Chia sẻ

Tre Làng

Bộ trưởng Trương Minh Tuấn: SẼ RÀ SOÁT LẠI VIỆC THỰC HIỆN TÔN CHỈ, MỤC ĐÍCH CỦA CƠ QUAN BÁO CHÍ

Bộ trưởng Trương Minh Tuấn: Sẽ rà soát lại việc thực hiện tôn chỉ, mục đích của cơ quan báo chí

(CLO) Ngày 17/11, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Quốc hội tiến hành chất vấn Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn.

Bộ trưởng Trương Minh Tuấn trả lời chất vấn đại biểu Quốc hội về nhóm vấn đề: việc triển khai ứng dụng công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu cải cách hành chính, nhất là cải cách thủ tục hành chính và xây dựng Chính phủ điện tử; công tác quản lý nhà nước về báo chí, truyền thông; về hệ thống dịch vụ truyền thông, việc xã hội hóa các chương trình phát thanh, truyền hình; giải pháp kiểm soát, hạn chế thông tin xấu, độc hại, phản cảm trên mạng xã hội và định hướng thông tin, tuyên truyền văn hóa, đạo đức xã hội.

Sai phạm của báo chí còn nhức nhối

Trả lời chất vấn đại biểu Quốc hội về tình trạng báo chí vi phạm, đưa tin sai sự thật, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn nêu rõ, vai trò của báo chí từ trước đến nay đã được thể hiện rõ ràng. Từ khi Đảng thành lập đến nay, báo chí luôn đồng hành và phản ánh mọi hoạt động của Đảng, Nhà nước nhân dân. Báo chí đi tiên phong, góp phần tuyên truyền đường lối, chủ trương của đảng, đưa đường lối, chủ trương, chính sách, pháp luật vào cuộc sống; báo chí đóng góp rất lớn vào các thành công của Đảng, của đất nước.

Bộ trưởng Trương Minh Tuấn cho biết, sai phạm của báo chí vừa qua là rất lớn, đây là vấn đề nhức nhối, nhưng những sai phạm này không làm biến dạng dòng chảy chính của báo chí cách mạng Việt Nam. Theo Bộ trưởng, Luật Báo chí năm 2016 khẳng định quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận trên báo chí, nhưng cũng quy định rất rõ trách nhiệm, quyền hạn của cơ quan báo chí. Việc đăng tải thông tin sai lệch, gây hoang mang trong nhân dân là hành vi bị cấm.

Với trách nhiệm của cơ quan quản lý Nhà nước về báo chí, Bộ Thông tin và Truyền thông thường xuyên phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương để theo dõi, kiểm tra việc thực hiện quy định pháp luật về báo chí, đặc biệt là quy định liên quan đến nội dung thông tin trên báo chí, hoạt động báo chí.

Năm 2016, Bộ Thông tin và Truyền thông đã kiểm tra, xử phạt vi phạm hành chính với gần 150 cơ quan báo chí. Năm 2016 là năm Bộ xử phạt nhiều nhất từ trước đến nay, riêng vụ nước mắm có 50 cơ quan báo chí bị xử lý, vụ cháu bé tự tử ở Gia Lai có 12 cơ quan báo chí bị xử lý. Như vậy, việc tăng cường xử lý vi phạm được thực hiện nghiêm túc, mọi hành vi cố ý hay vô tình xâm hại lợi ích quốc gia đều được xử lý nghiêm, Bộ trưởng khẳng định.

Bộ trưởng Trương Minh Tuấn cho biết, thời gian tới, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ tiếp tục tăng cường quản lý Nhà nước đối với lĩnh vưc báo chí; rà soát lại việc thực hiện tôn chỉ, mục đích của cơ quan báo chí; rà soát lại việc cấp thẻ nhà báo, khi không đủ yêu cầu thì phối hợp với cơ quan báo chí rút thẻ nhà báo với trường hợp cần thiết.

Về vấn đề xã hội hóa truyền hình, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn cho biết: Các chương trình truyền hình liên kết hầu hết là các chương trình giải trí. Tuy nhiên, trong thực tế, nhiều chương trình có vấn đề, cách đây mấy năm sai phạm ở trong chương trình xã hội hóa còn nhiều. Gần đây hầu hết các đài đã có quy trình chuẩn hơn, chấn chỉnh lại quá trình xã hội hóa từ quy trình kiểm duyệt do đó mức độ vi phạm giảm. Về vấn đề này, Bộ Thông tin và Truyền thông cũng thường xuyên kiểm tra, xử lý, nhắc nhở với chủ trương các chương trình xã hội hóa không lấn át chương trình thiết yếu.

Báo chí phải “dẫn dắt” mạng xã hội

Trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội về việc xử lý người dùng mạng xã hội nặc danh, đưa thông tin xấu độc lên mạng, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn cho biết, với trách nhiệm là cơ quan quản lý nhà nước trên phương diện truyền thông, Bộ Thông tin và Truyền thông đã làm việc với các nhà mạng có văn phòng đại diện, có quan hệ hợp tác với Việt Nam và yêu cầu các nhà mạng phải tuân thủ pháp luật Việt Nam. Sự hợp tác này bước đầu đã đạt kết quả khả quan, hiện đã gỡ được trên 5.000 clip có thông tin xấu, độc hại, chống phá lợi ích của Nhà nước Việt Nam… trên Youtube.

