Chia sẻ

Tre Làng

Hanoi: LẤY Ý KIẾN CỦA NHÂN DÂN ĐỂ XÂY DỰNG ĐỀ ÁN THÍ ĐIỂM MÔ HÌNH CHÍNH QUYỀN ĐÔ THỊ.

Khoai@

Hôm 9/8/2018, Thành ủy Hà Nội tổ chức Hội thảo lấy ý kiến góp ý của các quận, huyện, thị xã vào dự thảo Đề án thí điểm mô hình chính quyền đô thị tại TP Hà Nội. Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng; Trưởng ban Tổ chức Thành ủy Vũ Đức Bảo; Phó Chủ tịch Thường trực HĐND TP Nguyễn Ngọc Tuấn chủ trì hội thảo.

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng cho biết, thực hiện Kết luận số 22-KL/TƯ ngày 7/11/2017 của Bộ Chính trị về sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TƯ về "Phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô giai đoạn 2011-2020", Bộ Chính trị đã đồng ý về chủ trương cho phép TP Hà Nội triển khai thí điểm mô hình chính quyền đô thị (CQĐT) ở khu vực cấp quận và tiếp tục củng cố chính quyền nông thôn theo quy định của pháp luật. 

Bà Ngô Thị Thanh Hằng nêu rõ: Thủ đô Hà Nội là trung tâm chính trị, hành chính, kinh tế, văn hóa của cả nước, giữ vị trí đặc biệt quan trọng, là nơi tập trung các cơ quan Trung ương của toàn bộ hệ thống chính trị. Đồng thời, cũng là TP lớn với mật độ dân số cao. Khu vực đô thị của TP với kết cấu hạ tầng kỹ thuật đã được xây dựng cơ bản đồng bộ, thống nhất và tương đối hoàn chỉnh, không phụ thuộc vào địa giới hành chính quận, phường. Khu vực nông thôn và đô thị cũng không còn bị cản trở bởi khoảng cách địa lý. Tại các huyện, xã đang diễn ra quá trình đô thị hóa nhanh chóng…Tuy nhiên, vẫn còn một số bất hợp lý về phân định quyền hạn nhiệm vụ, phương thức quản lý, bộ máy, phân cấp trên một số lĩnh vực chưa được phù hợp với từng đối tượng, đặc thù về quản lý đô thị và quá trình đô thị hóa đang diễn ra nhanh chóng. Việc triển khai mô hình chính quyền điện tử đang diễn ra mạnh mẽ, cuộc các mạng công nghiệp lần thứ 4 và hình thành các đô thị thông minh hiện nay đang tác động đến đội ngũ cán bộ công chức, viên chức cũng như các DN, tổ chức, người dân.

Từ căn cứ thực tiễn trên, việc triển khai Đề án thí điểm mô hình chính quyền đô thị là cần thiết và có ý nghĩa quan trọng trong việc nâng cao hiệu lực, hiệu quả của quản lý nhà nước của chính quyền, phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn tới của Thủ đô.

***

CHÍNH QUYỀN ĐÔ THỊ

Hiểu nôm na, CQĐT về bản chất là chính quyền địa phương, thực hiện chức năng quản lý nhà nước ở địa bàn đô thị.

Quản lý đô thị khác với quản lý nông thôn bởi, lãnh thổ đô thị là một thể thống nhất, liên hoàn, không thể chia cắt thành bộ phận riêng lẻ; quy mô dân số lớn, dân tập trung đông, cơ cấu đa dạng phức tạp (dân nhập cư, khách vãng lai); trình độ dân trí cao, nhu cầu đa dạng có tính chất khép kín, và tính tự quản cao; người dân sống phụ thuộc hoàn toàn vào thị trường. Ở đô thị, kinh tế có tính đa ngành, đa lĩnh vực, tập trung chủ yếu là các ngành phi nông nghiệp, có tốc độ tăng trưởng cao, tạo nguồn thu chủ yếu cho ngân sách Quốc gia; Cơ sở hạ tầng ở đô thị gồm cơ sở hạ tầng kỹ thuật và cơ sở hạ tầng xã hội có tính chất liên hoàn, phức tạp.

