Chia sẻ

Tre Làng

Cảnh sát giao thông "làm luật" ở cửa ngõ Tân Sơn Nhất

Lập chốt ở những góc khuất, nơi có dấu hiệu giao thông phức tạp hoặc lúc rạng sáng… là cách một số cảnh sát giao thông bắt người vi phạm trên đường phố.

Nhiều tháng qua, bạn đọc liên tục phản ánh đến Tuổi Trẻ tình trạng một số cảnh sát giao thông (CSGT) lập chốt trên đường kiểm tra xe vi phạm, thu tiền mà không lập biên bản.

Nhóm PV Tuổi Trẻ đã ghi nhận thực trạng này ở một số nơi, với mong muốn phản ánh một số CSGT tiêu cực, làm việc sai quy trình sẽ được chấn chỉnh, phục vụ dân tốt hơn, đồng thời cũng để người dân nhìn lại việc vi phạm và tuân thủ nghiêm minh luật pháp.

Ôtô và xe máy vi phạm bị nhóm CSGT và CSCĐ chặn lại "làm luật" dưới chân cầu vượt vào sân bay Tân Sơn Nhất, TP.HCM - Ảnh cắt từ clip

Tài xế "kêu trời"

Cạnh sân bay Tân Sơn Nhất, đoạn đường Hoàng Minh Giám - khúc giao từ đường Đào Duy Anh tới Hồng Hà (Q.Phú Nhuận, TP.HCM) trong khoảng thời gian PV Tuổi Trẻ thực hiện loạt bài này, chính là nơi cánh tài xế "kêu trời".

Cả con đường Phổ Quang nối với đường Phạm Văn Đồng qua đường Hoàng Minh Giám, chỉ có đoạn đường này (lúc phóng viên tác nghiệp) cấm ôtô (nay đã cho đi). 

Tài xế xe hơi, nếu muốn qua đoạn đường này phải quẹo vào đường Đào Duy Anh, sau đó chọn một vài hẻm nối đường Đào Duy Anh với Hồng Hà để xuyên sang và tiếp tục hành trình ra Phạm Văn Đồng. Những xe lớ ngớ đi thẳng sẽ "dính bẫy".

Trong hai buổi chiều 9/6 và 13/6, tại giao lộ Hoàng Minh Giám - Hồng Hà, chúng tôi ghi nhận có một CSGT và một học viên thực tập "lập chốt". 

Một xe du lịch mang biển số 61A-257xx bị dừng xe khi lớ ngớ đi vào đường cấm. Tài xế cầm theo giấy tờ trình viên thượng sĩ CSGT, rồi rút bóp… Nhận lấy, viên thượng sĩ làm vài động tác rồi trả lại giấy tờ cho tài xế mà không lập biên bản. 

Chỉ trong khoảng 1 giờ có mặt tại đây, ba trường hợp xe ôtô vi phạm bị xử lý với quy trình như trên, hoàn toàn không lập biên bản.

Trung úy CSGT lật giấu biển tên "làm luật" người vi phạm - Ảnh cắt từ clip.

Kiểm tra chớp nhoáng, móc bóp đưa tiền

Khoảng 3h ngày 14-6, trời còn tối mịt. Trước lối vào sân bay Tân Sơn Nhất trên đường Trường Sơn, một nhóm CSGT, cảnh sát cơ động (CSCĐ) xuất hiện, liên tục dừng các loại xe máy, xe hơi để kiểm tra. Có lúc lượng xe dồn ứ.

Dưới ánh đèn đường, thao tác dừng xe, kiểm tra của nhóm CSGT cứ lặp đi lặp lại: CSGT dừng xe; lái xe móc bóp, đưa giấy tờ và tiền; CSGT lấy cuốn sổ công tác che lại, luồn tay vào xấp giấy tờ lấy tiền, kẹp vào cuốn sổ hoặc vo tròn trong lòng bàn tay, đút túi quần rồi trả lại giấy tờ.

3h04, xe máy do một cô gái lái, chở theo một người đàn ông với chiếc vali lớn bị dừng xe. Viên CSGT còn trẻ, mặc áo khoác ngoài màu đen (khiến không nhìn rõ cầu vai, cấp hàm và bảng tên) tiến lại.

