Chia sẻ

Tre Làng

Oshin nhà tôi


Sống chung với mẹ chồng đã là gì. Sống chung với bố chồng hẳn hoi đây

Oshin nhà tôi 

Thân hình cao ráo, rắn chắc, khuôn mặt với những đường nét ấn tượng, nước da nâu đồng và đôi chân dài. Quét đôi mắt nhìn cô oshin vừa tuyển về giúp việc cho đứa em mới sinh cháu, Nga nghĩ: nếu còn trẻ, đi thi Nektop thì cũng vào đến vòng 5 người cuối chứ chẳng đùa, sao lại chấp nhận đi làm Oshin được nhỉ. 

Vừa đến, nàng tỏ ra chăm chỉ, mang hết đồ nhà bếp ra đánh rửa, Nàng bảo, nhà to đẹp thế mà ở bẩn, nồi niêu để đen sì sì và nàng đã cọ rửa trắng tinh cả rồi. Thấy lạ, Nga ghé mắt vào thì ôi thôi, bao nhiêu nồi chảo chống dính mới cũ đã được nàng dùng cọ sắt đánh bong tróc trắng hết cả.

Được nghỉ ở nhà mấy ngày, Nga để ý thấy nàng oshin cũng chăm chỉ theo kiểu ai sai việc gì thì làm việc nấy chứ không phải là người biết việc. Làm xong việc mà là nàng lại bén mảng đến chỗ mấy chị em Nga ngồi hóng chuyện. Nga không có cảm tình với nó lắm, đã không biết việc, nấu ăn không ngon, chỉ biết chém to kho mặn, dọn cái nhà cũng không vừa ý. Nhiều khi Nga bảo thay người khác đi chứ sao lại có người vụng về, hay hóng hớt và hỏi lắm thứ chả liên quan gì đến mình cả. Nhưng mẹ Nga thì quý nó vô cùng, bà bảo: Chúng mày thích thay ai thì thay riêng con Mận thì cứ để đấy cho tao, tao vừa ý là được. Lệnh của bà lão hơn tám mươi ban ra, chả ai dám cãi và thế là nó vẫn yên vị với công việc giặt giũ, bế em và làm chân sai vặt khi cần.

Một chiều mát, Nga ra vườn làm cỏ cho mấy luống hoa, nàng cũng lân la cùng làm. Buồn miệng, Nga hỏi chuyện nhà, nó kể về những người liên quan đến nó làm Nga bỗng thay đổi hẳn thái độ từ chiều hôm đó. Nó sinh ra trong những năm cuối của cuộc kháng chiến chống Mỹ. Bố nó đi bộ đội đóng quân biền biệt tận đâu nó cũng không rõ. Chỉ biết lâu lâu bố nó được nghỉ phép mấy ngày và mỗi lần như vậy thì lại thêm một đứa em ra đời. Mẹ nó làm nông và chạy chợ, nó là chị cả lam lũ cùng mẹ nuôi bốn đứa em và tất nhiên cả năm đứa chẳng đứa nào được đi học đến nơi đến chốn. Chị em nó lớn lên như khoai như sắn trên miền đồi trung du quê nó vậy. Mười chín tuổi, nó cũng phổng phao, cao ráo, nước da nâu đồng cùng đôi mắt lúng liếng. Cũng bao trai làng lân la ướm hỏi vậy mà nó lại chọn ngay anh giai làng bên. Vì mặc cảm, không được đi học, không biết chữ nên nó chọn giai ấy cũng không học hành, mù chữ như mình. 

Chuyện tình của những người không biết chữ cũng đơn giản, mộc mạc như đất thô vừa được cày lật lên vậy.

