Chia sẻ

Tre Làng

Phim nói Biển Đông thuộc Trung Quốc vẫn duyệt chiếu ở Việt Nam?

Dù đưa ra thông điệp độc chiếm Biển Đông, phim Điệp vụ Biển Đỏ của Trung Quốc vẫn 'lọt lưới' kiểm duyệt của cơ quan chức năng rồi được trình chiếu rộng rãi ở nhiều hệ thống rạp tại VN.

Đoàn chiến hạm trong một cảnh phim Điệp vụ Biển Đỏ
ẢNH:  CHỤP LẠI TỪ PHIM

Từ ngày 16.3 vừa qua, phim Điệp vụ Biển Đỏ, do Công ty CGV VN phát hành, bắt đầu được công chiếu tại nhiều hệ thống rạp ở VN. Dựa trên một sự kiện có thật xảy ra tại Yemen vào năm 2015, bộ phim kể về việc Trung Quốc triển khai tàu chiến cùng đội đặc nhiệm Giao Long đến giải cứu kiều dân nước này ở châu Phi.

Sau khoảng 120 phút với nhiều màn chiến đấu nhằm khoe khoang sức mạnh quân sự, phim đến hồi kết thúc với hình ảnh đoàn tàu chiến Trung Quốc đi qua một vùng biển được chú thích bằng dòng chữ “South China Sea” (tức Biển Đông). Tại đây, hạm đội Trung Quốc phát loa yêu cầu một tàu chiến khác phải “rời khỏi vùng biển thuộc chủ quyền Trung Quốc”. Thông điệp này hoàn toàn sai lệch, xâm phạm nghiêm trọng đến chủ quyền của VN đối với Biển Đông. Chính vì thế, nhiều khán giả đã vô cùng bức xúc.

Sự ngụy biện của CGV

Đến chiều qua (24.3), ông Nguyễn Hoàng Hải, Giám đốc phát hành phim của CGV VN, cho biết đã ngừng chiếu Điệp vụ Biển Đỏ tại các rạp kể từ chiều cùng ngày. Giải thích lý do ngừng chiếu, ông Hải cho biết: “Phim này đã chiếu được 10 ngày nay và cũng không đông khán giả lắm, nên chúng tôi quyết định ngưng chiếu để xếp lịch cho phim khác ra rạp”.

Bên cạnh đó, ông Hải cho rằng: “Nội dung phim rất bình thường như các phim ngoại khác về việc giải cứu con tin. Khi xem 2 phút cuối có cảnh về Biển Đông, tôi cũng có để ý trước nhưng xem kỹ thì tôi thấy rất bình thường vì Biển Đông trong cảnh này rất mơ hồ, không rõ hải phận của nước nào. Tôi nghĩ người xem nhạy cảm quá, nên suy diễn là biển của VN chứ trong phim không nói gì”.

Tuy nhiên, với những gì diễn ra trên phim thì sự bức xúc của nhiều khán giả về việc Trung Quốc tuyên truyền sai lệch là chính xác, chứ không phải “suy diễn” như đại diện CGV VN phát biểu. Cụ thể, nếu “không rõ hải phận nước nào” có nghĩa là chưa chắc bối cảnh diễn ra tại tọa độ đã được phân định của Trung Quốc, tại sao phim dám nói chung chung là “South China Sea” như cách Bắc Kinh đưa ra bản đồ “đường lưỡi bò” để thâu tóm cả khu vực Biển Đông. Cách “úp mở mờ ám” này không khác gì cách Bắc Kinh vẫn luôn ngang ngược tuyên truyền về chủ quyền Biển Đông. Xét ở tổng thể bộ phim, tình tiết này gần như chẳng ăn nhập với diễn biến chính thì tại sao phải cố “câu kéo” đưa vào nếu không nhằm xuyên tạc sự thật.