Người đàn ông đi cùng cô gái móc bóp, lấy tiền đưa cho viên CSGT rồi lên xe đi tiếp. Cuộc kiểm tra chớp nhoáng chỉ có vậy.

Liền sau đó, một xe máy chở ba cũng bị dừng xe. Người lái xe móc bóp, dúi về phía viên CSGT rồi tiếp tục lên xe đi. Sự việc cũng chỉ diễn ra chóng vánh.

3h50. Một người đàn ông đi xe tay ga bị dừng xe. Không rõ lỗi vi phạm, người này phân bua với hai CSGT. Rồi ông móc bóp, rút những tờ 100.000 đồng đặt lên tập biên bản. Viên CSGT đếm rồi cuộn lại, nhét vào bên trong tập biên bản.

Hơn 4h sáng, trời bắt đầu mưa và tổ công tác vẫn làm việc, dừng xe, kiểm tra, xử lý không ngừng. Việc kiểm tra giấy tờ, đưa - nhận hết sức nhanh gọn. Có lúc hơn chục chiếc xe máy chở người dồn ứ lại và quang cảnh chúng tôi ghi nhận hết sức nhốn nháo. 

Trong những người bị dừng xe máy có người chở theo trẻ em. Những đứa trẻ chứng kiến toàn bộ sự việc từ đầu tới cuối.

CSGT nhận tiền của một người vi phạm giao thông - Ảnh cắt từ clip

Ôtô vi phạm: chi đậm

Với xe máy, tổ công tác xử lý nhanh. Còn với tài xế xe hơi thì lại khác. Vài xe hơi có vẻ như lỗi vi phạm nhẹ, giấy tờ không có gì để "soi" thì thao tác của các CSGT khá nhanh, cũng theo quy trình đưa giấy tờ để đối chiếu, kiểm tra và sau đó đưa tiền thì được trả giấy tờ. 

Tuy nhiên, cũng có xe bị các CSGT làm thao tác như chuẩn bị lập biên bản khiến tài xế hoảng hồn... Nhưng tất cả đều được "giải quyết".

Lúc 5h, trời đổ mưa nặng hạt. Một tài xế bị dừng lại. Anh này đưa giấy tờ trình bày, vừa nói vừa mở bóp ra cho viên CSGT xem bên trong. Viên CSGT này lắc đầu. Tài xế quay qua hội ý với người đồng hành, người này liền móc bóp, lấy ra 700.000 đồng đưa cho tài xế... 

Tài xế quay lại nói chuyện với viên CSGT, năn nỉ nhưng vẫn bị lắc đầu từ chối. Tài xế móc bóp, rút thêm mấy tờ nữa. Viên CSGT vẫn có vẻ chưa chịu. Tài xế lại móc thêm lần nữa, trao cho viên CSGT. Lần này, viên CSGT nhìn vào bóp của tài xế, thò tay lấy thêm rồi mới chịu trả giấy tờ cho đi.

Trong tổ công tác làm việc trước cửa sân bay rạng sáng 14-6, có một CSGT đeo hàm trung úy, quay ngược bảng tên vào trong khiến người đối diện không thể đọc tên, số hiệu của mình. Viên CSGT này tạo nhiều ấn tượng nhất.

5h13, một tài xế ôtô bị dừng xe, đưa giấy tờ rồi chạy theo viên trung úy, tiến sát vào hàng rào tôn của công trường gần đó. Liền sau đó, lái xe được nhận lại giấy tờ. Còn viên trung úy xoay người, che tập bìa phía trước ngực, đếm những tờ tiền vừa nhận rồi kẹp cẩn thận vào trong.

Liền đó, viên trung úy gặp một tài xế khác cũng bị dừng xe đang chờ sẵn. Tài xế này quay lại xe, lấy đồ rồi cả hai tiến sát tới hàng rào tôn. Tại đây, tài xế lại móc tiền. Nhận xong, viên trung úy cũng rút ngay giấy tờ trả lại cho tài xế, làm động tác che chắn, kẹp tiền cẩn thận vào trong.