Ngày đón nó về, bố mẹ chồng cho hai vợ chồng một gian ở cái chái bếp. Buồng hạnh phúc của hai đứa đấy. Căn buồng thấp lè tè ẩm mốc bốn mùa thừa tiếng muỗi reo là nơi chứng kiến bao tủi hờn của cuộc đời. Sáng sớm, nó phải dậy thật sớm cho đám lợn ăn xong rồi lo cơm cháo cho cả nhà, cho con bú, ăn quáng ăn quàng thứ gì đó miễn là ăn được và để no bụng rồi đi ra đồng. Cũng có hôm nó vừa đi vừa ăn mấy củ khoai hoặc cục cơm nguội còn thừa mà mọi người ăn còn sót lại. Người cùng làng ai cũng thương, bảo sao lại đâm đầu vào làm dâu nhà đấy cho khổ. 

Trước chồng nó là một ông anh trai đã lấy vợ chưa nổi một năm, cô vợ không chịu nổi bố mẹ chồng nên đã ra tòa ly dị. Ông anh lấy cô vợ hai, ở cùng nhà với ông bà, ông bà hành ghê quá, bắt làm quần quật mà không cho ăn, bảo sao người cứ khô quắt như con cá mắm, cũng chả thấy sinh đẻ gì nên càng bị ghét. Bị đánh đập nhiều nên cô bỏ đi biệt xứ, nghe đâu vào trong nam làm công nhân gì đó. Ông bà tìm hỏi cho cô vợ ba, ở cách xa mấy xã, chứ ở gần ma nào nó thèm lấy con ông. Cô này là giáo viên mầm non, có học tử tế,quần là áo lượt đâu như hai cô trước toàn làm nông, móng chân móng tay vàng khè, lúc nào cũng lủng lẳng đôi quang gánh, quần xắn tới bẹn bốn mùa, đùi đen như đùi chó mực. Cô này đi dạy cả ngày, đi từ sáng sớm đến chiều, quần là áo lượt. Ông bà có vẻ tự hào lắm. Son phấn của cô cũng chỉ làm ông bà tự hào được vài ngày. Rồi cái thói ghen ghét của ông bà cũng trỗi dậy nảy nở thêm cùng những lời dèm pha của dững bà nhà quê rỗi việc. Ai đời chồng dắt trâu đi cày, đi làm đồng, đầu tắt mặt tối rồi lại đi phụ hồ khắp làng trên ngõ dưới, quần áo hôi rình đầy mùi phân gio, vôi vữa vậy mà cô vợ cứ tơn tớn quần áo thơm tho, son phấn cho ai ngắm. Đã thế lại đi suốt ngày, cơm cũng không nấu được mà ăn. Lúc đầu còn điều tiếng xa gần sau thì ông chửi thẳng bà phụ họa theo. Cái ngữ ấy chỉ có theo giai mới đi sớm về muộn, son phấn gì, đẹp với ai, cho giai nó ngắm à. Ô, cô này có học có khác, cô đáp trả nhời chứ không ngậm hột thị như hai cô vợ đầu. “A ! quân này láo, đâu có cái ngữ bố mẹ chồng nói một câu, con cãi mười câu thế.” Được vài lần ông bà lót lá tống khứ cô ra khỏi cửa. Thế là ông anh mất vợ lần ba. Thanh niên cả làng cả tổng gặp anh ở đâu cũng vỗ vai khen đểu: “Đàn ông phải làm nên đại sự nếu không cũng phải có sự nghiệp lớn là hì hục lấy vợ như ông anh đây.” Rút kinh nghiệp ba lần đầu, lần này ông anh tự đi kiếm vợ, cô này cách vài huyện, làm nghề may cho một xí nghiệp. Cưới xong, ông anh cùng vợ tếch thẳng vào nam. Hai người đi liền mạch từ dạo ấy không thèm về. Nghe nói cả hai cùng vào làm cho một nhà máy trong đó, cuộc sống tuy không giàu có nhưng rất hạnh phúc. 

Từ ngày ông anh bỏ xứ ra đi thì mọi bất hạnh đổ dồn lên đầu nó gấp bao lần. Từ việc ruộng vườn, nhà cửa chỉ còn mỗi một tay nó lo liệu. Thằng chồng đã bỏ nhà theo chúng bạn về Hà Nội làm cửu vạn, để mặc vợ với thằng con mới được mấy tháng, ở với bố mẹ hắn, sống chết mặc chúng mày.