Thêm vào đó, tại đoạn cuối ở trên, hạm đội Trung Quốc có cả tàu mẹ đổ bộ lớp 071 mà nhiều hình ảnh có mang theo cả tàu đệm khí đổ bộ. Chỉ khoảng 2 tháng trước, vào cuối tháng 1 (thời điểm phim Điệp vụ Biển Đỏ được đẩy mạnh quảng bá để chuẩn bị ra rạp - NV), chuyên trang Navy.81.cn (trực thuộc tờ PLA Daily - cơ quan ngôn luận của quân đội Trung Quốc) đưa tin 6 tàu đổ bộ vừa tham gia cuộc tập trận trên Biển Đông. Trong số tàu đổ bộ tham gia tập trận có 2 chiếc thuộc lớp 071 mang tên Tỉnh Cương Sơn và Côn Lôn Sơn. Bình luận về cuộc tập trận trên, tờ Hoàn Cầu thời báo dẫn lời chuyên gia quân sự Lý Kiệt tuyên bố cuộc tập trận gửi thông điệp tới các bên khác rằng Trung Quốc có khả năng bảo vệ cái gọi là chủ quyền và lợi ích ở Biển Đông. Chính vì thế, trò tuyên truyền sai lệch trong phim Điệp vụ Biển Đỏ rất tương thích với cách Trung Quốc ngang ngược tuyên bố chủ quyền ôm trọn Biển Đông.

Trách nhiệm ở đâu ?

Chiều 24.3, Thanh Niên cũng liên lạc với đạo diễn Vũ Xuân Hưng, Chủ tịch Hội đồng duyệt phim quốc gia thuộc Cục Điện ảnh (Bộ Văn hóa - Thể thao - Du lịch). Đạo diễn Vũ Xuân Hưng cho biết ông đã nắm được những thông tin phản ánh về bộ phim Điệp vụ Biển Đỏ. Trước những thắc mắc liên quan đến bộ phim, Chủ tịch Hội đồng duyệt phim quốc gia hứa sẽ trả lời bằng văn bản vào hôm nay (25.3).

Cũng vào chiều 24.3, ông Khuất Duy Tân, Trưởng phòng Phổ biến phim (Cục Điện ảnh), cho biết Cục chưa có bất cứ quyết định gì về việc rút bộ phim Điệp vụ Biển Đỏ khỏi các rạp tại VN, việc rút bộ phim nếu có là do quyết định từ phía CGV. Như thế, Cục Điện ảnh vẫn giao quyền “tự quyết” cho đơn vị phát hành phim, bất chấp việc phim thể hiện rõ sự tuyên truyền sai lệch nguy hiểm như trên. Điều này chẳng khác nào một sự thờ ơ, trong khi trách nhiệm ban đầu để bộ phim Điệp vụ Biển Đỏ được phát hành tại VN rõ ràng thuộc về Cục Điện ảnh.

Câu hỏi đặt ra là tại sao Cục Điện ảnh tạo ra lỗ hổng cho bộ phim trên được chiếu ở VN để tuyên truyền sai lệch về chủ quyền đất nước?

Dùng điện ảnh gửi thông điệp dọa nạt

Gần đây, song hành cùng việc bành trướng ảnh hưởng trong làng điện ảnh thế giới từ việc thâu tóm các hãng phim cũng như hệ thống rạp ở nước ngoài, Trung Quốc không chỉ gửi gắm hình ảnh “lãnh đạo” thế giới, mà còn đưa ra thông điệp dọa nạt. Mới đây là phim Chiến lang 2 do Ngô Kinh làm đạo diễn kiêm thủ vai chính. Bộ phim không chỉ đơn thuần là cuộc giải cứu những người Trung Quốc tại châu Phi, mà còn nêu rõ thông điệp rằng: “Ai khiêu chiến với Trung Quốc thì đều bị tiêu diệt, dù mục tiêu ở xa tận đâu”. So với thực tế, đây cũng là thông điệp mà nhiều tướng lĩnh và một số cơ quan truyền thông Trung Quốc vẫn “lên gân” khi bàn về các vấn đề tranh chấp chủ quyền.

