Chia sẻ

Tre Làng

Nixon đến Trung Quốc và Trump "đến với nước Nga": LỊCH SỬ KHÔNG LẶP LẠI NHƯNG THƯỜNG GIEO VẦN

Bài chép lại từ Loa Phường

Cách đây hơn 40 năm, cặp bài trùng khét tiếng Nixon-Kissinger đã tạo ra cơn địa chấn chính trị với chuyến thăm bất ngờ đến Trung Quốc, mở đường cho quá trình bình thường hóa quan hệ ngoại giao Mỹ-Trung sau nhiều thập kỷ đối đầu.

Chính “lá bài Trung Quốc” là một trong những "siêu vũ khí" của Mỹ, giúp nước này kiềm chế thành công Liên Xô trong suốt nửa sau của Chiến tranh Lạnh.

Mỹ đã từng vận dụng thành công con bài Trung Quốc để buộc Liên Xô phải chấp nhận hoà hoãn vào những năm 70. Bằng việc khai thác mâu thuẫn Xô - Trung ở mức tối đa, Mỹ đã tạo động lực để cả hai nước này theo đuổi quan hệ gần gũi hơn với Mỹ, từ đó cho phép Mỹ có nhiều khoảng không điều chỉnh chính sách linh hoạt hơn.

Trong mối quan hệ tay ba Mỹ - Trung - Nga, Trung Quốc và Nga thường có xu hướng xích lại gần nhau để cân bằng lại với Mỹ, trong khi Mỹ luôn tìm cách để phân tách họ thông qua lôi kéo hay trung lập hóa một nước.

Ngày nay, vật đã đổi, sao đã dời, Trung Quốc vươn lên trở thành đối thủ cạnh tranh chiến lược số một của Mỹ. Có vẻ như Mỹ đang muốn chơi “lá bài Nga” để kiềm chế Trung Quốc và giành lại thế thượng phong trong quan hệ nước lớn.
Hôm nay, ngày 16/7, Tổng thống Trump có cuộc gặp với Tổng thống Putin tại Helsinki, Phần Lan, bất chấp những căng thẳng hiện nay trong quan hệ hai nước. Điều này không khỏi khiến nhiều người nhớ đến chuyến thăm Trung Quốc lịch sử của Nixon năm 1972. Đại văn hào Mark Twain đã từng nói rằng "lịch sử không bao giờ lặp lại nhưng nó thường gieo vần"

Nói đến các cặp "kỳ phùng địch thủ" trong nền chính trị hiện đại, có lẽ cặp Mỹ - Nga là tiêu biểu nhất.

Trong Thế Chiến II, do đối mặt với mối hiểm hoạ sống còn từ Đức Quốc Xã, hai bên dù không muốn nhưng buộc phải tham gia vào một cuộc "hôn nhân vụ lợi" để đánh bại thế lực bá quyền này. Sợi dây liên kết lợi ích vốn rất mong manh này đã đứt ngay giây phút quân Đồng minh giành chiến thắng chung cuộc vào mùa hè năm 1945.

Những gì diễn ra sau đó thì ai cũng biết: một loạt các mâu thuẫn về lợi ích ở những khu vực chiến lược trọng yếu trải dài từ Tây Âu đến Đông Á, những xung đột không thể dung hoà về ý thức hệ, sự ra đời của vũ khí hạt nhân, cuộc cạnh tranh để vươn lên vị trí số 1 thế giới … gần như khiến Chiến tranh Lạnh trở thành kết cục không thể tránh khỏi dành cho hai cựu đồng minh này.

Trong suốt những thập kỷ đối đầu, các cuộc gặp thượng đỉnh giữa lãnh đạo hai nước vẫn diễn ra, ngay cả trong những thời điểm cạnh tranh căng thẳng nhất.