Sáng sớm hôm ấy, nó dậy sớm cho thằng con mới 11 tháng ăn cháo rồi dặn ông bà ở nhà trông cháu, nếu nó khát sữa thì mở hộp sữa ông thọ pha cho cháu uống để nó còn đi phun thuốc sâu cho lúa. Lúa bị sâu ăn hết lá đến nơi rồi. Nó lo đi muộn, sâu sẽ trốn hết xuống gốc. Tất tả cõng bình thuốc to tướng đi từ mờ sáng đến trưa mới về, thấy thằng con nhem nhuốc đang lăn lê bên cạnh chó mẹ và đàn chó con mới đẻ được hai tuần. Nó rửa ráy qua loa định cho con bú rồi mới đi nấu cơm thì bà bảo:

Nấu cơm đi chứ, đói lắm rồi, kệ nó, nó có khóc lóc gì đâu mà phải bú với mớm. 

Ông phụ theo: 

Cái thằng này thế mà khá, nó thèm sữa quá nên nó bò ra bú chó mẹ no rồi nên tao cũng không cần pha sữa cho nó uống nữa.

Nó không biết nói gì, không dám cãi, tuy thằng bé không khóc nhưng nước mắt nó dâng đầy. Cả buổi sáng, ông bà làm gì mà để thằng cháu đói khát đến nỗi phải bú chó. Được thể, lần nào nó đi làm là ông cũng mặc kệ để thằng cháu khát sữa thì tự bò đi tìm chó mẹ mà bú. Ông khoe khắp xóm, ai cũng biết và thương hai mẹ con nó. 

Thằng chồng thỉnh thoảng mới về , cũng chẳng thấy tiền đâu chỉ thấy thêm phần khệnh khạng, nói năng như ông tướng và hạch sách đủ điều. Mỗi lần về là bố mẹ chồng lại kể lể tội lỗi của nó và thế là nó lại no đòn. Đến nỗi nó chỉ mong cho thằng chồng đi thật xa, thật lâu đừng có về nữa để nó khỏi phải chịu cảnh một cổ mấy tròng. Có lẽ giời thương nó thật nên đận ấy thằng chồng đi cả năm chả tin tức gì. Hai mẹ con nó sống vất vưởng thì hắn về đột ngột. Hắn đòi cái nhà của ông anh đã bỏ đi và đưa hai mẹ con nó lên ở căn nhà ấy. Cũng lần ấy mà nó lại cho ra đời thêm thằng cu nữa. Thế rồi thằng chồng lại ra đi. Bố mẹ chồng thấy nó một nách hai con vất vả đã không giúp đỡ lại đòi ra ăn riêng. Tuy ăn riêng nhưng mọi thứ thu hoạch từ ruộng vườn đều phải do ông bà quản lí. Nó làm quần quật đầu tắt, mặt tối cũng chỉ được cho con hai bữa cơm còn cần gì vẫn phải ngửa tay xin ông bà từng đồng. Tiền đóng học cho hai đứa, rồi con ốm đau thật cơ cực. Vậy mà hai thằng con vẫn lớn như củ khoai củ ráy. Mang tiếng có thằng chồng đi làm tận Hà Nội nhưng không thấy đem về cho mẹ con nó cắc nào. Đã vậy, dạo tết cách đây vài năm lại thấy dắt về một nàng mắt xanh mỏ đỏ, nghe nói làm lễ tân cho một khách sạn lớn. Hắn tống cổ mấy mẹ con nó xuống cái chái bếp năm nào còn căn nhà ấy hai đứa chúng nó ra vào hú hí với nhau. Ông bà thấy thế cũng chả có ý kiến gì vì mỗi lần đến, cô nàng mang biếu ông bà nhiều thứ lắm. Ông còn khen đúng là con nhà gia giáo có học biết đối nhân xử thế. Thằng chồng làm ra bao nhiêu tiền toàn đưa cho nàng ấy giữ thấy bảo để mở chung hàng gì đó lớn lắm. Điên tiết quá, Nga gắt lên: 

Ngu thế, đánh bỏ mẹ chúng nó đi chứ.

