pháp lý cho đương sự trong một vụ cưỡng chế. Anh ta đòi 50 triệu và đã nhận 12 triệu. Để nạn nhân tin, y hẹn nạn nhân lên tòa soạn báo. Y vào tòa soạn trước, rồi bước ra từ phòng tư vấn, gặp nạn nhân thông báo là đã can thiệp để được tư vấn miễn phí và sẽ viết bài. Trong khi thật ra, báo Pháp luật TP HCM vốn luôn có một đội ngũ hàng chục luật sư sẵn sàng tư vấn miễn phí cho người dân. 

Sau đó, khi đang hẹn nạn nhân để nhận tiếp 30 triệu, tên này bị bắt.

Tòa soạn của tôi, nơi chúng tôi đã dốc bao nhiêu công sức đấu tranh với tội phạm, nay lại trở thành sân khấu của một kẻ lừa đảo. Khi nghe tin ấy, tôi đã rất tức giận. Nhưng rồi cơn giận qua đi rất nhanh: Đây không phải là trường hợp hiếm hoi. Nó là hệ quả của một não trạng quen thuộc trong xã hội.

Mỗi năm có hàng chục, hàng trăm trường hợp giả danh cán bộ hoặc người nhà cán bộ để xin việc làm, chủ yếu vào ngành y hoặc ngành giáo dục; xin chạy vào trường đại học của ngành công an... bị phát hiện và bắt giữ. Tương ứng là hàng trăm nạn nhân mắc lừa tổng số tiền tính bằng đơn vị trăm tỷ đồng. Và dù được cảnh báo, nó vẫn tiếp diễn năm này qua năm khác.

Hơn 20 năm làm báo, tôi không đếm được bao nhiêu lần những chiếc xe hơi biển số trắng dán logo đài truyền hình hoặc đơn giản hơn là một tấm biển in nền đỏ chữ vàng với hai gạch ưu tiên, ở góc dưới có ba chữ "Xe báo chí". 

Cũng không dưới chục lần tôi được ai đó nhờ vả phóng to tấm ảnh chụp họ với một lãnh đạo cao cấp khi tình cờ có dịp bắt tay, để treo trang trọng giữa phòng khách gia đình hay phòng làm việc nhằm thỏa mãn sự hãnh diện hoặc ra oai. 

Trong nhiều trường hợp, có những chiếc xe biển trắng chạy trên đường không dán kính chắn nắng và vờ vô tình để cái mũ sĩ quan cảnh sát hay quân đội phía sau để bên ngoài nhìn thấy. Một dạo ở TP HCM rộ chuyện xe chở vật liệu gắn biển số đỏ giả chạy để tránh bị lỗi quá tải, quá tốc độ...

Tình trạng hễ vi phạm giao thông là xưng quen ông này, gọi điện thoại cho ông kia và được cho đi mà không hề bị lập biên bản xảy ra khá phổ biến. Tại hội nghị trực tuyến toàn quốc về công tác an toàn giao thông hôm 4/1, Phó Thủ tướng, Chủ tịch Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia Trương Hòa Bình phải chỉ đạo: “Phải xử lý nghiêm các vi phạm, không thể để tình trạng cứ bị dừng xe là rút điện thoại ra gọi, sau đó có tiếng nói người quen là cho đi. Phải kiên quyết chấm dứt tình trạng 'cưa đôi' giữa người vi phạm và lực lượng xử phạt”.

Một dạo, khi lực lượng 141 của Công an Hà Nội chặn dừng kiểm tra đối tượng vi phạm, nhiều kẻ còn xưng là "cháu của chú Nhanh". Điển hình, đêm 22/8/2011, tại khu vực ngã tư Hàng Khay, Tràng Thi - Lê Thái Tổ, Hà Nội, một thiếu niên 17 tuổi có hành vi “chống đối người thi hành công vụ”. Khi bị khống chế, cậu này còn cao giọng: “Làm sao? Tôi là cháu chú Nhanh đây!”. May là việc mạo xưng con cháu của Trung tướng Nguyễn Đức Nhanh (giám đốc Công an Hà Nội khi ấy) không có tác dụng với lực lượng thi hành công vụ.

Một cậu thiếu niên 17 tuổi mà đã có tâm lý mạo xưng để thách thức luật pháp, rõ ràng tâm lý xã hội có vấn đề. Sự mạo xưng ấy hình thành một niềm tin sai trái, rằng “quen biết” là một thứ quyền lực.

Tại sao có chuyện đó? Rõ ràng tình trạng này có đất sống là bởi tư tưởng nể nang, coi mối quan hệ với người có chức quyền lớn hơn luật pháp vẫn tồn tại trong một bộ phận cán bộ; tư tưởng "một người làm quan cả họ được nhờ" vẫn còn; nỗi toan tính "nhờ qua nhờ lại" vẫn còn; và nói như người Nam Bộ là sợ "cá ăn kiến rồi kiến ăn cá", sợ "rắn" quá hôm nay, mai sa cơ thất thế người ta lại "rắn" với mình.

Bất luận thế nào, khi đó pháp luật và ý thức công vụ đã thành món hàng đổi chác. Tâm lý ấy vô hiệu hoá kỷ cương, nó giễu nhại pháp chế, nó khiến công đường thành chỗ bán buôn. Tư duy ấy không chỉ tồn tại trong cán bộ, sự nhờ vả cậy dựa còn là quán tính sống của một số người dân, biến họ thành nạn nhân của trò lừa đảo và đẩy nghĩa vụ công dân xuống thấp.