Đó là những lúc họ gặp nhau để bàn về những vấn đề thế giới, quyết định số phận của một quốc gia hay khu vực, để “tháo ngòi” căng thẳng hạt nhân hay thậm chí cũng có những thời điểm gặp nhau với niềm hy vọng sẽ hạ nhiệt căng thẳng Chiến Tranh Lạnh.

Trên thực tế, thượng đỉnh Trump - Putin sẽ là cuộc gặp thượng đỉnh thứ 30 giữa nguyên thủ hai nước này kể từ khi Eisenhower và Khrushchev lần đầu gặp nhau tại Geneva năm 1955.

Trong số 30 cuộc gặp thượng đỉnh thì có đến 14 cuộc gặp dẫn đến việc ký kết những thỏa thuận lớn như Hiệp ước chống tên lửa đạn đạo (ABM) giữa Nixon và Brezhnev năm 1972, Hiệp ước loại bỏ tên lửa hạt nhân tầm ngắn và tầm trung (INF) giữa Reagan và Gorbachev năm 1987 hay gần đây nhất là Hiệp ước cắt giảm vũ khí tấn công chiến lược mới (New START) giữa Obama và Medvedev năm 2010.

Lịch sử thượng đỉnh Nga-Mỹ vốn cũng không chỉ toàn màu hồng. Bên cạnh thành công thì cũng có không ít các cuộc gặp kết thúc trong thất bại thảm hại.

Sự kiện máy bay trinh thám U-2 của Mỹ bị bắn rơi trên lãnh thổ của Liên Xô cùng sự phủ nhận hoàn toàn từ phía Mỹ đã khiến Khrushchev tức giận bỏ về sớm trong cuộc gặp thượng đỉnh năm 1960 tại Paris.

Cuộc thượng đỉnh Kennedy - Khrushchev năm 1961 tại Vienna cũng bị coi là một thất bại lớn khi lãnh đạo hai bên không thể đạt được đồng thuận trong việc đàm phán hiệp định cấm thử vũ khí hạt nhân, do những mâu thuẫn sâu sắc về tình trạng của thành phố Berlin - vốn nằm sâu trong lòng Đông Đức.

Những thất bại lớn này là lời cảnh báo đối với những ai đang đặt quá nhiều niềm kỳ vọng vào một sự đột phá sau cuộc gặp sắp tới giữa hai nguyên thủ Mỹ - Nga.

Con đường đến cuộc gặp Trump - Putin tại Helsinki, Phần Lan ngày 16/7 đã trải qua nhiều thăng trầm.

Cần lưu ý rằng mầm mống của cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Nga đã xuất hiện ngay từ chiến dịch tranh cử Tổng thống trước tháng 11/2016. Khi đó ông Trump đã thể hiện thiện cảm đặc biệt với ông Putin, và ngỏ ý khi thắng cử sẽ đưa Mỹ và Nga lại gần nhau.

Những sức ép nội bộ đã ngăn cản chính quyền ông Trump không thể cải thiện quan hệ với Nga. Ngược lại, họ đã tuyên bố Nga cùng Trung Quốc là “đối thủ cạnh tranh xét lại” tại chiến lược an ninh quốc gia vào tháng 12/2017.Hành động có phần cảm tính này của ông Trump sau đó phần nào đã làm hại ông, bị dư luận coi là con rối của ông Putin và khởi nguồn vụ điều tra Nga can thiệp vào bầu cử.

Những diễn biến sau đó càng khiến cho quan hệ hai nước đi xuống: Mỹ đóng cửa Lãnh sự quán và trục xuất 60 nhà ngoại giao Nga vào tháng 3/2018 sau khi nghi ngờ vụ đầu độc gián điệp tại Anh, tiếp theo đó là cuộc không kích của Mỹ - Anh - Pháp vào Syria với cáo buộc chính phủ Assad do Nga hậu thuẫn đã sử dụng vũ khí hóa học.