Báo Thanh Niên

14 nhận xét:

  1. Việc để một bộ phim có cảnh như thế này ra mắt câu hỏi đặt ra đầu tiên thuộc về trách nhiệm của Cục Điện Ảnh? Phải chăng việc làm ăn tắc trách, không duyệt kỹ phần nội dung đã khiến cho những bộ phim như thế này cũng đc lên sóng.

    Trả lờiXóa
  2. Không hiểu cơ quan chức năng làm kiểu gì mà để cho phim này lọt vào Việt Nam được, nó đang phá hoại tư tưởng ta khi đang đưa ra âm mưu xâm chiếm biển Đông của chúng. Cần cơ quan chức năng vào cuộc để điều tra cho rõ và ngăn chặn những loại phim như thế này không để lọt vào Việt Nam được. Một lần nữa nhắc nhở chúng ta cần thận hết mức đối với Trung Quốc.

    Trả lờiXóa
  3. không có lý do nào có thể biện bạch cho sự việc lần này, các cơ quan chức năng cũng như các nhà quản lý cần nâng cao tinh thần trách nhiệm của mình đối với công tác kiểm duyệt nội dung của các bộ phim trước khi chiếu. Không thể để vụ việc nào tái diễn một lần nào nữa, nó không những ảnh hưởng đến tư tưởng của người dân cũng vừa tạo điều kiện cho các thế lực phản động dựa vào đó mà xuyên tạc

    Trả lờiXóa
  4. Cục điện ảnh làm ăn kiểu gì mà những bộ phim như thế này cũng được công chiếu?? Việc Trung Quốc bành chướng và ngày càng lộng hành khi công khai tuyên bố về đường lưỡi bò và thường xuyên có xung đột cố ý với các nước láng giềng như Việt Nam, Philippin, Nhật Bản... cho thấy dã tâm của Trung Quốc trong vấn đề chủ quyền. Chính vì vậy, cần hết sức cảnh giác với điện ảnh Trung Quốc, vì có vẻ nước này đang tận dụng điện ảnh để theo một cách hợp pháp gửi đi những thông điệp thâm sâu.

    Trả lờiXóa
  5. Âm mưu bành chướng của Trung Quốc là quá rõ ràng, việc liên tục va chạm với các nước láng giềng cho thấy Trung Quốc có dã tâm lớn với việc ôm trọn Biển Đông! Các nhà chức trách cần cẩn thận hơn đối với việc lợi dụng phim ảnh để gián tiếp tuyên truyền chủ quyền thế này!

    Trả lờiXóa
  6. lại một quả bóng trách nhiệm bị đưa đẩy cho nhau, thật không thể chấp nhận được sự thiếu trách nhiệm của cục Điện ảnh và CGV, ý thức địch tình quá kém, để người họ dùng phim để tuyên truyền sai sự thật, để phim này chiếu là một sự thiếu trách nhiệm nặng nề, cần phải truy cứu trách nhiệm, cảnh cáo những người có liên quan để đây thực sự là bài học cho những người quản lý, cấp phép chiếu phim

    Trả lờiXóa
  7. Phim ảnh do Trung Quốc làm ra thực tế vẫn chỉ phục vụ cho lợi ích Trung Quốc, không chỉ là kinh doanh nghệ thuật mà còn phục vụ cho cả chính trị và Biển Đông được bộ phim tuyên bố là vùng biển của họ. Điệp vụ Biển Đỏ nói rằng bất cứ ai “xâm phạm” đến vùng biển hoặc phải biến đi, hoặc sẽ phải chịu hậu quả như những kẻ phản diện “xấu số” trong phim.

    Trả lờiXóa
  8. Hiện nay Cục Điện ảnh vẫn giao quyền “tự quyết” cho đơn vị phát hành phim, bất chấp việc phim thể hiện rõ sự tuyên truyền sai lệch nguy hiểm như trên. Điều này chẳng khác nào một sự thờ ơ, trong khi trách nhiệm ban đầu để bộ phim Điệp vụ Biển Đỏ được phát hành tại VN rõ ràng thuộc về Cục Điện ảnh. Sau đó mới đến đơn vị phát hành phim.

