Chia sẻ

Tre Làng

Mấy vấn đề nhờ Phan Huy Lê giải thích

Trên tạp chí Xưa và Nay số 486 – tháng 8-2017, Giáo sư Phan Huy Lê có bài viết “Công cuộc khôi phục thống nhất quốc gia cuối thế kỷ XVIII đầu thế kỷ XIX”, bằng nhiều cứ liệu lịch sử và ý kiến của nhiều nhà sử học, giáo sư cho rằng “Đến đầu triều Nguyễn, đất nước mới thật sự được thống nhất”. Tôi có một vài thắc mắc xin được Giáo sư giải thích thêm cho rõ.

Thưa Giáo sư,

Theo tôi được biết, mỗi sự kiện lịch sử chỉ diễn ra một lần, và chỉ một lần duy nhất như nó đã diễn ra, nhưng nhìn nhận lịch sử lại phụ thuộc vào nhãn quan của người nhìn nó, có thể phụ thuộc vào quan điểm chính trị nhất thời của thế lực thống trị hay của những người “chống đối” lại quan điểm đó. Đối với không ít sự kiện lịch sử, người đời sau tiếp cận không được toàn diện, đầy đủ và khách quan nên có thể có những nhận định không được khách quan lắm, cho dù đó không phải là ý muốn của người làm sử chân chính. Chúng ta hiện nay chắc chắn không sống vào thế kỷ XVIII-XIX nên tư liệu về chúa Nguyễn và triều Nguyễn mà chúng ta tiếp cận là những tư liệu thành văn được viết dưới triều Nguyễn và một số tư liệu của người nước ngoài ghi chép lại. Mà những tư liệu của Quốc sử quán triều Nguyễn thì chắc chắn sẽ viết những gì có lợi cho triều đình nhà Nguyễn, dù cho người viết sử có trung thực đến đâu thì những gì bất lợi cho triều đình cũng không được phép công bố, có thể họ viết đúng nhưng chưa hoàn toàn đầy đủ. Còn tư liệu do những thương nhân nước ngoài ghi chép thì họ cũng ghi theo cái nhìn chủ quan của họ, cái mà họ biết được sẽ rất hạn chế so với tổng thể. Do đó, nếu chỉ căn cứ vào những tư liệu thành văn này mà phán đoán e rằng sẽ phiến diện chăng? Nói như thế không có nghĩa là người làm sử, nghiên cứu lịch sử không bao giờ tiến đến sự thật khách quan và toàn diện, bởi ngoài tư liệu thành văn còn có nhiều phương pháp tiếp cận khác, mà tôi tin rằng Giáo sư cũng như các nhà sử học Việt Nam là những người am tường nhất.

Vòng vo như thế để muốn nói rằng tôi không hề có ý muốn “bắt bẻ” hay “đả kích” Giáo sư hay bất kỳ ai đang làm công tác nghiên cứu lịch sử, mà chỉ muốn làm rõ thêm, muốn được Giáo sư và các nhà sử học “dạy bảo” thêm cho kiến thức còn đang thiếu thốn của mình mà thôi. Nhưng cũng phải nói, trong học thuật không phải bao giờ người đi trước, người có tên tuổi phán đều là chân lý, và cũng không nên cấm đoán người sau có ý kiến riêng của mình.

Với những lý do đó, tôi xin được trình bày một vài quan điểm cá nhân và hỏi lại Giáo sư vài điều, mong được Giáo sư giải thích mấy điều sau:

- Trước nhất là khái niệm “Đất nước thống nhất” và “thống nhất đất nước”.

Trong bài, Giáo sư viết: “Năm 1802, Nguyễn Ánh sau khi đánh bại chính quyền Tây Sơn cuối cùng là vương triều Nguyễn Quang Toản, đã làm chủ cả nước, xây dựng vương triều nhà Nguyễn trên toàn bộ lãnh thổ đất nước, bao gồm cả Đàng Trong và Đàng Ngoài trước đây. Nước Việt Nam với quốc hiệu do Gia Long đặt tên năm 1804, nước Đại Nam với quốc hiệu do Minh Mệnh đặt năm 1838 là quốc gia thống nhất với lãnh thổ gần như tương ứng với lãnh thổ Việt Nam hiện nay, từ Cao Bằng đến Cà Mau, từ Trường Sơn đến Biển Đông bao gồm cả các đảo ven bờ và hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa. Đó là một nước thống nhất về phương diện lãnh thổ, tổ chức chính quyền và quản lý hành chính quốc gia. Đó là một thực tế lịch sử được minh chứng qua nhiều nguồn sử liệu khác nhau và không một nhà sử học nào phủ nhận” (Trang 9 – TC X&N, số 486).