Mặc dù sức ép nội bộ và những diễn biến không thuận ở bên ngoài đã không cho phép ông Trump tiến gần hơn tới Nga, chính quyền ông Trump dường như vẫn chưa từ bỏ ý định này. Trong suốt thời gian qua, hai bên vẫn giữ kênh liên lạc để trao đổi thường xuyên.

Bản thân ông Trump và ông Putin đã gặp nhau hai lần: lần đầu tiên tại Thượng đỉnh G20 ở Đức (5/2017) và lần thứ hai ở Tuần lễ Cấp cao APEC tại Việt Nam (11/2017). Tuy nhiên, trước những con mắt dò xét và lịch công tác dày đặc, hai nhà lãnh đạo không có nhiều thời gian để trao đổi riêng.

Chỉ mới đây, khi mà chính quyền Mỹ phần nào đã có sự ổn định hơn ở trong nước, và sau cuộc gặp với ông Kim Jong-un thì uy tín về đối ngoại tăng lên, thì ông Trump bắt đầu đánh tiếng mong muốn gặp Nga.

Câu hỏi đặt ra là động cơ nào khiến hai nhà lãnh đạo Mỹ - Nga lại quyết định gặp nhau?

Với Nga, ưu tiên cao nhất của họ là thoát khỏi hoàn cảnh bị bao vây kinh tế để có cơ hội phát triển. Kinh tế Nga về ngắn hạn thì có cải thiện nhưng về dài hạn thì đã tụt hậu rất nhiều kể từ khi bị cấm vận sau vụ sáp nhập Crimea năm 2014. Tổng thống Putin hiểu rằng không có sự ủng hộ của Mỹ và cá nhân ông Trump thì sẽ không làm được việc này.

Xa hơn nữa, Nga cũng có nhu cầu được trở lại G8, cải thiện hình ảnh của mình trên trường quốc tế, tiếp nối đà thành công của World Cup vừa qua.

Tổng thống Nga Putin tổ chức thành công World Cup 2018. Ảnh: Reuters

Về phía Mỹ, các động cơ của họ phải kể đến yếu tố Trung Đông, Châu Âu và Trung Quốc. 

Với Trung Đông, Mỹ hiện có nhu cầu rút lui chiến lược tương đối khỏi khu vực này, vận động sự ủng hộ của Nga với vấn đề Israel và Iran. Ngay cả khi Mỹ phải chấp nhận thực tế về thành công của bộ ba Nga-Iran-Assad trên chiến trường, họ cũng vẫn muốn duy trì chỗ đứng của mình ở khu vực này thông qua việc đảm bảo an ninh cho Israel và củng cố khả năng của các lực lượng người Kurd ở phía Bắc Syria.

Với Châu Âu, ông Trump đang gây sức ép mạnh với NATO về chia sẻ gánh nặng quân sự và với EU về kinh tế thương mại. Một cuộc gặp với ông Putin “trên lưng” các nước Châu Âu sẽ thể hiện một nước Mỹ dám làm, không kiêng nể, sẵn sàng ép buộc đồng minh theo ý mình.

Và động cơ thứ ba là với Trung Quốc - cường quốc đang vươn lên thách thức vị trí siêu cường số 1 của Mỹ. 
Sự trùng lặp về thời điểm giữa những nỗ lực của chính quyền Trump nhằm xoa dịu căng thẳng trong quan hệ Nga - Mỹ cùng mối đe dọa chiến tranh thương mại Mỹ - Trung ngày một gia tăng trong thời gian gần đây buộc người ta phải nghĩ rằng Trump và các cố vấn của mình đang cố gắng vận dụng "lá bài Nga" để đẩy Trung Quốc vào thế bị động trong quan hệ nước lớn.

Có những lý do để không nên quá kỳ vọng cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Nga lần này sẽ đạt kết quả lớn ngay lập tức. Về cơ bản, cuộc gặp sẽ mang tính “mở cửa” để hai bên tiếp tục trao đổi, đàm phán cải thiện quan hệ. Tương tự như câu chuyện hòa dịu bán đảo Triều Tiên với thượng đỉnh Trump – Kim ngày 12/6 vừa qua.