Ôi em đâu dám thế chị, nó làm đơn ra tòa thì mẹ con em ở đâu, sống thế nào chứ. Em có biết chữ đâu, nó viết gì em đâu có đọc được. 

Nga nắm chặt nắm đấm, cắn răng, bất lực trước sự bất lực của nó - sự bất lực của người đàn bà thất học.

Bẵng đi một thời gian, lâu lắm, Nga mới về thăm nhà. Vừa dừng xe trước cổng mẹ Nga đã tất tả chạy ra:

Này nói cho bá biết mà mừng nhá, cái con Mận nhà mình ấy mà, nó được lên nhà trên rồi đấy. 

Cái gì mà mận với đào con chả hiểu gì cả.

Thì cái Mận giúp việc cho nhà mình ấy, dạo này nó được lên nhà trên. Nghe đâu, con bé kia ôm hết tiền của thằng chồng nó đi theo thằng khác. À, lại nữa, không hiểu sao cả hai ông bà ấy tai bay vạ gió kiểu gì mà cùng bị tai biến nằm liệt một chỗ rồi. 

- Thế có gì mà hay chứ, mọi việc lại đổ lên đầu nó thôi. 

Mận tất tả xách đồ cho Nga vào nhà, vừa đi vừa nói: 

Sao bá biết, bá giỏi thế. Ông bà em giờ nằm liệt giường nhưng nói vẫn rõ lắm. Ông bà gọi anh chồng em nhưng anh chị ấy không về nên mọi việc em phải lo hết. Ông bảo:

“Bây giờ chúng tao bị thế này , tao cho mẹ con mày lên nhà trên thì mày phải hầu hạ chúng tao”

Thế không cãi lại à? 

Không, em đâu dám, thằng chồng em dọa ra toà thì mẹ con em biết ở chỗ nào?. Em cũng chẳng biết làm sao? Đành tuân theo số mệnh vậy thôi bá ạ.

Trong lòng Nga bỗng trào lên một nỗi thương hại và uất hận thay cho Mận. Thương thay những phận đàn bà, chả bao giờ dám cất lên tiếng nói để bảo vệ cho chính bản thân mình……..

Bỗng có tiếng chuông, Nga ra mở cổng. Trước mặt Nga là hai chàng thanh niên cao lớn, đẹp giai trên hai chiếc xe đạp cất giọng gọi:

Mẹ ơi, xong việc chưa? chúng con sang đón mẹ cùng về đây. 

Nga ngạc nhiên, chúng gọi ai là mẹ. Nga chưa kịp cất lời thì Mận đã cười nói:

Hai giai nhà em đấy.

Cả nhà ồ lên, không ai bảo ai, cùng đồng thanh hỏi:

Vậy đứa nào đã bú chó năm xưa? Bây giờ học lớp mấy rồi?
Đứa cao hơn nhanh nhảu:

Chính là cháu đây ạ. dạ cháu chuẩn bị thi đại học năm nay ạ.
Mọi người vây lấy nó, người xoa đầu tóc, người nắm tay ve vuốt xuýt xoa. Nga ôm lấy vai nó vỗ về, tự nhiên thấy cay cay sống mũi. 

Nhìn hai đứa con trai cùng Mận ra về, Nga bỗng thấy hôm nay nắng như bừng sáng hơn, rặng hoa đào, hoa mận trước cổng nở rực rỡ. Ơ mà mùa xuân đã đến thật rồi.

1 nhận xét:

  1. Cuộc đời mà, mỗi người mỗi hoàn cảnh khác nhau nhưng nhân vật Mận ở đây dù cuộc sống hăng ngày kham khổ thật nhưng bù lại lại có được những đứa con ngoan.

    Trả lờiXóa

Tìm kiếm mở rộng

Google TreLang

Tre Làng

Thông kê truy cập

Lưu trữ Blog