Chia sẻ

Tre Làng

THÔNG TIN XIN GIẤY PHÉP XUẤT KHẨU GẠO TỐN 20.000 USD LÀ KHÔNG CHÍNH XÁC

"Xin giấy phép xuất khẩu gạo tốn 20.000 USD" là thông tin không chính xác

Anh Tú/ANTD.VN

Tối 17-3, Bộ Công Thương chính thức xác nhận thông tin mỗi lần xin giấy phép xuất khẩu gạo phải tốn 20.000 USD là không chính xác, gây ảnh hưởng đến uy tín ngành Công Thương.

Bộ Công Thương khẳng định, thông tin xin giấy phép xuất khẩu gạo tốn 20.000 USD là không chính xác

Bộ Công Thương cho biết, thời gian qua, một số báo điện tử có đăng tải ý kiến phản ánh việc xin giấy phép xuất khẩu gạo phải tốn không dưới 20.000 USD. 

Ngay sau khi có thông tin phản ánh, Bộ Công Thương đã thành lập Đoàn xác minh do Thanh tra Bộ chủ trì. Sau gần một tháng điều tra, xác minh một cách khách quan, thận trọng, Bộ Công Thương có phản hồi như sau:

Ngày 23/2/2017, một số báo điện tử có đăng tải ý kiến phát biểu của ông Ngô Văn Nam, Tổng Giám đốc Công ty TNHH ADC tại Tọa đàm về đề xuất sửa đổi Nghị định 109/2010/NĐ-CP về kinh doanh xuất khẩu gạo tổ chức chiều 22/2/2017 tại TP HCM như sau: “Ông Nam thông tin, mỗi lần xin phép thì tốn mấy chục nghìn USD, không dưới 20.000 USD”, “Lý do là mỗi lần xin là mấy chục ngàn đô, rất lãng phí ... Chủ trì tọa đàm hỏi về chi phí xin giấy phép và được vị đại diện này khẳng định “không dưới 20.000 USD”.

Bộ Công Thương đánh giá thông tin này là hết sức nghiêm trọng. Vì vậy, ngay sau khi nhận được thông tin do báo chí phản ảnh, bên cạnh việc chỉ đạo các đơn vị liên quan trong Bộ giải trình, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã quyết định thành lập Đoàn xác minh do Thanh tra Bộ chủ trì để khẩn trương xác minh, kiểm tra và làm rõ theo tinh thần nghiêm túc, công khai và cầu thị.

Tại buổi làm việc với đại diện Bộ Công Thương, ông Ngô Văn Nam cho biết, ông có phát biểu ý kiến tại buổi tọa đàm nhưng báo chí đã phản ánh không chính xác ý kiến phát biểu của ông. 

Ông Nam khẳng định, ông và Công ty ADC chưa bao giờ gửi hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép kinh doanh xuất khẩu gạo tới Bộ Công Thương và cũng chưa khi nào liên hệ hoặc làm việc với bất kỳ đơn vị, cá nhân nào tại Bộ Công Thương.

Ông Ngô Văn Nam bày tỏ lấy làm tiếc vì việc phát ngôn nêu trên đã gây ra sự hiểu lầm và làm ảnh hưởng đến Bộ Công Thương. Ông khẳng định đã và đang trao đổi lại với một số cơ quan báo chí để đề nghị làm rõ lại các nội dung báo đăng. 

Trong khi đó, đại diện Bộ Công Thương cho hay, qua rà soát nội bộ cũng cho thấy Bộ Công Thương không nhận được hồ sơ đề nghị cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo cũng như bất kỳ yêu cầu nào về kinh doanh xuất khẩu gạo của Công ty TNHH ADC. Công ty này cũng chưa bao giờ tiếp xúc, liên hệ, trao đổi với các đơn vị chức năng liên quan của Bộ Công Thương về vấn đề xuất khẩu gạo. 

