Chia sẻ

Tre Làng

BÍ THƯ TỈNH ỦY, ĐÂU PHẢI... CHUYỆN ĐÙA!

Bí thư tỉnh ủy, đâu phải… chuyện đùa!

Làm lãnh đạo nghề gì cũng khó nhưng có lẽ Bí thư Tỉnh ủy là một trong những “nghề” phải nói là rất khó.

Lý do, bởi ở cương vị này, người lãnh đạo không chỉ cần có chủ trương, đường lối đúng đắn, sáng tạo mà còn phải là một tấm gương mẫu mực không chỉ tài năng mà còn nhân cách, ít nhất trong miền đất mà mình là người đứng đầu.

Chuyện kỉ luật ông Nguyễn Xuân Anh gần đây làm tôi nhớ về Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An một thời - Ông Trương Đình Tuyển!

Trước và sau khi đi Nghệ An làm Bí thư Tỉnh ủy (tháng 2 năn 2000 đến tháng 8 năm 2002) ông Tuyển làm Bộ trưởng Bộ Thương mại. Là Tổng biên tập Báo Thương mại, tôi biết kha khá về tính khí bộc trực của “Người tắm hai lần trên một dòng sông” - Ông Tuyển vẫn hay mượn một câu thơ để nói về mình như vậy khi ví với việc ông hai lần làm Bộ trưởng Bộ này.

Cuối năm 1999, khi có thông tin cấp trên chuẩn bị luân chuyển mình đi Nghệ An, ông Tuyển có vẻ không vui và lộ ra chút lo lắng. Hơn một lần ông nói công khai trước cuộc họp giao ban với các cán bộ chủ chốt của cơ quan Bộ là ông đã gặp, trình bày với Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Tổ chức Trung ương Nguyễn Văn An rằng ông chưa từng một lần làm bí thư chi bộ, lại đi công tác xa quê Nghệ An nhiều chục năm rồi. Giờ về làm ông quan đầu tỉnh đâu phải chuyện đùa!

Tôi và những người có mặt trong khán phòng đều tin ông Tuyển trải thật lòng! Đó là tính cách của ông, nhưng rồi ông Tuyển vẫn phải đi Nghệ An theo sự phân công của tổ chức.

Chấm phá vài nét chuyện ông Tuyển trăn trở trước khi đi làm Bí thư Nghệ An, tôi muốn nói rằng hơn ai hết, ông “biết mình là ai”. Từ Tổng giám đốc một doanh nghiệp (Petrolimex) rồi lên làm Bộ trưởng bộ kinh tế chuyên ngành mà chưa hề kinh qua công tác Đảng, dù chỉ là bí thư chi bộ! Và rồi đến khi ngồi vào cái ghế người đứng đầu một địa phương vốn gai góc, trước đó từng có chuyện lình xình mất đoàn kết nội bộ… thì ông lại tự biết mình phải như thế nào?

Suốt thời gian 2 năm 6 tháng làm Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An, ông Tuyển sống giản dị, liêm khiết. Khi đó, tỉnh có ý dành lô đất, xây cho ông ngôi nhà nhưng ông đã thẳng thừng từ chối mà sống trong khu nhà của Tỉnh ủy. Ngoài giờ làm việc ở công sở, ông thường đạp xe đi mua cơm hộp hoặc ra chợ mua đồ về tự nấu lấy ăn. Thi thoảng, người dân thành phố Vinh thấy ông ngồi xe ôm đi thăm thú người này người kia.

Tôi đã từng thấy nhiều lần thấy Bộ trưởng Thương mại Trương Đình Tuyển đi xe ôm. Có lần ông điện thoại bảo tôi hẹn để ông gặp và đàm đạo thơ phú với Nhà thơ Hữu Thỉnh, khi đó là Tổng biên tập Báo Văn nghệ. Cuối một buổi chiều, tôi và Nhà thơ Hữu Thỉnh đến trước chờ ở quán ăn trên đường Lê Đại Hành. Một lúc sau thì thấy ông Tuyển ngồi xe ôm đến. Ông lấy từ trong chiếc cặp da ra chai rượu và bảo: “Rượu thuốc chiết từ nhà tớ đấy, để cậu Khiêm đỡ tốn”. Cả tôi và Nhà thơ Hữu Thỉnh tròn xoe mắt nhìn nhau mà không nói được câu gì.

Các cụ thân sinh ông Tuyển có ngôi nhà ở khuất nẻo trong một con phố nhỏ ngoại ô Thành Vinh. Thân mẫu của ông qua đời khi ông đang là Bí thư Nghệ An. Tôi tham gia trong đoàn cán bộ Bộ Thương mại vào Vinh dự lễ viếng. Trước đoàn Bộ Thương mại có đoàn của Văn phòng Chính phủ do Thủ tướng Phan Văn Khải dẫn đầu.