Tuy nhiên, để dẹp hẳn tệ trạng này, lại là trách nhiệm của những người quản trị xã hội chứ không phải của dân chúng.

Đức Hiển/VnExpress

7 nhận xét:

  1. Làm báo là một nghề nhưng là nghề đặc biệt, bởi lẽ, nghề báo có quan hệ với số đông, thông tin nhà báo đưa ra có ảnh hưởng lớn đến công chúng và góp phần tạo nên dư luận xã hội. Do tính chất đặc thù như vậy nên đạo đức người làm báo luôn được coi trọng, nhất là trong thời buổi cơ chế thị trường hiện nay. Trên các trang báo mạng, báo in đăng tải quá nhiều các vụ án mạng, các mặt trái của xã hội; các vụ hôn nhân, tình dục; khai thác các khía cạnh mê tín dị đoan, đời sống tâm linh; chuyện riêng tư của các người mẫu, diễn viên; những hành vi tội ác bạo lực... Có không ít nhà báo lợi dụng danh nghĩa nghề nghiệp dọa dẫm doanh nghiệp đưa tiền, ép làm quảng cáo. Câu nói "nhà văn nói láo, nhà báo nói phét" cũng hoàn toàn có cơ sở cả phải không các bạn.

    Trả lờiXóa
  2. Chủ tịch Hồ Chí Minh nói: “Đối với người viết báo chúng ta cây bút là vũ khí sắc bén, bài báo là tờ lịch Cách mạng”. Người nói: “Ngòi bút của các bạn cũng là vũ khí sắc bén trong sự nghiệp phò chính trừ tà”. Chính là chính nghĩa, là chân lý, là sự nghiệp vĩ đại của dân tộc, là lợi ích của nhân dân; còn những gì đi ngược lại quyền lợi của Tổ quốc, lợi ích của dân tộc, những gì xấu xa, lạc hậu, trí tuệ, tiêu cực cần loại bỏ. Thử hỏi thời nay còn lại bao nhiêu người có đạo đức nghề báo như Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói?

    Trả lờiXóa
  3. Chính xác. Còn nhiều người ngại mất thời gian, ngại làm thủ tục, lười tìm hiểu quy định, nên sẵn sàng mất tiền cho cò. Nhớ trước đây có lần đi đổi giấy phép lái xe, đến trước cổng trung tâm của Sở GTVT chỗ Lý Chính Thắng Q3, mà có 1 lũ xông ra đòi làm dùm, mình kệ họ, cứ đi vào, mất một ít tiền phí (chẳng đáng là bao), thời gian cũng nhanh gọn, xong việc tự hỏi ai lại mất tiền cho cái đám cò này làm gì, vừa mất tiền vừa chẳng khôn lên được tý nào.

    Trả lờiXóa
  4. Hoabinh023414:51 22/3/17

    Thực sự là do tâm lý ngại đi lại, ngại mất thời gian nên nhiều người vô tình đã tự biến mình thành nạn nhân cho những kẻ xấu lợi dụng để lừa gạt. Và chiêu thức quen thuộc của chúng là giả danh nhà báo, phóng viên hay người nhà của quan chức rồi nhận lo lót thủ tục giấy tờ cho nạn nhân với một số tiền nhất định. Chính vì vậy chúng ta không nên để mình mắc phải những cái bẫy kiểu này

    Trả lờiXóa
  5. Mỗi năm có hàng chục, hàng trăm trường hợp giả danh cán bộ hoặc người nhà cán bộ để xin việc làm, chủ yếu vào ngành y hoặc ngành giáo dục; xin chạy vào trường đại học của ngành công an... bị phát hiện và bắt giữ. Tương ứng là hàng trăm nạn nhân mắc lừa tổng số tiền tính bằng đơn vị trăm tỷ đồng. Và dù được cảnh báo, nó vẫn tiếp diễn năm này qua năm khác. Vẫn có những kẻ vì đồng tiền bẩn thỉu mà mạo danh nhà báo hay công an để làm xấu đi hình ảnh các lực lượng chức năng, vì thế mong rằng các cơ quan chức năng cần xử lỹ nghiêm minh các đối tượng này.

    Trả lờiXóa
  6. Thời buổi lộn xộn xô bồ, xã hội không chuẩn mực, đất nước như một cái chợ, thượng vàng hạ cám mua bán quy ra tiền tuốt tuồn tuột... ( mua quan bán chức... Ăn cả tương lai con cháu...)

    Trả lờiXóa
  7. Người này tiếp cận và hứa viết bài can thiệp pháp lý cho đương sự trong một vụ cưỡng chế. Anh ta đòi 50 triệu và đã nhận 12 triệu. Để nạn nhân tin, y hẹn nạn nhân lên tòa soạn báo. Y vào tòa soạn trước, rồi bước ra từ phòng tư vấn, gặp nạn nhân thông báo là đã can thiệp để được tư vấn miễn phí và sẽ viết bài.
    Sao thời gian này lại có nhiều kẻ lợi dụng nhà báo để lừa người dân vậy nhỉ?

    Trả lờiXóa

Tìm kiếm mở rộng

Google TreLang

Tre Làng

Thông kê truy cập

Lưu trữ Blog