Hiện nay, cơ quan chức năng Việt Nam cũng đang làm việc tiếp với Youtube để có bộ chặn lọc; đồng thời rà soát hệ thống pháp luật, có chế tài đủ mạnh để xử lý các vi phạm trên mạng xã hội.

Để hạn chế tình trạng thông tin xấu, độc tràn lan trên mạng xã hội, theo Bộ trưởng Trương Minh Tuấn, một giải pháp đã được nêu trong Báo cáo của Bộ Thông tin và Truyền thông là thúc đẩy mạng xã hội do doanh nghiệp tại Việt Nam cung cấp dịch vụ. Bên cạnh đó, phải lấy báo chí làm hạt nhân dẫn dắt mạng xã hội, lấy tích cực để đẩy lùi tiêu cực. Báo chí phải định hướng và tuyên truyền thông tin tốt, để thông tin tốt ngày càng phát triển và hạn chế nhiều hơn thông tin xấu. 

Bộ trưởng Trương Minh Tuấn cũng cho rằng, dù ngành Thông tin và Truyền thông có tích cực, làm nhiều hơn nữa cũng không thể tránh khỏi sai sót, không thể hoàn thiện đầy đủ. Vì vậy, Bộ trưởng mong muốn, các đại biểu Quốc hội tiếp tục quan tâm giám sát và chỉ ra các hạn chế để ngành tiếp tục vươn lên, thực hiện tốt hơn nữa trách nhiệm quản lý nhà nước của mình.

PV

6 nhận xét:

  1. Báo chí ngày này có quá nhiều vấn đề mà tôi thấy Bộ 4T chưa vào cuộc quyết liệt. Trả lời chất vấn của các đại biểu thấy rằng Bộ rất quyết tâm trong việc xiwr lý nghiêm những sai phạm của báo chí nhưng gần như chỉ dừng lại lời nói nà thôi còn hành động thì chưa thấy đâu.

    Trả lờiXóa
  2. ngày nay không chỉ có báo giấy mà còn có cả báo mạng, những thông tin trên mạng tràn lan làm mọi người dể dàng tiếp cận, thật tốt nếu đó là những thông tin thiết thực nhưng trái lại những thông tin xuyên tạc, sai sự thật ngày càng nhiều khiến dư luận bức xúc, có lẽ đó là vấn đề nhức nhối nhất đòi hỏi bộ trưởng phải giải quyết trong thời gian tới

    Trả lờiXóa
  3. Biết rằng ngành nghề nào cũng sẽ phải có những con sâu làm ảnh hưởng đến cả tập thể nhưng gần đây việc thông tin sai sự thật tràn lan trên mạng mất kiểm soát khiến cho rất nhiều người hoang mang. Ngay cả những tờ báo có uy tín thì chuyện đăng bài viết thông tin sai lệch thiếu trách nhiệm cũng xảy ra với tần suất cao. Vì thế, mong rằng Bộ Trưởng Trương Minh Tuấn sẽ có những biện pháp thắt chặt hơn về vấn đề nhức nhối này.

    Trả lờiXóa
  4. Bộ trưởng Trương Minh Tuấn cũng cho rằng, dù ngành Thông tin và Truyền thông có tích cực, làm nhiều hơn nữa cũng không thể tránh khỏi sai sót, không thể hoàn thiện đầy đủ. Vì vậy, Bộ trưởng mong muốn, các đại biểu Quốc hội tiếp tục quan tâm giám sát và chỉ ra các hạn chế để ngành tiếp tục vươn lên, thực hiện tốt hơn nữa trách nhiệm quản lý nhà nước của mình.

    Trả lờiXóa
  5. Nặc danh14:37 4/12/17

    Với trách nhiệm là cơ quan quản lý nhà nước trên phương diện truyền thông, Bộ Thông tin và Truyền thông đã làm việc với các nhà mạng có văn phòng đại diện, có quan hệ hợp tác với Việt Nam và yêu cầu các nhà mạng phải tuân thủ pháp luật Việt Nam. Và chúng ta tin tưởng vào lời nói này.

    Trả lờiXóa
  6. Để hạn chế tình trạng thông tin xấu, độc tràn lan trên mạng xã hội, theo Bộ trưởng Trương Minh Tuấn, một giải pháp đã được nêu trong Báo cáo của Bộ Thông tin và Truyền thông là thúc đẩy mạng xã hội do doanh nghiệp tại Việt Nam cung cấp dịch vụ. Bên cạnh đó, phải lấy báo chí làm hạt nhân dẫn dắt mạng xã hội, lấy tích cực để đẩy lùi tiêu cực. Báo chí phải định hướng và tuyên truyền thông tin tốt, để thông tin tốt ngày càng phát triển và hạn chế nhiều hơn thông tin xấu.

    Trả lờiXóa

Tìm kiếm mở rộng

Google TreLang

Tre Làng

Thông kê truy cập

Lưu trữ Blog