Chia sẻ

Tre Làng

Nhà trên 700 triệu bị đánh thuế: Hàng triệu người mất thêm tiền

Lương Bằng 

VNN - Nhà có giá trị 700 triệu đồng trở lên có thể sẽ bị đánh thuế tài sản ở mức 0,4%. Như vậy, giá trị nhà càng cao, thì số tiền thuế phải nộp sẽ càng nhiều.

Ngân sách có thêm chục ngàn tỷ

Bộ Tài chính đang đề nghị xây dựng Luật Thuế tài sản. Theo đó, Bộ này dự kiến đánh thuế đối với nhà, đất ở, tàu bay, du thuyền, ô tô có giá trị 1,5 tỷ đồng trở lên.

Cụ thể, với nhà ở, Bộ Tài chính xây dựng 2 phương án đánh thuế: một là đối với nhà ở có giá trị từ 700 triệu đồng trở lên; hai là nhà ở có giá trị 1 tỷ đồng trở lên.

Ngưỡng không chịu thuế là nhà có giá trị 700 triệu đồng trở xuống hoặc 1 tỷ đồng trở xuống. Điều này có nghĩa, phần bị đánh thuế tài sản là phần có giá trị trên 700 triệu đồng hoặc trên 1 tỷ đồng.

Chẳng hạn, với ngưỡng không chịu thuế là 700 triệu đồng thì một căn nhà có giá trị 800 triệu đồng sẽ bị đánh thuế với phần giá trị 100 triệu đồng, tức 0,3-0,4% của 100 triệu đồng.

Bộ Tài chính cho rằng, theo kinh nghiệm quốc tế thì mức thuế tài sản thấp nhất là 0,2%. Đa số các nước áp dụng mức thuế tài sản cao, trong đó có một số nước trong khu vực như Indonesia 0,5%, Philippines 1% và 2%. Do đó, Bộ Tài chính xây dựng 2 phương án: một là áp dụng mức thuế suất tài sản chung là 0,3%; hai là áp dụng mức thuế tài sản chung là 0,4%.

Với phương án đánh thuế nhà 0,3% giá trị, Bộ Tài chính dự kiến số thu thuế tài sản là khoảng 22.700 tỷ đồng (nhà trên 1 tỷ) hoặc khoảng 23.300 tỷ đồng (nhà trên 700 triệu đồng).

Đối với phương án 0,4%, thì số thu thuế tài sản là khoảng 30.300 tỷ đồng (nhà 1 tỷ đồng trở lên) hoặc khoảng 31.000 tỷ đồng (nhà 700 triệu đồng trở lên).

Chính vì thế, Bộ Tài chính đề nghị áp dụng phương án 2, tức đánh thuế 0,4% với nhà có giá trị từ 700 triệu đồng trở lên.

Điều này, theo Bộ Tài chính, là “phù hợp với quy định mức thuế suất thuế tài sản của các nước”, khai thác tốt nguồn thu từ thuế tài sản, đảm bảo thuế tài sản là nguồn thu ổn định của ngân sách nhà nước, thực hiện mục tiêu cơ cấu lại thu ngân sách nhà nước.

Vì sao không đánh thuế theo diện tích?

Tại cuộc họp báo chiều 13/4, Bộ Tài chính lý giải về việc chọn đánh thuế theo giá trị nhà mà không đánh thuế theo diện tích, dù phương án đánh thuế theo diện tích có ưu điểm là đơn giản, dễ thực hiện, thuận lợi trong việc xác định số thuế phải nộp.

Theo ông Phạm Đình Thi, Vụ trưởng Vụ Chính sách Thuế, việc xác định ngưỡng không chịu thuế và chịu thuế theo diện tích có nhược điểm là điều tiết cả đối với người sử dụng nhà có giá trị không lớn, nhà đơn sơ, nhà thiếu kiên cố, nhà tại nông thôn có diện tích vượt ngưỡng không chịu thuế nhưng giá trị thấp. Trong khi đó lại không điều tiết đối với giá trị lớn nhưng diện tích nằm trong ngưỡng không chịu thuế.

Vì thế, Bộ Tài chính quyết định xác định ngưỡng không chịu thuế hay chịu thuế đối với nhà theo giá trị căn nhà.

Bộ Tài chính cho rằng, việc đề nghị đánh thuế với nhà từ 700 triệu hoặc 1 tỷ trở lên thì những nhà có giá trị dưới mức này không bị đánh thuế, đó là người sở hữu nhà có giá trị không lớn, có thu nhập thấp và trung bình, không điều tiết với nhà đơn sơ, thiếu kiên cố, nhà cấp 4, không điều tiết đối với hầu hết nhà tại nông thôn, nhà cấp 2.

Theo Bộ này, việc quy định mức thuế suất cao đối với đất sử dụng không đúng mục đích; đất và nhà thuộc đối tượng chịu thuế không đưa vào sử dụng,... sẽ góp phần ạn chế tình trạng đầu cơ về đất, sử dụng đất lãng phí, chiếm dụng đất công.

Bộ Tài chính thừa nhận: Việc đánh thuế trên toàn bộ giá trị đất ở với mức thuế suất cao và đánh thuế đối với nhà ở sẽ có tác động đến người dân, đặc biệt là đối với những người có quyền sở hữu, quyền sử dụng đất, nhà ở có giá trị lớn nhưng không có thu nhập để đóng thuế.

Để giải quyết vấn đề này, tại Điều 10 dự thảo Luật đã quy định cho phép chậm nộp tiền thuế như sau: Trường hợp người nộp thuế không có khả năng nộp thuế thì được chậm nộp tiền thuế và không tính phạt chậm nộp trong thời gian chậm nộp thuế. Người nộp thuế phải có trách nhiệm hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế trước khi chuyển giao quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản.