Về nội bộ Mỹ, mặc dù ông Trump “dám chơi”, sức ép và rào cản để đến với Nga vẫn rất lớn.

Về đối ngoại, từ vấn đề Crimea cho đến khủng hoảng Syria, Nga bị xem như kẻ chuyên phá rối, hay thậm chí có tham vọng bá quyền ở khu vực, đi ngược lại với “giá trị Mỹ”.

Nội bộ Mỹ vốn đã quen với việc coi Nga là “cái gai trong mắt”, hay “con ngáo ộp” để vận động sự ủng hộ trong nước và cả đoàn kết với đồng minh NATO. Thậm chí người ta còn nói đến sự xuất hiện của “chủ nghĩa bài Nga” khi những phương thức tuyên truyền suốt bao nhiêu thập kỷ, qua cả báo chí và Hollywood đã xây dựng một hình ảnh Nga xấu xí trong con mắt người Mỹ.

Vấn đề đã càng trở nên nghiêm trọng hơn khi phía Mỹ cáo buộc Nga can thiệp vào cuộc bầu cử năm 2016 để giúp Trump đánh bại Hillary. Do đó, mọi nỗ lực để hàn gắn quan hệ Mỹ - Nga chắc chắn sẽ vấp phải sự chống đối hết sức mạnh mẽ từ Quốc hội Mỹ, đặc biệt từ đảng Dân chủ.

Trong trường hợp đó, dù chính quyền Trump có quyết tâm chính trị rất lớn đi nữa thì với sự phản đối từ Quốc hội, việc hoàn toàn "đảo chiều" quan hệ hai nước ngay lập tức là gần như không tưởng.

Do đó, để cải thiện thực sự được quan hệ với Nga thì chính quyền tổng thống Trump phải tìm kiếm được lý do mà nội bộ đồng ý là chính đáng.

Vào thập kỷ 70, tổng thống Nixon đã làm được điều đó vì có lý do chiến tranh Việt Nam, người dân và chính giới rất mong muốn chính phủ rút quân khỏi Việt Nam. Và thời điểm đó mọi sự cũng thuận lợi cho Nixon khi Mỹ và Trung Quốc không có nhiều điểm đối đầu trực tiếp, và mâu thuẫn Xô – Trung lên đến đỉnh điểm. Lá bài “ly gián” do đó có thể được sử dụng hiệu quả.

Còn bây giờ thì lại khác.


Là người luôn tự tin cho rằng mình có thể "tái khởi động" quan hệ với Nga vốn đã đóng băng từ lâu nay, Donald Trump chắc chắn sẽ nỗ lực hết sức để chứng tỏ rằng mình là một nhà đàm phán đại tài. Sự quyết tâm của Trump sẽ là một trong những yếu tố đặc biệt quan trọng để làm nên một cuộc thượng đỉnh thành công.

Một trong những "điềm lành" cho phía Nga là cách mà Trump đang hành xử với các đồng minh NATO của mình.

Một vị tổng thống Mỹ khác như Obama hay Clinton nếu thăm NATO trước khi thăm Nga thì thường sẽ nhấn mạnh cam kết an ninh của Mỹ, thậm chí sẽ cố gắng thổi phồng mối đe dọa từ Nga để tăng cường tình đoàn kết trong khối.

Là người luôn giương cao ngọn cờ "America First" (nước Mỹ trước tiên), đối với Trump, điều quan trọng nhất không phải là đảm bảo an ninh của các đồng minh mà là yêu cầu những nước này phải chia sẻ gánh nặng quốc phòng nhiều hơn.