    Trả lờiXóa
  9. Cách suy nghĩ của người làm kinh doanh khác với người làm chính trị. Bộ phim này đề cao thái quá sức mạnh quân đội Trung Quốc. Nhiều người cho rằng các tình tiết trong phim thổi phồng quá đà mang lại cảm giác không chân thật cho người xem như một tiểu đội 8 người có thể tiêu diệt hơn 100 quân phiến loạn; dàn tàu chiến của Trung Quốc phô diễn sức mạnh trên Biển Đông kích động lòng tự tôn dân tộc và tinh thần Đại Hán "dằn mặt" các nước khác...Nhưng nó lại có cảm giác phim hành động, cuốn người xem, có lợi thì người ta phát hành thôi.

    Trả lờiXóa
  10. Thật ra bất kỳ nước nào khi làm phim về chiến tranh, lịch sử cũng đều nâng tầm quân đội và người lính của họ lên một tí. Các sự kiện xấu hay ảnh hưởng uy tín quốc gia đều được nói giảm nói tránh hoặc thậm chí là không được nhắc đến. Trung Quốc tất nhiên cũng không ngoại lệ. Nhưng quan trọng là tại sao lại được thông quan kiểm duyệt để được ra rạp ở việt nam trong bối cảnh 2 nước đang tranh chấp thế này?

    Trả lờiXóa
  11. Không thể cho phép chiếu Điệp vụ Biển Đỏ ở Việt Nam, vì vô hình chung chúng ta đã tiếp tay cho các yêu sách sai trái của Trung Quốc Chỉ nói đơn giản nhất, khi phim này chiếu xong ở Việt Nam mà không có phản ứng gì, phía Trung Quốc sẽ tìm cách tuyên truyền đối với dân chúng Trung Quốc rằng, yêu sách của Trung Quốc là đúng đắn càng mị dân của chúng hơn. Và chúng cũng nghĩ chúng ta nhu nhược nữa.

    Trả lờiXóa
  12. Đừng nói CGV bao biện, hãy hỏi trách nhiệm của cục điện ảnh. Người ta làm kinh doanh, nếu chỉ nhìn mấy chi tiết trong phim, có thể những người không có kiến thức về vấn đề Biển Đông thấy là bình thường, vì trong phim chỉ nói chung chung, không nói trên khu vực nào trên Biển Đông. Tuy nhiên, đặt trong bối cảnh các yêu sách của Trung Quốc đối với Biển Đông, thì lại khác. Và cái này thì chẳng nhẽ cục điện ảnh lại không biết

    Trả lờiXóa
  13. Thường một bộ phim nước ngoài khi đưa về công chiếu ở Việt Nam sẽ trải qua quá trình kiểm duyệt gắt gao từ phía Cục Điện ảnh, vậy một vấn đề vô cùng nhạy cảm, độc hại như thế này sao lại lọt được tới khán giả, phải chăng do chuyên môn của những người có trách nhiệm kiểm duyệt phim này, hay do lợi ích khác dẫn tới sai sót như thế này? Mong cục điện ảnh sớm có phản hồi

    Trả lờiXóa
  14. Biết bao nhiêu chiến sĩ đã mãi mãi nằm lại ở biển khơi để bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; trong khi anh chỉ ngồi ở văn phòng thoáng mát để duyệt bộ phim mà cũng không làm được. Mong rằng cơ quan chức năng xác định rõ trách nhiệm để xử lý, tìm ra kẽ hở trong quản lý, quy trình duyệt phim để không lặp lại sai sót nặng nề này trong tương lai.

    Trả lờiXóa

Tìm kiếm mở rộng

Google TreLang

Tre Làng

Thông kê truy cập

Lưu trữ Blog