Ở đây tôi xin được hỏi: Trước năm 1802, đất nước ta bị chia cắt về mặt lãnh thổ lúc nào? Bởi theo chúng tôi (mà hình như tất cả mọi người cũng vậy) đều biết là nước Việt của chúng ta từ thời Hùng Vương dựng nước, dù trải qua nhiều thăng trầm của lịch sử, bị Trung Hoa đô hộ, chia thành quận huyện, nhưng đó cũng là một nước Việt thống nhất với nhiều dân tộc anh em. Người Tàu đô hộ nước Việt ta chứ đâu phải đô hộ 3 nước Cửu Chân, Nhật Nam, Giao Chỉ. Loạn 12 sứ quân, mỗi sứ quân chiếm một vùng lãnh thổ của nước Việt để xưng hùng chứ đâu phải chia thành 12 nước. Nhà Mạc khi thất thế lui về Cao Bằng của nước Việt trấn giữ chứ đâu chia thành 2 nước. Trịnh – Nguyễn phân tranh, chúa Trịnh ở “Đàng Ngoài”, chúa Nguyễn ở “Đàng Trong” của nước Việt chứ đâu phải là hai quốc gia riêng biệt, cho dù thể chế cai trị có khác nhau và hai thế lực tranh chấp về lãnh thổ, tìm cách triệt hạ nhau thì cũng có vua Lê đứng trên (cho dù chỉ là danh nghĩa). Và như thế, cho đến năm 1708, khi Mạc Cửu xin thần phục và dâng khu vực mình cai quản cho chúa Nguyễn để thành lập trấn Hà Tiên (sau đó, vua Chân Lạp tự nguyện dâng thêm đất Tầm Phong Long) thì bản đồ của nước Việt ta đã thống nhất từ Cao Bằng đến Hà Tiên rồi còn gì! Việc Tây Sơn xóa bỏ hai thế lực thống trị Trịnh – Nguyễn trên đất nước ta là xóa bỏ hai tập đoàn quyền lực, hai thế lực chính trị thống trị ở hai miền chứ đâu phải Tây Sơn lật đổ chế độ cai trị của “nước Đàng Trong” rồi xâm lược “nước Đàng Ngoài” để tạo thành một quốc gia “thống nhất về mặt lãnh thổ”. Có chăng, sau khi Quang Trung đánh đuổi 20 vạn quân Thanh thì Quang Trung chính thức là vua của nước Việt. Về mặt lý mà nói Quang Trung là hoàng đế của nước Việt thống nhất từ Cao Bằng đến Hà Tiên (Cà Mau chỉ là huyện Long Xuyên thuộc trấn Hà Tiên). Còn Nguyễn Nhạc dù xưng là trung ương hoàng đế thì bất quá cũng chỉ là một thế lực cát cứ, là sự phân chia quyền quản lý của hai anh em trong một nhà chứ không tách thành hai quốc gia riêng biệt.

Chỉ đến khi thực dân Pháp xâm chiếm và chia nước ta thành 3 nước (Bắc kỳ, Trung kỳ và Nam kỳ) trong 5 nước Đông Dương thuộc Pháp thì mới có thể nói đất nước ta bị chia cắt về lãnh thổ dưới sự cai trị của thực dân Pháp, nhưng trong tâm thức người Việt, đất nước chúng ta, dân tộc chúng ta không hề bị chia cắt.

Bởi những suy nghĩ như trên nên tôi cứ cho rằng đất nước ta luôn có một lãnh thổ thống nhất và câu nói của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Đất nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một, sông có thể cạn, núi có thể mòn, song chân lý ấy không bao giờ thay đổi” là chân lý. Mà chân lý thì chỉ có một chứ không có hai.