Vì vậy, Bộ Công Thương khẳng định việc ông Ngô Văn Nam, Tổng Giám đốc Công ty TNHH ADC phát biểu tại Tọa đàm là phải mất hàng chục ngàn đô la để được cấp phép xuất khẩu gạo là hoàn toàn không đúng sự thật. Việc này đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới uy tín của Bộ Công Thương nên Bộ đã yêu cầu ông Ngô Văn Nam giải thích lại với báo chí và ông Nam đã nhận lời.

Theo Bộ Công Thương, liên quan tới thủ tục cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo, các điều kiện đã được quy định rất rõ tại Nghị định số 109/2010/NĐ-CP có thể định lượng được và đặc biệt, việc kiểm tra, xác nhận các điều kiện này đã được phân cấp rõ ràng.

Cụ thể, các cơ quan chức năng của địa phương mới là nơi thực hiện công tác kiểm tra, xác nhận điều kiện kho chứa, cơ sở xay xát của doanh nghiệp. Trong trường hợp địa phương đã xác nhận là đủ điều kiện thì Bộ Công Thương không có quyền từ chối cấp phép cho doanh nghiệp.

Bộ Công Thương cũng cho rằng sau chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương đang phối hợp với các bộ, ngành và địa phương dự thảo phương án sửa đổi Nghị định 109/2010.

10 nhận xét:

  1. việc ông Ngô Văn Nam nói xin giấy phép xuất khẩu gạo phải mất hàng chục ngàn USD trên tọa đàm là không chính xác, việc này gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín của bộ công thương và gây dư luận không tốt, ông Nam nói mà chẳng suy nghĩ gì, làm ra hạt gạo lời lãi được bao nhiêu mà khi xuất khẩu phải tốn nhiều tiền vậy thì có hợp lí không, chẳng ai dại gì mà làm ăn thua lỗ cả. ông Nam phải đứng ra đính chính thông tin để mọi người trên khắp cả nước được biết

    Trả lờiXóa
  2. “Ông Nam thông tin, mỗi lần xin phép thì tốn mấy chục nghìn USD, không dưới 20.000 USD”, “Lý do là mỗi lần xin là mấy chục ngàn đô, rất lãng phí ... Chủ trì tọa đàm hỏi về chi phí xin giấy phép và được vị đại diện này khẳng định “không dưới 20.000 USD”.
    Phải xem tính xác thực của thông tin này.

    Trả lờiXóa
  3. Tôi cũng đồng tình với quan điểm của bộ công thương là thông tin trên rất nghiêm trọng. Cho nên các cơ quan chức năng cần làm rõ xem phát ngôn đó đúng, sai, độ xác thực đến đâu. Nếu sai, người phát ngôn phải chịu trách nhiệm với lời nói của mình. Còn nếu đúng, phải làm rõ, số tiền đó được đưa đến đâu, ai là người nhận, để xem mức độ sai phạm thế nào, có hình thức xử lý.

    Trả lờiXóa
  4. Bộ Công Thương khẳng định việc ông Ngô Văn Nam, Tổng Giám đốc Công ty TNHH ADC phát biểu tại Tọa đàm là phải mất hàng chục ngàn đô la để được cấp phép xuất khẩu gạo là hoàn toàn không đúng sự thật. Việc này đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới uy tín của Bộ Công Thương nên Bộ đã yêu cầu ông Ngô Văn Nam giải thích lại với báo chí và ông Nam đã nhận lời.
    Haiz, có vẻ như người phát ngôn thiếu suy nghĩ!

    Trả lờiXóa
  5. Tất cả các doanh nghiệp đều mong muốn một môi trường kinh doanh thuận lợi và tuân thủ pháp luật, bên cạnh những tiêu chí nghiêm ngặt của nước ngoài, cho dù chính phủ có tạo điều kiện nhưng tất cả chỉ là trên văn bản còn thực tế thì các doanh nghiệp phải lăn lộn mà vẫn ko thể làm được. Tất cả các doanh nghiệp và Bộ Nông Nghiệp đều biết cái Nghị Đinh 109/2010 nó là rào cản cho các doanh nghiệp kinh doanh gạo nói chung, các doanh nghiệp sản xuất gạo hữu cơ thì càng khó nhằn hơn. Cái rào cản 15 năm nay qua bao nhiêu vị Bộ Trưởng Bộ Nông Nghiệp mà vẫn chưa tháo gỡ thì đến bao giờ nền nông nghiệp Việt mới có thể phát triển? Các vị luôn luôn có mặt ở các cuộc họp, các cuộc hội đàm, tôi thấy các vị LUÔN LUÔN LẮNG NGHE NHƯNG KHÔNG BIẾT ĐẾN BAO GIỜ MỚI HIỂU???