Không đánh thuế người có nhà thứ hai trở lên

Bộ Tài chính cho hay, việc đánh thuế đối với nhà thứ 2 trở lên có nhiều nhược điểm.

Thứ nhất, đó là không đảm bảo công bằng (trường hợp người chỉ có một căn nhà diện tích lớn hoặc giá trị lớn thì không bị đánh thuế, trong khi người có 2 căn nhà, mỗi nhà có diện tích thấp hoặc giá trị thấp lại bị đánh thuế).

Hai là khó khăn trong triển khai thực hiện thu thuế, chưa phù hợp với điều kiện triển khai thực tế tại Việt Nam, cần có sự phối hợp thực hiện giữa nhiều cơ quan quản lý nhà nước về nhà ở.

Ba là việc đánh thuế căn nhà thứ hai trở đi được áp dụng tại một vài nước trên thế giới (như Singapore, Nhật, Anh, Pháp), nơi có thị trường bất động sản minh bạch, có hệ thống quản lý nhà, đất chặt chẽ. Thực tế tại Việt Nam, các giao dịch mua bán bất động sản chủ yếu thực hiện trên hệ thống văn bản, giấy tờ, việc áp dụng công nghệ thông tin vẫn còn rất hạn chế, do đó, việc xác định sở hữu nhà thứ 2 trở đi của tổ chức, cá nhân là phức tạp.

Ngoài ra, Bộ Tài chính lo ngại phương án này có thể làm giảm mức hấp dẫn của thị trường bất động sản (ảnh hưởng đến tâm lý nhà đầu tư trong việc lựa chọn giữa đầu tư nhà ở và các kênh đầu tư khác như vàng, chứng khoán), từ đó ảnh hưởng đến lượng giao dịch bất động sản trên thị trường. Ngoài ra, việc đánh thuế đối với nhà ở thứ 2 trở lên tác động đến thị trường nhà cho thuê.

6 nhận xét:

  1. Việc đánh thuế này có ảnh hưởng trực tiếp đến lợi ích rất nhiều người dân đang sinh sống trên lãnh thổ. Cần phải căn cứ vào thực tế VN, tham khảo sự triển khai trước đó của các nước để có những đánh giá phù hợp. Mong rằng trong Bộ tài chính sẽ phận tích được các mặt lợi-hại từ đó có được chủ trương, phương án đúng đắn để giải quyết vấn đề trên ,không làm cho người dân và dư luận hoang mang.

    Trả lờiXóa
  2. Việc đánh thuế nhà ở không còn xa lạ gì đối với nhiều nơi trên thế giới, có rất nhiều nước đánh thuế nhà ở rất cao, thu về được thêm nhiều ngân sách cho quốc gia và cũng là để tránh việc đầu cơ nhà đất của một số đối tượng. Thiết nghĩ cần xây dựng văn bản luật thật công khai, rõ ràng và hợp lý, đảm bảo công bằng cho người dân vì đây là vấn đề có động chạm đến rất nhiều lợi ích của người dân có quyền sử dụng nhà đất.

    Trả lờiXóa
  3. Thực sự đây mới chỉ là những đề xuất cho dự thảo luật của Bộ Tài chính và còn cần sự tư vấn, phản biện, bàn bạc của những chuyên gia, nhà nghiên cứu và ý kiến của toàn dân. Thực chất con số 700 triệu chỉ là đề xuất mang tính chủ quan của bộ Tài chính chứ chưa thực sự có căn cứ khoa học hay căn cứ pháp lí ở đây cả bởi hệ thống pháp luật của ta chưa hề có quy định gì cho hạn mức kiểu như vậy. Tại sao lại là 700 triệu mà không phải là 500 triệu hay 1 tỉ.

    Trả lờiXóa
  4. Vấn đề đánh thuế nhà ở như bộ Tài chính đề xuất sẽ ảnh hưởng rất lớn đến quyền lợi của toàn thể người dân nên cần có sự bàn thảo nghiêm túc, dân chủ và mang tính xây dựng sao cho hợp lí nhằm đảm bảo quyền lợi của nhân dân, tạo sự đồng thuận cao trong dư luận. Ở đây còn rất nhiều vấn đề còn khúc mắc, chưa hợp lí: liệu đề xuất trên có vi hiến hay không khi nó ảnh hưởng đến quyền được có nhà ở của mọi người dân, liệu có cơ sở pháp lí cho việc đề ra hạn mức như vậy hay không và thế giới đã làm vấn đề này như thế nào?

    Trả lờiXóa
  5. Thiết nghĩ việc tăng thuế cần có sự xem xét kỹ lưỡng của Bộ Tài Chính, thuế tăng, thu NSNN tăng thì nên có chính sách đảm bảo với phúc lợi xã hội. Người dân sẵn sàng nộp thuế nếu cuộc sống chung, phúc lợi xã hội tăng cao. Chứ không phải tăng bừa bãi thuế để tăng gánh nặng lên người dân.

    Trả lờiXóa
  6. Song song với việc đánh thuế mới thì Nhà nước cũng cần hiệu quả các khoản thu thuế cũ, vì phần bị trốn rất nhiều mà nhà nước chưa có biện pháp triệt để khắc phục! Ngoài ra, cần có biện pháp sử dụng hiệu quả với nguồn thu NSNN, tránh tình trạng để có dự án nghìn tỷ đi vào bảo tàng, còn người dân thì è cổ ra nộp thuế!

    Trả lờiXóa

Tìm kiếm mở rộng

Google TreLang

Tre Làng

Thông kê truy cập

Lưu trữ Blog