Những tín đồ của chủ nghĩa hiện thực trong quan hệ quốc tế đã lý giải một trong những nguyên nhân của việc Nga can thiệp vào Ukraine năm 2014 đó là vì NATO đã mở rộng đến sát biên giới của họ.

Về lâu dài việc NATO nâng cao chi tiêu quốc phòng có thể đặt ra thách thức an ninh lớn hơn đối với Nga, nhưng các nhà lãnh đạo ở điện Kremlin cũng hiểu rằng sẽ không dễ để Trump ép được tất cả các đồng minh NATO hoàn thành chỉ tiêu dành 2% GDP cho quốc phòng - điều mà tất cả các tổng thống Mỹ trước đây đều thất bại.

Hơn nữa, bản thân việc Trump giữ vững lập trường cứng rắn với các đồng minh trong ngắn hạn thậm chí sẽ là tín hiệu tốt đối với Nga bởi nhiều khả năng nó sẽ gây rạn nứt trong khối NATO thay vì khiến tất cả đoàn kết hơn.

Với khởi đầu thuận lợi như vậy, sẽ có dư địa để hai bên cùng bàn bạc và giải quyết các vấn đề nóng, đặc biệt là ở khu vực Đông Âu và Trung Đông.
Việc đạt được một thỏa thuận "ngầm" về vai trò của Ukraine ở Châu Âu sẽ giúp cho quan hệ Nga - Mỹ tan băng ít nhiều. Tuy nhiên đây không phải là điều dễ dàng bởi một thỏa thuận về Ukraine đủ làm Nga hài lòng gần như chắc chắn sẽ yêu cầu phía Mỹ phải dỡ bỏ bớt các lệnh trừng phạt kinh tế và thậm chí công nhận việc Nga sáp nhập bán đảo Crimea.

Sự song trùng lợi ích của đôi bên có phần lớn hơn ở Syria khi chính quyền Trump đã thể hiện rất rõ mong muốn rút quân khỏi Syria trong tương lai, đồng thời chấp nhận từ bỏ yêu cầu Assad phải "ra đi".

Không phải tự nhiên mà phía Nga phản ứng tương đối mềm mỏng sau khi Mỹ và các đồng minh tấn công Syria vào tháng 4 vừa qua. Một thỏa thuận cho phép cả hai rút quân khỏi Syria và giữ nguyên chế độ hiện nay do Assad đứng đầu có thể làm thoả mãn cả đôi bên.

Một điểm rất đáng lưu ý rằng: Ông Trump đang ở trong thời điểm rất nhạy cảm trong nhiệm kỳ tổng thống của mình.

Cuộc bầu cử giữa kỳ sẽ diễn ra vào tháng 11/2018, nếu phe Cộng Hòa đạt kết quả tốt thì sẽ tạo tiền đề cho nhiệm kỳ 2 của ông Trump. Ngược lại, nếu Đảng Cộng Hòa để mất hạ viện thì chính quyền Trump sẽ phần nào bị “trói tay” trong 2 năm nhiệm kỳ còn lại. Do đó, quyết định gặp Nga trong thời điểm này chẳng khác gì ông Trump tạo cớ cho phe chống đối ở trong nước.

Từ khi nhậm chức đến nay, dường như mọi bước đi chính sách của chính quyền Trump đều có mục đích đối nội, nhưng lần này, có lẽ ông Trump sẵn sàng làm khác.

Người lạc quan thì cho rằng ông Trump thực sự bắt đầu hiểu về lợi ích chiến lược hơn ưu tiên ngắn hạn. Còn kẻ nghi ngờ thì sẽ nói thực chất vị Tổng thống doanh nhân này chỉ đơn thuần tìm cách tiếp tục “ghi danh” sau thành công tương đối của cuộc gặp trước đó với Triều Tiên.