- Nguyễn Ánh có công gì trong việc thống nhất đất nước?

Giáo sư đã viết: “Kể từ khi từ Xiêm trở về chiếm lại Gia Định năm 1787-1788, Nguyễn Ánh đã vừa xây dựng lực lượng ở Gia Định, vừa tiến hành cuộc chiến tranh chống lại Tây Sơn cho đến năm 1802 mới giành được thắng lợi. Đó là một cuộc chiến tranh kéo dài 14 năm rất gian khổ với nhiều bước thăng trầm rất ác liệt. Đánh bại Nguyễn Lữ năm 1787 rồi tiến lên đánh bại Nguyễn Nhạc năm 1793 sau khi vua Quang Trung từ trần và cuối cùng đánh bại chính quyền Tây Sơn cuối cùng của Nguyễn Quang Toản. Chính thắng lợi của cuộc chiến tranh này mới đưa tới sự thống nhất đất nước”.

Thưa Giáo sư, theo tôi, đánh đổ một vương triều để thiết lập một vương triều khác là việc làm trong nội bộ một quốc gia đã có lãnh thổ thống nhất. Ở đây tôi không dám lạm bàn đến công và tội của Nguyễn Ánh và vương triều nhà Nguyễn bởi nhân dân và lịch sử đã từng đánh giá, nhưng nếu cho rằng nhờ cuộc chiến tranh đánh thắng Tây Sơn mới đưa tới sự thống nhất đất nước thì tôi e rằng có gì đó không thỏa đáng chăng? Đành rằng Nguyễn Ánh làm mọi cách để giành lại quyền thống trị đất nước cho bản thân và gia tộc mình là việc làm dễ hiểu và có thể thông cảm, nhưng không vì thế mà nói rằng nhờ vào cuộc chiến đó mà thống nhất đất nước. Theo tôi, đó chỉ là thâu tóm quyền lực về một mối, cũng có thể nói là sự thống nhất về mặt quyền lực cai trị, hay có thể nói đất nước thống nhất về một mối chứ không phải là hành động để thống nhất đất nước về mặt lãnh thổ.

Khi Nguyễn Ánh từ Xiêm về, được các tướng lĩnh và nhân dân Gia Định ủng hộ, ông đã chiếm được đất Gia Định. Ở đây ta thấy việc Nguyễn Ánh từ Xiêm “trở về” chiếm lại Gia Định là việc Nguyễn Ánh đã “về nước”, bởi Gia Định dù rộng lớn cũng là lãnh thổ của nước Việt chứ đâu phải của ai khác. Nguyễn Ánh dựa vào vùng đất thang mộc này mà lật đổ vương triều Tây Sơn, tất nhiên Gia Định cùng các vùng miền khác phải chịu sự quản lý của vương triều Nguyễn thì sao có thể gọi là “Chính thắng lợi này mới đưa tới sự thống nhất đất nước” được.

Dẫu biết rằng lịch sử diễn ra không có chuyện “nếu”, nhưng cũng xin được hỏi Giáo sư, “nếu” Quang Trung – Nguyễn Huệ không đập tan tập đoàn của chúa Trịnh, đánh tan 20 vạn quân Thanh, đưa Đàng Ngoài vào sự quản lý chung của triều Tây Sơn, thế lực của chúa Trịnh còn mạnh thì liệu Nguyễn Ánh có thể làm cái việc gọi là thống nhất được không? Cho dù chỉ là thống nhất về mặt quyền hành quản lý trên phạm vi cả nước.

Như vậy, Nguyễn Ánh – Gia Long có công gì trong việc thống nhất đất nước về mặt lãnh thổ?

Tôi rất tán đồng quan điểm của Giáo sư “Thống nhất đất nước là nguyện vọng của nhân dân và xu thế phát triển của lịch sử”. Nhưng theo tôi hiểu thống nhất ở đây có nghĩa là “Non sông thu về một mối”. Cho đến khi Tây Sơn bộc lộ khuyết điểm thì Nguyễn Ánh đã xóa bỏ vương triều Tây Sơn, chấm dứt cảnh tương tranh trong nội bộ đất nước, thiết lập một triều đại mới trên “đất nước thống nhất” chứ đâu phải là hành động “thống nhất đất nước”. Không biết có phải vậy không?

