Chia sẻ

Tre Làng

Xét xử Nhà báo Lê Duy Phong cưỡng đoạt tài sản - Có 2 tình tiết tăng nặng

Ong Bắp Cày

Sáng nay, 20/4/2018, TAND TP Yên Bái bắt đầu xét xử Lê Duy Phong, nguyên là Trưởng ban Bạn đọc Báo điện tử Giáo dục Việt Nam về hành vi cưỡng đoạt tài sản. 

Cơ quan tố tụng xác định bị can Lê Duy Phong có 2 tình tiết tăng nặng là lợi dụng chức vụ, quyền hạn để phạm tội và phạm tội 2 lần trở lên.

Theo một nguồn tin khác, còn có 1 tình tiết tăng nặng nữa là thái độ khai báo không thành khẩn, ngoan cố, quanh co chối tội với những bản khai bất nhất. Chỉ sau khi có đầy đủ chứng cứ, Phong mới khai nhận thành khẩn và nhờ gia đình hoàn lại tiền cho ông Sáng.

Chủ tọa phiên tòa là thẩm phán Đỗ Thu Hương. Đại diện VKSND TP Yên Bái có 2 người: Lê Thu Hằng và Hoàng Anh Huấn.

Bị cáo Phong có 3 luật sư tham gia bào chữa, cùng ở Đoàn luật sư Hà Nội. 

Bị hại Vũ Xuân Sáng, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Yên Bái, có 1 luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp.

Theo cáo trạng, tháng 6/2017, với tư cách là Trưởng ban, Phong đã chỉ đạo phóng viên thực tập đến TP Yên Bái xác minh nguồn gốc đất, tài sản trên đất của Giám đốc Công an và Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Yên Bái. Trưa 15/6/2017, Phong nhắn tin đề nghị gặp ông Sáng để "làm việc".

Do quá sợ hãi trước những đe dọa của Phong, và vì trước đó báo chí đã phản ánh về căn nhà đang ở, ông Sáng đã đồng ý gặp Phong. Một ngày sau, Phong từ Hà Nội lên gặp ông Sáng tại phòng làm việc. Sau khi dọa các báo sẽ đăng về nguồn gốc đất và ngôi nhà của ông Sáng, Phong nói nhỏ với vị giám đốc sở: "Anh đưa cho em 200 triệu đồng". Khi ông Sáng hỏi lại, Phong nhắc đến số tiền và nói sẽ không viết bài, giải quyết ổn thỏa sự việc.

Sợ ảnh hưởng đến uy tín, danh dự cá nhân, sáng 16/6/2017, ông Sáng đã đưa cho Lê Duy Phong 100 triệu đồng và hẹn buổi chiều sẽ đưa số còn lại. Nhận thấy với cương vị người đứng đầu một sở nên không thể im lặng, ông Sáng đã báo cáo với Chủ tịch UBND tỉnh và Công an TP Yên Bái tố giác hành động của Phong.

Trong khi đang xác minh đơn tố giác của ông Sáng, ngày 22/6/2017, Công an TP Yên Bái bắt quả tang Lê Duy Phong có hành vi cưỡng đoạt tài sản của ông Hoàng Trung Thực, người góp vốn kinh doanh vào một doanh nghiệp vận ở địa phương.

Kết quả điều tra cho thấy, hôm bị bắt, Phong lên Yên Bái gặp một người bạn làm ở đài truyền hình tỉnh. Người này mời Phong ăn trưa và giới thiệu gặp ông Hoàng Trung Thực.

Tại bữa cơm, Phong giới thiệu chức danh của mình và là tác giả bài viết liên quan đến nhà đất của gia đình Giám đốc Công an tỉnh Yên Bái.

Ngoài ra, Phong còn kể nơi công tác của mình đã đăng hình ảnh và sẽ tiếp tục tìm hiểu về doanh nghiệp vận tải mà ông Thực góp vốn. Khi ông Thực xin Phong không viết bài, nguyên Trưởng ban Bạn đọc nói bóng gió về sức mạnh của truyền thông, không giải quyết bằng tình cảm được.

Lo sợ hoạt động kinh doanh bị ảnh hưởng, ông Thực đã đút 50 triệu vào túi quần Phong và nói: "Anh có 50 triệu đồng gửi chú. Chú tạo điều kiện cho anh".

Cáo trạng thể hiện Phong đồng ý nhận số tiền này. Khi đang tiếp tục ăn uống, anh này bị công an sở tại bắt quả tang.

Cơ quan tố tụng xác định hành vi của Lê Duy Phong phạm tội Cưỡng đoạt tài sản, quy định tại khoản 3 Điều 170, Bộ luật sư hình sự năm 2015 có khung hình phạt từ 7 đến 15 năm tù. Bị can Phong có 2 tình tiết tăng nặng là lợi dụng chức vụ, quyền hạn để phạm tội và phạm tội 2 lần trở lên.

Trong giai đoạn truy tố, Phong đã khai nhận hành vi, tác động để gia đình bồi thường 200 triệu đồng cho ông Sáng. Đây là tình tiết để xem xét giảm nhẹ trách nhiệm hình sự cho bị can sinh năm 1985.

Khu dinh thự của gia đình ông Sáng - Ảnh: THÂN HOÀNG

Quá trình điều tra ông Phong khai đã dùng 200 triệu của ông Sáng chia cho 26 phóng viên, nhà báo. Trong số này ông Phong khai có đưa cho một nhà báo 30 triệu đồng và 25 người khác mỗi người 3 triệu đồng. Còn lại 70 triệu đồng ông Phong gửi vào tài khoản của mình.

Tuy nhiên, làm việc với cơ quan công an tất cả 26 nhà báo đều khai không nhận tiền của Phong. Khi đối chất bị can Phong cũng thay đổi lời khai, không chia tiền cho phóng viên, nhà báo nào.

Cơ quan điều tra kết luận không đủ căn cứ xác định Phong đã chia tiền cho ai và không có căn cứ xử lý.

Cũng theo Công an tỉnh Yên Bái, khi bị bắt trong tài khoản của Phong có hơn 1,6 tỉ đồng. Phong khai trong đây có 70 triệu chiếm đoạt của ông Sáng, hơn 1,5 tỉ còn lại do buôn bán bất động sản mà có. Tuy nhiên ông Phong không khai báo được cụ thể buôn bán đất ở đâu, vào thời gian nào và với cá nhân, đơn vị nào. Do vậy CQĐT không có cơ sở để xác minh.

1 nhận xét:

  1. Những gì mà nhà báo Lê Duy Phong đã làm thì việc phải gánh chịu hậu quả trước pháp luật là hoàn toàn xứng đáng, đã có tội rồi còn không chịu nhận thì việc tăng nặng thêm hình phạt để cho những con người như thế này hiểu được pháp luật là gì. Những con người như thế này mà cũng là một nhà báo , một trưởng ban thì không thể chấp nhận được, thật là mang tiếng cho những người nhà báo vì có những con người như thế này!

    Trả lờiXóa

Tìm kiếm mở rộng

Google TreLang

Tre Làng

Thông kê truy cập

Lưu trữ Blog