Thực tế, vị Tổng thống lần thứ 45 của Hoa Kỳ đã cho chúng ta thấy hết lần này đến lần khác là:


Trước đó chẳng ai dự đoán được rằng ông sẽ “cứng với đồng minh” như Canada, Mexico, Nhật Bản, Hàn Quốc cũng như NATO về kinh tế thương mại và chia sẻ gánh nặng quân sự. Cũng chẳng ai dự đoán được là ông sẽ “mềm” với đối thủ như trường hợp với Triều Tiên và Nga.

Một điều thú vị trớ trêu là: Nếu đem ra so sánh, có lẽ các cuộc gặp giữa Mỹ và các đối thủ truyền thống như Triều Tiên, Nga có tỷ lệ thành công cao hơn so với cuộc gặp các đồng minh với Mỹ như tại G7, NATO v.v...

Chuyến công du của ông Trump lần này tới Châu Âu là nhằm tham dự thượng đỉnh NATO và thăm Anh quốc, rồi mới đến Phần Lan gặp ông Putin. Nhưng dường như hai sự kiện trước đó đã và đang bị phủ bóng bởi Helsinki 16/7.

Bức ảnh chụp Tổng thống Trump và các lãnh đạo NATO. (Ảnh: Getty)

Cuộc gặp thượng đỉnh giữa ông Trump và ông Putin lần này vì thế không chỉ là câu chuyện của hai nước Mỹ - Nga. Họ gặp nhau có đạt kết quả gì hay không thì hạ hồi còn phân giải. Nhưng một điều chắc chắn là cả thế giới đang nhìn về phía họ.

Những con mắt lo ngại đó không chỉ đến từ phương Tây là các nước Châu Âu đồng minh của Mỹ, mà còn đến từ Trung Đông và ở xa Helsinki hơn là ở Châu Á, nơi có một cường quốc đang vươn lên thách thức vị trí số một vốn được Mỹ ngự trị từ sau Chiến tranh Thế giới thứ Hai đến nay.

Năm 1972, “Nixon goes to China” - là câu nói hàm ý rằng chỉ có một lãnh đạo “bất thường” và dám làm như Nixon có thể đến Trung Quốc để thay đổi toàn bộ bàn cờ đại chiến lược khi đó. 46 năm sau đó, dường như ông Trump có mong muốn “đến với nước Nga”, trở thành một người thay đổi thế giới như vậy.

Trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh, Mỹ và Liên Xô gặp nhau để quyết định sự thay đổi của thế giới. Lần này, tại Helsinki, cục diện thế giới với những biến chuyển mới chính là lực đẩy khiến hai cường quốc này tìm đến nhau. Liệu rằng lịch sử sẽ lặp lại, hay chí ít sẽ gieo vần?

* Tiêu đề bài viết do tòa soạn đặt lại.

2 nhận xét:

  1. Quan hệ của Nga và Mỹ từ bao lâu nay vẫn không mấy là tốt đẹp. TUy nhiên, vì những điều kiện kinh tế xã hội, vì vị thế và các đường lối chính sách đối ngoại, họ vẫn phải cùng nhau tham gia vào một cuộc hôn nhân vụ lợi khi mà cả hai bên dều vì lợi ích của mình. TUy vậy cuộc gặp cũng là tín hiệu mừng để hai nước cải thiện, bình thường hóa mối quan hệ để cùng nhau hợp tác phát triển.

    Trả lờiXóa
  2. Hoàng Hôn23:12 17/7/18

    Cuộc gặp nào rồi cũng có mục đích của nó, thế giới đa chiều, mọi thứ luôn có thể thay đổi nga bây giờ không dại gì mà đối đầu với mỹ một cách mù quáng nữa, chơi với một ông bạn như trung quốc mà chung thủy quá thì cũng không yên tâm một tí nào cả, nên khôn ngoan nhất vẫn là duy trì một thế cân bằng cần có trên thế giới

    Trả lờiXóa

Tìm kiếm mở rộng

Google TreLang

Tre Làng

Thông kê truy cập

Lưu trữ Blog