***
Thưa Giáo sư,

Tôi là một người yêu sử, yêu lịch sử Việt Nam, và tôi muốn đọc sử như những gì lịch sử đã diễn ra không bị chi phối bởi một quan điểm nào. Tôi cũng muốn các thế hệ sau đọc được những bộ sử khách quan như thế, dù biết chắc rằng đó là một việc rất khó, bởi người viết sử cũng là một con người đứng ở một vị trí nhất định, nhìn và nhận định bằng con mắt, trái tim của người đứng ở vị trí đó. Giáo sư là bậc trưởng thượng trong giới sử học của nước ta hiện nay, mong Giáo sư giải thích thêm những thắc mắc mà tôi nêu ra trong bài viết này, có thể chỉ ra những sai sót trong nhận định, suy nghĩ của tôi.

Xin chân thành cảm ơn.
Giá Khê
Tuần Báo Văn Nghệ TP.HCM số 470

5 nhận xét:

  1. Để mà phê bình hay có những lời nói thiếu khiếm nhã với GS Phan Huy Lê thực sự những người thuộc thế hệ sau như tôi không dám. Nhưng là một con người Việt Nam, yêu nước Việt Nam, tự hào về đất nước, quê hương của mình tôi mong muốn những người làm công tác lịch sử hãy phản ánh một cách khách quan, chính xác những sự kiện, nhân vật lịch sử để thế hệ con cháu của chúng ta sau nay hiểu về sử của nước mình, qua đó hun đúc thêm tình yêu quê hương, đất nước, xây dựng ý chí phấn đấu không ngừng. Chúng ta đừng viết theo chủ quan suy nghĩ của mình để thế hệ sau có cái nhìn lệch lạc về lịch sử là điều không nên chút nào.

    Trả lờiXóa
  2. Hỏi khó thế này thì "giáo sư" Lê nhà ta bó tay rồi.

    Trả lờiXóa
  3. Chúng tôi là thế hệ trẻ, nói thật,qua tìm hiểu về nhiều tài liệu chúng tôi thấy rất tự hào về lịch sử hào hùng của dân tộc Việt nam. Song, khi đọc về sách lịch sử mà các ông mang đủ chức danh như giáo sư, tiến sĩ viết thì chúng tôi chán chẳng buồn đọc. Vì sao? Vì các ông không chịu đổi mới tư duy, chưa nói đến việc các ông làm sai, viết sai lịch sử nhé.

    Trả lờiXóa
  4. Là một con người Việt Nam, yêu nước Việt Nam, tự hào về đất nước, quê hương của mình tôi mong muốn những người làm công tác lịch sử hãy phản ánh một cách khách quan, chính xác những sự kiện, nhân vật lịch sử để thế hệ con cháu của chúng ta sau nay hiểu về sử của nước mình, qua đó hun đúc thêm tình yêu quê hương, đất nước, xây dựng ý chí phấn đấu không ngừng, chứ đừng có viết theo suy nghĩ chủ quan của mình! Vì lịch sử phải là chính xác những gì đã xảy ra mà! Có phải muốn thay đổi gì thì thay đổi đâu!

    Trả lờiXóa
  5. Tôi là một người yêu sử, yêu lịch sử Việt Nam, và tôi muốn đọc sử như những gì lịch sử đã diễn ra không bị chi phối bởi một quan điểm nào. Tôi cũng muốn các thế hệ sau đọc được những bộ sử khách quan như thế, dù biết chắc rằng đó là một việc rất khó, bởi người viết sử cũng là một con người đứng ở một vị trí nhất định, nhìn và nhận định bằng con mắt, trái tim của người đứng ở vị trí đó. Giáo sư là bậc trưởng thượng trong giới sử học của nước ta hiện nay, mong Giáo sư giải thích thêm những thắc mắc mà tôi nêu ra trong bài viết này, có thể chỉ ra những sai sót trong nhận định, suy nghĩ của tôi.

    Trả lờiXóa

Tìm kiếm mở rộng

Google TreLang

Tre Làng

Thông kê truy cập

Lưu trữ Blog