    Trả lờiXóa
  6. Thực chất của "cơ chế xin cho" trên thực tế là vậy đó. Trong xã hội khái niệm đó là tiền bôi trơn, không có bôi trơn thì công việc không thể suôn sẻ. Chừng nào chưa có quy định cụ thể nghĩa vụ của các bên, và công khai quá trình xét duyệt, người dân có thể tự tra cứu thông tin quy trình công việc của mình thì chừng đó bên đi xin còn vất vả và tốn kém. Bởi vậy doanh nghiệp mới ép giá nông dân. Nông dân sao ngốc đầu lên nổi.

    Trả lờiXóa
  7. Tham nhũng tham ô thì ở đâu cũng có, từ cây bút chì tờ giấy ,đến những những con tàu ngàn tấn, luật chúng ta chưa nghiêm, khi cụm từ cảnh cáo rút kinh nghiệm còn tồn tại, phải thay vào đó là cắt chức, đuổi việc, tử hình thì may ra mới có hiệu quả. Không có lửa sao có khỏi, chuyện như thế này các ông phải chối chẳng nhẽ lại bảo để điều tra. Không chỉ XK gạo ra còn mấy cái khác như cà phê, cao su .... cũng gặp vấn đề tương tự cả.

    Trả lờiXóa
  8. Tham nhũng tham ô thì ở đâu cũng có, từ cây bút chì tờ giấy ,đến những những con tàu ngàn tấn, luật chúng ta chưa nghiêm, khi cụm từ cảnh cáo rút kinh nghiệm còn tồn tại, phải thay vào đó là cắt chức, đuổi việc, tử hình thì may ra mới có hiệu quả. Không có lửa sao có khỏi, chuyện như thế này các ông phải chối chẳng nhẽ lại bảo để điều tra. Không chỉ XK gạo ra còn mấy cái khác như cà phê, cao su .... cũng gặp vấn đề tương tự cả. Lần này phải thực sự hoan hô ông Nam đã dám nói lên sự thật phủ phàng về việc xin giấy phép . Mong ông vạch trần sự thật với đoàn kiểm tra. Phí này chi ở đâu, cho ai ? Ông cứ nói rõ, công luận luôn ủng hộ ông.

    Trả lờiXóa
  9. Ở cơ quan công quyền muốn việc gì thông đều phải chi, đến lúc, đến lúc bị phản ánh thì các vị cứ làm như đó là chuyện lạ thế giới. Mấy ai dám nói tôi chung chi bao nhiêu vì sau đó liệu cty tôi có còn tồn tại được hay không? Nếu tôi đứng ra làm chứng liệu có ai bảo vệ cho tôi sau này không? Nhưng giờ thời thế thay đổi rồi, con giun xéo lắm cũng quằn, đã làm ăn khó khăn rồi mà còn nhũng nhiễu, nhất là bét, làm được thì làm không được thì giải tán nên mới nên cơ sự này.

    Trả lờiXóa
  10. Có lửa mới có khói. Dân thường đấu thì chỉ thua thiệt. Thôi thì dàn xếp cho cuộc sống yên lành. Dân không ngu, chỉ là dân chưa làm chủ được nên phải nhịn.Không nhận hồ sơ xin xuất khẩu gạo của công ty TNHH ADC thì không có nghĩa là không có tiêu cực trong việc cấp phép xuất khẩu gạo

    Trả lờiXóa

Tìm kiếm mở rộng

Google TreLang

Tre Làng

Thông kê truy cập

Lưu trữ Blog