Chia sẻ

Tre Làng

Kể lại chuyện xưa nhân một chuyện mới

Bài viết của Phạm Quang Long - nguyên GĐ Sở VHTT Hà nội. Tre làng chép về cho anh em tham khảo thêm về một góc nhìn. Tre Làng không có ý gì, nên yêu cầu mọi người bình luận đúng mực. Tks.

Hai hôm nay trên mạng xã hội dày đặc tin về chương trình biểu diễn của đoàn Nghệ thuật Nội Mông ở Nhà hát Lớn vào tối 19/1/2018, đúng vào ngày 44 năm trước Trung Quốc nổ súng xâm lược Hoàng Sa của chúng ta. Rất nhiều căm phẫn. Rất nhiều lo lắng, bực bội. Sáng nay, qua FB của anh Xuân Đức thấy buổi biểu diễn vì lý do kỹ thuật đã bị hoãn. Thở phào vì ít ra cái điều tệ hại ấy đã không diễn ra vào cái ngày nó không được phép này.

Nhân chuyện ấy, nhớ lại hai chuyện:

Chuyện thứ nhất: trong "Sống mãi với Thủ đô" của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng có kể chuyện trên thành Cửa Bắc có một lỗ thủng do đại bác của tàu chiến Pháp khi xâm lược Hà Nội lần 2 bắn vào. Người Hà Nội mỗi khi đi qua nơi này đều thấy nhục và căm giận quân xâm lược. Một hôm tất cả những người đi qua thành Cửa Bắc đều ngạc nhiên vì không còn thấy vết thủng nữa. Có ai đó đã dùng gạch, vữa xoá đi vết thủng đó rồi. Nhưng hôm sau thì cái lỗ ấy lại như cũ. Có ai đó lại dỡ chỗ vá ra, cho nó hiện hình như cũ. Người lấp vết thủng, chắc là một công dân tử tế của HN đêm đến lại mang gạch, vữa lấp đầy lỗ thủng. Trước khi rút, ông còn để lại tờ giấy viết đại ý: lỗ thủng này là dấu vết ô nhục. Tôi đã lấp đi. Xin vị nào nghĩ đến nỗi nhục này, đừng moi lên nữa. Nhưng hôm sau đi qua lại thấy người nào đã moi hết chỗ đã lấp, anh ta giận lắm. Đêm xuống, anh ta lại mang gạch vữa leo lên định lấp kín vết đạn thì thấy ở đó có tờ giấy viết: ông có lòng tự trọng, không muốn thấy nỗi nhục chúng ta đang chịu là phải. Nhưng ông tưởng lấp đi thì không nhục nữa ư? Phải để đó cho mọi người thấy nỗi nhục này mà nghĩ cách rửa nhục. Ông đồng tình với tôi thì đừng làm cái chuyện giấu nhục nữa. Ngẫm thấy người kia đúng, anh ta rút lui và cái lỗ thủng ấy còn đến bây giờ.

Chuyện thứ hai: ngày còn đi làm, độ gần cuối năm 2008 gì đó, một hôm quãng hết giờ chiều thì tôi nhận được công văn của một đơn vị xin phép phối hợp với một đơn vị kinh tế Trung Quốc làm triển lãm băng đăng. Họ xin bắn pháo hoa vào ngày kết thúc triển lãm, bắn miễn phí, lại ở tầm cao, thời gian 30 phút. Xin nói để mọi người rõ, đón Tết ta chỉ bắn 15 phút, chủ yếu tầm thấp, có rất ít ở tầm cao mà đã tốn kém lắm rồi. Thế mà họ bắn 30 phút, tầm cao cả thì được quá còn gì?

Vì cuối giờ, tôi đọc qua rồi đem cả công văn về nhà. Tối ấy, có 2 cuộc điện thoại gọi đến. Cả hai đều có ý giục tôi ủng hộ việc bắn pháo hoa. Lý do ta chả mất gì, lại có dịp vui chơi, lại mở rộng hợp tác. Tóm lại là lợi nhiều mặt. Tôi chột dạ vì thấy việc này cần gì họ phải can thiệp? Lấy văn bản ra đọc lại không thấy có gì bất thường. Chỉ là một văn bản giao dịch thông thường. Nhưng không yên tâm nên ngẫm nghĩ một lúc thì giật mình. Ngày họ xin kết thúc triển lãm và bắn pháo hoa đúng vào 17-2, ngày họ xua quân xâm lược nước ta trong một cuộc chiến tàn khốc, phản phúc. Toát mồ hôi nếu mình vô ý bỏ qua điều này. Tôi trả lời không đồng tình vì những lý do khác nhau. Thế là người ta trách tôi cố tình gây khó, suy diễn không có cơ sở. Tôi chịu trận nhưng không cho phép. Thấy không ổn, tôi gọi điện cho lãnh đạo cao nhất thành phố. Nghe tôi trình bày, anh ủng hộ tôi. Lại còn dặn: nếu họ không nghe, ông cho dẹp luôn cuộc triển lãm đi. Người ta đang tổng kết cuộc chiến ấy, trao huân chương, khen thưởng tùm lum mà mình lại cho họ bắn pháo hoa vào ngày ấy thì không được. Chắc có ý kiến của anh nên cuộc triển lãm này bị dẹp bỏ.

Rất có thể do chúng ta không có cách nghĩ lắt léo nên dễ bỏ qua lắt léo của người ta. Nhưng người ta thì không vô tình đâu, tôi tin thế vì qua một số việc với họ tôi cũng hiểu họ phần nào. Ngày hôm nay 19/1 xin được góp thêm một chuyện gần với chuyện đã xảy ra từ lâu. Trưa, lúc ăn cơm vợ nhắc: chuyện này gần ngày ấy em đã nghe một anh cùng cơ quan băn khoăn và đã nhắc anh. Chắc anh quên thôi. Nghĩ lại mà hãi. Mình bỏ qua chuyện này chắc không gì tạ tội được với những người đã bỏ mình vì nước. 

Xin đa tạ anh linh các vị đã mách tôi không quên điều này.

3 nhận xét:

  1. Mỗi hành động quyết định phải được đưa ra khi có sự suy nghĩ, đánh giá ,phân tích một cách thấu đáo. Vụ việc tại Nhà hát lớn nếu được diễn ra theo đúng kế hoạch thì sẽ gây ra một làn sóng căm phẫn lớn của dư luận. Tại cái ngày mà đất nước phải chịu đau thương mà lại tổ chức chương trình biểu diễn giữa VN với TQ thì không thể chấp nhận được. Đây sẽ là miếng mối ngon cho bọn phản động lao vào cắn xé xuyên tạc. Chỉ một sơ xuất nhỏ thôi cũng đủ khiến chúng ta phải trả giá. Mong rằng những vụ việc như thế này sẽ được ngăn ngừa, không để tiếp diễn để tránh những rắc rối không đáng có.

    Trả lờiXóa
  2. Có cái chi mà tốn giấy mực: " Nghi ngờ là đặc trưng của Cộng Sản "... Nghi ngờ, nghi ngờ... Luôn luôn phải nghi ngờ.

    Trả lờiXóa
  3. Trung Quốc vẫn luôn rất "thâm" mà, thế nên trong các mối quan hệ làm ăn hay hợp tác gì với nước láng giềng này thì Việt Nam mình vẫn luôn phải thận trọng, cẩn thận suy xét nhiều mặt, cân nhắc kĩ càng!

    Trả lờiXóa

Tìm kiếm mở rộng

Google TreLang

Tre Làng

Thông kê truy cập

Lưu trữ Blog