Trong suốt ca làm việc, thao tác này được lặp đi lặp lại nhiều lần, có khi kín đáo che chắn, có lúc công khai lồ lộ. Tổ công tác này làm việc trong mưa tới 5h22 thì rời đi. Trong số hàng chục xe máy, ôtô bị ra tín hiệu dừng xe, chỉ có một ôtô bảy chỗ bị tạm giữ. Rất ít trường hợp bị lập biên bản.

Viên cảnh sát nhận tiền của một phụ nữ - Ảnh cắt từ clip.

Đưa tiền 5 lần, đưa lại giấy tờ

Vào lúc 4h15 ngày 14/6, một xe bảy chỗ mang biển số tỉnh bị dừng xe. Viên trung úy CSGT "soi" rất kỹ chiếc xe, làm động tác như chuẩn bị lập biên bản. Từ trong xe, một người phụ nữ bước xuống. Người phụ nữ nói chuyện với viên trung úy.

Cuộc nói chuyện kéo dài khoảng 1 phút. Người phụ nữ và viên trung úy tiến lại gần hàng rào tôn, nơi kín đáo, mở túi xách, lần lượt rút hai tờ tiền mệnh giá 500.000 đồng đưa cho viên trung úy.

Rồi lần hai, lần ba, lần bốn, lần năm, mỗi lần hai tờ như vậy. Khi đưa đủ năm lần (tức 10 tờ), viên trung úy đưa lại giấy tờ cho người phụ nữ rồi quay đi.


Tuổi trẻ

15 nhận xét:

  1. gì chứ cái này ko biết bênh ai luôn,quan đã tham rồi dân còn gian,sao ko cứ cầm biên bản mà lập,làm thế thì lại tội dân.mấy thằng cảnh sát thì lại ăn quá vl,nhân bất thập toàn,đã tham gia giao thông thì ko lỗi này cũng có lỗi nọ,làm chặt chẽ quá rồi hốc tiền mất hết cả hình ảnh.đm

    Trả lờiXóa
  2. Mấy anh CSGT làm thế này là tai hại rồi. Hình ảnh rõ ràng, chứng cứ cụ thể như thế thì chỗi cãi kiểu gì. Lại thêm những con sâu làm rầu nồi canh. Không thể dung túng cho những hành vi xấu xí này được

    Trả lờiXóa
  3. Chúng ta phải lên án cả 2 : lũ dân gian vô pháp vô thiên hối lộ ăn cắp công qũy ( tiền phạt - chúng cưa nhau cùng hưởng ) và lũ công chức một nước sâu dân , làm mất lòng tin nhân dân vào chính quyền đang quyết tâm nói không với tham nhũng .

    Trả lờiXóa
  4. sao lại có loại người như thế này chứ, có khác gì lũ cướp ngày đâu, có mấy tiếng buổi sớm mà đã thấy hắn thu được vài triệu rồi đấy, mà người dân cứ thế là đưa tiền cho chúng thôi, thật quá bức xúc nếu không xử lí tên công an này thì người dân còn bức xúc, còn mất niềm tin vào lực lượng CSGT này dài dài, đúng là những con sâu bỏ giầu nồi canh mà

    Trả lờiXóa
  5. Một hình ảnh hkông đẹp một chút nào, ở đâu đó vẫn còn những con sâu luôn tìm cách đục khoét tiền từ người khác. Cần lên án mạnh hành động này.

    Trả lờiXóa
  6. Đây đúng là "Khôn ba năm, dại một giờ", đồng tiền có thể giết chết bạn lúc nào không hay.

    Trả lờiXóa
  7. Trong những vụ việc như thế này thì không có ai đúng cả mà 2 bên đều sai. Cái sai của CSGT là không thể làm chủ được bản thân trước ma lực của đồng tiền, nhưng không vì thế mà thông cảm cho họ được bởi đã là người trong lực lượng Công an thì tuyệt đối không thể có chuyện nhận hối lộ được bởi điều này sẽ làm ra tiền lệ xấu gây ảnh hưởng đến hình ảnh của LL Công an. Còn người dân họ cũng sai hoàn toàn khi là người đút lót, hối lộ nếu như người dân họ chấp nhận xử phạt làm theo đúng quy trình thì sẽ chẳng bao giờ có chuyện Công an nhận tiền của dân cả. Tóm lại, vẫn cần phải xử lý những đồng chí CSGT có hành động nhận tiền đống thời phải có những quán triệt nghiêm khắc về vấn đề này để họ có thể chiến thắng trước cám dỗ.