Đám tang được tổ chức trong ngôi nhà cũ kỹ, tường bao, sân vườn đơn sơ và không lấy gì làm rộng rãi lắm. Dọc đường về Hà Nội, một cán bộ cấp vụ ở Bộ Thương mại ghé tai tôi: “Từng làm Tổng giám đốc xăng dầu rồi nhiều năm làm Bộ trưởng, hiện lại là Bí thư Tỉnh ủy, ông Tuyển chỉ cần “ho” một tiếng là có hàng chục doanh nghiệp giơ tay…”.

Nhưng ông Tuyển đã không màng đến những điều Tham - Sân - Si ấy!

Đó chính là điều lý giải vì sao 30 tháng ở Nghệ An, ông Tuyển “nói có người nghe, đe có người sợ”! Thời gian này, ông “trảm” đến gần cả tá bí thư, chủ tịch huyện… trong đó, có cả Bí thư Huyện ủy Diễn Châu quê ông vốn là chỗ thân quen. Nghiêm khắc, quyết liệt đến như thế nhưng kỳ lạ là những năm tháng đó, nội bộ Tỉnh ủy, Ủy ban Nhân dân tỉnh Nghệ An khá là yên ả. Nhiều cán bộ đương chức, các cán bộ lão thành, nhân dân ở một số huyện thị… khi được hỏi họ đều nói lời tâm phục, khẩu phục ông Bí thư Tuyển.

Tháng 8 năm 2002 ông Tuyển trở ra Hà Nội và một lần nữa làm Bộ trưởng Bộ Thương mại cho đến tháng 8 năm 2007 nghỉ hưu. Và không phải không có lý do khi ông được Thủ tướng Chính phủ mời làm cố vấn về đàm phán các hiệp định thương mại và hội nhập kinh tế quốc tế.

Dù đã 15 năm trôi qua nhưng giờ đây, nhiều người Nghệ An vẫn còn nhắc đến ông Bí thư Tuyển một thời.

Cách đây ít lâu, cậu lái taxi chở tôi dọc đường cứ bô bô: Những ngày này nghe các anh nói về ông Tuyển - Bí thư Nghệ An năm nào thấy nó xa xỉ quá nhỉ? Hỏi, sao cậu nghĩ thế? Trả lời: Thì có ông ở Đà Nẵng mới đây đấy, cũng làm Bí thư Tỉnh ủy như ông Tuyển nhưng chưa đầy hai năm đã tai tiếng…

Mới biết “chiếc áo không làm nên thầy tu”, cùng một vị trí công việc nhưng người thì để lại nhiều ấn tượng tốt khó quên, người lại tự gieo cho mình những điều tiếng để người đời bàn tán.

Càng hiểu, Bỉ thư Tỉnh ủy đâu phải chuyện đùa!

BÙI ĐỨC KHIÊM

10 nhận xét:

  1. Cảm ơn tác giả đã cho người đọc biết thêm về con người của Nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại Trương Đình Tuyển. Một con người mà tôi vô cùng yêu quý, kính trọng. Tôi biết ông chủ yếu qua truyền hình, từ ngày mà ông tham gia đàm phán quá trình Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới. Cái ấn tượng về con người của ông. Một ngườ làm chức Bộ trưởng Bộ Thương mại mà rất gần gũi thâm chí nhìn phong cách của ông không ai nghĩ ông có thể làm quan, vì dáng vẻ vô cùng nông dân , chân chất. Thế nhưng ở đó toát lên tính liêm chính, chí công, vô tư mà thế hệ lãnh đạo trẻ ngày này không bao giờ theo kịp. Không bao giờ học hỏi được.

    Trả lờiXóa
  2. Tôi đồng tình với ý kiến tác giả đưa ra kết thúc lại bài viết của mình "chiếc áo không làm nên thầy tu”, cùng một vị trí công việc nhưng người thì để lại nhiều ấn tượng tốt khó quên, người lại tự gieo cho mình những điều tiếng để người đời bàn tán. Cứ nghĩ rằng " hậu sinh khả úy", tiếp bước cha anh để làm nên lịch sử, để xây dựng đất nước, nhưng tất cả chỉ là kỳ vọng mà thôi, chưa thực sự tìm ra được người có đủ tâm tài trí đức để lo cho thiên hạ như các vị tiền bố được.

    Trả lờiXóa
  3. 64 tỉnh thành của cả nước, thử hỏi chúng ta tìm ra được bao nhiêu vị Bí thu tỉnh ủy không có nhà to, không có xe đẹp, sống cả đời chân chính, thanh liêm trong sạch như ông Trương Đình Tuyển đây. Có lẽ rằng những người nhiw ông "tuyệt chủng" rồi chăng. Nghĩ mà thấy lo ngại cho đất nước, vì giờ đây kiếm được người tài đã khó rồi chứ kiếm người vừa có tài vừa có đức thì đúng là mò kim đáy bể. Khó hơn cả lên trời.