Trong khi đó ở nông thôn thì địa bàn bị chia cắt, đứt đoạn, không kiên tục, có sự chồng chéo về địa giới hành chính, nhất là địa giới kinh tế; quy mô dân số nhỏ, lẻ, không tập trung, phân bố không đồng đều; trình độ dân trí thấp, cơ cấu dân số đơn giản; người dân có lối sống mang đậm chất của phong tục, tập quán. Đặc biệt, người dân sống ít hoặc không phụ thuộc hoàn toàn vào thị trường, có thể tự cung, tự cấp. Kinh tế nông thôn tập trung chủ yếu là nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, lâm nghiệp. ngư nghiệp và cơ cấu kinh tế có tính chất đơn ngành. Cơ sở hạ tầng kỹ thuật và xã hội cũng khá đơn giản, chưa có sự liên hoàn và đồng bộ.

Với những khác biệt đó, đòi hỏi nội dung và hình thức tổ chức thực hiện quản lý nhà nước ở đô thị cũng phải có những đặc trưng khác với nông thôn.

Hiện tại có 3 phương án với 3 mô hình xây dựng chính quyền đô thị với những ưu điểm và hạn chế cần được thảo luận, lấy ý kiến của nhân dân trước khi đưa vào thí điểm.

Trong đó, phương án 1 và phương án 2 là xây dựng mô hình tổ chức một cấp chính quyền (thành phố), một cấp hành chính (quận) và một cơ quan hành chính đại diện (phường), riêng cơ quan hành chính nhà nước tại các đơn vị hành chính tổ chức theo thiết chế Thủ trưởng hành chính hoặc thiết chế ủy ban. Trong khi đó, phương án 3 là xây dựng mô hình tổ chức hai cấp chính quyền ở đô thị (thành phố và quận), một cơ quan hành chính đại diện (phường), cơ quan hành chính Nhà nước tại các đơn vị hành chính tổ chức theo thiết chế ủy ban.

Lãnh đạo TP Hà Nội cho biết, 3 phương án được thiết kế mới là những gợi mở ban đầu, thực tiễn còn rất nhiều việc cần đánh giá, nhất là đánh giá tác động của từng phương án khi thực hiện thí điểm. Thành phố sẽ nghiêm túc tiếp thu góp ý các đại biểu phục vụ việc hoàn thiện nội dung các chuyên đề và Đề án thí điểm chính quyền đô thị trong thời gian tới.

Xây dựng chính quyền đô thị Hà Nội theo hướng đô thị thông minh đang được thành phố Hà Nội xây dựng lộ trình và quyết tâm thực hiện. Đây cũng là mong mỏi của đông đảo người dân Thủ đô để hướng tới một môi trường sống lý tưởng. Để xây dựng một thành phố thông minh đáp ứng được những nhu cầu ngày càng cao của xã hội cần nhiều điều kiện, trong đó không thể thiếu sự ủng hộ và tích cực tham gia của mọi công dân.

1 nhận xét:

  1. Hoàng Hôn22:06 11/8/18

    Hà nọi lại sắp có một cơ hội để thử sức với phương án mới rồi, mong rằng sự thay đổi này có thể làm cho bộ mặt của thủ đo được khởi sắc hơn bao giờ hết, chúng ta luôn kỳ vọng vào mọt bước đi của chính quyền dù là đầu tiên dù là còn nhiều khó khăn nhưng tin rằng, đồng lòng sẽ giúp cho chúng ta có được kết quả tốt nhất

    Trả lờiXóa

Tìm kiếm mở rộng

Google TreLang

Tre Làng

Thông kê truy cập

Lưu trữ Blog