    Trả lờiXóa
  8. Trong ngành CA còn có những kẻ như thế này thì bảo sao người dân không có thiện cảm tốt với CA cơ chứ. Thiết nghĩ với những con người vô ý thức, hám danh lợi mà bất chấp luật pháp như một vài CSGT ở trên thì nên khai trừ ra khỏi ngành CA để lấy lại hình ảnh cho CA. CA là phải vì nhân dân phục vụ chứ, hi vọng sớm giải quyết được những tồn tại trong cơ quan chức năng này.

    Trả lờiXóa
  9. Hành vi này của cánh sát giao thông ở đây là hoàn toàn không chấp nhận được và 1 lần nữa những con sâu này lại làm mất đi hình ảnh tốt đẹp chung của lực lượng này. Xung quanh ta vẫn có rất nhiều những hình ảnh đẹp của các chiến sĩ công an nhân dân, những hình ảnh được đưa lên chia sẻ cũng chỉ là một phần rất nhỏ

    Trả lờiXóa
  10. không phải là bênh vực csgt nhưng chúng ta nên nhìn nhận rõ hơn. Còn nói về CSGT tôi gặp cả những kẻ thất đức, dùng chức vụ để "hạch sách", làm những việc mất tư cách đó chứ. Nhưng đó không phải tất cả, tôi vẫn nhìn thấy bao nhiêu người phải phơi nắng, phơi mưa ngoài đường để điều khiển cái tình trạng giao thông đầy cực khổ. Hãy biết nhìn bằng cả đôi mắt bao quát của mình

    Trả lờiXóa
  11. với những hành vi sai trái như vậy thì rõ ràng là không thể dung túng cho họ được. tuy nhiên Bên cạnh những trường hợp cảnh sát giao thông bắt sai ra, thì hàng loạt các video được đăng tải trên mạng phản ánh việc cãi cự với csgt ra thì có đến quá nửa sai còn cãi cùn hay không? Vấn đề nó là ở tư duy nhỏ nhen, manh mún của một bộ phận nhỏ người dân thô

    Trả lờiXóa
  12. Bây giờ người ta toàn nhìn vào mấy ông giao thông để đánh giá toàn bộ lực lượng cảnh sát. Phải nghiêm trị những con sâu này, đừng để một vài con sâu mà làm hỏng cả một nồi canh.

    Trả lờiXóa
  13. Lập chốt ở những góc khuất, nơi có dấu hiệu giao thông phức tạp hoặc lúc rạng sáng… là cách một số cảnh sát giao thông bắt người vi phạm trên đường phố. Nhiều tháng qua, bạn đọc liên tục phản ánh đến Tuổi Trẻ tình trạng một số cảnh sát giao thông (CSGT) lập chốt trên đường kiểm tra xe vi phạm, thu tiền mà không lập biên bản

    Trả lờiXóa
  14. Đề nghị các cơ quan chức năng có đầy đủ thẩm quyền nhanh chóng vào cuộc xử lý những thành phần công an mà ăn chặn như lưu manh thế này, nó tồn tại đã từ lâu và gây ra sự bức xúc trong long dân không nhỏ. Có cái kiểu đâu, lương tháng đã được nhận từ nguồn ngân sách nhà nước – là tiền của của nhân dân rồi, lại còn đi “ăn” cửa sau của nhân dân, đúng là khổ nhất là chỉ có người dân thôi.

    Trả lờiXóa
  15. Bất cứ lực lượng nào cũng có thể có những con sâu làm rầu nồi canh. Chính vì vậy luôn cần sự phản ánh của người dân để cơ quan chức năng phát hiện và xử lí những sai phạm, đồng thời thanh lọc những cán bộ có tư tưởng lệch lạc thoái hóa. Tuy nhiên đừng đánh đồng tất cả! Còn đó rất nhiều chiến sĩ tận tụy hết lòng phục vụ nhân dân.

    Trả lờiXóa

Tìm kiếm mở rộng

Google TreLang

Tre Làng

Thông kê truy cập

Lưu trữ Blog