    Trả lờiXóa
  4. Xã hội bây giờ khó có người như ông Trương Đình Tuyển lắm. Quan chức bây giờ làm gì có chuyện tiếp xúc gần gũi với dân, làm gì có chuyện sống đơn giản như dân. Ông nào làm quan cũng nhà lầu xe hơi, cũng biệt thự làm gì có ai đi xe ôm, uống rượu thuốc như ông đâu. Xã hội vật chất nó làm con người ta thay đổi hoàn toàn, làm cho con người ta sống không còn đơn giản nữa mà lúc nào cũng đề cao vật chất, cũng đặt vật chất lên hàng đầu.

    Trả lờiXóa
  5. Nguyễn Văn23:44 7/10/17

    Đọc nhận xét của các bác ở trên thấy lo lắng quá.
    Hèn gì bọn rận nó ông ổng cả ngày về nạn tham nhũng của quan chức chính quyền như vậy.
    Những người như ông Trương Đình Tuyển "tuyệt chủng" rồi chăng?
    Rõ ràng vẫn đề đào tạo, bồi dưỡng cho lớp cán bộ kế cận cần xem xét lại. Cũng cần nói thêm rằng tinh thần tự rèn luyện bản thân để trở thành quan thanh liêm, thành "công bộc" chí công vô tư của một bộ phận không nhỏ quan chức hiện nay gần như không có.
    Lại nhớ triết học Mác đã nói rằng "vật chất có trước, ý thức có sau", "vật chất quyết định ý thức"...

    Trả lờiXóa
  6. Thực sự rất khó mà kiếm được một cán bộ giản dị, mẫn cán như ông Trương Đình Tuyển trong thời đại bây giờ quá. Cái cốt cách giản di, chân thật, bộc trực của ông rất khó để thấy trong hàng ngũ cán bộ, Đảng viên chúng ta hiện nay mà chúng ta cần phải học hỏi nhiều. Có tài, có đức và khiêm tốn, giản dị, gần dân thì mới xúng đáng làm cán bộ được.

    Trả lờiXóa
  7. Làm cán bộ cấp cơ sở hiện nay quả thực rất khó. Đặc biệt chức vụ Bí Thư tỉnh uỷ, chức vụ đứng đầu Đảng bộ, chính quyền nhân dân một tỉnh. Không những phải là người có năng lực lãnh đạo mà còn phải có những kĩ năng cần thiết để duy trì sự đoàn kết, thống nhất trong nội bộ. Phải là người thực sự dành được uy tín trong dân bằng taì năng, đức độ, đại diện cho nhân dân một tỉnh quyết định những vấn đề quan trọng, cần thiết.

    Trả lờiXóa
  8. Mới biết “chiếc áo không làm nên thầy tu”, cùng một vị trí công việc nhưng người thì để lại nhiều ấn tượng tốt khó quên, người lại tự gieo cho mình những điều tiếng để người đời bàn tán. Càng hiểu, Bỉ thư Tỉnh ủy đâu phải chuyện đùa!

    Trả lờiXóa
  9. Cảm ơn tác giả đã cho người đọc biết thêm về con người của Nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại Trương Đình Tuyển. Một con người mà tôi vô cùng yêu quý, kính trọng. Tôi biết ông chủ yếu qua truyền hình, từ ngày mà ông tham gia đàm phán quá trình Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới. Cái ấn tượng về con người của ông. Một ngườ làm chức Bộ trưởng Bộ Thương mại mà rất gần gũi thâm chí nhìn phong cách của ông không ai nghĩ ông có thể làm quan, vì dáng vẻ vô cùng nông dân , chân chất. Thế nhưng ở đó toát lên tính liêm chính, chí công, vô tư mà thế hệ lãnh đạo trẻ ngày này không bao giờ theo kịp. Không bao giờ học hỏi được.

    Trả lờiXóa
  10. Tôi đồng tình với ý kiến tác giả đưa ra kết thúc lại bài viết của mình "chiếc áo không làm nên thầy tu”, cùng một vị trí công việc nhưng người thì để lại nhiều ấn tượng tốt khó quên, người lại tự gieo cho mình những điều tiếng để người đời bàn tán. Cứ nghĩ rằng " hậu sinh khả úy", tiếp bước cha anh để làm nên lịch sử, để xây dựng đất nước, nhưng tất cả chỉ là kỳ vọng mà thôi, chưa thực sự tìm ra được người có đủ tâm tài trí đức để lo cho thiên hạ như các vị tiền bố được.

    Trả lờiXóa

Tìm kiếm mở rộng

Google TreLang

Tre Làng

Thông kê truy cập

Lưu trữ Blog